ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 16-3-25 02:39:35
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Cá rô đầu nhím "bơi tìm đường ra"

Báo Cà Mau (CMO) Thời gian qua, giá cá bổi bấp bênh, nhiều nông dân vùng ngọt hoá huyện Trần Văn Thời chuyển sang nuôi cá rô đầu nhím, bước đầu mang lại hiệu quả khả quan về cả năng suất và sản lượng. Tuy nhiên, hiện nay, với nhiều lý do khác nhau, người nuôi loại cá này đang lo lắng khi đầu ra gặp khó.

Cựu chiến binh Trần Văn Yên (Khóm 2, thị trấn Trần Văn Thời) có 6 năm gắn bó với con cá bổi. Do những năm gần đây giá cá bổi liên tục bấp bênh nên vụ cá vừa qua ông mua cá rô đầu nhím về nuôi trong 3 ao. Với diện tích hơn 4 ngàn mét vuông ông thả 800 kg cá giống (mỗi kg từ 150-200 con, giá 80 ngàn đồng/kg). 

Thương lái thu mua cá rô đầu nhím loại 1 chỉ 30-32 ngàn đồng/kg.

Ông Yên chia sẻ: “1 vụ cá bổi có thể nuôi được 3 vụ loại cá rô đầu nhím. Vì thời gian nuôi ngắn, chỉ hơn 2 tháng, nếu có lỗ 1 vụ thì mình cũng có thời gian để xoay vụ khác. Cá rô đầu nhím tương đối dễ nuôi, nhưng phải định kỳ bón vôi phòng bệnh trong ao nuôi cá, thường xuyên thay nước thì tỷ lệ cá sống đạt trên 70%”.

Sau hơn 2 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng trung bình từ 5-15 con/kg, ông Yên thu hoạch hơn 22 tấn cá thương phẩm. Thương lái đến tận nơi thu mua với giá 30-32 ngàn đồng/kg cá loại 1, từ 5-8 con/kg; Cá loại 2, từ 9-12 con/kg, giá 25-29 ngàn đồng/kg; Loại dưới 12 con/kg hoặc cá không đạt về mẫu mã 17-20 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, ông Yên thu lãi hơn 120 triệu đồng.

Vụ cá mới được ông thả nuôi hơn 20 ngày. Nhìn bầy cá phát triển tốt nhưng ông Yên lại trăn trở: “Nhờ đi nhà người quen nên tôi mới biết đến mô hình nuôi cá rô đầu nhím hơn 1 năm nay. Lúc trước, cá thương phẩm có giá 35-36 ngàn đồng/kg nhưng nay giảm còn 31-32 ngàn đồng/kg là cao nhất. Chi phí đầu tư con giống, thức ăn lại cao. Do trong tỉnh chưa có cơ sở tự sản xuất được cá giống nên phải mua từ các tỉnh trên vận chuyển về đây. Trung bình 1 kg cá sẽ tốn 1,2 kg thức ăn, mỗi bao thức ăn 25 kg có giá 370 ngàn đồng".

Từ tháng 4/2019-4/2021, xã Khánh Bình là địa phương được Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh đầu tư dự án “Nuôi cá rô đầu nhím thương phẩm” tại ấp Rạch Cui và Ấp 4 với 14 hộ tham gia trên diện tích 1,3 ha. Tổng nguồn vốn hơn 1,5 tỷ đồng, trong đó, vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân 200 triệu đồng, vốn tự có của các hộ tham gia dự án là 640 triệu đồng, vốn đại lý thức ăn đầu tư hơn 670 triệu đồng.

Mật độ thả nuôi trung bình 40 con/m2, thời gian nuôi từ 70-80 ngày/vụ. Thời gian thực hiện dự án 24 tháng với 5 vụ nuôi. Nếu tính với giá 36 ngàn đồng/kg, bình quân mỗi hộ sau vụ nuôi sẽ lãi 62 triệu đồng. Như vậy, sau 5 vụ nuôi, mỗi hộ sẽ lãi 311 triệu đồng.

Ông Huỳnh Việt Tường (Ấp 4, xã Khánh Bình) là một trong những hộ đầu tiên ở địa phương thực hiện mô hình nuôi cá rô đầu nhím. Qua 2 vụ nuôi trước, do cá rô có giá nên ông Tường lãi hơn 100 triệu đồng. Sau khi tham gia dự án nuôi cá rô đầu nhím thương phẩm, ông Tường được vay 15 triệu đồng để đầu tư cho vụ nuôi tiếp theo. Hiện ông Tường đang nuôi 4 ao cá rô đầu nhím với diện tích 2.500 m2 và chuẩn bị thu hoạch.

Ông Tường chia sẻ: “Cá rô đầu nhím thích nghi tốt với điều kiện khí hậu và nguồn nước ở địa phương nên lớn nhanh, ít bệnh tật. Nhưng do không quyết định được con giống nên tỷ lệ cá phát triển không đồng đều và bị tật cũng khá cao, thương lái thu mua sẽ ép giá xuống loại dạt, chỉ 17-20 ngàn đồng/kg. Hiện nay, cá loại 1 cao nhất cũng chỉ 32 ngàn đồng/kg. Nhưng tỷ lệ cá được thương lái thu mua đạt loại 1 trong một ao chỉ khoảng 30%, còn lại là cá loại 2, loại 3. Với chi phí đầu tư như hiện nay, nếu giá cá thấp hơn nữa thì người nuôi sẽ không có lãi, thậm chí thua lỗ”.

Anh Lê Gia Đạt, thương lái thu mua cá rô đầu nhím (Ấp 4, xã Khánh Bình) lý giải: “Tôi đi thu mua cá rô đầu nhím trong hộ nuôi, sau đó bán lại cho lái khác, hoặc bỏ mối cho các chợ. Do là cá nuôi nên thị hiếu người mua chọn cá đều, đẹp, không bị trầy xước, dị tật, vì vậy khi mua tôi phân loại cá kỹ. Hơn nữa, ở Cà Mau loại cá này được nuôi khoảng 2 năm nay và số hộ nuôi ngày một nhiều hơn nhưng đa số chỉ được vận chuyển tiêu thụ trong tỉnh chứ chưa có thị trường rộng hơn nên giá cá có phần sụt giảm”.

So với cá bổi thì mô hình nuôi cá rô đầu nhím có nhiều lợi thế hơn. Chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Bình Nguyễn Hữu Tài cho biết: “Cá rô đầu nhím thừa hưởng những ưu điểm giữa cá rô đồng và cá rô đầu vuông, có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn cá rô đồng và chất lượng thịt lại thơm, ngon hơn cá rô đầu vuông, nên rất được thị trường ưa chuộng. Tuy nhiên, thời gian gần đây cá rô đầu nhím rớt giá, thương lái làm khó hơn khi mua. Hơn nữa, loại cá này không thể chế biến làm khô hay làm mắm như cá rô đồng mà chỉ bán cá tươi trong tỉnh nên giá trị không cao và đầu ra không ổn định. Thời điểm này xã đang thực hiện dự án nuôi cá rô đầu nhím thương phẩm nhưng với giá cá hiện nay những hộ nuôi đang rất lo lắng. Nếu loại thuỷ sản này tìm được thị trường tiêu thụ rộng lớn, ổn định hơn và xuất khẩu được thì đây sẽ là tín hiệu rất đáng mừng, giúp nông dân yên tâm sản xuất”./.

Thảo Mơ

Giá lúa vẫn giảm sâu

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT), đến thời điểm này, toàn tỉnh đã thu hoạch vụ lúa đông xuân trên 34.400 ha, đạt 97,8%. Tuy nhiên, giá lúa hiện nay vẫn giảm sâu so với cùng kỳ, trung bình ước giảm từ 2-4 ngàn đồng/kg, ảnh hưởng nhiều đến thu nhập của người dân.

Linh hoạt ứng phó mưa trái mùa

Mùa khô năm nay thời tiết cực đoan, mưa trái mùa thường xuyên xuất hiện, làm cho các yếu môi trường trong vuông tôm biến động, không thuận lợi cho tôm nuôi quảng canh cải tiến, quảng canh cải tiến 2 giai đoạn và tôm nuôi quảng canh truyền thống phát triển. Trước tình hình này, bà con nuôi tôm trên địa bàn huyện Cái Nước áp dụng nhiều biện pháp ứng phó, nhằm ổn định môi trường, giúp tôm nuôi phát triển và hạn chế tối đa xảy ra rủi ro, thiệt hại do mưa trái mùa gây ra.

Muốn giàu nuôi cá

“Ao cá, vườn rau là hướng đi bền vững trong phát triển kinh tế gia đình”, cựu chiến binh sản xuất giỏi Nguyễn Thái Sơn, Ấp 5, xã Tân Thành, TP Cà Mau, tâm tình.

Dèo lưới nuôi cá lóc đầu vuông

Những năm gần đây, nhiều hộ dân ở xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời phát triển mô hình nuôi cá lóc đầu vuông thương phẩm trong dèo lưới. Cách thức nuôi khá đơn giản nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

OCOP khơi dậy tiềm năng, lợi thế

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã và đang mang lại kết quả tích cực cho huyện Phú Tân. Việc phát triển các sản phẩm OCOP không chỉ giúp nâng cao thu nhập cho người dân mà còn góp phần quảng bá hình ảnh, đặc sản của địa phương đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Thu hoạch cá kèo

Từ sau Tết, cá kèo thương phẩm bắt đầu tăng giá. Thời điểm này, nhiều hộ nuôi cá kèo ở TP Cà Mau bắt đầu thu hoạch trong niềm vui và phấn khởi.

Phụ nữ khẳng định vị thế trong phát triển kinh tế

Hiện nay, có nhiều phụ nữ năng động, linh hoạt sản xuất, phát huy vai trò trong đời sống kinh tế, điển hình như một số hội viên phụ nữ xã Viên An Ðông, huyện Ngọc Hiển.

Sản xuất thích ứng mùa nắng nóng

Ðối với nuôi thuỷ sản, mùa nắng được xem thời gian "vàng" trong sản xuất. Tuy nhiên, trước tình hình môi trường ô nhiễm, thời tiết diễn biến phức tạp, nguy cơ xảy ra dịch bệnh rất cao, người dân cần chủ động ứng phó, nhằm tránh thiệt hại, ảnh hưởng đến cả mùa vụ, bởi đối với tôm cần khoảng 4 tháng, với cua cần khoảng 8 tháng nuôi mới bắt đầu cho thu hoạch.

Nhanh chóng gỡ điểm nghẽn, phát huy nguồn lực đất đai

Đó là ý kiến phát biểu chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử tại Hội nghị tổng kết công tác lâm nghiệp năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025, tổ chức ngày 28/2.     

Ðòn bẩy xoá nghèo

Thời gian qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện U Minh tích cực triển khai các chương trình tín dụng chính sách (TDCS) nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế, cải thiện đời sống người dân, góp phần quan trọng giảm nghèo bền vững tại địa phương.