(CMO) Những tháng đầu năm 2019, thị trường bồn bồn ở Cà Mau trở nên sôi động. Theo tính toán, hiện toàn tỉnh có hơn 100 ha trồng nguyên liệu, tập trung chủ yếu ở huyện Cái Nước và rải đều ở hầu khắp các địa bàn như Trần Văn Thời, Đầm Dơi, Phú Tân… Dù từng bước mở rộng diện tích, song nguồn cung hiện không đáp ứng đủ nhu cầu.
Tuy nhiên, ngoài bồn bồn Cái Nước đã xây dựng được thương hiệu riêng, đa số nông hộ sản xuất mặt hàng này ở các địa phương còn lại đều làm ăn theo kiểu manh mún, riêng lẻ, chưa có đầu ra ổn định. Có thể thấy, để đưa cây bồn bồn thành mặt hàng có tính cạnh tranh, nếu không nói có đầy đủ điều kiện để trở thành một trong những mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh nhà còn cả chặng đường dài…
Tiếng lành vang xa
Anh Phạm Chí Nguyện, quản lý khu ẩm thực sinh thái tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, qua những bài viết về cây bồn bồn trên báo Cà Mau đã không quản ngại đường sá xa xôi tìm về Cà Mau với mong mỏi tìm hiểu thêm về đặc sản bồn bồn. Anh Nguyện chia sẻ: “Mình là người gốc Đầm Dơi, Cà Mau nên cũng biết chút chút về cây bồn bồn. Phải nói rằng bồn bồn Cà Mau rất hút khách, nhiều người hỏi mà mình chưa đáp ứng được”. Chuyến về quê hương lần này, anh Nguyện ấp ủ dự định sẽ kết nối với bà con vùng nguyên liệu, trở thành đầu mối tiêu thụ sản phẩm bồn bồn, xa hơn là nhân rộng mô hình bồn bồn - cá nước ngọt trên mảnh đất hơn 10 ha tại Đồng Nai.
Trong câu chuyện với nhau, ngoài những điều tự hào về sản vật của quê hương, xứ sở, anh Nguyện cũng còn những băn khoăn (mà cái băn khoăn của anh rất đúng, rất trúng nỗi niềm của nhiều người): “Cà Mau mình nhiều đặc sản đủ sức cạnh tranh trong nước, nếu không nói là vang xa tiếng thơm ra cả nước ngoài, nhưng cũng nhiều điều bất cập”. Anh nói, như con cua Cà Mau, chất lượng khỏi bàn, nhưng nhìn cọng dây trói, ai cũng ngán ngại. Chưa kể nhiều nơi lợi dụng thương hiệu cua Cà Mau rồi buôn gian, bán lận. Riết rồi người tiêu dùng xét nét, cảnh giác và cũng chưa mặn mà lắm với việc bỏ tiền để mua.
Bồn bồn là nông sản sạch, hương vị độc đáo, phù hợp với thổ nhưỡng Cà Mau. |
Với đặc sản bồn bồn, anh Nguyện khẳng định: “Đây là loại nông sản sạch, hương vị độc đáo, phù hợp với thổ nhưỡng, điều kiện của Cà Mau. Mình cũng biết bồn bồn Cái Nước đã có thương hiệu riêng, nhưng như vậy là chưa đủ”. Anh Nguyện tin, tiềm năng của loại sản vật này là rất lớn, nếu xây dựng được các điều kiện như đầu vô, đầu ra, thương hiệu thì đây là hướng đi rất khả quan cho bà con nông dân tỉnh nhà.
Đối chiếu với thị trường bồn bồn hiện tại, lời tâm sự của anh Nguyện chí tình, chí lý. Từ khi Cà Mau có địa phương Cái Nước được công nhận nhãn hiệu tập thể (năm 2016) đến nay, sản lượng bồn bồn tiêu thụ ra thị trường tăng lên rõ rệt, phát huy giá trị hàng hoá. Nông hộ ở nhiều nơi còn tận dụng mặt nước trồng cây bồn bồn để kết hợp nuôi tôm càng xanh, cá đồng và nhiều loài cá nước ngọt khác để nâng cao thu nhập. Đây là mô hình bền vững, các mặt hàng nông sản đều có giá trị thu nhập, thị trường có nhu cầu thực sự.
Trăn trở hướng đi lâu dài
Về thăm lại mô hình trồng bồn bồn tại xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời, ngoài những cánh đồng bồn bồn được nhân rộng còn là nỗi lo của người nông dân. Chủ tịch Hội Nông dân xã Phù Văn Tâm bộc bạch: “Cái bà con lo bây giờ không đơn thuần chỉ là chuyện giá cả, mà còn là hướng đi lâu dài của mặt hàng này”. Từ một vài hộ trồng nhỏ lẻ, Phong Lạc hiện nay đã hình thành được tổ hợp tác sản xuất cây bồn bồn kết hợp nuôi cá đồng mang tên Thắng Lợi. Với diện tích hơn 6 ha của 7 hộ tham gia, bồn bồn hiện đang là loại nông sản chiếm trọn lòng tin của bà con.
Theo Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Tân Bằng, xã Phong Lạc Nguyễn Văn Hùng, điều lo lắng của bà con là sợ trồng bồn bồn nhiều mà không có đầu ra ổn định thì rơi vào cảnh được mùa mất giá. Vào thời điểm hiện tại, bồn bồn tươi bán sỉ giá khoảng 22 ngàn đồng/kg, tính bình quân thu nhập hàng năm của 1 ha cũng trên 120 triệu đồng, một con số không hề nhỏ. Nhưng ông Hùng chia sẻ: “Đó là giá tháng hạn thôi, mùa mưa chỉ còn khoảng 16 ngàn đồng/kg”. Vì vậy, Tổ hợp tác Thắng Lợi dù thành lập từ năm 2017 vẫn chỉ hoạt động cầm chừng, một số hội viên vì sợ rủi ro không chăm sóc ruộng bồn bồn dẫn đến năng suất thấp.
Gia đình ông Đỗ Văn Út, hội viên Tổ hợp tác Thắng Lợi thu hoạch bồn bồn mỗi ngày trên dưới 50 kg với giá bán 22 ngàn đồng/kg; Tuy nhiên, ông Út vẫn lo lắng về đầu ra lâu dài của mặt hàng này. |
Tổ trưởng tổ sản xuất Thắng Lợi Nguyễn Văn Ngoan cũng băn khoăn: “Bồn bồn của mình còn chưa có thương hiệu như bên Cái Nước, chỉ có thể bỏ mối cho các chợ và các gia đình có nhu cầu sử dụng, chớ đâu làm ăn lớn được như người ta”. Chính anh Đào Văn Sinh, hộ tiên phong trồng bồn bồn ở Phong Lạc, ngần ngại: “Nhiều người quen biết đặt vấn đề cung cấp nguồn nguyên liệu bồn bồn lớn để bán ở các thị trường ngoài tỉnh, siêu thị nhưng mình không dám nhận”. Như lời anh Sinh thì “lỡ mình nhận mà không cung ứng đủ thì làm sao, bà con mình giờ còn tâm trạng tiến thoái lưỡng nan dữ lắm”.
Nhiều nông hộ trồng bồn bồn ở Đầm Dơi, Phú Tân và cả tại Cái Nước cũng chấp nhận tư duy “ăn chắc mặc bền”. Bởi có một nỗi sợ mơ hồ là khi “chơi lớn” với cây bồn bồn thì đầu ra sẽ gặp khó. Thế nên, cây bồn bồn Cà Mau dù có nhiều tiềm năng, đến nay cả về quy mô diện tích và chuỗi giá trị vẫn dừng lại ở mức nhỏ lẻ.
Thấy rõ cơ hội nâng cao thu nhập chính đáng cho người dân, trong đó có nông hộ trồng cây bồn bồn, tại buổi làm việc với HTX trồng bồn bồn Cái Bát và Đông Hưng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử có ý kiến chỉ đạo Sở NN&PTNT tỉnh: Phải cụ thể hoá ngay chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh bằng dự án mở rộng vùng trồng bồn bồn phù hợp với nhu cầu thị trường. Hoàn thiện quy trình, kỹ thuật trồng cây bồn bồn chuyên canh, xen canh nhưng theo hướng hữu cơ. Trong việc trồng và tiêu thụ phải đi theo chuỗi và nghiên cứu sử dụng phụ phẩm cây bồn bồn nhằm nâng cao giá trị loài cây này.
Bồn bồn - một sản vật độc đáo, nức tiếng xa gần của Cà Mau, không có lý do gì ngần ngại để tính toán tìm kiếm vị trí tương xứng, nếu không nói là đột phá để giúp nông dân làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương./.
Phạm Quốc Rin