Những năm đầu của thế kỷ XXI, tôi đến Cà Mau không phải đi tham quan hay du lịch như bao lần khác mà là ở lại Cà Mau vai kề vai cùng với Ðảng bộ, chính quyền và Nhân dân Cà Mau thúc đẩy sự nghiệp đổi mới. Ðêm mông lung, nằm nghe giọng hát ngọt ngào trên Ðài Phát thanh - Truyền hình Cà Mau “Nghe nói Cà Mau xa lắm...”, tôi rất đồng cảm với tác giả bài hát khi mới đến Cà Mau, đã dành những tình cảm dạt dào cho vùng đất và con người nơi đây.
Những năm đầu của thế kỷ XXI, tôi đến Cà Mau không phải đi tham quan hay du lịch như bao lần khác mà là ở lại Cà Mau vai kề vai cùng với Ðảng bộ, chính quyền và Nhân dân Cà Mau thúc đẩy sự nghiệp đổi mới. Ðêm mông lung, nằm nghe giọng hát ngọt ngào trên Ðài Phát thanh - Truyền hình Cà Mau “Nghe nói Cà Mau xa lắm...”, tôi rất đồng cảm với tác giả bài hát khi mới đến Cà Mau, đã dành những tình cảm dạt dào cho vùng đất và con người nơi đây.
Thật vậy, ngược dòng lịch sử thì Cà Mau thực sự là một trong những vùng đất xa nhất nước, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Xa về chiều dài địa lý, hạ tầng kinh tế - xã hội thấp kém, xa sự lãnh đạo của Trung ương Ðảng và của Bác Hồ. Nhưng Cà Mau là vùng đất nổi tiếng cả nước về truyền thống anh hùng, bất khuất, đoàn kết chống giặc ngoại xâm. Ðặc biệt, trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Cà Mau là căn cứ địa cách mạng của Khu uỷ Khu 9 và Xứ uỷ Nam Bộ.
Một góc TP Cà Mau hôm nay. Ảnh: DUY KHẢI |
Ðầu thế kỷ XXI, khi tôi đến Cà Mau công tác, cái khó nhất là giao thông bộ trắc trở. Từ Cà Mau về TP Hồ Chí Minh duy nhất chỉ có đường Quốc lộ 1, đường xấu, đi ô-tô phải mất cả ngày. Từ TP Cà Mau đi các huyện chủ yếu bằng đường thuỷ, trên 50 xã chưa có đường ô-tô về đến trung tâm. Nhân dân còn nghèo, nhất là nông dân, những người giữ rừng; tệ nạn xã hội, tội phạm không thua kém tỉnh nào; trường học, trạm xá chưa đủ sức phục vụ mức sống tối thiểu của Nhân dân; điện, nước sạch, chợ, nhiều nơi chưa có...
Là một tỉnh có diện tích rộng, tiềm năng kinh tế lớn, nhất là thuỷ hải sản, rừng, nhưng công nghiệp, nông nghiệp phát triển chưa cao. Thế mạnh chủ yếu là công nghiệp chế biến thuỷ hải sản, nhưng đầu ra gặp khó khăn. Năm 2000, giá trị xuất khẩu mới hơn 200 triệu USD; mức sống của Nhân dân thấp, hộ nghèo còn cao, ngân sách thu chưa vượt qua con số ngàn tỷ.
Ðến năm 2016, sau hơn một thập kỷ trở lại Cà Mau, tôi thật sự ngỡ ngàng trước sự đổi thay. Có những lĩnh vực vượt sự mong ước mà tôi kỳ vọng nhằm tạo bước đột phá để Cà Mau vươn lên. Ðiều phấn khởi nhất là hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển chưa từng có, nhất là giao thông bộ. Ðường Quốc lộ 1 từ Cần Thơ về Cà Mau mở rộng, láng nhựa bằng phẳng. Ðường Quản lộ Phụng Hiệp cặp kinh xáng Xà No từ Phụng Hiệp về TP Cà Mau trên 100 km trước đây chưa có, nay xe ô-tô đi lại thuận tiện, rút ngắn khoảng cách từ Cần Thơ về Cà Mau trên 50 cây số. Ðường Hồ Chí Minh, cặp biên giới Campuchia, đến Rạch Sỏi - Kiên Giang nối liền tận Mũi Cà Mau. Ðường tỉnh lộ, liên huyện trước đây có 2 huyện Ngọc Hiển, Ðầm Dơi và trên 50 xã còn bị chia cắt nay đã được nối liền.
Gần 3.000 cây cầu nông thôn bằng bê-tông, cốt thép đã được xây dựng nối liền các xã. Ngày nay, về Cà Mau, tàu cao tốc, vỏ lãi lớn gắn máy xe hơi - phương tiện giao thông chủ yếu ở Cà Mau trước năm 2000 đã dần lui về quá khứ, nhường chỗ cho xe hơi, xe gắn máy đi lại thuận tiện, nhanh lẹ.
Giao thông phát triển, tạo điều kiện cho công nghiệp, nông nghiệp, thuỷ sản, thương mại dịch vụ phát triển. Ðặc biệt, công nghiệp nặng từ xa xưa đến trước năm 2002 chưa có, nay đã có 2 nhà máy nhiệt điện công suất 1.500 MW và 1 nhà máy sản xuất phân bón trên 800.000 tấn/năm, đủ sức phục vụ sản xuất nông nghiệp vùng ÐBSCL. Năng lượng sử dụng cho nhà máy điện và sản xuất phân bón lấy từ khí đồng hành của mỏ dầu khí PM3 ở biển Ðông, kéo đường ống dưới đáy biển vào đất liền trên 300 km.
Từ Cà Mau, đi đường láng nhựa 2 làn xe về rừng U Minh Hạ, đi qua khu công nghiệp này, tôi vô cùng sung sướng. Dự án này khi tôi về vẫn còn nằm trên giấy, bây giờ đã thành sự thật, tạo bước đột phá cho Cà Mau phát triển, để Cà Mau từ cuối nguồn điện lưới quốc gia, điện thế yếu, thường bị mất điện, nay trở thành tỉnh đầu nguồn điện, đảm bảo phục vụ tốt cho sự phát triển công nghiệp, dịch vụ và đời sống Nhân dân.
Ðường Hồ Chí Minh giờ đã nối liền đến chót mũi, mở ra triển vọng lớn cho Cà Mau tăng tốc. Ảnh: PHẠM ÐỨC THỊNH |
Ngày nay, từ TP Cà Mau, du khách ngồi trên xe hơi đi về tận Mũi Cà Mau, đến Hòn Ðá Bạc, đến thị trấn Sông Ðốc và các huyện lỵ; hay đi vào rừng U Minh Hạ để thưởng ngoạn, đi về chỉ trong vòng 1 ngày đường. TP Cà Mau ngày nay phát triển rộng cả về hướng Bắc và hướng Nam, đường sá khang trang, nhiều nhà cao tầng mọc lên ở vùng đất mới được mở rộng. Thành phố đã đạt tiêu chuẩn loại II, sầm uất ở ÐBSCL. Trường học, trạm xá, bệnh viện phát triển, đời sống văn hoá nâng lên không ngừng.
Mặc dù tình hình thế giới, khu vực và biển Ðông còn phức tạp, khó lường, biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, nhưng tốc độ phát triển kinh tế - xã hội (GRDP) của Cà Mau năm 2016 tăng trên 5,2%, xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, hộ nghèo giảm còn 7,96% theo chuẩn mới, ngân sách thu đạt 4.300 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 1.695 USD, mức sống Nhân dân nâng lên về mọi mặt.
Ðón xuân Ðinh Dậu 2017, trở lại Cà Mau, chứng kiến sự đổi thay phát triển nhanh của tỉnh, mới thấy hết sức mạnh của sự đoàn kết, phấn đấu không mệt mỏi của Ðảng bộ và Nhân dân Cà Mau đã được đền đáp một cách xứng đáng./.
(*) Nguyên Uỷ viên BCH Trung ương Ðảng, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau (2001-2005)
Tuỳ bút của Bùi Quang Huy(*)