ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 12-1-25 12:16:03
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Cần có cách nhìn mới về nông thôn mới: Kỳ 2: Loay hoay với nhóm tiêu chí kinh tế

Báo Cà Mau Để đời sống của người dân nông thôn nâng lên một cách bền vững, phát triển kinh tế được xem là vấn đề căn bản. Từ nhóm tiêu chí kinh tế, các địa phương sẽ có những giải pháp về đào tạo nghề, tổ chức sản xuất, giải quyết việc làm nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo... Nhưng xem ra với vấn đề này, nhiều địa phương vẫn còn loay hoay, chưa tìm ra lối thoát.

Để đời sống của người dân nông thôn nâng lên một cách bền vững, phát triển kinh tế được xem là vấn đề căn bản. Từ nhóm tiêu chí kinh tế, các địa phương sẽ có những giải pháp về đào tạo nghề, tổ chức sản xuất, giải quyết việc làm nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo... Nhưng xem ra với vấn đề này, nhiều địa phương vẫn còn loay hoay, chưa tìm ra lối thoát.

Mô hình cánh đồng lớn là đáp án đầy hy vọng cho bài toán liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo ở Cà Mau nói riêng và các tỉnh ÐBSCL nói chung. Tại Cà Mau, mặc dù đã xây dựng cánh đồng mẫu lớn trong sản xuất lúa, tôm nhưng nó mới chỉ dừng lại ở khâu liên kết để sản xuất, chứ trong tiêu thụ sản phẩm thì dường như chưa được quan tâm nhiều.

Chưa ổn khâu tổ chức sản xuất

Ông  Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, bộc bạch: “Ðã qua, ngành nông nghiệp cũng đã rất cố gắng trong xây dựng chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và người dân từ đầu vào đến đầu ra sản phẩm. Tuy nhiên, những hợp đồng hợp tác này cũng mới chỉ dừng lại ở cung cấp sản phẩm, kỹ thuật đầu vào chứ đầu ra chưa thể quyết định được. Nguyên nhân một phần do tập quán làm ăn nhỏ lẻ, manh mún của bà con… Doanh nghiệp cũng chưa xây dựng được niềm tin với bà con, từ đó chưa có được sự liên kết bền vững trong định giá để bao tiêu sản phẩm”.

 

Máy gặt đập liên hợp của HTX Minh Hà A bình quân mỗi ngày gặt được khoảng 5 ha lúa, thu về hàng chục triệu đồng.

 

Mặc dù đến thời điểm này, theo báo cáo của Liên minh Hợp tác xã (LMHTX) thì có đến 85% xã trong tỉnh đạt tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất. Tuy nhiên, theo ông Ðỗ Tuấn Ðức, Phó Chủ tịch LMHTX, thì chất lượng từng lúc, từng nơi còn chưa đảm bảo, kể cả ở các xã đã được công nhận đạt 19/19 tiêu chí. “Các HTX, tổ hợp tác chưa ổn, khâu quản lý còn lỏng lẻo; thiếu tính chuyên nghiệp; chưa xây dựng được phương án sản xuất phù hợp cũng như chưa tổ chức được các dịch vụ cơ bản, thiết yếu để phục vụ các thành viên HTX, tổ hợp tác và người dân trên địa bàn”.

Như vậy, các địa phương chưa quan tâm đến chất lượng hoạt động thật sự của các HTX, THT mà chỉ quan tâm đến việc có bao nhiêu HTX, THT trên địa bàn và về hình thức hoạt động là chính. Một khi hình thức tổ chức sản xuất đã không mạnh thì thu nhập của người dân không thể nâng lên và theo đó tỷ lệ hộ nghèo sẽ khó giảm.

Ông Ðoàn Văn Bình, Chánh Văn phòng Ðiều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Cà Mau, nhận định, “hai món” dễ nhận biết nhất về nông thôn đổi mới là hạ tầng và sản xuất. Nông thôn mới mà “hai món” này chưa thay đổi thì nông thôn đó chưa thật sự mới”. Tuy nhiên, đã qua việc đầu tư cho phát triển hạ tầng có phần nhiều, nhóm tiêu chí về kinh tế, phát triển sản xuất cho người dân thì vẫn còn loay hoay, đùn đẩy trách nhiệm.

Ông Nguyễn Văn Tranh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thì cho rằng: “Chủ công cho nhóm tiêu chí này là của Liên minh HTX, ngành nông nghiệp chỉ có vai trò hỗ trợ tập huấn, chuyển giao kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất cho người dân”. Và vai trò tổ chức sản xuất của ngành nông nghiệp như thế, người dân không thể định hướng được trồng cây gì, con gì cho phù hợp với nhu cầu thị trường; địa phương thì lúng túng trong định hướng sản xuất cho người dân. Ðể nông thôn mới thật sự mới thì không thể chấp nhận điệp khúc “trồng - chặt”, “được mùa rớt giá” hay “đụng hàng dội chợ” như hiện nay.

Giảm nghèo còn nhiều khó khăn

Còn loay hoay tìm hướng đi trong phát triển nghề, tổ chức sản xuất, giải quyết việc làm... cũng có nghĩa là các địa phương chưa tìm ra giải pháp để có thể giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng thu nhập bình quân đầu người.

Ở một số xã của huyện U Minh, mặc dù có trên 70% lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, nhưng trên thực tế, thời gian dành cho sản xuất nông nghiệp của số lao động này chỉ có 30%. Thời gian còn lại, họ xoay trở, tìm kiếm mọi việc để tăng thu nhập cho gia đình nhưng cũng rất bấp bênh. Thu nhập bình quân đầu người của các xã này chỉ khoảng 11 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo có nơi lên đến gần 20% (Khánh Thuận, Khánh Tiến, Khánh Lâm).

"Công tác giảm nghèo năm 2014 rất được các cấp quan tâm. Tuy nhiên, kết quả chỉ đạt 1,59% (chỉ tiêu 1,7-2%). Số hộ tái nghèo và nghèo phát sinh trong toàn tỉnh lên đến 1.275 hộ. Khi chuẩn nghèo ngày càng được nâng lên, công tác giảm nghèo càng về sau càng khó, số hộ nghèo cần được bảo trợ càng nhiều. Ðây là khó khăn chung trong thực tế giảm nghèo tại Cà Mau hiện nay”, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Giám đốc Sở LÐ-TB&XH, trăn trở.

Ông Hồ Xuân Việt, Phó Bí thư Huyện uỷ Thới Bình, cho rằng: "Giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống 2% cần có thời gian, chứ không thể làm trong ngày một ngày hai là được. Mặc dù Thới Bình là địa phương có nhiều cố gắng trong việc giảm nghèo, nhưng càng về cuối càng khó khăn. Với các hộ nghèo trong độ tuổi lao động còn có thể có giải pháp, chứ các hộ nghèo trong diện ngoài độ tuổi lao động thì rất khó khăn".

Ông Ðoàn Văn Bình trăn trở: “Phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo là mục tiêu lớn nhất và có tính bền vững trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, các địa phương vẫn ưu tiên nguồn lực tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng hơn là đầu tư cho phát triển kinh tế".

Thực tế, để hoàn thành tiêu chí về hạ tầng, có thể chỉ cần vài ba năm. Nhưng với việc đào tạo nghề, phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu lao động lại cần nhiều thời gian và có tính kế hoạch hơn, nên cần sớm được quan tâm, đầu tư. Ấy vậy nhưng các địa phương dồn trọng tâm vào kết cấu hạ tầng, còn xem nhẹ nhóm tiêu chí về kinh tế.

Phải khẳng định, hạ tầng kinh tế - xã hội là những điều kiện thiết yếu để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Song, nếu không có sự tâm huyết vì bộ mặt nông thôn đổi mới về thực chất, thì e rằng sẽ có những nông thôn mới với con đường mới, trường học, trụ sở... đẹp đẽ, khang trang, mà người dân ở đó vẫn theo tư duy sản xuất cũ; đời sống thực sự của họ vẫn chưa đổi mới theo kết cấu hạ tầng.

Xây dựng nông thôn mới là câu chuyện dài. Cái được lớn trong thời gian qua là sự đoàn kết đồng lòng vì một nông thôn hoàn mỹ. Tuy nhiên, nông thôn thực sự mới thì đời sống người dân phải bền vững, dân có giàu lên thì sự đóng góp sẽ mạnh hơn, đến lúc đó tự khắc người dân sẽ chú ý đến việc đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn khang trang, đẹp đẽ... Và thế mới đúng là nông thôn mới./.

Bài và ảnh: Ngọc Huệ

Luật sư Lê Công Nghiệp, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Cà Mau: “Đại công trường nông thôn mới”

Bộ 19 tiêu chí chỉ là cái khung cứng của Ðảng và Nhà nước để xây dựng bộ mặt nông thôn mới. Khi bộ mặt nông thôn đã phát triển thì các tiêu chí cũng sẽ nâng lên một mức khác, cao hơn. Ðiều đáng nói ở đây là sự quan tâm của Ðảng và Nhà nước để đem lại sự ấm no, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nông thôn. Khí thế phấn đấu ở các địa phương hiện nay rất sôi nổi. Các ngành, các cấp cũng thi đua với nhau để giúp các địa phương hoàn thành 19/19 tiêu chí, đây là điều đáng mừng.

Chưa bao giờ hoạt động của đảng bộ, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở có đối tượng, nội dung hành động cụ thể, phong phú như quá trình xây dựng nông thôn mới hiện nay. Khác với 1 công trường xây dựng, chỉ có nhà thầu và công nhân làm theo bản thiết kế, xây dựng nông thôn mới gần giống vẽ tranh. Bức tranh này đặc biệt ở chỗ là tất cả người dân ai cũng được vẽ bằng tất cả tâm huyết của chính mình. Do vậy, để nông thôn mới sắp tới lan rộng ra và bền vững hơn thì cần có sự đoàn kết nhất trí cao hơn nữa. Từ cấp uỷ đến chính quyền và tập thể quần chúng Nhân dân, làm sao để người dân được tham gia đóng góp nhiều hơn nữa cả sức lực và trí lực.

Ðể dân mạnh dạn đóng góp thì cán bộ cần phải xây dựng niềm tin vững chắc. Việc nào của ai người nấy làm, không đùn đẩy, làm bằng cả cái tâm lẫn cái tầm thì dân mới tin tưởng mà đóng góp xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn, nông thôn ngày càng đổi mới hơn.

Ông Trần Thanh Liêm, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách văn hoá - xã hội Uỷ ban MTTQ Trung ương: “Không nên làm theo cách rập khuôn”

Việc xây dựng nông thôn mới ở tỉnh ta phải xuất phát từ điều kiện thực tế của từng địa phương, tuỳ theo điều kiện từng nhà. Chúng ta không nên tiếp tục làm theo cách rập khuôn, nghĩa là "anh có gì thì tôi cũng phải có nấy". Tuy nhiên, cần chú ý mấy yếu tố sau: Sự lồng ghép của nhiều chương trình, dự án là rất cần thiết, các ban, ngành không nên làm riêng lẻ vì không hiệu quả, gây lãng phí. Ở các vùng nông thôn nghèo, Nhà nước nên "khoan thư sức dân" vì nguồn lực từ cộng đồng rất khó huy động khi người dân nông thôn còn nghèo. Với kinh phí ít, địa phương phải biết xếp hạng ưu tiên tiêu chí để thực hiện, vì có tiêu chí khi đạt được sẽ kéo thêm nhiều tiêu chí khác đạt theo.

Không phó mặc cho người dân nông thôn “tự bơi” trong biển cả khó khăn mà vai trò của Nhà nước là cần đầu tư nhân lực, tài lực để chấm dứt tình trạng giáo dục, y tế kém phát triển và nghèo vì không có thị trường cho sản phẩm.

Trong xây dựng nông thôn mới nên lấy vai trò người dân làm trụ cột thật sự. Hãy để họ đóng góp ý kiến và để họ tham gia làm nhiều hơn nữa. Vai trò của Nhà nước chỉ là tuyên truyền để dân hiểu rõ 19 tiêu chí rồi chỉ cách cho người dân làm, không làm thay.

Vẫn còn bộ phận người dân nông thôn nghèo, mặc dù đã có điện, có đường và có trường, có trạm… Việc mình làm là định hướng sản xuất cho họ; đào tạo nghề phù hợp để họ có thể tự mình làm giàu và tự khắc họ sẽ cùng Nhà nước xây dựng bộ mặt nông thôn mới. Cái mới cần làm ở đây chính là thay đổi nhận thức người dân. Từ sự đổi thay về nhận thức, người dân sẽ biết nên trồng trọt, chăn nuôi như thế nào phù hợp với thị trường, thị hiếu, từ đó vươn lên làm giàu chính đáng, bộ mặt nông thôn lập tức sẽ mới theo

Kỹ sư Nguyễn Văn Thước, Liên hiệp Hội Khoa học - Kỹ thuật Cà Mau: “Trọng tâm thành thứ yếu”

Cách xây dựng nông thôn của nước ta trong 40 năm qua (1975) và kể cả khi có chương trình xây dựng nông thôn mới từ năm 2010, đã bộc lộ tính không bền vững, biểu hiện ở tình trạng “trúng mùa rớt giá” xảy ra hằng năm, “trồng rồi chặt” và vẫn còn nghèo đói trong những vùng nông thôn, rồi nguy cơ do biến đổi khí hậu, tài nguyên môi trường bị xói mòn và ô nhiễm.

Xây dựng nông thôn mới cốt lõi là làm sao để đời sống người dân có sự chuyển biến mạnh mẽ. Ðã qua, trong xây dựng nông thôn mới, các địa phương chú ý nhiều đến xây dựng kết cấu hạ tầng hơn là hỗ trợ để người dân xây dựng mô hình hiệu quả. Cái trọng tâm của chương trình đã thành thứ yếu. Phát triển kinh tế hộ mới là nền tảng trong xây dựng nông thôn mới. Khi kinh tế hộ phát triển, người dân sẽ có được cả vật chất lẫn tinh thần để đóng góp xây dựng hạ tầng nông thôn. Dân có giàu thì nước mới mạnh. Họ không thể nghĩ đến chuyện xây dựng nông thôn mới khi con họ chưa có việc làm ổn định; kinh tế gia đình thì luôn gặp rủi ro do được mùa mất giá…

Chính vì vậy, để nông thôn mới thật sự bền vững trong thời gian tới, tôi nghĩ ngành chức năng cần quan tâm đầu tư và tái cơ cấu sản xuất hợp lý. Trong đó, vai trò tổ chức sản xuất sao cho không còn manh mún, nhỏ lẻ nữa; định hướng và quy hoạch vùng nuôi phù hợp và gắn với sản xuất hàng hoá, làm được điều này thì nông dân - nông thôn sẽ phát triển bền vững./.

Ngọc Huệ lược ghi

 

Năm 2025 nhiều mục tiêu để thành phố khởi sắc

Ông Tô Hoài Phương, Phó bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND TP Cà Mau, thông tin, năm 2024, kinh tế thành phố tiếp tục phát triển và tăng trưởng trên các lĩnh vực. Tổng vốn đầu tư tăng 10,08% so với cùng kỳ, thu ngân sách tăng 8,8%, lượng khách du lịch tăng 8,4%... Thành phố thực hiện đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KTXH).

Ðẹp duyên lúa thơm, tôm sạch

Mỗi mùa lúa trên đất nuôi tôm về, xã Trí Lực, huyện Thới Bình, như khoác chiếc áo mới, vừa duyên dáng, vừa căng tràn nhựa sống. Không ai ngờ, xứ đồng đất lung phèn vất vả ngày nào, nay lại là nơi gặp gỡ hợp duyên của cả con tôm và cây lúa. Quả ngọt của nhân duyên ấy bừng lên những mùa vui của người nông dân.

Khả quan công cuộc giảm nghèo của xứ rừng

U Minh là địa phương vùng rừng, ven biển. Tuy nhiên, bằng sự cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, cải tạo đất tốt, cùng với việc đầu tư dần hoàn thiện về hạ tầng từ đê biển đến hệ thống thuỷ lợi nội đồng, đến nay đời sống của người dân huyện từng bước thay đổi, công cuộc giảm nghèo của địa phương có nhiều tiến bộ.

Ðặc sản vùng ngọt vào vụ Tết

Những ngày này, trời nắng ấm, những đặc sản truyền thống ở vùng ngọt huyện Trần Văn Thời như chuối khô, khô cá bổi được phơi đầy giàn, bắt đầu vào vụ mùa đón Tết.

Hàng Tết "lên sàn"

Mua sắm Online đã trở thành thói quen của đại bộ phận người tiêu dùng và mua sắm Tết cũng không ngoại lệ. Thời điểm này, thị trường mua sắm Tết Online đã bắt đầu trở nên sôi động, từ đồ trang trí, bánh mứt, thực phẩm, trái cây, cho đến mâm cỗ để cúng trong những ngày Tết, đều có thể tìm thấy trên các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử.

Mùa thu hoạch gỗ ở U Minh Hạ

Rừng tràm, keo lai ở Cà Mau có tổng diện tích trên 30.000 ha, tập trung ở các huyện U Minh, Trần Văn Thời, trong đó nhiều nhất ở huyện U Minh. Những năm gần đây, bà con sống dưới tán rừng đã chủ động cải tiến trong sản xuất, chuyển từ cách trồng truyền thống sang kê liếp, chuyển từ giống cây tràm sang trồng keo lai, nhằm rút ngắn thời gian trồng, tăng năng suất, thu nhập.

Phụ nữ năng động, sáng tạo phát triển kinh tế

Thời kỳ hội nhập và phát triển mạnh mẽ của Việt Nam, phụ nữ không chỉ đóng góp vào các hoạt động gia đình mà còn trở thành lực lượng quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Tại tỉnh Cà Mau, phong trào phụ nữ khởi nghiệp đang ngày càng phát triển, với những sáng tạo và nỗ lực mạnh mẽ, phụ nữ nơi đây đang khẳng định vai trò trong thúc đẩy kinh tế địa phương.

An cư song hành sinh kế

Suốt một năm qua, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã quyết liệt trong công tác xoá nhà tạm, nhà dột nát, song hành cùng công tác giảm nghèo hiệu quả để người dân không chỉ an cư mà còn ổn định cuộc sống dài lâu.

Khát vọng cất cánh

Nhìn lại năm 2024, Ðảng bộ, dân và quân Cà Mau có thể tự hào với những thành tựu quan trọng đạt được trong hành trình phát triển. Tổng thể của bức tranh ấy là gam màu tươi sáng, đa sắc, sôi động với những nét chấm phá đầy ấn tượng và lòng người trọn vẹn, son sắt chung một ý chí, niềm tin.

Cà Mau thu ngân sách năm 2024 vượt 760 tỷ đồng

Chiều tối ngày 31/12, UBND tỉnh tổ chức Họp mặt khoá sổ kế toán cuối năm 2024. Tham dự có các đồng chí: Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Tiến Hải; Phó bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Nguyễn Đức Hiển; Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thành Ngại; Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lê Thanh Triều; Phó Trưởng đoàn Phụ trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Quốc Hận.