(CMO) Để giảm nghèo bền vững, 5 năm qua, cùng với xã hội hoá công tác giảm nghèo, Ban Dân vận Huyện uỷ, Uỷ ban MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn huyện U Minh đã xây dựng và triển khai sâu rộng các mô hình dân vận khéo trong lĩnh vực phát triển kinh tế.
Từ “Những cần câu cơm”
Không đất sản xuất, 4 người trong gia đình ông Nguyễn Văn Xuyên, Ấp 17, xã Khánh An, huyện U Minh sống bằng nghề làm thuê ngoài tỉnh. Mãi đến năm 2009, khi điều kiện kinh tế quá khó khăn, gia đình ông Xuyên phải về Ấp 17 để tá túc trên phần đất gia đình bên vợ. Sống trong căn nhà cất tạm, vợ chồng ông Xuyên vẫn với nghề cũ là làm thuê, nên mấy năm liền vẫn là hộ nghèo ở địa phương.
Năm 2019, gia đình ông được hỗ trợ 50 triệu đồng xây dựng nhà và với tinh thần chí thú làm ăn, ông Xuyên còn được hỗ trợ vay vốn 50 triệu đồng để mua ghe 2,5 tấn dùng để chở cát, đá theo các công trình xây dựng.
Ngoài được hỗ trợ căn nhà, gia đình ông Nguyễn Văn Xuyên, ấp 17, xã Khánh An còn được vay vốn 50 triệu đồng mua sắm phương tiện để phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Tiên (vợ ông Xuyên) chia sẻ: "Nếu không được sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền chắc cuộc sống gia đình tôi không thể có ngày hôm nay. Có nhà ở ổn định, được vay vốn mua phương tiện làm ăn nên chồng tôi làm đơn xin thoát nghèo”.
Đôi chân đi lại khó khăn do di chứng của chiến tranh, nhưng ông Phạm Văn Tiến, thương binh 3/4, Ấp 11, xã Khánh Thuận, huyện U Minh vẫn hăng say lao động để đời sống ngày càng phát triển. Trước năm 2018, do không đất sản xuất nên gia đình ông phải ở đậu và cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Khi gia đình bên vợ cho 3 công đất trồng tràm, được hỗ trợ 50 triệu đồng xây dựng căn nhà tình nghĩa, ông làm đơn xin thoát nghèo.
Ông Tiến chia sẻ: "Có nhà ở ổn định, được cho đất nên tôi cải tạo trồng rau màu, rồi chính quyền địa phương còn hỗ trợ cho tôi vay 40 triệu đồng để chăn nuôi cá, gà, vịt… Với sự hỗ trợ như vậy, vợ chồng tôi phải quyết tâm làm kinh tế để cuộc sống ngày càng ổn định. Mình đã có điều kiện thoát nghèo nên xin ra khỏi danh sách để địa phương còn hỗ trợ những hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn hơn".
Ông Phạm Văn Tiến, thương binh 3/4, Ấp 11, xã Khánh Thuận cải tạo đất trồng rau màu, tăng thu nhập. |
Ông Nguyễn Chí Tâm, Trưởng ấp 11, xã Khánh Thuận, huyện U Minh, thông tin: "Từ sự chung tay hỗ trợ của các cấp, các ngành về vốn, con giống, nhà ở… giúp hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện thoát nghèo bền vững. Chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tăng gia sản xuất để cuộc sống ngày càng phát triển và chung tay cùng địa phương thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững.
Chung sức vì người nghèo
Thực hiện Kế hoạch 09-KH/BDVTU, ngày 26/2/2016 của Ban Dân vận Tỉnh uỷ Cà Mau về công tác dân vận tham gia xây dựng NTM, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững, cuối năm 2015, huyện U Minh có 5.394 hộ nghèo, chiếm 21,37%; 1.157 hộ cận nghèo, chiếm 4,58%, thì đến năm 2020, toàn huyện giảm 4.756 hộ nghèo, chiếm 18,84%; giảm 650 hộ cận nghèo, chiếm 2,63%, bình quân mỗi năm giảm 4,3% hộ nghèo, cận nghèo.
Ông Phạm Văn Biểu, Phó trưởng ban Dân vận huyện U Minh, chia sẻ, xây dựng NTM, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Những năm qua, công tác dân vận luôn được các cấp uỷ, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn huyện đổi mới, sáng tạo, linh hoạt bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong vận động Nhân dân tham gia. Bên cạnh việc phân công cán bộ, đảng viên nhận hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo, huyện U Minh còn ban hành quyết định phân công các cơ quan, ban, ngành, MTTQ, các đoàn thể phụ trách các ấp có tỷ lệ hộ nghèo cao. Qua truyền thông cộng với phương thức cầm tay chỉ việc đã giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo thay đổi tư duy, nỗ lực lao động, vượt khó thoát nghèo bền vững.
Mô hình chăn nuôi, trồng màu dưới tán rừng giúp nhiều hộ nghèo trên địa bàn xã Nguyễn Phích, huyện U Minh có điều kiện phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo.
Giai đoạn 2020-2025, huyện U Minh tiếp tục được Ban Dân vận Tỉnh uỷ chọn làm điểm chỉ đạo thực hiện Kế hoạch 09-KH/BDVTU, ngày 26/2/2016 của Ban Dân vận Tỉnh uỷ về công tác dân vận tham gia xây dựng NTM, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững. Trong đó, Ban Dân vận Huyện uỷ phối hợp cùng MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân phát huy nội lực, hợp tác giúp nhau trong sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình. Mô hình "Dân vận khéo" trong phát triển kinh tế tiếp tục được phát huy, cùng với việc phân công các ngành, đoàn thể nhận hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... Phấn đấu năm 2022 trên địa bàn huyện U Minh giảm 391 hộ nghèo trở lên, chiếm 1,5% và 79 hộ cận nghèo trở lên, chiếm 0,3%.
Kết quả trên đã khẳng định, công tác dân vận thời gian qua đã và đang góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt là tăng cường khối đại đoàn kết và củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong thực hiện mục tiêu xây dựng NTM, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững. Đồng thời, nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy, thay đổi nếp nghĩ, cách làm của chính người dân.
Từ năm 2015-2020, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã hỗ trợ huyện U Minh xây mới, sửa chữa 1.406 căn nhà đại đoàn kết, nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định 167, Quyết định 33 của Thủ tướng Chính phủ; hỗ trợ 1.318 giếng nước, 333 cầu bê-tông, 1.673 bồn chứa nước, 10 hệ thống lọc nước, trên 19.200 trẻ em nghèo... với tổng số tiền trên 70 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hỗ trợ 33 hộ mua đất ở và vay vốn chuộc đất sản xuất trên 1 tỷ đồng, giải ngân trên 2 tỷ đồng hỗ trợ 5.093 hộ nghèo theo Quyết định 102/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Thanh Phương - Hoàng Vũ
BÀI CUỐI: CHẶNG ĐƯỜNG MỚI