(CMO) Đây là đánh giá của Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, Trưởng đoàn công tác của Ban Dân vận Trung ương, tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Cà Mau về kết quả 5 năm thực hiện Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị khoá XI, diễn ra vào chiều 2/3.
Tại Cà Mau, các cấp uỷ đảng, chính quyền, các cấp, ngành chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến Kết luận số 120-KL/TW, từ đó làm chuyển biến nhận thức, ý thức trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị và xã hội. Vai trò, trách nhiệm của cấp uỷ và người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở được thể hiện rõ hơn, quan tâm đúng mức hơn. Trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở được nâng lên. Vai trò giám sát của Nhân dân ngày càng được phát huy; dân chủ trực tiếp được mở rộng; phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được cụ thể hoá trên mọi mặt, mọi lĩnh vực đời sống.
Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh: "Dân chủ ở cơ sở chính là dân làm chủ".
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp phối hợp chặt chẽ trong triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở gắn với công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Trong 5 năm qua, hơn 1.000 cuộc giám sát và hơn 200 cuộc phản biện xã hội. Tổ chức hội nghị hiệp thương, giới thiệu những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp trong tỉnh; tổ chức giám sát chặt chẽ việc chuẩn bị và tổ chức bầu cử theo quy định.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Huỳnh Quốc Việt thông tin: “5 năm qua, toàn tỉnh có hơn 1.800 mô hình “Dân vận khéo”, nhiều mô hình có sức lan toả lớn trong xã hội, tạo được sự hưởng ứng, đồng thuận sâu rộng của Nhân dân. Quy chế dân chủ ở cơ sở được cụ thể hoá, hiện thực hoá trên mọi mặt đời sống, tạo thành động lực to lớn để tỉnh Cà Mau phát triển đồng bộ, toàn diện kinh tế - xã hội”.
Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải khẳng định: "Cà Mau rất quan tâm xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở".
Kết quả thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở ở 3 loại hình: Dân chủ ở xã, phường, thị trấn; dân chủ trong cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; dân chủ trong doanh nghiệp đạt được nhiều kết quả tích cực. Tỉnh Cà Mau đã đi đúng, trúng trọng tâm của việc xây dựng, thực hiện dân chủ ở cơ sở là lấy dân làm gốc, phát huy tối đa quyền làm chủ của Nhân dân. Không khí cởi mở, dân chủ, minh bạch đã tạo ra không khí thi đua sôi nổi trong toàn hệ thống chính trị và xã hội. Vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, làm chủ của Nhân dân ngày càng được củng cố vững chắc. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ngày càng ý thức được trách nhiệm phục vụ cho Nhân dân. Mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người lao động ngày càng hài hoà.
Ủy viên dự khuyết Trung ương, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Huỳnh Quốc Việt báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.
Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó Trưởng đoàn công tác của Ban Dân vận Trung ương sau khi chủ trì 2 cuộc làm việc với Ban Thường vụ Huyện uỷ U Minh và Công ty Xăng dầu Cà Mau, đánh giá kết quả thực hiện Kết luận số 120-KL/TW ở các địa phương, đơn vị được kiểm tra là khá toàn diện. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế cần nhanh chóng khắc phục.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Huỳnh Quốc Việt, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tỉnh Cà Mau thông tin: "Qua tổng kết, đánh giá kết quả thực tế triển khai thì Quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn là loại hình thành công nhất. Cà Mau dù là tỉnh có xuất phát điểm thấp, song từ tác động tích cực của việc triển khai Quy chế dân chủ ở cơ sở đã tạo được sự đồng thuận sâu rộng trong Nhân dân, từ đó tạo thế và lực mạnh mẽ để phát triển địa phương. Từ xây dựng NTM, giảm nghèo, phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân đều đạt được những thành tựu rất đáng tự hào”.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quân đánh giá, công tác dân vận cơ sở tại Cà Mau đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, Quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn được xây dựng, thực hiện khá toàn diện, đồng bộ. Điều đó được thể hiện qua sự chung sức, đồng lòng của toàn hệ thống chính trị, toàn xã hội trong công tác phòng chống đại dịch Covid-19. Nỗ lực đổi mới, cải cách hành chính của tỉnh đạt rất nhiều thành công. Tỉnh Cà Mau đang thúc đẩy quá trình minh bạch, công khai, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thu hút đầu tư. Tạo ra những diễn đàn cho công chức, viên chức trẻ để nâng cao nhận thức, kỹ năng và kiến thức nghiệp vụ.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân cho rằng: "Quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn được xây dựng, thực hiện khá toàn diện, đồng bộ".
Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Cà Mau Võ Thanh Tòng cho biết, hiện tỉnh có hơn 4.000 doanh nghiệp nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và ở lĩnh vực thuỷ sản. Trong đó, số doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn là 163. Một trong những hạn chế của việc thực hiện Quy chế dân chủ trong doanh nghiệp là do quy mô nhỏ, doanh nghiệp chưa thành lập được tổ chức Công đoàn, người lao động thường xuyên biến động, dịch chuyển nên chưa thật sự quan tâm đến việc thực hiện Quy chế dân chủ trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, tỉnh Cà Mau đang đẩy mạnh cải thiện những hạn chế này, làm hài hoà lợi ích giữa doanh nghiệp và người lao động.
Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Tiến Hải khẳng định: Cà Mau trong những năm vừa qua rất quan tâm đến công việc xây dựng, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Nơi nào thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở thì chắc chắn sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị; trái lại, nơi nào chưa thực hiện tốt thì ít nhiều sẽ có những sai phạm. Lấy đơn cử như việc xây dựng, đầu tư kết cấu hạ tầng của Cà Mau, nếu không có sự đồng thuận của người dân thì không cách nào làm được, mà muốn người dân ủng hộ, chia sẻ thì nhất thiết phải dân chủ, công khai, minh bạch. Khâu khó nhất vẫn là kiểm tra, giám sát của người dân và người lao động đối với các công việc của cơ quan nhà nước và doanh nghiệp. Hạn chế về đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở; chính sách dành cho cán bộ cơ sở cũng cần phải có cách nhìn nhận, đánh giá phù hợp hơn.
Đoàn công tác Ban Dân vận Trung ương chụp ảnh lưu niệm với cán bộ lãnh đạo tỉnh Cà Mau.
Đánh giá cao những thành tựu mà Cà Mau đạt được trong thời gian qua, nhất là việc xây dựng, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận Trung ương, Trưởng đoàn công tác Ban Dân vận Trung ương lưu ý, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Cà Mau và các cấp uỷ cần tăng cường công tác giám sát, kiểm tra và đánh giá kết quả thực hiện Kết luận số 120-KL/TW. Phải làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội về quy chế dân chủ ở cơ sở. Phải làm sao để mọi người dân, mọi người lao động, mọi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đều nắm và hiểu về Quy chế dân chủ ở cơ sở để thực thi. Dân chủ phải đi vào thực chất.
Đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh, dân chủ ở cơ sở chính là dân làm chủ, Nhân dân làm trung tâm, “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Phải phát huy cả dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở. Phát huy dân chủ là động lực góp phần phát triển kinh tế - xã hội, dân chủ gắn với dân trí và hiến pháp, pháp luật. Dân chủ gắn với cải cách hành chính, để những ưu việt trong chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước thật sự phục vụ lợi ích chính đáng cho Nhân dân. Phải thông qua các tổ chức đại diện để phát huy dân chủ. Trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu phải thật sự được chú trọng. Xử lý nghiêm những sai phạm hoặc lợi dụng dân chủ để trục lợi./.
Nhóm Phóng viên