ĐT: (0290) 383 1066 - 383 3905
Thứ ba, 3-10-23 18:23:06

Bồn bồn mùa nắng hạn

Báo Cà Mau (CMO) Hiện nay, Cà Mau đang bước vào cao điểm mùa khô. Nắng hạn gay gắt đã khiến cho nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng, giảm năng suất, chất lượng, thu nhập của nông dân cũng sụt giảm. Tuy nhiên, tại xã Khánh An, huyện U Minh, mô hình trồng bồn bồn vẫn đang phát triển tốt, cho năng suất cao, mang về nguồn thu nhập ổn định cho người dân.

Gia đình bà Lê Thị Chung ở Ấp 1, xã Khánh An là một trong những hộ tiên phong thực hiện mô hình trồng bồn bồn hơn 6 năm nay. Với diện tích 3 ha, mỗi tháng bà Chung thu hoạch từ 3,5-4 tấn bồn bồn, bán cho thương lái với giá từ 22.000-25.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, bà Chung còn thu nhập hơn 50 triệu đồng. Ghé hỏi chuyện lúc những người đàn ông chạy xuồng đi nhổ bồn bồn vừa cập bến, phụ nữ trên bờ thì tay thoăn thoắt cắt, lột bồn bồn để kịp giao cho mối hơn trăm rưỡi ký, bà Chung cho hay: “Trồng bồn bồn không năm nào thất, mà lại có bán quanh năm. Số lượng nhiều giao cho lái, rồi giao cho đám tiệc không kịp nhổ. Mùa nắng này bồn bồn rất hút hàng. Do những khu vực trồng bồn bồn ở vùng nước lợ, cung không đủ cầu, nên thương lái tập trung về đây đặt hàng”. Trong lúc trò chuyện vẫn nghe văng vẳng tiếng máy bơm nước xình xịch đang chạy. Bà Chung giải thích: “Mùa hạn năm nào cũng phải bơm nước vào ruộng bồn bồn. Nhưng năm nay tiền dầu gấp 3-4 lần năm trước. Cứ cách 2-3 ngày phải bơm một ngày, phải giữ cho mực nước từ 5 tấc trở lên thì củ hủ bồn bồn mới lớn được”.

Bồn bồn là loại thực vật sống ở vùng ngập nước, phát triển rất tốt trên vùng đất U Minh.

Anh Bùi Văn Màu là hộ đầu tiên trồng bồn bồn tại Ấp 14, xã Khánh An mang lại hiệu quả cao. Với diện tích 1,2 ha, trung bình mỗi tháng anh Màu thu hoạch từ 2,5-3 tấn bồn bồn tươi. Anh Màu chia sẻ: “Cây bồn bồn dễ trồng, phù hợp với vùng đất U Minh ngập nước. Tuy nhiên, trước khi chuẩn bị trồng bồn bồn phải chắn tấm cao su quanh mé bờ đất để nước không thấm, rỉ ra ngoài. Hiện nay đang vào cao điểm mùa khô, vì vậy phải tăng cường bơm nước dưới kênh lên, đảm bảo mực nước để bồn bồn phát triển. Nhờ vậy mà trong những tháng mùa khô này, tôi và bà con ở đây vẫn có bồn bồn để bán, thu nhập không dưới 40 triệu đồng/tháng”.

Ông Đặng Thành Công, Phó trưởng Ấp 14, xã Khánh An, huyện U Minh, tiếp lời: “Do đặc trưng về điều kiện tự nhiên là vùng ngập nước nên bồn bồn mùa khô này đạt năng suất, chất lượng và giá cả cao hơn mùa mưa. Để mô hình trồng bồn bồn đạt hiệu quả, bà con nên chọn giống bồn bồn lá nhỏ (bồn bồn lá xanh) thay vì giống bồn bồn lá lớn (bồn bồn lá trắng) như trước đây. Vì giống này chịu được phèn cao hơn, rễ bám sâu trong đất hơn, củ hủ chắc và ngọt hơn. Bên cạnh đó, phải tốn khoảng 10 triệu đồng/ha để mua cao su chắn quanh mé bờ và đảm bảo mùa khô phải bơm nước vào ruộng, mùa mưa thì bơm nước ra kênh để giữ cho mực nước từ 0,5-1 m, bổ sung thêm phân bón thì bồn bồn mới phát triển tốt nhất”.

1 công bồn bồn bằng 5 công ruộng. Từ khi thấy hiệu quả kinh tế của mô hình này, nhiều hộ chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng bồn bồn. Đầu năm 2019, Tổ hợp tác trồng bồn bồn Ấp 14 được thành lập để tổ viên được tiếp cận vốn đầu tư và kỹ thuật trồng bồn bồn.

Bồn bồn không chỉ là cây trồng thế mạnh đặc trưng của xã Khánh An mà còn tăng thêm thu nhập cho lao động ở địa phương.

Ông Tăng Văn Thắng, Tổ phó Tổ hợp tác trồng bồn bồn Ấp 14, cho biết: “Những hộ tham gia vào tổ hợp tác so sánh rằng, 1 ha trồng bồn bồn mang lại hiệu quả kinh tế gấp 5 lần trồng lúa và chuối. Chỉ cần tốn công xuống giống bồn bồn một lần, sau 3-4 tháng có thể thu hoạch. Mỗi đợt thu hoạch bồn bồn kéo dài từ 5-10 ngày/tháng, sau đó ngưng nhổ từ 15-20 ngày để bồn bồn tiếp tục phát triển là có thể thu hoạch trong tháng tiếp theo. Năng suất trung bình từ 1,5-2 tấn/ha. Hiện nay, bồn bồn tươi được bán với giá từ 19.000-22.000 đồng/kg. Không chỉ phát triển kinh tế hộ gia đình, trồng bồn bồn còn tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi ở địa phương. Trung bình mỗi người nhổ bồn bồn có thể nhận được 200.000 đồng/ngày, người lột và cắt bồn bồn có thu nhập từ 80.000-120.000 đồng/ngày”.

Xã Khánh An có diện tích trồng bồn bồn hơn 37 ha, năng suất trung bình từ 1,2-1,5 tấn/ha.

Thời điểm hiện nay, đầu ra bồn bồn vẫn ổn định, nhờ điều kiện tự nhiên nước ngọt quanh năm nên dù đang trong thời điểm mùa khô, chất lượng bồn bồn vẫn ngon, ngọt, được người tiêu dùng ưa chuộng. Xác định bồn bồn là sản phẩm thế mạnh đặc trưng của xã Khánh An theo chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020, vì vậy, trong thời gian tới xã sẽ tạo điều kiện cho người dân yên tâm duy trì và phát triển sản phẩm cây bồn bồn, nhằm ổn định kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là tạo thương hiệu các sản phẩm đặc trưng tại địa phương./.

Mơ Mơ

Thí điểm sạ lúa cụm bằng máy

Vừa qua, UBND huyện Thới Bình phối hợp với Công ty TNHH TM DV Sài Gòn - Kim Hồng tổ chức trình diễn thí điểm máy sạ lúa cụm trên đồng đất lúa - tôm tại xã Tân Phú.

Nuôi cua trong hộp nhựa

Ðể nâng cao chất lượng cua tươi sống đến tay người tiêu dùng, anh Lê Hữu Nhiệm (ấp Lung Ðước, xã Tam Giang, huyện Năm Căn) đang thí điểm mô hình nuôi cua thương phẩm (vỗ béo) trong hộp nhựa, bước đầu cho kết quả khả quan.

Nông nghiệp Cà Mau - Phát huy lợi thế, tạo sự khác biệt

Hệ sinh thái mặn - ngọt - lợ đan xen đã tạo nên bức tranh nông nghiệp Cà Mau đa dạng sắc màu và vô cùng độc đáo. Trong đó, tôm sinh thái dưới tán rừng ngập mặn; tôm sạch, lúa hữu cơ... là những điểm chấm phá tiêu biểu.

Nuôi cua 2 giai đoạn - Hiệu quả, cải thiện môi trường

Cà Mau có diện tích nuôi cua lớn nhất, nhì đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL). Hình thức nuôi chủ yếu hiện nay là kết hợp với nuôi tôm sú, trên diện tích khoảng 248.000 ha; nuôi thâm canh, bán thâm canh khoảng 2.000 ha.

Tạo môi trường nuôi tôm bền vững

Những năm trước đây, giá lúa trên thị trường khá thấp, giá vật tư nông nghiệp thì luôn ở mức cao, nhưng bà con nông dân huyện Cái Nước vẫn duy trì sản xuất lúa trên đất nuôi tôm để cải thiện môi trường, tạo nguồn thức ăn tự nhiên giúp tôm nuôi phát triển. Năm nay, giá lúa tăng mạnh, tạo thêm động lực cho bà con nông dân sản xuất vụ lúa - tôm.

Vẫn còn tình trạng tàu cá mất kết nối

Tính đến ngày 17/8, tỉnh Cà Mau có 1.496/1.496 tàu cá đang hoạt động đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS), đạt 100%.

Giải pháp để nông nghiệp Cà Mau đột phá

Sau gần 8 năm thực hiện Ðề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp (Ðề án), nhiều chuyển biến từ cách thức tổ chức cho đến năng suất, chất lượng, mẫu mã sản phẩm... được nhìn nhận. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn, hạn chế mà tỉnh cần tiếp tục khắc phục để tạo đột phá, tiến tới mục tiêu nông nghiệp hiện đại, bền vững.

Quyết liệt, trách nhiệm chống khai thác IUU

(CMO) Những năm qua, cùng với nỗ lực chung của quốc gia trong thực hiện nhiệm vụ gỡ “thẻ vàng” của Uỷ ban Châu Âu (EC) cảnh báo đối với thuỷ sản Việt Nam, tỉnh Cà Mau đã quyết liệt, đồng bộ các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Nâng tầm kinh tế lâm nghiệp từ nguồn giống chất lượng

(CMO) "Năng suất, chất lượng rừng trồng phụ thuộc rất lớn vào chất lượng cây giống. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng nguồn giống có chất lượng phục vụ trồng rừng, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất giống... trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế", ông Trần Văn Thức, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nêu thực trạng.

Khắc phục tồn đọng tại các cảng cá, bến cá

(CMO) Thời gian gần đây, tại các cửa biển, khu vực trước cảng cá đang cạn dần và nhu cầu nạo vét trở nên cấp thiết. Thế nhưng, các đơn vị này đang gặp khó về nguồn tích luỹ để thực hiện duy tu, sửa chữa và mời gọi đầu tư.