ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 20-9-24 17:27:03
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Cái bớt đỏ

Báo Cà Mau (CMO) Chờ cho bà già lạy mấy cái, lui cui đứng dậy, cu Thẹo sấn tới khiến bà già chưng hửng:

- Má Hai, má nhớ con hông? Con thằng Thảo ở đầu vàm Ba Tiệm nè.

- Thảo nào cà? Bây là ai tao có quen biết gì đâu? Mà ba má bây tên gì?

Cu Thẹo gãi gãi đầu, nó nói ú ớ gì đó khiến bà già càng sốt ruột. Bà dợm quay đi thì cu Thẹo đã đeo sát nách có xỏ cặp xách của bà, ngã nhúi nhụi. Bà hơi bực mình nhưng rồi cũng quên nhanh, còn thằng nhỏ nheo mắt cười tinh ranh với lũ bạn đang chập chờn quanh ngôi cổ tự.

Bây giờ đang là rằm tháng Bảy, tháng mà dân gian hay gọi là tháng cô hồn. Cô hồn ở đâu không biết, chớ ở cái thị xã nhuốm mùi thuốc súng, thuốc lá, rượu mạnh và đĩ điếm này, tụi choai choai cỡ cu Thẹo ngày nào cũng bị rủa xả là đám cô hồn. Cu Thẹo là kết quả trớ trêu của chuyện tình anh lính khố xanh chán đời yêu chớp nhoáng cô nàng bán phấn buôn hương tới hồi mạt vận. Họ chỉ yêu nhau một lần duy nhất, một đêm duy nhất, chẳng biết có đủ nồng nàn hay không, nhưng khi sanh ra, cu Thẹo bị một bớt chàm đỏ lòm bên má phải. Dấu tích tội lỗi, hay là dấu hiệu để lỡ sau này trên đường đời xuôi ngược, má nó còn có cơ hội nhận ra nó. Sư thầy kể lại lượm được nó trong một đêm mưa, trước cửa chùa, khóc ngằn ngặt và vết bớt đỏ lòm.

Rồi bà Ba bán cháo lòng vì lỡ thời hương sắc rước nó từ chùa về nuôi. Mỗi ngày, sáng nó hửi thấy mùi huyết heo, mùi lòng già, lòng non, tim gan phèo phổi và uống thứ nước cháo huyết hậu lợn cợn để lớn lên. Nó lớn lên lầm lũi, không bệnh tật, không gây phiền hà cho người khác mà hình như trong con hẻm này chẳng một ai có thì giờ để ý nó. Con hẻm ẩm thấp, nhớp nháp, lè nhè tiếng người say xỉn suốt ngày đêm, tiếng chửi thề nổ giòn hơn lựu đạn. Lâu lâu, chiếc xe kéo chở ra một hình hài quặt quẹo, sứt mẻ và tanh ngợp máu. Chỉ một khúc hẻm, nhưng đâu cũng cỡ chục đứa tuổi bảy, tám như cu Thẹo. Cái tên do má Ba nó đặt, đặt theo họ bà là Nguyễn Văn Thẹo. Còn nhỏ nhưng cu Thẹo biết giúp má rửa lòng phèo, rửa chén, bưng dọn tô và gom tiền khách. Người nhỏ thó, da đen, chỉ có cái bớt là đỏ lòm, ai nhìn thấy nó cũng cảm giác gai gai. Nhiều ông say xỉn vô phán nó như thầy tướng số tử vi: Đời mày lên voi, xuống chó.

Minh hoạ:  Minh Tấn

Cu Thẹo nổi tiếng lì đòn, gan góc và chưa biết sợ là gì. Có lần, mấy đứa bên cầu chữ Y cũ sang hẻm của nó vào lúc nhập nhoạng tối. Tụi cầu chữ Y nổi tiếng là quậy phá và có thằng Chưởng Cụt làm trùm. Chưởng Cụt mới 10 tuổi nhưng đã dám đưa ngón tay trỏ lên thớt chặt cái cụp khi bị má nó rầy vì chuyện bỏ đi bụi. “Số má” của Chưởng Cụt, đám anh chị lớn tuổi hơn cũng phải nể mấy phần. Cu Thẹo đã từng gặp Chưởng Cụt khi nó "khao quân" chầu cháo lòng sau khi thực hiện thành công một phi vụ. Tướng khệnh khạng, vẻ mặt bất cần đời, áo thun cụt tay màu huyết heo và cái quần cụt nhăn nhúm, nó hất hàm hỏi: "Cái hẻm này ai cho tụi bây chơi?". Mấy đứa nhỏ khựng lại. Đây là hẻm của tụi nó mà. Đây là nhà của tụi nó. Một đứa trong xóm lên tiếng: "Tụi mầy muốn kiếm chuyện hả, tụi tao không sợ đâu, nước sông không đụng nước giếng à nghen". Thằng này chắc học lóm trong mấy bộ phim xã hội đen ở quán, ăn nói nghe cũng có khí phách lắm. Chưởng Cụt nói gọn đanh: "Từ bây giờ, tụi mày kêu tao là đại ca một tiếng, có phúc cùng hưởng, có hoạ cùng chia, còn bằng không… Biết danh Chưởng Cụt chưa mậy?".

Cuộc chinh phục lặng lẽ, cu Thẹo cũng yên lặng và chấp nhận câu chuyện thằng Chưởng Cụt làm trùm luôn cái hẻm của mình. Nhưng một sự cố khiến thằng Chưởng Cụt tự nguyện nhường lại vị trí ông trùm cho cu Thẹo. Chuyện là Chưởng Cụt trong một lần “ăn hàng”, đụng phải anh chị thứ thiệt, tụi nó truy kích bức bách. Chưởng Cụt gần như bị tóm cổ, cho tới lúc lủi vô quán cháo lòng của cu Thẹo. Lúc này, cu Thẹo đang cầm dao bầu của má nó thái lòng heo. Nhìn mặt thằng du côn như muốn ăn thịt thằng Chưởng Cụt, cu Thẹo ra hiệu dừng lại. Thằng côn đồ không dừng lại mà càng hăng máu xông vô. Cái dao loáng lên, một bệt thịt đỏ lựng văng ra. Bắp tay của tên du côn trắng hếu. Mặt nó xanh lè, rồi đôi mắt trừng trừng nhìn cu Thẹo, miệng lẩm bẩm nói một câu: “Chết mẹ mày rồi con. Từ bây giờ khỏi sống xứ này”. Rồi nó lủi đi mất. 

Tối đó, bà Ba dẫn cu Thẹo ra bến xe đò, cho nó ít tiền rồi biểu đi đâu thì đi cho biệt xứ. Bà Ba dọn quán cháo lòng, đốt căn nhà dưới mép kinh nước thúi rồi cũng bỏ đi. Lúc dẫn nó ra bến xe bà có nói: “Má ở lại, mày ở lại cũng bị tụi nó giết. Thôi, coi như má con mình duyên kiếp đã tận”. Nó bị bỏ rơi lần thứ hai. Nó quanh quẩn về ngôi cổ tự, hành nghề “ăn hàng” đã qua mấy mùa người cúng cô hồn. Nó không xa cái thị xã này được, nó nhớ cái mùi nước cống, nhớ hơi thuốc lá, nhớ mùi cháo lòng mỗi sáng, tiếng lè nhè của người say xỉn, cảnh hỗn độn của cuộc chiến giành lãnh địa… Nó lớn lên, cái bớt đỏ cũng lớn lên. Nó ăn cơm chùa, móc túi khách hành hương, tập tành sành điệu trong khói thuốc và hơi cồn rẻ mạt. Cho đến một ngày, nó gặp lại cố nhân.

Bữa đó nó ngồi nhậu hột vịt lộn với mấy thằng bạn sau vụ làm ăn trúng mánh. Đang cao hứng thì một tên ăn mặc rằn ri sang cầm ly gí vô mặt nó nói: "Mời đại ca, em mời một ly". Cái mặt nhìn quen quen,  cái bắp tay hõm vô một thẹo… Cu Thẹo nghĩ, chết thiệt rồi. Nhưng nó vẫn có cái bình tĩnh hiếm thấy, cầm ly rượu ực vô. Thằng kia nhìn nó một lúc rồi hạ giọng: "Cu Thẹo, giờ tao đi lính, mày theo tao, có vinh cùng hưởng, có nhục cùng chia. Tao nói với sếp tao một tiếng, cỡ mày tương lai huy hoàng". Nghe có lý, chẳng lẽ ăn cơm chùa, hành nghề móc túi mãi, nó đã 16 tuổi rồi, nhìn mặt nói 20 người ta cũng tin. Vậy thì đơn giản thôi, đi lính với ông anh này, coi như không chém nhau mất miếng thịt thì không thành chiến hữu.

Cu Thẹo vô tiểu đoàn bảo an, chuyên nghề càn quân lùng sục và nằm biệt kích. Hình như trời sinh cu Thẹo ra là để đi lính, nó lầm lì, không biết sợ, trận nào cũng là mũi đột kích, tiên phong. Dân ở vùng nông thôn và bà con thị xã bắt đầu đồn thổi về một tên lính ác ôn, mặt có thẹo đỏ lòm. Nghe nói nó là một trong những cánh tay đắc lực của tên Thiếu tá Nhung ác ôn, mổ bụng, moi gan, ăn thịt người. Nói là nói vậy, từ khi vô lính nó chỉ lầm lũi đi, ai biểu gì mần đó, bắn đại, bắn bỏ chớ có công trạng gì đâu. Chắc người ta dòm mặt nó thấy có ấn tượng rồi đồn thổi, vậy thôi.

Trong trận càn về Giáp Nước, mũi của cu Thẹo đụng ngay tốp du kích. Nhưng hoả lực của toán biệt kích trang bị tới răng đẩy lùi mấy phát bắn lẹt đẹt từ mé đầm lên. Một tên chém vè, ém dưới biền dừa nước bị bắt ngoi lên. Tốp lính trói giật khuỷu tay, lấy báng súng dọng vô be sườn non tới tấp. Mặt mày của người đàn ông xanh tái. Một tên trong bọn đột ngột đề nghị: "Tụi mày, gan thằng này lớn chắc ngon, mổ bụng ăn chơi".
Nó nhả cho người đàn ông chạy, một thằng chạy theo cầm dao chọt vào dưới bụng phải, người đàn ông vừa chạy vừa ngoéo đầu lại tránh đòn nhưng gục xuống. Tốp lính đè ngửa, moi ra chiến lợi phẩm, cắt sống mỗi thằng thử một miếng. Út Thẹo (từ khi vô ngũ, nó có tên mới) lầm lì nói, cái này hồi đó tao bán cháo lòng ăn hoài. Đó là lần đầu tiên Út Thẹo thấy cảnh ăn gan người, nó dợm nghĩ tới đã muốn ói và nó ói thốc, ói tháo, ra cả mật xanh. Khuya hôm đó, đơn vị bảo an trống mõ nổi lên, đạn sáng bắn tung trời: “Bắt nó, bắt nó, có thằng đào ngũ”.

Lúc nó tấp vô biền dừa nước là đuối lắm rồi, ngước mắt chỉ thấy lờ mờ hình như có ai khiêng nó vô nhà. Nó lả người đi trong cơn mộng mị. Nó thấy nồi cháo lòng sôi ục ục, màu huyết hậu đen bầm. Nó thấy nào là tim, gan, phèo, phổi ngổn ngang. Nó thấy gương mặt của người đàn ông xanh lè nhìn chằm chằm vô nó. Những con chó đang nhe răng giành nhau miếng thịt đỏ lòm…

- Chú! Chú tỉnh rồi hả?

- Dạ, đây là đâu hả thím?

- Ở Biện Ngưu, gần thị xã nhưng cũng heo hút, cách trở lắm. Chú sợ binh lính kiếm gặp phải không?

- Sao thím biết?

- Ờ, nhìn đồ chú mặc, tui đoán vậy.

Ăn miếng cháo trắng (Út Thẹo nghĩ, nếu thím chủ nhà nấu cháo lòng chắc ói thêm bận nữa), Út Thẹo định hình lại tình thế của mình. Ba mẹ không, quê hương không, lính đồn đang truy đuổi… Ái chà chà, đi đâu, về đâu. Thím chủ nhà biểu thay đồ rồi ra sau vườn, chui xuống hầm trốn. Dưới hầm, Út Thẹo gặp một người đàn ông ăn nói lưu loát, tóc hoa râm.

- Chú em từ thành chạy vô hả? Sao, cờ bạc nợ nần hay nổi chí anh hùng khử thằng nào mất dạy?

- Dạ, tại con thấy tụi nó ác quá. Ở với tụi nó hổng đặng chú ơi…

- Ờ, chú em thấy vậy là đúng. Bà con mình, quê hương mình bị mấy thằng ác ôn đó giày xéo bao năm nay, mất mát, hy sinh, gian khổ đâu thể nào đo đếm được.

- Vậy chú em có tính sắp tới mình làm gì không?

- Dạ…

Út Thẹo ngập ngừng, và khi người đàn ông rủ vô cứ để học hành, để làm lại cuộc đời mới, Út Thẹo gật đầu không do dự.

Ngày vô cứ, Út Thẹo thấy cái gì cũng mới. Khi nghe chú Mười giới thiệu, mọi người nhìn Thẹo một cách chân tình, trìu mến. Chưa bao giờ Thẹo thấy mình được quan tâm, được sống trong không khí ấm cúng, thân tình đến thế. Chú Mười đưa tờ giấy biểu Thẹo ghi tên tuổi, quê quán, từng làm nghề gì. Thẹo cứng mình, mặt dày cộp.

- Hổng biết chữ hả? Đọc để Mười ghi.

- Dạ, Nguyễn Văn Thẹo. Quê quán, hẻm cầu mới, từng làm nghề bán cháo lòng, đi bụi đời, đi lính.

- Trời đất ơi, tên Thẹo nghe sao sao phải không con, Mười đổi tên mới cho con nghe, Nguyễn Văn Thới. Út Thới nghen.

Út Thẹo buông ra một từ dạ mơ hồ, cảm giác như bầu trời phía trên và mặt nhà sàn phía dưới nứt toác, trôi tuột những tháng ngày đen tối của phần đời đã qua. Út Thới! Bây giờ mình là Út Thới. Phía trước mình còn cả một cuộc đời…

Mùa tràm này là tám mùa tràm kể từ ngày Út Thới về với cứ. Cái tánh, cái nết và sự phấn đấu của Út Thới khiến đồng chí, đồng đội vô cùng vừa ý. Thới ít nói, vẻ mặt ít khi biểu lộ cảm xúc, nhưng khi đã nhận nhiệm vụ thì lúc nào cũng hăng hái, xốc vác, không ngại gian khổ, hy sinh để hoàn thành. Có những trận chống càn, Thới một mình kẹt lại ở bờ đìa, giữa muôn trùng nguy hiểm vẫn bình tĩnh ẩn nấp, nhai bông súng, uống nước đìa và cuối cùng là thấy một hầm thông bí mật để thoát thân. Thui thủi một mình, đồ đạc cá nhân của Thới chỉ là một ba lô gọn lỏn. Chú Mười như người cha, người anh, lúc nào cũng quan tâm Thới. Lâu lâu chú cho bộ đồ mới, biểu ngồi xuống cho chú cắt tóc gọn gàng để sau này còn lấy vợ. Chú Mười còn cố tình gán ghép Thới với Bé Sáu, cháu gái của chú Mười.

- Mày mà làm cháu rể tao là ngon lành đó Thới. Mày coi con nhỏ dễ thương quá trời.

- Chú Mười nói vậy thôi chớ con một thân một mình dám mơ gì chuyện đó…

- Cái thằng nói bậy, ai nói mày có một mình. Mày có đồng chí, đồng đội, có quê hương, xứ sở nghen con…

Đêm xuống, hương tràm thoang thoảng, trăng sáng dìu dịu toả rộng trên mặt nước lao xao. Có tiếng bơi xuồng. Thới băn khoăn, giác này ai tới? Từ dưới xuồng lên một cô giao liên trẻ tuổi. Dù chưa biết ai là ai nhưng cô gái này đã mạnh giọng:

- Anh gì ơi, tui có một đoàn cán bộ phải qua đầm đêm nay. Ngặt nỗi ngoài đó biệt kích bố ráp quá, phải trở lại chốt của cứ để tìm người hỗ trợ. Anh giúp tui nghen.

- Cô ơi, cái này tui phải báo lãnh đạo, đâu phải nhiệm vụ của tui. Lỡ có hậu quả gì ai gánh…

- Đàn ông đàn ang gì nói chuyện cộc lốc… Hổng giúp thì thôi.

Lại có tiếng xuồng bơi tới, à, chú Mười.

- Ủa, Bé Sáu, sao bây ở đây giờ này? Đoàn cán bộ đâu?

- Chú hỏi ông tướng này nè, gì đâu thấy mắc ghét…

Trời đất ơi, thì ra là Bé Sáu cháu của chú Mười, hồi đó giờ đâu có gặp mặt mà biết. Bây giờ thì Thới thành tượng thiệt rồi. Ông già Mười cắc cớ đổ thêm dầu vô lửa:

- Thới, làm gì cháu Mười giận vậy hả? Chú còn sợ nết giận nó à nghen.

Tự dưng nghe xong câu nói của chú Mười, cô gái lại đâm ra bối rối:

- Ủa, vậy ra đây là anh Thới mà chú Mười có lần nhắc với con…

Dạo gần đây giặc bị những đòn tấn công nặng nề, đồn bót đóng dày đặc, bố ráp ngày càng ác liệt. Chỉ nội trong mấy tháng mùa khô đã có nhiều đồng chí hy sinh khi băng qua đầm. Chốt của Thới có nhiệm vụ bảo đảm tính mạng, tài liệu và hỗ trợ cho giao liên hoàn thành nhiệm vụ. Thới ngồi sau, Bé Sáu trước mũi, đoàn khách 5 người lặng lẽ vượt đầm. Không có chuyện gì, Thới thở phào. Bận về, giữa hương tràm bát ngát, giữa trăng sáng vằng vặc, cả 2 dường như chưa hết ngại ngùng vì cái chuyện ban tối. Ai mở lời trước cũng hổng đặng. Trong lòng Bé Sáu thấy ái ngại vì mình lỡ lời. Còn đầu Thới thì trống rỗng…

- A, anh Thới, nhà anh ở đâu, ba má anh có khoẻ không?

- Ủa, chú Mười hổng nói với cô là tui không có ba má hả?

- Dạ, em không có dịp hỏi, mà anh xưng cô với tui nghe kỳ quá hà…

Vậy rồi cả hai cùng im lặng. Mái chèo đếm nhịp lao xao trên mặt nước khuya. Tiếng vạc ăn đêm từ xa vọng về nghe khắc khoải. Và hương tràm cứ đâu đó vương vấn, rơi xuống mái tóc dài loang loáng ánh trăng của cô gái giao liên…

Chưa bao giờ Út Thới thấy cái bớt đỏ lòm trên mặt mình lại kỳ cục như thế này. Vả chăng, từ trước tới giờ Thới cũng không có thói quen soi gương. Điều xa xỉ với một đứa trôi sông lạc chợ. Hôm nay ngồi nhìn gương mặt mình, Thới mới thấy hết dấu vết của quãng đời đã qua. Có thể trong tâm trí Thới, những ký ức mơ hồ, đứt đoạn, nhưng sao trên mặt Thới, cái bớt và những vết sẹo hằn ngang lại rõ ràng, dữ dội thế này. Một nỗi sợ mơ hồ nào đó vây quanh Thới. Đã mấy tuần rồi, Bé Sáu không ghé trạm này…

Mưa, mưa. Quay đi quay lại đã tới mùa mưa ngâu tháng Bảy. Út Thới cười một mình, ờ thì tháng cô hồn.

Tiếng súng nổ rát rạt, Thới phóng xuống xuồng lao ra phía bờ đầm. Lổm ngổm những bóng người chém vè quanh mé kinh. Thới nhảy xuống, nhanh nhẹn trồi lên mũi đầu, ghé mặt mình vào Bé Sáu. Trời đất ơi! Thới ước, phải chi giờ không bận đánh giặc, anh sẽ mong phút giây này kéo dài mãi mãi. Bé Sáu báo cáo nhanh tình hình, Thới hiểu rằng tình thế rất căng thẳng. Lần này, giặc bắn pháo sáng chỉ điểm, có pháo từ ngoài tiểu khu bắn chi viện.

- Dám tụi nó càn đêm lắm à anh Út?

- Chắc nó không liều vậy đâu. Để coi tình hình ra sao.

- Hôm qua em nghe Mười nói, giặc đang thực hiện âm mưu mới, chúng quyết sống mái với ta ở ngay vị trí của cái đầm này.

- Chừng nào tụi nó mới ăn được anh em mình.

Mưa ngày càng nặng hạt, Bé Sáu run lập cập, đoàn khách cũng mệt mỏi nép vào bờ kinh. Không khí lặng yên quá, chỉ nghe thấy tiếng mưa. Đột ngột, tiếng lách cách đã vọng bằng một tầm mắt trong đêm.
- Sáu, biệt kích…

Thới chỉ kịp đẩy Sáu về phía sau, ra dấu cho đoàn khách rút nhanh khỏi vòng bố ráp của biệt kích đã cận kề. Sáu đoán trúng, giặc làm liều, dám sấn tới ăn thua ngay tại vùng cứ của ta. Trong đêm sâu, Thới dường như vẫn cảm nhận ánh nhìn đầy day dứt của Bé Sáu phía đằng sau. Rồi những đường lửa xé toạc đêm đen đặc, cắt đứt cả những cơn mưa tháng Bảy dầm dề. Bé Sáu và đoàn khách lùi về phía sau, tiếng súng ì đùng hoài không dứt, trong lòng như nước sôi. Nhưng còn tiếng súng là còn hy vọng, anh Út sẽ thoát khỏi vòng vây như bao lần…

Tin Út Thới hy sinh lan nhanh khắp cứ. Chú Mười cẩn thận tắm rửa, mặc quần áo mới cho người chiến sĩ kiên trung, gan dạ Nguyễn Văn Thới. Tới chỗ cái bớt đỏ lòm, ông Mười dừng lại kỳ cọ thật lâu, tự dưng ông thấy nó đẹp lạ thường. Ông không khóc mà nước mắt cứ chảy ròng. Ông lẩm bẩm: “Thới ơi, con bây giờ có thời gian tìm về quê hương, về với cha mẹ rồi. Ở đây đã có chú Mười và đồng chí, đồng đội của con”.

Nấm mộ đắp vội giữa đồng nước nổi. Bé Sáu mang tấm cao su ra đắp ấm cho người con trai mà cô đã trọn lòng thương giờ đang chơ vơ giữa trời đất lạnh. Người con trai lần đầu cô gặp mặt đã chê cục mịch, cái mặt thì lạnh tanh mà còn có cái bớt đỏ lòm phát ớn. Người con trai chưa một lần dám nắm tay cô. Chưa một lần đủ can đảm để thốt lên tiếng thương mình. Một đốm lửa rớt ở phía trời xa, Bé Sáu thấy Út Thới cười, cái bớt đỏ lựng, đẹp như màu nắng mới./.

Truyện ngắn của Phạm Quốc Rin

"Lửa thử vàng" - Câu chuyện truyền nhân gia tộc cải lương

Cải lương đi qua thời hoàng kim, nhưng truyền nhân các gia tộc cải lương chưa bao giờ tắt ngọn lửa đam mê và niềm khao khát viết tiếp chặng đường nghệ thuật của cha ông đã gầy dựng.

Cảm xúc dẫn lối

Từ nhỏ, Nguyễn Hoàng Giang đã yêu thích nghệ thuật. Cơ duyên đưa anh đến với nhiếp ảnh bắt đầu từ tình yêu dành cho cái đẹp và nghệ thuật. Thế nên, tuy từng có 20 năm gắn bó với Hà Nội, nhưng mảnh đất Hội An đậm chất nghệ thuật lại chính là động cơ thôi thúc, khiến anh quyết định chuyển vào nơi này định cư. Ðến nay, khi đã là chủ một công ty du lịch và sở hữu chuỗi khách sạn, nhà hàng, dù bận rộn, anh vẫn dành thời gian cho nhiếp ảnh.

Dâng hương Tổ nghiệp Sân khấu

Suốt 13 năm qua, Ngày Sân khấu Việt Nam cũng là ngày hướng về Tổ nghiệp của những người hoạt động lĩnh vực sân khấu. Ngày Giỗ Tổ là dịp để những người hoạt động trong lĩnh vực sân khấu cùng nhau nhắc nhớ về thế hệ tiền nhân đã có công sáng lập, gìn giữ loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc. Đồng thời cũng là cuộc họp mặt hâm nóng tình nghệ sĩ, tạo sự gắn kết, cùng động viên nhau phấn đấu để mang những cái hay, cái đẹp phục vụ công chúng.

Còn đó những cánh chim không mỏi

Nghe tôi có ý định tìm một địa điểm lý tưởng để khám phá, thưởng thức các loại hình nghệ thuật truyền thống tại mảnh đất được mệnh danh là “thành phố đáng sống”, một người anh đồng nghiệp đang công tác tại Ðài Phát thanh - Truyền hình Ðà Nẵng giới thiệu ngay Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Vậy rồi, qua vài lời kết nối nhiệt tình, NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát, liền đích thân mời đoàn văn nghệ sĩ Cà Mau đến xem một suất diễn trong ngày gần nhất.

Nối dài tình yêu nước bằng nghệ thuật

Nghệ thuật kết nối quá khứ và hiện tại, là phương tiện giúp gìn giữ, lưu truyền và phát huy văn hoá dân tộc. Với ý nghĩa ấy, các bạn trẻ tại Cà Mau, bằng hoạt động nghệ thuật, đã góp phần lan toả, nhân lên tình yêu quê hương, đất nước trong những người trẻ và cộng đồng.

Ấm áp chương trình nghệ thuật “Tình ca Đất Mũi”

Nhằm tôn vinh Âm nhạc Việt Nam nói chung, Âm nhạc Cà Mau nói riêng, thể hiện sự tri ân đối với các tác giả có nhiều cống hiến cho sự nghiệp âm nhạc tỉnh nhà. Tối 3/9, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh đã diễn ra Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm lần thứ 15 Ngày Âm nhạc Việt Nam với chủ đề :“Tình ca Đất Mũi”. Chương trình do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phối hợp tổ chức.

Sắc màu miền Tây đến với Huế

Những năm qua, mỹ thuật đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) có bước phát triển mạnh, tạo được tiếng vang trong khu vực, các vùng miền trong và cả ngoài nước. Câu lạc bộ (CLB) "Sắc màu miền Tây ART" đã có 4 cuộc triển lãm tại Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh và Hà Nội từ năm 2019-2023.

Khám phá cùng nhiếp ảnh

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Lê Minh Vũ (Quyên Vũ) sinh năm 1974, tại tỉnh Tiền Giang, hiện sinh hoạt tại Hội NSNA Việt Nam, Chi hội Tiền Giang.

Sắc màu văn hoá địa phương hoà quyện trong từng bài ca, điệu múa

Đạo diễn Nguyễn Tiến Dương, Trưởng Ban giám khảo Hội diễn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Cà Mau lần thứ IX - 2024, đánh giá, một trong những điểm nổi bật của hội diễn là những sắc màu văn hoá của địa phương hoà quyện trong các bài hát, điệu múa, càng làm tăng thêm sự hấp dẫn. So với những hội diễn trước, các đội đã có nhiều sự tiến bộ về ca, múa, âm nhạc và trang phục.

Cho chữ mùa Vu lan

Tôi gặp thầy đang cho chữ tại một góc nhỏ trong khuôn viên chùa Thiền Lâm, phường Tân Thành, TP Cà Mau, vào ngày chùa tổ chức lễ Vu lan. Mặc dù bút trên tay đang nắn nót, mắt chăm chú vào con chữ, nhưng được vài nét, khi ngẩng lên chấm mực là thầy nhanh miệng mời gọi mọi người đang đứng túm tụm gần đó: “Viết mấy câu tặng cha mẹ đi chị (cô, chú, anh, em...) ơi!”; “Lại chú cho chữ cầu sức khoẻ, học giỏi nè các con!”; “Cầu tài lộc, sức khoẻ, vạn sự như ý nè anh chị em, cô bác ơi!”... Và bao giờ sau những câu mời gọi, thầy cũng nhấn mạnh “tặng chữ hoàn toàn miễn phí” để khách khỏi đắn đo.