Được giao nhiệm vụ thực hiện 3 chỉ tiêu nhằm góp phần cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Sở Tư pháp đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan, đồng thời tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản để chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện đối với những chỉ tiêu được giao.
Sở Tư pháp được giao thực hiện chỉ tiêu tính minh bạch (minh bạch trong khả năng có thể dự đoán được trong thực thi pháp luật của tỉnh đối với quy định pháp luật của Trung ương; minh bạch trong tiếp cận tài liệu pháp lý và minh bạch trong khả năng dự liệu được thay đổi quy định pháp luật của tỉnh); tính thiết chế pháp lý và an ninh trật tự; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN).
Công khai, minh bạch trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Ông Võ Thanh Tòng, Giám đốc Sở Tư pháp, cho biết, để thực hiện tính minh bạch trong tiếp cận tài liệu pháp lý, ngay từ đầu năm, Sở Tư pháp đã chủ động tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 232, ngày 30/12/2022 về công tác xây dựng, ban hành; kiểm tra, rà soát và hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) năm 2023 trên địa bàn tỉnh. Từ đó, các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, TP Cà Mau đã ban hành các văn bản tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất các nội dung, giải pháp thực hiện.
Quy trình xây dựng và ban hành văn bản QPPL bảo đảm công khai, minh bạch; thực hiện nghiêm túc, hiệu quả và với tinh thần trách nhiệm trong hoạt động lấy ý kiến góp ý dự thảo văn bản QPPL, tránh tình trạng góp ý mang tính hình thức.
Năm qua, Sở Tư pháp đã chủ trì phối hợp với các sở, ngành tỉnh rà soát trình Chủ tịch UBND tỉnh công bố Danh mục văn bản QPPL do HÐND, UBND tỉnh ban hành hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần định kỳ năm 2022, gồm 33 văn bản (6 nghị quyết, 27 quyết định). Trong đó, 24 văn bản hết hiệu lực toàn bộ (2 nghị quyết, 22 quyết định) và hết hiệu lực một phần 9 văn bản (4 nghị quyết và 5 quyết định).
Công chức pháp chế, thanh tra, tư pháp kiêm nhiệm làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; chưa được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo ông Võ Thanh Tòng, tính minh bạch thực hiện qua việc tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện các văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh, năm qua Sở Tư pháp đã tham gia thẩm định các văn bản QPPL. Nhìn chung các văn bản này đều chặt chẽ, không có văn bản trễ hẹn, góp phần cho UBND, HÐND tỉnh ban hành các nghị quyết, quyết định vi phạm pháp luật...
Tích cực hỗ trợ DN nhỏ và vừa
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 19 sở, ngành tỉnh và 9/9 huyện, TP Cà Mau; đã phân công 196 công chức làm đầu mối hỗ trợ pháp lý cho DN nhỏ và vừa.
Cà Mau có 30 luật sư, thuộc 9 văn phòng luật sư trên địa bàn tỉnh, được Bộ Tư pháp công nhận tư vấn viên pháp luật. Ðây là lực lượng cần thiết nhằm tăng cường hỗ trợ pháp lý cho DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Cà Mau kịp thời tiếp cận, cung cấp thông tin yêu cầu hỗ trợ pháp lý theo quy định.
Trang tin Phổ biến giáo dục pháp luật của tỉnh đã đăng tải lên 63 văn bản và bài viết tuyên truyền liên quan đến hỗ trợ pháp lý cho DN nhỏ và vừa.
Sở Tư pháp tham mưu tổ chức cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về hỗ trợ DN nhỏ và vừa” năm 2023, thu hút 22.494 lượt dự thi. Qua đó, công nhận kết quả 30 thí sinh đoạt giải; từ tháng 7/2023, phối hợp Báo Cà Mau đăng 12 tin, bài và xây dựng 4 video hỗ trợ pháp lý cho DN nhỏ và vừa; biên soạn, thực hiện 1 video số hoá và 5 đồ hoạ thông tin, nội dung hướng dẫn về thủ tục đăng ký thành lập DN; hỗ trợ DN nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh; hỗ trợ DN nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; thủ tục lập hồ sơ xin hỗ trợ pháp lý cho DN nhỏ và vừa.
Thực hiện cập nhật kịp thời, đầy đủ các văn bản QPPL do HÐND, UBND tỉnh ban hành trong năm vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật theo đúng quy định, giúp các cá nhân, tổ chức, DN tra cứu, tìm hiểu và thực hiện trích xuất tại Cổng thông tin điện tử của tỉnh.
Trang phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh cập nhật kịp thời, đầy đủ các văn bản QPPL do HÐND, UBND tỉnh ban hành trong năm vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật theo đúng quy định, giúp các cá nhân, tổ chức, DN tra cứu, tìm hiểu và thực hiện trích xuất.
Trang tin điện tử Phổ biến giáo dục pháp luật do Sở Tư pháp quản lý đã gắn đường link Trang hỗ trợ pháp lý cho DN nhỏ và vừa của Bộ Tư pháp (https://htpldn.moj .gov.vn) trên Trang phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh (http://pbgdpl.camau.gov.vn) để tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức, DN có nhu cầu tra cứu, tìm hiểu pháp luật liên quan đến hỗ trợ pháp lý cho DN nhỏ và vừa.
Còn nhiều khó khăn, hạn chế
Theo ông Võ Thanh Tòng, đã qua, để giúp người dân, DN tiếp cận các tài liệu pháp lý, Sở Tư pháp thực hiện truyền tải thông tin qua các trang web, các phương tiện truyền thông để người dân, DN tra cứu.
Theo đó, Phòng Phổ biến giáo dục pháp luật cũng đã triển khai, hỗ trợ tư vấn pháp luật cho DN nhỏ và vừa, các văn bản được Sở Tư pháp triển khai đầy đủ. Tuy nhiên, việc tiếp cận các DN nhỏ và vừa còn khó khăn, Sở Tư pháp đã mời họp, gởi tờ gấp tuyên truyền nhưng DN ít quan tâm. Các DN khi có khó khăn, vướng mắc thường sử dụng đội ngũ tư vấn pháp luật của DN hoặc luật sư, rất ít khi có yêu cầu hỗ trợ pháp lý từ các cơ quan Nhà nước. Nhưng khi đánh giá về chỉ số PCI thì có DN đánh giá tốt, cũng có DN đánh giá chưa tốt, vấn đề này khách quan, Sở Tư pháp không thể chủ động.
Ông Võ Thanh Tòng nhận định, hiện nay trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trách nhiệm công vụ của một số công chức pháp chế còn hạn chế. Theo quy định Nghị định số 55/2019 về hỗ trợ pháp lý cho DN nhỏ và vừa thì chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể tiêu chuẩn cán bộ, công chức thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho DN nhỏ và vừa; hiện nay các sở, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện phân công công chức pháp chế, thanh tra, tư pháp kiêm nhiệm làm công tác hỗ trợ pháp lý cho DN; chưa được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hỗ trợ pháp lý cho DN nhỏ và vừa.
Ðể thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, thời gian tới, Sở Tư pháp sẽ tiếp tục thực hiện công khai, đầy đủ, kịp thời hệ thống văn bản QPPL do Trung ương và địa phương ban hành, cung cấp các thông tin danh mục văn bản QPPL để các DN tiếp cận và thực thi. Ðồng thời, sẽ thống kê đầy đủ các văn bản QPPL do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành để cung cấp đến cơ quan hành chính Nhà nước trong tỉnh và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử tỉnh, Trang Thông tin điện tử Sở Tư pháp.
Sở Tư pháp tăng cường tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng nghiệp vụ cho người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho DN; đội ngũ tư vấn viên, tuyên truyền viên pháp luật; tăng cường nhận thức pháp lý cho DN. Tăng cường trao đổi thông tin, xây dựng cơ chế phối hợp trong triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN giữa cơ quan Nhà nước, tổ chức đại diện cho DN, tổ chức hành nghề luật sư và DN.
"Sở đẩy mạnh truyền thông, quảng bá đối với các chương trình, sản phẩm, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN của tỉnh; kết nối truyền thông liên quan công tác hỗ trợ pháp lý cho DN giữa các cơ quan Nhà nước, giữa cơ quan Nhà nước với DN. Ðồng thời, lồng ghép hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN với thúc đẩy DN thực hành kinh doanh có trách nhiệm và tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân", ông Võ Thanh Tòng thông tin thêm./.
Phúc Duy