ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 9-5-25 14:16:08
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Cái Tết đầu tiên...

Báo Cà Mau Từ khi trở về từ Bệnh viện Quân y 7B, Ðồng Nai, anh Thanh mặt vui khác lạ. Sáng nào người ta cũng thấy anh ngồi trên cái giường trước cửa uống trà, trò chuyện vui vẻ với mọi người, hoặc nhìn ra khu chợ xã Tân Thành mà cười chúm chím. Phần đông người ta vẫn nghĩ anh vui vì vừa trở về từ cõi chết. Tuy nhiên, chỉ có những bạn trà của anh mới hiểu hết được sự tình.

Từ khi trở về từ Bệnh viện Quân y 7B, Ðồng Nai, anh Thanh mặt vui khác lạ. Sáng nào người ta cũng thấy anh ngồi trên cái giường trước cửa uống trà, trò chuyện vui vẻ với mọi người, hoặc nhìn ra khu chợ xã Tân Thành mà cười chúm chím. Phần đông người ta vẫn nghĩ anh vui vì vừa trở về từ cõi chết. Tuy nhiên, chỉ có những bạn trà của anh mới hiểu hết được sự tình.

Thật ra, anh đã có một sự thay đổi rất lớn về tinh thần sau cái lần hoạn nạn vừa qua. Nó đánh dấu bằng một cái Tết cách đây hai năm, tại một nơi không ai muốn đến, đó là bệnh viện. Vợ chồng anh đã kể tôi nghe về cái Tết ấy.

***

Vào tối 29 Tết Quý Tỵ 2013, Bệnh viện Quân y 7B thưa thớt người. Thấy anh Thanh mặt mày ủ rũ, chị Lài đẩy xe lăn đưa anh ra khuôn viên bệnh viện, nơi có mấy hàng ghế đá và những nhành mai đang trổ vàng rực. Ðể chồng không nghĩ lung tung rồi buồn, chị Lài bày chuyện nói.

- Ðố anh nhớ được mình gặp nhau lần đầu như thế nào?

- Rầu muốn chết còn nhắc chuyện tình yêu.

- Chắc là anh không nhớ mới đánh trống lãng?

- Sao mà không. Cái ngày đó ấn tượng quá mà. Cả đời tôi có cố quên cũng không quên được.

Biết “cá cắn câu”, chị Lài cười khúc khích rồi đến ngồi trên băng ghế đá phía tay trái của chồng, tíu tít khuấy động lại những kỷ niệm đẹp.

Anh chị gặp nhau trong một buổi chiều cách đây 16 năm, tại Bến tàu B, phường 8, TP Cà Mau. Lúc đó, chị Lài lững thững trước bến tàu thì gặp anh Thanh đang rà rê tìm khách đi xe ôm. Vậy là chị leo lên xe anh mà đi. Khi xe chạy được một đoạn vài chục mét thì khụt khịt rồi tắt máy, kiểu như bị ai đó thọt gậy bánh xe. Ðâu ngờ cái gậy ấy là cái chân của chị Lài.

Nhờ số tiền 30 triệu đồng của một bác sĩ, vợ chồng anh Thanh đã mở được cửa hàng quần áo may sẵn tại nhà.    Ảnh:  TRẦN VŨ

Tưởng anh Thanh sẽ tức cười với sự cố hy hữu vợ vừa kể, nhưng không, anh vẫn nhìn xa xăm vào khoảng không gian trước mặt, ánh mắt buồn hơn. Chợt anh nói với chị: “Mình gặp nhau từ một tai nạn. Có khi nào mình kết thúc cũng ở một tai nạn hay không?”. Chị Lài chưng hửng, biết kế hoạch muốn làm anh vui đã thất bại. Còn tệ hơn là chị không thể ngăn được dòng xúc cảm của anh.

Anh bắt đầu nghĩ về cuộc đời của mình. Từ một vụ tai nạn bất ngờ chị vừa kể ở trên, anh chị đã biết nhau và sau đó yêu nhau, cưới nhau. Hai vợ chồng chí thú làm ăn nhưng rồi tai nạn cứ xảy ra, cướp đi tất cả những khoản vốn liếng khi mới vừa tích góp được chút ít. Tai nạn đầu tiên xảy ra khi anh chị vừa có đứa con gái thứ hai.

Hôm đó, đang lui cui cắt những cây căm cũ của bánh xe để vào căm mới cho khách thì lưỡi cắt bỗng dưng bị gãy, bay vào bộ hạ của anh Thanh. Một nửa tinh hoàn của anh bị đứt ngọt, phải nằm viện cả tuần, tốn hết số tiền vốn buôn bán của vợ. Ðến năm 2011, anh Thanh bắt đầu mang một căn bệnh ho trị hoài không hết. Sau đó anh bị teo hai chân, đến liệt hẳn, việc chạy chữa hết sạch tài sản mà không hiệu quả gì. Ðến đầu đông 2012, anh Thanh nằm chờ chết với những cơn đau nhức buốt cả người, gia đình lâm cảnh không lối thoát…

Chợt anh Thanh nắm lấy bàn tay của vợ, nước mắt lã chã, bảo: “Cái lần anh nhìn thấy em bị điện giật té nhào, anh đã nghĩ đến cái chết, nên anh không thấy sợ cái chết nữa. Anh chỉ sợ không còn cơ hội để trả ơn cho em…”. Chị Lài nhanh nhảu: “Anh nói bậy quá. Mình đã ở bệnh viện rồi. Ở đây bác sĩ, tiến sĩ, giáo sư cũng có, lẽ nào họ bỏ anh chết”.

Tuy cố nói bằng giọng cứng rắn, nhưng nước mắt chị Lài đã chảy dài. Chị sợ không kìm được, phải khóc thành tiếng nên lật đật đẩy xe lăn đưa chồng vào phòng, tránh cảnh thanh tịnh dễ gây xúc cảm lòng người ấy.

 Khi đi đến dãy hành lang mà người nuôi bệnh vẫn hay trải chiếu ngồi nghỉ chân, vợ chồng chị gặp bà cụ Xuân. Bà nắm chiếc xe lăn của anh Thanh lại mà đưa cho anh 50.000 đồng, nói là lì xì nhân Tết đến. Anh Thanh hơi bất ngờ, đưa tay dụi đôi mắt vẫn chưa kịp khô. Anh nhìn bà trân trân, rồi từ chối. Bà cụ chưng hửng hỏi “tại sao”? Anh Thanh khụt khịt cái mũi rồi nói: “Con nhìn thấy bác còn khổ hơn con nên con không lấy. Không phải là con khi dễ bác, nhưng mấy hôm rồi con thấy bác ăn uống rất kham khổ, toàn ăn cơm với nước lạnh, cá khô mặn. Hôm nọ con còn thấy bác bắt từng con kiến ra khỏi cơm để mà ăn. Thôi, vợ chồng con cảm ơn bác, nhưng bác hãy để tiền mà lo cho con bác đi. Con thấy anh ấy bệnh cũng đâu phải mau hết”.

Bà cụ cười thật hiền, nói lại với Thanh: “Ðâu phải đợi giàu mới giúp đỡ người khác. Bác thấy hai đứa là người tử tế, lại chí thú làm ăn, nhưng gặp bệnh hoạn nên nông nổi, bác thương. Bác lì xì cho hai cháu là cũng để cho lòng bác vui. Hai cháu cứ nhận đi, để bác ăn Tết ở bệnh viện này có nghĩa một chút, vui hơn một chút”. Chị Lài cười, thay chồng nhận lấy số tiền, rồi đưa chồng vào phòng nghỉ ngơi.

 Tối đó, người ta đem đến tặng nhiều quà, tiền lì xì cho những người bệnh, vợ chồng anh Thanh lại được phần nhiều. Một bác sĩ là lãnh đạo bệnh viện còn đưa cho anh Thanh đến 500.000 đồng, căn dặn vợ chồng thèm cái gì cứ lấy số tiền này mà mua ăn trong mấy ngày Tết cho đỡ buồn, đỡ nhớ quê. Quà nhiều quá, anh Thanh kêu vợ đi phân phát lại cho những ai chưa có, rồi cùng với nhau ăn uống, chuyện trò trong mấy ngày Tết, thành ra nỗi nhớ quê không đến nỗi khiến người ta phải khóc. Anh Thanh còn may mắn kết tình anh em với một người cùng cảnh ngộ, quê ở Vũng Tàu.

Sau hai tháng rưỡi điều trị ở Bệnh viện Quân y 7B, anh Thanh được cho xuất viện trong tình trạng sức khoẻ vẫn chưa có dấu hiệu tốt hơn. Nên khi về, anh cứ ôm trong lòng một sự mặc cảm, tự ti, vì nghĩ trong bụng rằng bệnh mình chắc hết cách chữa trị nên các bác sĩ cho về chờ chết. Nhưng anh đâu ngờ, diễn biến bệnh tình đúng như Bác sĩ Hiển, Giám đốc đã nói trước đây.

Vào một ngày giữa năm 2013, anh bất chợt đứng lên bước đi mà không hay biết. Chị Lài nhìn chồng đi được nên sững sờ, chị cười mà chảy nước mắt. Anh Thanh thấy vợ có vẻ lạ nên hỏi, chị Lài mới chỉ vào hai chân anh. Lúc đó thì anh mới chợt nhớ là mình đã đi được. Hai đứa con gái nhảy vào ôm cha rồi kêu anh đi cho chúng nó xem. Anh ngoan ngoãn làm liền, như đứa trẻ được kêu tập đi, khiến cả nhà vui cười trào nước mắt.

Bây giờ thì anh Thanh đã có thể chạy xe máy, bê được hai tấm cửa bằng thiếc mỗi sáng, vác những kiện áo quần cả chục ký giúp vợ, vô tư sửa vá xe cả ngày. Tuy nhiên, cái được quan trọng nhất đối với anh, sau trận bể dâu ấy là niềm tin cuộc sống. Có lần, đang uống trà, anh kể với tôi:

- Hồi trước, khi đang cơn bệnh hoạn, túng cùng, có lúc tôi muốn đốt cả cái chợ Tân Thành này rồi nhảy vào trong lửa tự thiêu cho xong cái cuộc đời khốn nạn.

- Sao nghĩ kỳ vậy ông?

- Có lý do chính đáng chớ. Mấy ông không biết đâu. Lúc đó, nhiều người ở chợ này đồn tôi bị sida, do vợ tôi đi làm đĩ về truyền lại. Rồi người ta còn nói, hoàn cảnh của tôi thì vợ tôi chỉ có nước đi làm đĩ mới mong xoay xở được. Tôi nghe mà hận. Tôi ghét cái sự nhiều chuyện đó. Nhưng thiệt tình, bây giờ mới thấy mình dở.

- Là sao? Ông nói khó hiểu quá?

- Là như vầy. Cái năm mà tôi ăn Tết ở Bệnh viện Quân y 7B, bà cụ Xuân đã hoá giải thế này. Cái tính nhiều chuyện là vốn dĩ của dân quê, nó có hại thì ít mà lợi thì nhiều. Như vợ chồng tôi đây, nếu không có cái tính nhiều chuyện của bà con Tân Thành thì bây giờ tôi xuống âm phủ mà uống trà.

Mấy ông bạn trà ngồi ngẫm nghĩ một hồi mới “à ra phải”. Vợ chồng Thanh khổ như thế nào, gần như cả xã Tân Thành biết hết, nó còn lan qua cả phường Tân Thành gần đó. Ðến cái chuyện vợ Thanh hai lần bị điện giật suýt chết khi cố dùng máy cắt điện cắt căm xe cho khách, hay cái chuyện thầm kín như anh Thanh khóc mỗi khi thấy vợ ngủ gật bên bánh xe đạp đang bắt căm dở dang… Người ta biết hết, truyền miệng nhau lan xa khắp nơi. Cũng từ đó mà bà Út Thương mới mang gạo đến cho, bà Hai Thao cho tiền mua thuốc, vợ chồng ông Hùng phế liệu đi xin gạo ở chùa về thẩy vào nhà Thanh… Người nhiều chuyện ở đây còn đi kêu nhà báo về đăng báo cảnh thương tâm để rồi Bệnh viện Quân y 7B hay được, nhận chữa bệnh miễn phí cho anh Thanh.  

Anh Thanh còn một bí mật khác, cũng tiết lộ luôn. Anh nói: “Hồi trước tôi cũng thù mấy cha đem xe lại cho tôi sửa xong rồi nói lỡ hết tiền thiếu chịu. Sau đó mất luôn”.

Một bạn trà lên tiếng: “Thì thù là phải rồi. Vừa mất tiền, vừa mất mối”.

- Nhưng mà thù là dở. Tại vì người ta túng mới làm liều vậy. Mình hãy nghĩ như vậy và xem như việc đó là mình giúp người khó, khổ. Mấy ông không biết đâu, vợ chồng tôi được rất nhiều người không quen biết, không họ hàng đến cho tiền hồi ở trong bệnh viện. Khi tụi tui về, một bác sĩ còn cho 30 triệu đồng để làm vốn làm ăn. Trong lòng tôi tôn trọng mấy người đó đến chết. Vậy thì sao mình không bắt chước họ chứ?

***

Từ những tấm lòng nhân ái, anh chị Phạm Hoài Thanh, 41 tuổi, Lê Thị Lài đã vượt qua cơn dông tố cuộc đời, còn đạt được một tinh thần thảnh thơi như hôm nay. Anh chị đã bắt đầu có cái Tết đầu tiên sau 16 năm sống trong nghèo túng, tự ti, mặc cảm. Hồi ấy, cứ Tết là đóng cửa mà ngủ cho mau qua./.

Bút ký của Trần Vũ

Cà Mau - Ðịa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài cuối: Bừng sáng vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc

Cà Mau hôm nay đổi mới, phát triển từng ngày. Những cán bộ lão thành cách mạng, những bậc cao niên ở Cà Mau mà chúng tôi có dịp gặp, đã trải qua bom đạn chiến tranh, trải qua những ngày tháng Cà Mau còn đầy khó khăn, tất cả đều nói rằng, Cà Mau mình bây giờ đã phát triển nhiều lắm, đời sống Nhân dân đã sung túc hơn trước bội phần. Từ vùng đất hoang vu, nê địa; từ những đau thương, mất mát lớn lao trong kháng chiến; đến nay, Cà Mau đã vươn mình đi lên bằng sức vóc mới, thế và lực mới, để chặng đường phát triển tương lai sẽ làm bừng sáng vùng đất địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.

Cà Mau - địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 4: Vùng đất của những sản vật vang danh

Dù lên rừng hay xuống biển, Cà Mau đều sẵn có những đặc sản trứ danh. Nếu chỉ nhắc đến đại khái, nhiều người sẽ chưa thoả dạ hoặc lòng còn hoài nghi, thắc mắc. Sự trù phú của thiên nhiên hoà quyện với quá trình lao động siêng năng, bền bĩ, đúc kết kinh nghiệm và sự sáng tạo tài hoa của lớp lớp con người Cà Mau đã kết tụ nên giá trị và sức sống lâu bền của những sản vật đặc trưng ở vùng đất mới.

Lưu Hữu Phước – Nhạc sĩ tài danh đất Tây Đô

Hai ba thế hệ người Việt Nam hát những ca khúc của nhạc sĩ tài danh Lưu Hữu Phước. Không có cuộc đời nào, tâm hồn nào trên đất nước Việt Nam thân yêu thế kỷ vệ quốc anh hùng mà không được Lưu Hữu Phước giục giã.

Ngày giải phóng Cà Mau

Cà Mau - địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 3: Bức tranh văn hoá đa sắc

Dù ở vùng đất mới, gốc gác khác biệt, song khi về tới Cà Mau, thế hệ tiền nhân đã sớm ý thức về nguồn cội, quần tụ và cố kết với nhau bằng sợi chỉ đỏ chảy xuyên suốt của nền văn hoá dân tộc Việt Nam bốn ngàn năm: “Từ thuở mang gươm đi mở cõi/Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”.

Cà Mau - Địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 2: Con người Cà Mau - Nét duyên xứ sở

Cố Giáo sư Trần Quốc Vượng cho rằng: “Con người là chủ thể văn hoá, cách ứng xử của con người với chính mình, với thiên nhiên và các mối quan hệ xã hội định hình nên đặc điểm và tính cách của nền văn hoá ấy”. Ở vùng đất mới Cà Mau, nếu không nói về con người Cà Mau, tính cách và cốt cách của con người Cà Mau thì quả thật là một điều thiếu sót lớn. Hồn cốt quê hương, khí phách của ông cha là nơi hậu thế soi chiếu vào đó để nhận diện được chính mình và khơi mở những chặng đường tương lai của mảnh đất này.

Cà Mau - Địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc

Khi Báo Cà Mau đăng loạt ghi chép pha chút hơi hướng khảo cứu này, tỉnh Cà Mau đang hừng hực khí thế, với thế và lực mới vững vàng hoà vào dòng chảy thời đại cùng cả dân tộc, đất nước Việt Nam tiến bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển phồn thịnh, giàu mạnh, hạnh phúc.

Dì tôi - Người đàn bà đi qua hai cuộc kháng chiến

Trước đây không lâu, Báo Cà Mau có đăng bài viết về chuyện bà Hai Ðầm tham gia trận diệt đồn Tân Bằng năm 1946. Trong trận đánh táo bạo này, bà được Chi bộ Thới Bình cài vào đồn giặc Pháp làm nội gián để cùng bộ đội ta thực hiện phương án “nội công ngoại kích”. Bài viết theo lời kể của ông Huỳnh Văn Tứ ở thị trấn Thới Bình, người cùng thế hệ và có mối quan hệ thân tộc với bà Hai Ðầm.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài cuối: Ðổi mới phương pháp dạy và học

Việc Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) siết chặt quản lý dạy thêm, học thêm theo Thông tư số 29/2024/TT-BGDÐT quy định về dạy thêm, học thêm (Thông tư 29) đã nhận được sự đồng thuận của xã hội. Bởi chính phụ huynh, học sinh và cả các thầy cô giáo nhận ra đã đến lúc cần thay đổi tư duy giáo dục theo hướng mở.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài 2: Chia nhau trách nhiệm

Ðể siết chặt vấn đề dạy thêm - học thêm, nếu chỉ dựa vào nỗ lực của ngành giáo dục là chưa đủ, mà còn đòi hỏi sự nhìn nhận đúng và sự giám sát của phụ huynh, của xã hội.