(CMO) Phòng, chống thiên tai cần sự góp sức của toàn dân, sự quan tâm của toàn xã hội. Tinh thần đoàn kết, đồng lòng giữa các lực lượng, của người dân, sự hỗ trợ nhau vượt qua mọi khó khăn với quyết tâm cao nhất để chiến thắng trong cuộc chiến đầy cam go này, sẽ biến những sự bất thường của thiên nhiên thành điều bình thường trong cuộc sống.
Cà Mau là địa phương đang phải hứng chịu khoảng 17 trong tổng số 22 loại hình thiên tai hiện nay. Toàn tỉnh có khoảng 8.500 lực lượng tham gia trong ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại 101 xã, phường, thị trấn. Theo đó, có hơn 40.000 dụng cụ, trang thiết bị phục vụ hoạt động phòng, chống thiên tai được trang bị.
Cần sự trợ lực từ nhiều cấp
Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Nguyễn Long Hoai, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Cà Mau, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác phòng chống thiên tai, ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh còn nhiều khó khăn, chưa thể đáp ứng nhu cầu thực tế, vẫn cần sự trợ lực từ các bộ, ngành Trung ương, nhất là nguồn ngân sách để đầu tư công trình dự án phòng, chống thiên tai. Tiêu biểu, tại khu vực biển Đông dù đã có hơn 41,6 km đã và đang xây dựng, chuẩn bị đầu tư công trình chống sạt lở, nhưng vẫn còn hơn 40,7 km cần tiếp tục đề xuất đầu tư mới, cần có sự hỗ trợ từ ngân sách Trung ương.
Khu vực biển Đông hiện có hơn 82 km bị sạt lở ở mức độ rất nghiêm trọng và nghiêm trọng.
Ngoài hỗ trợ nguồn vốn đầu tư để từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ công tác PCTT&TKCN, ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng, cần ưu tiên cho phép tỉnh Cà Mau thí điểm một số cơ chế huy động nguồn lực của doanh nghiệp tham gia xây dựng các công trình phòng, chống thiên tai gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể như, kè tạo bãi khôi phục rừng phòng hộ ven biển, kết hợp đầu tư khai thác du lịch sinh thái, điện gió, điện năng lượng mặt trời; kè chống xói lở ven biển, sạt lở ven sông gắn với xây dựng hạ tầng tái định cư, phát triển đô thị ven biển, ven sông. Bởi, nếu chỉ dựa vào nguồn lực đầu tư từ ngân sách thì không thể đảm đương khi mức độ tàn phá và diễn biến phức tạp của thời tiết, biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, khó lường.
Các công trình phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh đòi hỏi nguồn vốn lớn, làm nhanh và hầu như không sinh lợi. Do đó, việc các địa phương phải vay lại vốn ODA đối với các dự án ứng phó thiên tai theo quy định tại Nghị định số 79/2021 khiến tỉnh gặp khó khăn. "Theo kiến nghị của UBND tỉnh, Trung ương nên cấp phát toàn bộ số vốn ODA này để đầu tư các dự án như đê biển, kè chống xói lở tạo bãi khôi phục rừng phòng hộ chống sạt lở ven biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, vì các dự án này không trực tiếp tạo ra nguồn thu để thu hồi vốn. Các bộ, ngành Trung ương tiếp tục xem xét bố trí nguồn hỗ trợ cho Cà Mau, vì hiện nay ngân sách tỉnh gặp rất nhiều khó khăn”, ông Lê Văn Sử kiến nghị.
Trong chuyến kiểm tra mới đây trên địa bàn tỉnh Cà Mau, sau khi khảo sát thực tế hiện trạng sạt lở bờ biển, ông Trần Quang Hoài, Phó ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống thiên tai - Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, chia sẻ: “Lâu nay Cà Mau thiệt thòi quá, do đó Tổng cục Phòng chống thiên tai sẽ đồng hành cùng tỉnh trong thời gian tới”.
Sự đồng thuận của Nhân Dân
Ý thức của người dân trong công tác phòng chống và giảm nhẹ thiệt hại thiên tai vô cùng quan trọng. Ông Lê Văn Sử nhận định, nếu nhận thức của người dân không thay đổi kịp thời thì Nhà nước có nỗ lực đến đâu cũng không thể làm nổi, nhất là thống nhất chủ trương tái định cư, trả lại diện tích rừng ven biển để triển khai các dự án công trình phòng chống sạt lở, trồng và khôi phục rừng.
Năm 2019 đến nay toàn tỉnh đã dành khoảng 120 tỷ đồng để triển khai thực thực hiện các công trình hộ đê, khắc phục sạt lở khẩn cấp.
Tầm quan trọng của ý thức người dân có thể thấy rõ nhất tại công trình kè khẩn cấp trên địa bàn xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi thời gian qua. Người dân chưa đồng thuận để bàn giao mặt bằng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều gói thầu của công trình khẩn cấp này chậm tiến độ đề ra. Qua tìm hiểu được biết, gói thầu số 38 còn 1 hộ chưa nhận tiền, chưa tháo dỡ di dời; gói thầu 39 còn 1 hộ vẫn chưa tháo dỡ di dời để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công; gói thầu số 11 còn khoảng 50 m không thể thi công do một số hộ dân cản trở; gói thầu số 12 còn 1 hộ kinh doanh thuỷ sản không tháo dỡ... Do giải phóng mặt bằng chậm khiến công trình khẩn cấp không thể thực hiện... khẩn cấp.
Ngoài ra, tình trạng người dân lấn chiếm, xây cất nhà trong khu vực hành lang bảo vệ đê vẫn còn diễn ra. Để quản lý tốt công trình đê phục vụ cho công tác phòng chống thiên tai, cũng như đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, ông Lê Văn Sử chỉ đạo, Hạt Đê điều tăng cường kiểm tra, tuyên truyền, nhắc nhở và kịp thời đề xuất các cấp có thẩm quyền xử lý các trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ an toàn đê.
Hơn ai hết người dân cần ý thức tự trang bị cho mình trang thiết bị cần thiết khi ra biển.
Các loại hình thiên tai thường xảy ra trên địa bàn tỉnh gây ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế và đời sống của người dân, nhất là những đối tượng dễ bị tổn thương, không có khả năng chống chịu trước thiên tai. Theo đó, toàn tỉnh có khoảng 41.680 người là đối tượng dễ bị tổn thương, đây là những hộ thuộc diện nghèo, cận nghèo, người già, trẻ em, người tàn tật. Phấn đấu 100% số hộ dân thuộc khu vực đông dân cư, nguy hiểm thường xuyên xảy ra thiên tai, đặc biệt là sạt lở đất có nơi ở đảm bảo an toàn là mục tiêu mà tỉnh đặt ra trong kế hoạch phòng, chống thiên tai năm 2022.
Tuy nhiên, hơn ai hết, chính người dân cần nâng cao ý thức để bảo vệ tài sản, tính mạng của mình và gia đình. Bởi, nếu chủ quan, lơ là thì hậu quả thiên tai gây ra là vô cùng lớn và việc khắc phục không hề đơn giản, thậm chí có những thiệt hại không thể khắc phục. Chỉ riêng năm 2021, toàn tỉnh phải dành hơn 2.021 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ, ngân sách địa phương và quỹ phòng, chống thiên tai để khắc phục hậu quả thiên tai.
Để tiếp tục tạo nguồn kinh phí phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, tỉnh Cà Mau đang triển khai thu Quỹ Phòng chống thiên tai năm 2022 với chỉ tiêu thu đợt 1 gần 3,5 tỷ đồng. Trong năm 2021, Quỹ Phòng chống thiên tai đã thu được trên 11,8 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí này góp phần tích cực và hiệu quả khắc phục khẩn cấp hậu quả sau thiên tai.
Nguyễn Phú
BÀI CUỐI: PHÁT HUY NGUỒN LỰC TẠI CHỖ