ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 23-1-25 06:55:31
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Cà Mau vững vàng bước vào nhiệm kỳ mới

Báo Cà Mau (CMO) Tiếp tục chương trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, thay mặt Ban Chấp hành Đảng bộ khoá XV, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân đã trình bày Báo cáo chính trị trình Đại hội khoá XVI.

Thành tựu đạt được của nhiệm kỳ qua là toàn diện và đáng tự hào. Cà Mau đã cơ bản hoàn thành mục tiêu vươn lên thành tỉnh phát triển khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, một tương lai phát triển mới mở ra.

Thành tựu toàn diện

Nhiệm kỳ qua, Cà Mau đã phát triển đúng hướng, cho thấy sự ổn định và cả năng lượng bứt phá mạnh mẽ. Kinh tế tỉnh nhà phát triển khá toàn diện; tái cơ cấu kinh tế được thực hiện tích cực và đạt kết quả quan trọng; hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển nhanh. Tổng sản phẩm (GRDP theo giá so sánh) tăng bình quân gần 7%/năm; quy mô nền kinh tế tăng hơn 1,3 lần so với năm 2015; GRDP bình quân đầu người đạt gần 51 triệu đồng/người, tăng gần 1,3 lần so năm 2015.

Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân trình bày Báo cáo chính trị trình Đại hội khoá XVI

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; sản xuất ngư, nông, lâm nghiệp tiếp tục phát triển, tốc độ tăng trưởng bình quân hơn 5%, cao hơn mức bình quân chung cả nước (2,7%). Thuỷ sản tiếp tục khẳng định vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn, là một trong những tỉnh đi đầu cả nước về nuôi tôm, với sản lượng hơn 2,7 triệu tấn. Kinh tế biển phát triển mạnh; sản lượng khai thác thủy sản hằng năm bình quân khoảng 200 ngàn tấn; hàng năm đóng góp khoảng 55% GRDP. Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được thực hiện tốt, giá trị kinh tế rừng từng bước được nâng lên; tỷ lệ che phủ rừng đạt 26%.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển, nhiều dự án công nghiệp lớn đã và đang được đầu tư, đặc biệt là cụm công nghiệp khí - điện - đạm Cà Mau. Khu vực thương mại, dịch vụ tăng trưởng mạnh, gần 10%/năm. Du lịch từng bước khẳng định được thương hiệu, uy tín; số lượt du khách và doanh thu du lịch tăng qua từng năm. Kim ngạch xuất bình quân mỗi năm hơn 1 tỷ USD, tiếp tục là tỉnh đứng đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu mặt hàng tôm.

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tập trung đầu tư, có 82/82 xã có đường ô tô đến trung tâm; toàn tỉnh có 42/82 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 51% tổng số xã, diện mạo đô thị, nông thôn thay đổi rõ nét. Thu ngân sách Nhà nước 5 năm hơn 26 ngàn tỷ đồng (tăng 1,3 lần so với nhiệm kỳ Đại hội XIV).

Đại biểu tham quan khu trưng bày hình ảnh về thành tựu kinh tế - văn hoá của tỉnh

Văn hoá - xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống vật chất và tinh thần Nhân dân được nâng lên. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, xã hội được quan tâm chỉ đạo phát triển cả bề rộng và chiều sâu, tạo được nhiều chuyển biến rõ nét. Toàn tỉnh có 302/508 trường học đạt chuẩn, chiếm gần 59,4% tổng số trường. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được quan tâm thường xuyên, đặc biệt công tác phòng chống đại dịch Covid-19 đạt kết quả tốt. Các chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội được quan tâm, chính sách đối với người có công, gia đình chính sách thực hiện có hiệu quả; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,87%, hộ cận nghèo giảm còn 1,7%.

Nhiệm vụ quốc phòng, an ninh được bảo đảm; hoạt động đối ngoại được tăng cường. Vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng; sự quản lý, điều hành của chính quyền đối với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh được tăng cường. Triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập, tuyển quân và giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh.

Thuỷ sản được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Ảnh: Hoàng Diệu

Công tác dân vận, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể Nhân dân có hiệu quả hơn. Hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền được nâng lên. HĐND các cấp tiếp tục đổi mới, nội dung hoạt động. Cải cách tư pháp, cải cách hành chính có chuyển biến tích cực; chỉ số năng lực cạnh tranh, chỉ số hiệu quả quản lý được cải thiện đáng kể, mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp được nâng lên rõ rệt qua từng năm (năm 2019 đạt hạng 3/63 tỉnh, thành phố và đứng đầu trong các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long).

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, có nhiều chuyển biến tích cực trên các mặt, kể cả về tư tưởng, chính trị và tổ chức cán bộ. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng được nâng lên; hằng năm có trên 90% tổ chức đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; 5 năm kết nạp hơn 10.000 đảng viên. Hệ thống chính trị được kiện toàn; nội bộ đoàn kết, nhất trí; uy tín của Đảng bộ, đặt biệt đội ngũ cán bộ chủ chốt với nhân dân ngày càng cao.

Mục tiêu lớn cho nhiệm kỳ mới

Mục tiêu tổng quát cho Đảng bộ khoá XVI được xác định: “Xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Phát huy đoàn kết, dân chủ, đồng thuận trong Nhân dân; tiếp tục khơi dậy sức sáng tạo, ý chí và khát vọng phát triển. Khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư; không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; chú trọng phát triển kinh tế biển; thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, hướng đến tăng trưởng xanh. Đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống Nhân dân. Bảo đảm quốc phòng, an ninh; mở rộng quan hệ đối ngoại; xây dựng tỉnh Cà Mau phát triển nhanh, bền vững”.

Ngành nông nghiệp hướng đến sản xuất lúa sạch, lúa hữu cơ, nâng cao tính cạnh tranh. Ảnh: Hoàng Diệu

Xác định các nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế của Cà Mau trong tương lai là tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh.

Thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển các ngành hàng chủ lực của tỉnh. Phấn đấu tổng sản lượng thủy sản 5 năm đạt 3,3 triệu tấn; tổng sản lượng lúa 2,7 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu 5 năm đạt 6 tỷ USD. Quy hoạch, phát triển các trang trại chăn nuôi tập trung, quy mô lớn.

Phát triển công nghiệp tập trung vào những ngành tỉnh có thế mạnh, như chế biến nông, lâm nghiệp và thủy sản; quan tâm hỗ trợ các nhà đầu tư triển khai các dự án điện gió, điện khí, điện mặt trời, điện sinh khối… Huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp và Khu kinh tế Năm Căn để mời gọi, thu hút đầu tư, nhất là các dự án quy mô lớn, có sức lan tỏa, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đa dạng hoá cây trồng để phát huy giá trị của đất Ảnh: Hoàng Diệu

Tập trung nguồn lực xây dựng tỉnh Cà Mau trở thành địa phương phát triển mạnh về biển. Quy hoạch, thu hút đầu tư xây dựng, tổ chức khai thác đồng bộ, có hiệu quả các cảng biển tổng hợp, cảng chuyên dùng vận chuyển hàng hóa, khách du lịch (Hòn Khoai, Năm Căn, Sông Đốc…) gắn với phát triển hạ tầng logistics và các tuyến đường giao thông kết nối các cảng với khu vực nội địa, quốc tế.

Phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Với nhiệm vụ trọng tâm là hoàn thiện, đổi mới cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư phát triển du lịch, ưu tiên thu hút các dự án du lịch quy mô lớn, có tính chiến lược. Khuyến khích, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng; khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau; đồng thời, tăng cường kết nối, liên kết phát triển du lịch biển đảo với các địa phương ven biển, xây dựng thương hiệu du lịch Cà Mau “An toàn - thân thiện – uy tín - chất lượng”. 

Phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp liên kết, hỗ trợ trong sản xuất, kinh doanh. Khuyến khích thu hút các nhà đầu tư có quy mô lớn, đảm bảo khả năng cạnh tranh trong và ngoài nước. Đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế hộ phát triển.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính. Ảnh: Hồng Phượng

Tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị và Nhân dân thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, đảm bảo thực chất, toàn diện. Tập trung đầu tư các đô thị động lực, đồng thời quy hoạch, xây dựng các đô thị ven biển. Phấn đấu đến năm 2025, đưa thành phố Cà Mau đạt tiêu chí đô thị loại I; tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt 31%.

Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động có các phương án thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai. Thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao hơn giá trị kinh tế rừng.

Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ. Phấn đấu có thêm 50 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực để phát triển khoa học - công nghệ, nhất là các lĩnh vực phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Xây dựng con người Cà Mau phát triển toàn diện cả về nhân cách, đạo đức, trí tuệ. Bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững của dân tộc, của địa phương. Thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững. Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ Nhân dân và dân số - kế hoạch hoá gia đình; ứng phó kịp thời, hiệu quả các dịch bệnh. Phấn đấu đến năm 2025, tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe đạt tối thiểu 68 tuổi.

Tăng cường quốc phòng, an ninh; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Tăng cường công tác đối ngoại của cấp ủy, chính quyền, hoạt động đối ngoại nhân dân; xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài. Tích cực tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, thành tựu của tỉnh ra ngoài nước.

Điểm trình diễn cánh đồng đậu xanh vùng ngọt hoá Trần Văn Thời. Ảnh: Hoàng Diệu

Nâng cao năng lực quản lý, điều hành của chính quyền; cải cách hành chính, cải cách tư pháp; tạo chuyển biến tích cực chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của hội đồng nhân dân, uỷ ban nhân dân các cấp. Lãnh đạo thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng về công tác dân tộc, tôn giáo.

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh. Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức công tác chính trị tư tưởng phù hợp đối tượng, sát cơ sở. Kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Có chính sách tạo bước đột phá trong tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, đảm bảo nguồn cán bộ thay thế khi có yêu cầu.

Những nhiệm vụ trọng tâm, các đột phá chiến lược

Những nhiệm vụ trọng tâm: (1) Tăng cường xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; kiên quyết đấu tranh ngăn chặn suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và phòng, chống tham nhũng, lãng phí; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Thực hiện nghiêm các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị; (2) Phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Tập trung khắc phục tác động của đại dịch Covid-19, đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng các giải pháp để tạo đột phá những lĩnh vực tỉnh có thế mạnh, như: Kinh tế biển, thủy sản, lâm nghiệp, năng lượng tái tạo, dịch vụ, du lịch….(3) Xây dựng con người phát triển toàn diện cả về đạo đức, nhân cách, trí tuệ, năng lực làm việc, đổi mới sáng tạo. Tích cực đổi mới công tác đào tạo nguồn nhân lực. Phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, đoàn kết, yêu nước, cần cù, sáng tạo của nhân dân Cà Mau. Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Thực hiện tốt chính sách xã hội và bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo người có công, hỗ trợ người nghèo, bảo vệ người lao động; (4) Bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội, an toàn an ninh mạng, giữ gìn sự bình yên của nhân dân; thực hiện nghiêm túc việc tiếp dân và đối thoại với công dân; kịp thời giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân và những vấn đề bức xúc mới nảy sinh ngay tại cơ sở; (5) Phát huy mạnh mẽ dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân. Tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân, tạo đồng thuận xã hội, khơi dậy khác vọng dân tộc, tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, đoàn kết thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.  

Các đột phá chiến lược: (1) Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; (2) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh; (3) Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiệu quả, trong đó ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông đi trước một bước, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội./.

Quốc Rin tóm lược

Liên kết hữu ích

Mùa vui cải tùa xại

Trong mâm cơm ngày Tết của người phương Nam, bên cạnh nồi thịt kho trứng, sắc dưa hấu đỏ thì vị dưa cải tùa xại là món ăn không thể thiếu vắng. Hương vị độc đáo, dễ biến tấu thành nhiều món, giải ngán cho những ngày ê hề thịt cá, nhiều lợi ích cho sức khoẻ, dưa cải tùa xại còn mang cả hồn cốt, phong vị Tết đặc trưng của vùng đất, con người miền đất mới.

Nông dân huyện Ngọc Hiển trúng vụ dưa hấu Tết

Những ngày này, nông dân vùng đất mặn huyện Ngọc Hiển đang tất bật chăm sóc vụ dưa hấu để cung ứng cho người tiêu dùng trong dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. Vụ dưa hấu Tết năm nay bà con rất phấn khởi.

Ðồng hành cùng người dân vượt khó

Thời gian qua, nhờ thực hiện hiệu quả các hoạt động cho vay vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), đã tạo điều kiện cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, các đối tượng chính sách khác là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn huyện Trần Văn Thời vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Sôi động thị trường bánh, mứt

Tết đang cận kề, các lò bánh, mứt, cơ sở sản xuất thực phẩm, các siêu thị... tăng công suất hoạt động để kịp cung ứng nguồn hàng phục vụ thị trường Tết.

Bánh phồng tôm Năm Căn vào mùa Tết

Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đang cận kề. Những ngày qua, các hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm đặc trưng của vùng ngập mặn Năm Căn tăng năng suất để kịp đáp ứng đơn hàng cho đối tác phục vụ thị trường Tết, trong đó có sản phẩm bánh phồng tôm.

Hợp tác xã nỗ lực ứng dụng công nghệ

Hiện nay, tỉnh Cà Mau có 299 hợp tác xã (HTX), trong đó có 179 HTX trong lĩnh vực nông nghiệp. Các HTX đều đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) trong sản xuất, canh tác cũng như quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

Gắn mã QR cho dưa hấu Lý Văn Lâm

Dưa hấu Lý Văn Lâm từ lâu đã khẳng định được thương hiệu bởi chất lượng sản phẩm, cũng chính vì vậy mà một số người kinh doanh đã lợi dụng điều này để quảng bá giả mạo dưa hấu Lý Văn Lâm, ít nhiều ảnh hưởng đến thương hiệu dưa hấu của địa phương. Ðể bảo vệ thương hiệu, năm nay, Ðảng uỷ, UBND xã Lý Văn Lâm (TP Cà Mau) chỉ đạo Hội Nông dân xã phối hợp với Viettel Cà Mau thí điểm vận động người dân đăng ký tham gia truy xuất nguồn gốc điện tử bằng mã QR.

Chăm chút vụ màu xuống ruộng

Khi những cánh đồng lúa chín vàng rực tại xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời được thu hoạch xong cũng là lúc nông dân đưa màu xuống ruộng, những dây bí, bầu xanh mướt. Thời tiết cuối năm khá thuận lợi nên nhiều nông dân tranh thủ xuống giống sớm, hạn chế tình trạng thiếu nước tưới.

Ðiển hình nông dân làm theo lời Bác

Thấm nhuần lời dạy của Bác: “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu”, thời gian qua, một trong những cách làm thiết thực của nông dân trong huyện là lấy việc nâng cao hiệu quả sản xuất để làm mô hình cụ thể học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cách làm này góp phần khích lệ nông dân khắc phục khó khăn, vươn lên thoát nghèo, đổi mới tư duy, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Nông dân Ðinh Văn Khởi, 48 tuổi, ấp Phú Thành, xã Phú Mỹ, là một điển hình.

Lợi ích kép từ quỹ Hỗ trợ nông dân

Những năm qua, quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp đã giúp nhiều hội viên hội nông dân (hội viên) được vay vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi và trồng trọt. Qua đó, từng bước giúp nông dân cải thiện thu nhập và cuộc sống, góp phần hiệu quả vào công tác giảm nghèo bền vững tại địa phương.