Vào nghề chụp ảnh dịch vụ từ năm 1990, cơ duyên đưa Lê Quang Khải tiếp cận nhiếp ảnh nghệ thuật khi Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam mở lớp đào tạo nhiếp ảnh, sáng tác ảnh nghệ thuật ở Tây Nguyên năm 2006 và anh may mắn được tham gia. Với sự dẫn dắt và hướng dẫn nhiệt huyết của các thầy: Ðồng Ðức Thành, Cảnh Dương, Ðào Thọ, Phạm Huỳnh, Chính Hữu... đã khơi dậy đam mê sáng tác trong anh.
Lê Quang Khải - A.VAPA |
“Với tôi, mỗi chủ đề mang đến những cung bậc cảm xúc khác nhau. Nhiếp ảnh giúp cuộc sống của tôi thăng hoa hơn, cảm thấy yêu đời hơn, gắn kết thêm nhiều bạn bè cùng sở thích, tạo sân chơi lành mạnh và bổ ích”, Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Lê Quang Khải cho biết.
Nhiều tác phẩm đầy cảm xúc với vùng đất Tây Nguyên ra đời: Tháng Ba Tây Nguyên, Bản hoà âm trên cao nguyên, Hoàng hôn bên Hồ Lắk, Nàng thơ của núi rừng Tây Nguyên, Dray Nur huyền thoại, Già làng Tây Nguyên, Chiều buông Hồ Lắk, Nhịp chày trên buôn, Thiếu nữ Ê Ðê, Trao truyền, Hồn thiêng, Hạnh phúc tuổi già, Những cô gái Tây Nguyên...
Anh vẫn nhớ mãi về lần đầu tiên dự thi và may mắn có tác phẩm được chọn triển lãm tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên năm 2010, tổ chức tại TP Ðà Nẵng. Ðó là động lực rất lớn để anh tiếp tục theo đuổi nhiếp ảnh nghệ thuật. Trước đây, anh chỉ thích sáng tác thiên về nghệ thuật, dần dần anh hướng ống kính đến những khoảnh khắc đời thường và các sự kiện quan trọng tại địa phương.
NSNA Lê Quang Khải chia sẻ thêm: “Thể loại ảnh nào cũng đáng trân trọng, cái cốt lõi là làm sao lưu lại thật nhiều những khoảnh khắc giá trị của cuộc sống. Bởi những gì của hôm nay, ngày mai sẽ thay đổi và không tồn tại với thời gian nữa”.
Những cô gái Tây Nguyên.
Nhịp chày trên buôn.
Trao truyền.
Chiều buông Hồ Lắk.
NSNA Lê Quang Khải sinh năm 1967, Chi hội phó Chi hội NSNA Việt Nam tại Ðắk Lắk. Hiện anh là phóng viên ảnh, cộng tác viên Trang truyền thông và Tạp chí Chư Yang sin của Hội Văn học - Nghệ thuật Ðắk Lắk.
Tâm Hảo giới thiệu