Bảo vệ môi trường sống, hệ sinh thái trù phú của Cà Mau là nhiệm vụ được đặt ra vô cùng cấp thiết trong bối cảnh cơ cấu kinh tế đang chuyển dịch mạnh và tốc độ tăng trưởng kinh tế diễn ra mau lẹ. Thạc sĩ Ngô Chí Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường, đánh giá: “Ô nhiễm môi trường đang diễn ra ở các khu vực công cộng, nội thị, nơi đông dân cư và xung quanh các cụm xí nghiệp, khu công nghiệp”.
Bảo vệ môi trường sống, hệ sinh thái trù phú của Cà Mau là nhiệm vụ được đặt ra vô cùng cấp thiết trong bối cảnh cơ cấu kinh tế đang chuyển dịch mạnh và tốc độ tăng trưởng kinh tế diễn ra mau lẹ. Thạc sĩ Ngô Chí Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường (BVMT), đánh giá: “Ô nhiễm môi trường đang diễn ra ở các khu vực công cộng, nội thị, nơi đông dân cư và xung quanh các cụm xí nghiệp, khu công nghiệp”.
Theo ông Hưng, một trong những nguy cơ lớn tác động đến vấn đề phát triển bền vững của Cà Mau trong tương lai đó chính là môi trường. Từ nông thôn đến thành thị, từ rác thải sinh hoạt đến rác thải công nghiệp, độc hại đều cần phải tính toán đồng bộ để xử lý triệt để. Trong đó, việc thu hút đầu tư phải gắn liền với việc gìn giữ, tuân thủ luật định về môi trường, đảm bảo sự phát triển của địa phương nhưng phải là sự phát triển bền vững.
Môi trường vùng trọng điểm thu hút đầu tư
Phó Trưởng Phòng Quản lý đô thị TP Cà Mau Lê Thanh Nghị thông tin, trên địa bàn có 21 cơ sở sản xuất, chế biến đang hoạt động thuộc đối tượng lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và đề án bảo vệ môi trường chi tiết. Khu vực tập trung các cơ sở này thuộc các Phường 6, 8 dọc theo sông Gành Hào và kinh xáng Cà Mau - Bạc Liêu.
Nhà máy Xử lý rác thải TP Cà Mau giải quyết căn bản những khó khăn trong việc xử lý rác thải sinh hoạt của tỉnh Cà Mau. Ảnh: THANH QUANG |
Theo đánh giá, lượng nước thải công nghiệp phát sinh khoảng 6.900 m3/ngày/đêm. Tỷ lệ cơ sở sản xuất quy mô lớn có đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt 95%. Báo cáo của Chi cục BVMT cho thấy, chất lượng nước tại khu vực xung quanh chợ Phường 7, cụm các Công ty Camimex, Seaprimexco, Jostoco, Cảng cá, Minh Phú và kinh xáng Lương Thế Trân đang bị ô nhiễm nặng.
Cụm công nghiệp thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời, là nơi tập trung các cơ sở, xí nghiệp lĩnh vực chế biến thuỷ hải sản và các phụ phẩm liên quan. Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời Sử Văn Minh nhận định: “Tình hình ô nhiễm môi trường đã có tác động đến môi trường sống của người dân, theo đó, mục tiêu phát triển bền vững của thị trấn Sông Ðốc khó mà đạt được”.
Thực tế, trong 10 cơ sở đang hoạt động (7 cơ sở sản xuất bột cá, 3 cơ sở sản xuất chả cá, tôm đông lạnh) thì có 9 cơ sở xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Tuy nhiên, ô nhiễm phát sinh từ mùi hôi, khí thải chứa tro bụi và nước có hàm lượng vi sinh, hữu cơ cao. Ðó là chưa kể hàng trăm cơ sở sản xuất nhỏ lẻ không có hệ thống xử lý nước thải.
Ðối với Khu công nghiệp Hoà Trung, xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước, tình trạng ô nhiễm mùi đã được Tổ Kiểm tra liên ngành đến kiểm tra đột xuất 4 cơ sở, qua đó, đã phát hiện nhiều sai phạm. Quyết định xử phạt hành chính cũng đã áp dụng với 3 cơ sở, tổng số tiền gần 500 triệu đồng.
Ông Ngô Chí Hưng cho biết: “Dù đã tiến hành nhiều biện pháp, các cơ sở cũng rất cầu thị và hợp tác, tuy nhiên, những vấn đề như ô nhiễm khí thải, mùi hôi vẫn chưa thể khắc phục ngay lập tức”.
Khu công nghiệp Khí - Ðiện - Ðạm ở U Minh được đánh giá là điểm sáng về việc bảo vệ môi trường, đặc biệt là việc quy hoạch vị trí hợp lý và thái độ, sự đầu tư của cụm công nghiệp này liên quan đến hạ tầng bảo vệ môi trường.
Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Cà Mau Trịnh Văn Lên cho rằng: “Hạ tầng bảo vệ môi trường của tỉnh còn thiếu và yếu, kèm theo đó là ý thức của người dân, cơ sở sản xuất kinh doanh còn thấp. Ðặc biệt là với những tuyến ven sông, tập quán sinh hoạt khiến cho ô nhiễm ngày càng trầm trọng mà cũng rất khó kiểm soát, khắc phục. Việc quy hoạch các cụm công nghiệp, xí nghiệp xen kẽ với khu dân cư cũng khiến việc bảo vệ môi trường thêm phức tạp”.
Bên cạnh đó, nguồn lực về tài chính, con người và khoa học - kỹ thuật cũng là rào cản để các cơ quan chức năng bảo vệ môi trường tăng cường hiệu quả hoạt động.
Vào cuộc quyết liệt
Thực trạng ô nhiễm tại các cụm công nghiệp, vùng trọng điểm thu hút chỉ là một phần của vấn đề môi trường tại Cà Mau. Thực tế, ô nhiễm môi trường được nhìn nhận là “diễn ra liên tục, thường xuyên, ở mọi nơi, với nhiều đối tượng và rất khó kiểm soát”.
Theo báo cáo mới nhất của Sở Tài nguyên - Môi trường, tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt đạt khoảng 87%. Các bãi rác không hợp vệ sinh đã được cải tạo thành trạm trung chuyển rác và rác thải được vận chuyển từ các huyện về Nhà máy Xử lý rác TP Cà Mau. Chất thải công nghiệp ở các cơ sở có lượng thải lớn cơ bản được kiểm soát. 95% doanh nghiệp thuộc đối tượng phải lập báo cáo tác động môi trường đã xây dựng được hệ thống xử lý nước thải. 90% chất thải rắn công nghiệp cũng đã được thu gom và tái chế.
Thạc sĩ Ngô Chí Hưng khẳng định: “Quan điểm nhất quán là những dự án có công nghệ lạc hậu, có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao hoặc chủ dự án không có khả năng xử lý chất thải đạt quy chuẩn thì kiên quyết từ chối thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường”. Kèm theo đó là việc kiện toàn Ban Chỉ đạo xử lý ô nhiễm môi trường tỉnh và Tổ kiểm tra liên ngành, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm. Ðối với các cụm công nghiệp đặc thù có mùi, Cà Mau sẽ sớm quy hoạch thành một khu riêng cho các lĩnh vực sản xuất như chitin, bột cá, sản xuất composite…
Một trong những vấn đề nan giải của môi trường Cà Mau là rác thải sinh hoạt. Thực trạng ô nhiễm đô thị, khu dân cư nông thôn có thể nói đã đến mức báo động. Nếu như dư luận xã hội, người dân phản ánh quyết liệt tình trạng ô nhiễm do các cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất gây ra thì chính bản thân những người thiếu ý thức cũng tự “giết chết” môi trường của mình.
Ông Lê Thanh Nghị mô tả thực trạng ở TP Cà Mau: “Rác thải bịt kín hết nắp cống, dân cư những tuyến ven kinh thì xả thải tràn lan, chúng tôi không có cách nào kiểm soát”. Ông Nghị cũng khẳng định: “Ðối với các cơ sở, tổ chức thì còn có thể xử lý vi phạm còn hộ gia đình thì hồi đó tới giờ chưa có”.
Quản đốc Nhà máy Xử lý rác thải TP Cà Mau Phan Minh Thúc cho biết: “Năm 2012, nhà máy hoạt động chính thức, công suất 200 tấn/ngày/đêm. Ðến thời điểm hiện tại, nhà máy thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt theo công nghệ VIBIO Thuỵ Sĩ cho các địa phương trong tỉnh (trừ huyện Ngọc Hiển)”.
Theo lời ông Thúc, trước khi nhà máy đi vào hoạt động, bãi rác TP Cà Mau chủ yếu xử lý chôn lấp, lộ thiên. Nhà máy hoạt động đã phân loại rác, tái chế phân bón và giảm thiểu được mùi hôi, cải thiện môi trường xung quanh. Ông Thúc thông tin thêm: “Nhà máy hoạt động đã giảm được mùi hôi, ruồi muỗi, môi trường sống xung quanh cũng được cải thiện tích cực”. Tuy nhiên, do công nghệ hiện đại, linh kiện phải nhập khẩu nên khi xảy ra hỏng, nhà máy rất khó chủ động khắc phục nên dây chuyền có đôi lúc vận hành thiếu ổn định.
Ðối với rác thải y tế, TP Cà Mau có 2 bệnh viện, là Bệnh viện Ða khoa tỉnh Cà Mau và Bệnh viện Sản - Nhi, có đầu tư lò đốt rác y tế và hợp đồng xử lý rác y tế cho 43 cơ sở y tế trên địa bàn. Các tuyến huyện thì bệnh viện đa khoa trung tâm được trang bị công nghệ xử lý rác thải y tế và hỗ trợ các đơn vị vệ tinh trong việc đảm bảo môi trường. Vấn đề của việc xử lý rác thải y tế là việc đầu tư về công nghệ và ý thức của con người.
Nói như lời của ông Hưng: “Không đánh đổi bất cứ điều gì vì môi trường sống, đây là môi trường chung của tất cả mọi người, mọi người đều có sự thụ hưởng và có trách nhiệm trong việc gìn giữ, bảo vệ”. Cà Mau luôn hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, để hôm qua, hiện tại và tương lai, chúng ta mãi mãi được tự hào về rừng vàng, biển bạc, một cuộc sống đáng sống với môi trường trong sạch./.
Chỉ thị 09/CT-UBND của UBND tỉnh Cà Mau về việc tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Cà Mau là văn bản mới nhất, ban hành vào ngày 10/8/2016, cho thấy nhận thức sâu sắc của Cà Mau về việc phát triển kinh tế - xã hội gắn với sự bền vững về môi trường. Nội dung của chỉ thị nhấn mạnh, những dự án đầu tư không đảm bảo về môi trường sẽ không được phê duyệt. Toàn hệ thống chính trị tập trung vào công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, cơ quan chức năng tăng cường hiệu quả hoạt động để từng gia đình, từng con đường, từng địa phương, từng cơ sở sản xuất đều tuân thủ Luật Bảo vệ môi trường, cùng vì môi trường sống của cộng đồng. |
Phạm Nguyên