Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải (bìa phải) tặng quà lưu niệm cho Đoàn công tác của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam.
(CMO-BT) Trước tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng, tình hình sạt lở ven biển Cà Mau diễn biến phức tạp và tăng lên rõ rệt so với những năm trước đây, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và đời sống của Nhân dân, tỉnh Cà Mau đã thực hiện các giải pháp: xây dựng bờ kè, tạo bãi trồng rừng phòng hộ và quy hoạch khu tái định cư đưa người dân vào sinh sống an toàn; đồng thời, tuyên truyền giáo dục người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng, trồng rừng, và cam kết không nạo vét sông rạch gần khu vực bờ kè, hay khai thác nguồn lợi thuỷ sản, nhất là con giống ven bờ. Tuy nhiên, để thực hiện các giải pháp cấp bách, lâu dài, Cà Mau cần rất nhiều kinh phí.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải (bìa phải) tặng quà lưu niệm cho Đoàn công tác của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam. |
Tại buổi tiếp, trao đổi với Đoàn công tác của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam về các vấn đề phát triển của tỉnh trong bối cảnh biến đổi bất thường của khí hậu và về sự hợp tác của Pháp vào sáng nay, 14/4, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải mong muốn Chính phủ Pháp, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam bằng mối quan hệ vận động các tổ chức quốc tế hỗ trợ nguồn lực để tỉnh triển khai các giải pháp ứng phó với BĐKH đảm bảo tính bền vững.
Qua chuyến khảo sát thực địa của Đoàn công tác của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam ở 2 huyện U Minh và Phú Tân vào ngày 13/4 vừa qua, ngài Jean-Noêl Poirier, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, đồng thuận với các giải pháp đã triển khai của tỉnh Cà Mau. Theo ngài Jean-Noêl Poirier, BĐKH liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều tỉnh, thành ĐBSCL chứ không chỉ riêng Cà Mau, do đó, công việc hàng đầu là nghiên cứu để có cái nhìn tổng thể của vấn đề trước khi đưa ra giải pháp hiệu quả. Việt Nam là đối tác ưu tiên hàng đầu của AFD, trong thời gian tới, Chính phủ Pháp, AFD phối hợp các tổ chức quốc tế, các viện nghiên cứu sẽ nghiên cứu về tác động của biến đổi bất thường về khí hậu đến ĐBSCL, trong đó, Cà Mau chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất.
* Sáng cùng ngày, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Thân Đức Hưởng có buổi làm việc với Tiến sĩ Christian Henckes, Giám đốc Chương trình của GIZ/ICMP (CHLB Đức).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Thân Đức Hưởng (bìa phải) tặng quà lưu niệm cho Tiến sĩ Christian Henckes, Giám đốc Chương trình của GIZ/ICMP |
Bảo vệ tổng hợp vùng ven biển và rừng ngập mặn ĐBSCL nhằm thích ứng với BĐKH (ICMP) là chương trình phát triển do Chính phủ Đức và Austrailia tài trợ, uỷ quyền cho Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) thực hiện. Mục tiêu của Chương trình là hỗ trợ cho 5 tỉnh vùng ĐBSCL gồm Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và An Giang ứng phó với sự thay đổi của môi trường và tạo nền móng cho tăng trưởng bền vững.
Riêng trên địa bàn tỉnh Cà Mau, giai đoạn 1 (2011-2014), Chương trình ICMP đã thực hiện dự án lồng ghép sự thích ứng với biến đổi khí hậu vào việc lập kế hoạch quản lý vùng ven biển tỉnh Cà Mau (gọi tắt là dự án CCCEP Cà Mau), với kinh phí trên 2,5 triệu Euro. Giai đoạn 2, từ năm 2015-2018 tiếp tục thực hiện dự án quản lý tổng hợp vùng ven biển tỉnh Cà Mau.
Sau khi nghe Tiến sĩ Christian Henckes giới thiệu về các hoạt động bảo vệ tổng hợp vùng ven biển năm 2016 của chương trình ICMP, sáng kiến tăng cường chống chịu khí hậu của ĐBSCL, xây dựng và thực thi chiến lược tổng hợp cho ĐBSCL nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Thân Đức Hưởng cho rằng, việc đầu tư vào môi trường tại khu vực ĐBSCL, nhất là tỉnh dễ bị tổn thương nhất như Cà Mau, là vấn đề hết sức quan trọng và mong GIZ tiếp tục có những nỗ lực cụ thể về hỗ trợ vốn và kêu gọi nguồn vốn từ các đối tác khác để giúp dự án đi vào hoạt động đạt kết quả tốt./.