Hiện nay, số lượng người hút thuốc lá còn khá đông, chủ yếu ở lứa tuổi từ 25-45 (chiếm gần 50%). Nhiều người, dù biết tác hại của thuốc lá ảnh hưởng rất nhiều đến sức khoẻ của bản thân cũng như những người xung quanh nhưng vẫn khó bỏ hút thuốc lá. Việc từ bỏ thuốc lá đòi hỏi phải có động lực mạnh mẽ, sự hỗ trợ lâu dài, và sự thay đổi này không phải ai cũng làm được, khi mà việc hút thuốc đã trở thành xu hướng, thói quen.
- Đề nghị 100% công sở cấm hút thuốc lá
- Mít tinh hưởng ứng tuần lễ không hút thuốc lá
- Nguy cơ mắc bệnh tim mạch do hút thuốc lá
Chất nicotin trong thuốc lá là một chất gây nghiện mạnh khiến nhiều người khó bỏ khi đã sử dụng. Dù vậy, vấn đề bỏ thuốc lá không phải là không thể, bởi có nhiều người đã thực sự từ bỏ dứt điểm mà không hề tái nghiện. Tuy nhiên, đối với một số người thì thói quen hút thuốc vẫn rất khó từ bỏ, dù đã cai nhiều lần.
Ông N.V.H, ngụ Phường 5, TP Cà Mau, chia sẻ: “Tôi hút thuốc đã trên 10 năm. Lúc đầu, khi đi học bạn bè rủ rê, bản thân cũng muốn thể hiện cá tính nên hút, nhưng dần dà về sau, thấy tác hại của thuốc lá đối với sức khoẻ nên tôi đã bỏ khoảng 4 năm nay rồi. Mặc dù vậy, hiện vẫn còn cảm giác thèm mỗi khi ngồi cà phê với bạn bè, hoặc khi đi nhậu nên có hút chút ít, về đến nhà là không hề hút. Ðây cũng chỉ là thói quen thôi, mà thói quen này khó bỏ thật”.
Suy nghĩ của ông H cũng là điểm chung của nhiều người khi đã bỏ thuốc. Ðối với họ, việc hút lại một vài điếu thuốc cũng chỉ là một phần của văn hoá giao tiếp mỗi khi gặp bạn bè.
Trên thực tế, hình ảnh người ngồi quán cà phê hay quán nhậu phì phèo thuốc lá không còn xa lạ, và trong số đó cũng có những trường hợp chỉ sử dụng do thói quen, một thói quen khó bỏ, rồi dần dà tái nghiện khi nào không hay.
Hút thuốc lá có thể gây các bệnh nghiêm trọng như ung thư phổi, tim mạch và hen suyễn. (Ảnh minh hoạ)
Việc hút thuốc lá nơi công cộng không chỉ là vấn đề nghiện thuốc lá, mà nó đã trở thành thói quen đối với nhiều người hút thuốc. Hễ rảnh tay không có việc gì làm là có thể đốt thuốc và thói quen này gây ra không ít hệ luỵ đối với những người xung quanh, ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng. Trong đó, điều đáng quan tâm chính là vấn đề hút thuốc lá thụ động (tức là hít phải khói thuốc từ người hút) có thể gây các bệnh nghiêm trọng, như ung thư phổi, tim mạch và hen suyễn. Việc hút thuốc lá thụ động đặc biệt nguy hiểm cho trẻ em và phụ nữ mang thai. Theo nhận định của các chuyên gia về y tế thì khói thuốc làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh, sinh non đối với thai nhi và các vấn đề hô hấp ở trẻ em.
Thực tế cho thấy, vẫn có nhiều người bất chấp các lệnh cấm, vô tư hút thuốc ở bệnh viện, trường học, những khu vui chơi... Tuy nhiên, việc thực hiện lệnh cấm chưa đồng bộ, chưa nghiêm và nhiều nơi vẫn để xảy ra tình trạng hút thuốc không kiểm soát. Ðiều này vừa ảnh hưởng đến sức khoẻ người xung quanh, vừa là tác nhân gây ô nhiễm môi trường từ khói thuốc, đầu lọc thuốc lá và quan trọng hơn hết, đây chính là hành vi dễ dẫn đến việc tiếp xúc, cũng như bắt chước của đối tượng thanh, thiếu niên.
Theo nghiên cứu và thống kê gần đây, tại nước ta, độ tuổi người hút thuốc đang có xu hướng trẻ hoá, trong đó có nhiều người bắt đầu hút từ rất trẻ. Số liệu khảo sát toàn cầu về tình trạng sử dụng thuốc lá ở thanh, thiếu niên, thì ở nước ta có khoảng từ 8-10% đối tượng thanh, thiếu niên từ 13-15 tuổi đã từng thử hút thuốc và đa số bắt đầu hút từ độ tuổi 16-20, đây là lứa tuổi dễ bị ảnh hưởng bởi bạn bè, xã hội.
Em T.T.M, ngụ Phường 9, TP Cà Mau, bộc bạch: “Lúc đầu đi cà phê, thấy bạn bè rủ rê rồi hút thử, cứ vậy, mỗi lần ra quán là lấy thuốc ra hút, giờ thì như thói quen luôn, miễn ngồi xuống kêu nước uống là phải đem thuốc ra hút, nếu không sẽ thấy thiếu thiếu cái gì đó. Em cũng muốn bỏ nhiều lần rồi nhưng chưa bỏ được”. Theo nhận định của ngành chuyên môn, việc trẻ hoá độ tuổi hút thuốc sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như: ung thư, tim mạch, hô hấp và nó cũng đặt gánh nặng lớn hơn lên hệ thống y tế trong tương lai.
Hút thuốc lá là một thói quen phổ biến và khó bỏ, để giảm thiểu thói quen này cần có những giải pháp quyết liệt, đồng bộ từ nhiều phía, như việc tăng cường giáo dục từ cộng đồng, hỗ trợ các chương trình cai nghiện thuốc lá, quan trọng hơn hết chính là quyết tâm từ bản thân người nghiện thuốc. Bỏ thuốc lá là một quá trình khó khăn, nhưng với sự quyết tâm cũng như sự hỗ trợ tích cực của cộng đồng thì việc bỏ thuốc lá là điều hoàn toàn khả thi./.
Lê Chí