(CMO) LTS: Bên cạnh lợi thế để phát triển kinh tế, Cà Mau đã và đang tiếp tục đối mặt không ít rủi ro, mất mát từ thiên tai. Mưa bão, dông lốc, sạt lở, sụp lún, hạn hán, xâm nhập mặn rồi đến triều cường…, các loại hình thiên tai này đã gây ra thiệt hại hàng chục tỷ đồng mỗi năm, cá biệt có những năm con số này lên đến hàng trăm tỷ đồng. Dù đã rất nỗ lực nhưng hiện nay cuộc chiến nhằm giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai vẫn đầy rẫy cam go.
Bài 1: Nhỏ bé trước thiên nhiên
Cuộc chiến giữa một bên là sức người, một bên là thiên nhiên ngày một khắc nghiệt, cam go. Tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) khiến các loại hình thiên tai diễn biến ngày một phức tạp, khó lường hơn và con người càng trở nên nhỏ bé trước thiên nhiên.
Năm 2021 không có cơn bão hay áp thấp nhiệt đới nào ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Cà Mau. Tuy nhiên, tình trạng gió mạnh trên biển, mưa trái mùa, mưa kèm dông lốc và nhiều đợt triều cường với mực nước vượt mốc lịch sử, cùng với đó là hơn 365 vị trí sạt lở đất ven sông, ven biển đã gây ra thiệt hại nặng nề về người, tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân.
Khu vực thị trấn Sông Đốc hiện vẫn còn hơn 200 hộ dân sống ven biển, thuộc vùng rất nguy hiểm khi có thiên tai.
Mỗi ngày đều có ảnh hưởng thiên tai
Hơn 16,5 tỷ đồng là con số tài sản bị thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2021, làm 4 người chết, 5 người bị thương, 4 thuyền viên mất tích trên biển. Bước sang năm 2022, các loại hình thiên tai cũng gây thiệt hại hơn 725 triệu đồng. Trong đó, đến đầu tháng 5 có 102 ngày xảy ra gió mạnh trên biển, dông lốc, mưa trái mùa và 4 đợt triều cường. Như vậy, nếu tính bình quân, trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay hầu như ngày nào cũng có thiên tai. Hay như trong năm 2021, tổng số ngày xảy ra các hiện tượng thời tiết bất thường là hơn 207 ngày và 10 đợt triều cường. Những con số thống kê đó cho thấy, cuộc chiến phòng chống, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai vẫn chưa có hồi kết và chưa có gì là chắc chắn.
Đối mặt với tình trạng sạt lở đất ngày càng nghiêm trọng, thường xuyên chống chọi với những ngày mưa dông, lốc xoáy, nước biển dâng… là những hiểm nguy mà gia đình ông Nguyễn Văn Trung, ấp Đất Mới, xã Phong Điền, huyện Trần Văn Thời cũng như bà con ngư dân sống ven biển đã và đang trải qua. Hơn 20 năm gắn bó với vùng đất ven biển này, ông Trung đã nếm trải gần như đầy đủ sự khắc nghiệt của thời tiết, thiên tai. Ông chia sẻ: "Ở đây lúc nào cũng trong tâm trạng hồi hộp, nhất là khoảng 5-6 năm gần đây. Tình trạng sạt lở khiến rừng phòng hộ không còn, gió biển cứ thế lùa thẳng vào nhà, nhiều lúc thót tim. Đó là chưa tính những đợt triều cường dâng cao, có lúc trong nhà ngập gần cả mét nước".
Cuộc sống của người dân ven biển trên địa bàn tỉnh từ Đông sang Tây luôn trong thế phập phồng, lo sợ. Ở không yên, nhưng đi chẳng biết đi đâu, vì đa phần họ là những người không đất, thiếu tư liệu sản xuất và biển là chiếc phao gần như tốt nhất hiện nay để mưu sinh.
Sống trong phập phồng
Dù rất yêu biển và có hơn 20 năm gắn bó với nghề, nhưng chính sự khắc nghiệt của thiên tai trên biển là một trong những nguyên nhân khiến ông Lê Quốc Khởi, Khóm 7, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, quyết định bỏ nghề, nhượng 2 tàu cá của gia đình cho người khác.
Ông Khởi bộc bạch: “Những năm gần đây, tất cả nguyên liệu, dụng cụ đầu vào phục vụ nghề khai thác đều tăng, thậm chí có những loại tăng cao gấp đôi, trong khi giá sản phẩm đầu ra lại bấp bênh, sản lượng khai thác giảm khiến gia đình gặp khó khăn, không thể duy trì nghề”.
Diễn biến của BĐKH ngày một bất thường và không còn theo quy luật, nhất là thời tiết trên biển làm cho nhiều ngư dân lo lắng. “Khai thác kém hiệu quả, trong khi rủi ro thiên tai rất khó lường nên tôi quyết định bỏ nghề. Tàu có lớn cỡ nào khi ở giữa biển khơi vẫn thấy rất nhỏ bé và mỏng manh, chỉ cần một phút chủ quan là hậu quả vô cùng lớn, có khi phải đánh đổi cả tính mạng”, ông Khởi chia sẻ.
Nỗi niềm của ông Khởi là những gì đã và đang diễn ra trên biển. Dù chưa xuất hiện cơn bão nào, nhưng 38 ngày có gió mạnh trên biển cũng đã làm 1 tàu cá bị chìm. Chìm tàu trên biển là sự cố để lại hậu quả nặng nề nhất về tài sản, thậm chí là tính mạng con người. Dù sự cố ngoài ý muốn này đã xảy ra gần 1 năm qua nhưng vẫn ám ảnh ông Phan Thanh Hùng, chủ tàu cá biển hiệu CM 99552 TS, ngụ Khóm 4, thị trấn Sông Đốc.
“Dù chỉ cách cửa biển Sông Đốc gần 3 hải lý nhưng chúng tôi không kịp trở tay, mọi thứ diễn ra quá nhanh, chỉ đến đợt sóng thứ 3 là tàu đã bị đánh chìm. Điều may mắn là tất cả 9 anh em trên tàu đều được cứu vớt, đưa vào bờ an toàn. Chỉ chưa đầy 15 phút mà gia đình tôi thiệt hại bạc trăm triệu đồng”, ông Hùng kể lại.
Không chỉ vậy, tình trạng sạt lở ven biển, ven sông đang đặt nhiều nhà cửa, sản xuất của người dân, các công trình công cộng trước nguy cơ thiệt hại nặng nề, nhất là khu vực đê biển Tây và ven biển Đông. Qua rà soát, dọc theo 254 km bờ biển toàn tỉnh đã có đến hơn 203 km bị sạt lở và đang trong diễn thế sạt lở. Sạt lở khiến tỉnh mỗi năm mất khoảng từ 300-400 ha đất và rừng phòng hộ. Nguy hiểm trên tuyến đê biển Tây, từ nhiều khu vực sạt lở nghiêm trọng, đe doạ đến hàng chục ngàn héc-ta đất sản xuất của người dân vùng ngọt ở 2 huyện U Minh và Trần Văn Thời.
Các loại hình thiên tai nhiều và luôn diễn biến bất thường, ngày càng phức tạp. Trong khi đó, kết cấu hạ tầng cũng như trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống còn nhiều khó khăn càng khiến con người trở nên nhỏ bé hơn trong cuộc chiến với thiên tai.
Hiện tại, một số gói thầu tại dự án xây dựng kè chống sạt lở khẩn cấp xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi còn vướng giải phóng mặt bằng.
Tỉnh đã xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, để giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, tiến tới sự phát triển bền vững đến năm 2030, toàn tỉnh cần hơn 19.000 tỷ đồng để triển khai các công trình, dự án nhằm nâng cao năng lực thích ứng với BĐKH.
Nguyễn Phú
BÀI 2: ƯU TIÊN SỨC NGƯỜI, SỨC CỦA