(CMO) Tính toán để vùng ĐBSCL chia thành 3 vùng sinh thái có từ thời điểm diễn ra hội nghị đánh giá kết quả 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu do Chính phủ tổ chức tại TP Hồ Chí Minh vào tháng 6/2019. Tại buổi làm việc của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ vừa qua với các tỉnh ĐBSCL, câu chuyện này một lần nữa được nhấn mạnh với ý nghĩa chiến lược để vùng đất này thích nghi, thích ứng và cất cánh.
Theo đó, phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững theo 3 vùng dựa trên biến động về nguồn nước, tính thích nghi về đất đai và nhu cầu của thị trường gồm vùng thượng, vùng giữa và vùng ven. Trong đó, vùng thượng phát triển nông nghiệp đa dạng có tính đến thích ứng với cực đoan và vùng trọng điểm sản xuất lúa, cá tra, điều tiết lũ. Vùng giữa phát triển lúa gạo tập trung, nông nghiệp miệt vườn, hình thành trung tâm trái cây của cả nước kết hợp nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt, rau màu, cây công nghiệp, đồng thời đóng vai trò điều tiết nước cho vùng ven.
Trong khi đó, vùng ven biển phát triển nông nghiệp dựa vào nước mặn và lợ, phát huy lợi thế thuỷ sản kết hợp sản xuất lúa gạo đặc sản, cây trồng sử dụng ít nước và chịu mặn, phát triển hệ thống rừng tận dụng nông lâm theo hướng sinh thái hữu cơ kết hợp với du lịch.
Bán đảo Cà Mau thuộc hệ sinh thái vùng ven. Đã có thời kỳ, người ta mong muốn toàn bán đảo sẽ hoà điệu với đồng bằng để ngọt hoá, bất chấp nước sông Mê Kông chưa từng về tới vùng Minh Hải (nay là Cà Mau và Bạc Liêu). Rồi khoảng cuối năm 1999 đầu năm 2000, khi người dân tự phát bửa đập ngăn mặn, xoá lúa, đưa con tôm vào đồng đất, Cà Mau mới thực sự bắt đầu có cuộc chuyển dịch, mà nói theo ngôn ngữ khoa học ngày nay là thích nghi, thích ứng và phù hợp với điều kiện thực tế.
Vùng ngọt hoá của Cà Mau gom lại chỉ còn một phần thuộc huyện U Minh và Trần Văn Thời. Thế mạnh hiện tại của Cà Mau trong 20 năm qua vốn dĩ đã là thứ tự: Ngư, nông, lâm nghiệp, tức là ngành hàng thuỷ hải sản đã vươn lên vị trí chủ lực trong chiến lược phát triển. Và cũng đã lâu lắm rồi, người ta không còn nhắc đến khát vọng ngọt hoá bán đảo Cà Mau.
Khi đồng bằng chia 3, người ta thấy Cà Mau quả thật còn đầy thách thức nếu đi đúng theo định hướng, gợi ý về quy hoạch của các vùng.
Tiềm năng, diện tích, sản lượng, giá trị kim ngạch xuất khẩu thuỷ hải sản, Cà Mau là một trong những đầu tàu của cả nước. Nhưng để hỏi, người dân Cà Mau đã làm giàu được với ngành hàng này chưa, quả thật rất khó trả lời. Còn đó những vùng quê nuôi tôm quảng canh truyền thống, cầm mấy chục công vuông chỉ với mong ước đủ ăn, đủ sống qua ngày.
Biết bao người ấp ủ ước mơ đổi đời từ những hầm tôm công nghiệp, vậy rồi “sổ đỏ, sổ hồng” theo chân nhau vào ngân hàng, nợ nần chồng chất, có khi phải bỏ xứ để mưu sinh, trốn nợ. Còn đó những chiếc ghe, chiếc xuồng mong manh bất chấp nguy hiểm bám vùng ven biển khai thác theo kiểu tận diệt. Để rồi khi có người quả quyết thủ phủ con tôm là ở Cà Mau, người ta vội nghi ngờ và đưa ra một đáp án khác (!).
Hiệu quả từ nuôi tôm công nghiệp đã nhanh chóng đưa ngành hàng này thành ngành kinh tế chủ lực ở Cà Mau. Ảnh: Hồng Nhung |
Ở vùng ngọt hiếm hoi còn lại, nông dân Cà Mau bấp bênh với điệp khúc được mùa, mất giá. Nông sản làm ra nào hoa màu, nào lúa gạo, cứ trồi sụt và người nông dân cứ thắc thỏm mãi chuyện so sánh: Một ký tôm sú bằng mấy giạ lúa. Khi được tính toán hỗ trợ để đổi mới cây trồng, vật nuôi, nông dân tràn đầy hy vọng.
Nhưng rồi sau đó, khi tất cả đổ xô theo nhau cùng nuôi, cùng trồng “cây trồng, vật nuôi mới”, hoá ra lại dồn hàng, dội chợ, giá rớt thê thảm. Nghi ngờ và bế tắc, nông dân lại tìm về với những cây trồng, vật nuôi cũ. Cứ thế, thành một vòng luẩn quẩn không lối thoát.
Nông sản Cà Mau cứ bán mãi chợ quê, bến cóc. Nông sản Cà Mau chưa thể ở trên những kệ hàng sáng trưng ánh đèn, mát rượi hơi điều hoà, có dán tem, ghi giá đặt ở những siêu thị sang trọng trong nước hay ngoài nước. Nông sản Cà Mau như phận con gái quê lỡ thì, tính toán kiểu gì cũng… khó.
Còn du lịch Cà Mau, tiềm năng lớn, cơ hội lớn, báo cáo tăng trưởng hàng năm đều khởi sắc. Thế nhưng, để hỏi tỉnh nhà, hay cụ thể hơn là người dân đã làm giàu, đã nhờ cậy được từ du lịch chưa cũng rất khó trả lời hoặc dù biết rõ câu trả lời nhưng mọi người cứ né tránh.
Hạ tầng về du lịch, sản phẩm du lịch, nguồn nhân lực làm du lịch, hoạch định du lịch… tất cả các thứ dường như chỉ mới bắt đầu ở xứ sở này. Trên khắp đất nước này, có mấy không gian thiêng liêng như Mũi Cà Mau. Mảnh đất Cà Mau còn có ngót 50 di tích văn hoá - lịch sử được công nhận cấp tỉnh và quốc gia. Xứ sở này đầy ắp sản vật, văn hoá độc đáo, lòng người thơm thảo. Vậy nhưng, mọi thứ chỉ được gợi nhớ mơ hồ trong một câu đánh giá: “Thực tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng”.
Đồng bằng chia 3. “Em út” Cà Mau đã thành dáng, ra hình, nhưng để khoác lên chiếc “áo mới” như lời bài hát của Nhạc sĩ Thanh Sơn, còn lắm nỗi niềm trăn trở. Dù sao, người Cà Mau cũng còn có điều để an ủi, bởi một lẽ đơn giản “Về Cà Mau là thấy thương… rồi”./.
Phạm Nguyên