(CMO) Mùa mưa kết thúc muộn, vụ lúa đông xuân năm 2022-2023 kéo dài gần như gối đầu với vụ hè thu năm nay nên tiến độ cày ải phơi đất gặp nhiều khó khăn; cỏ dại, lúa rài phát triển mạnh, ảnh hưởng đến việc làm đất, vệ sinh đồng ruộng. Ngành nông nghiệp dự báo vụ hè thu năm nay có nhiều khả năng sâu, bệnh gây hại cao.
Theo kế hoạch, diện tích xuống giống vụ hè thu của tỉnh 35.273 ha; trong đó, huyện Trần Văn Thời 28.954 ha, huyện U Minh 3.219 ha, huyện Thới Bình 530 ha và TP Cà Mau 2.570 ha. Tuy nhiên, lượng mưa ít, phân bổ không đều, cộng với tiến độ làm đất chậm, làm cho tiến độ xuống giống rất chậm. Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, tính đến ngày 23/5, toàn tỉnh chỉ mới xuống giống được 5.895 ha, bằng 16,7% so với kế hoạch, bằng 16% so cùng thời điểm năm 2022 (33.804 ha).
Huyện Trần Văn Thời là địa phương có diện tích sản xuất vụ lúa hè thu nhiều nhất trong tỉnh, với gần 30.000 ha. Ông Ðỗ Văn Sử, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Trần Văn Thời, cho biết: “Theo dự báo thì cuối tháng 4, đầu tháng 5 mùa mưa bắt đầu. Tuy nhiên, đến nay lượng mưa chưa nhiều, chưa đều nên tiến độ xuống giống vụ hè thu năm nay rất chậm. Mặt khác, mùa mưa năm 2022 kết thúc muộn, trong mùa khô xuất hiện nhiều cơn mưa trái mùa đúng vào thời gian cày ải phơi đất nên tiến độ cày ải phơi đất chuẩn bị cho vụ hè thu cũng gặp nhiều khó khăn".
Nông dân Rạch Cui, xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời, cắm gò, phân ranh chuẩn bị gieo sạ vụ hè thu. |
Ông Hồ Văn Bé, nông dân ấp Lung Bạ, xã Khánh Bình Ðông, huyện Trần Văn Thời, cho biết: “Hơn 1,4 ha lúa đã sạ khô hơn 10 ngày mà vẫn chưa đón được đám mưa nào lớn. Thời điểm này rất cần nước để bón phân đáp ứng nhu cầu sinh trưởng của cây lúa".
Dự báo trong những ngày tới sẽ có mưa, xen kẽ với những ngày nắng nóng, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây lúa. Ðặc biệt là nhiều diện tích lúa hè thu vừa mới sạ khô sẽ đứng trước nguy cơ thiếu nước, sinh trưởng chậm, ảnh hưởng đến năng suất.
Ðể đảm bảo xuống giống vụ lúa hè thu đạt kết quả, Sở NN&PTNT vừa có công văn đề nghị các địa phương và đơn vị trực thuộc phối hợp triển khai thực hiện việc điều chỉnh khung thời vụ xuống giống vụ hè thu năm nay kéo dài thêm 30 ngày, đến hết ngày 15/6 mới kết thúc thời gian xuống giống (khung lịch thời vụ trước đó là kết thúc vào ngày 15/5).
Ðể sản xuất vụ hè thu đạt năng suất và sản lượng đề ra, ông Nguyễn Văn Quân, Phó giám đốc Sở NN&PTNT, đề nghị các huyện vùng ngọt và TP Cà Mau chỉ đạo các xã, phường, thị trấn rà soát lại điều kiện sản xuất, điều chỉnh lịch thời vụ cụ thể cho từng vùng, từng địa phương. Tập trung công tác tuyên truyền, chuẩn bị đầy đủ lúa giống, phân bón và cơ giới đẩy nhanh tiến độ xuống giống kết thúc vào giữa tháng 6 để thu hoạch trong tháng 9 và để đảm bảo thời gian xuống xuống vụ lúa đông xuân 2023-2024, tránh tình trạng thiếu nước vào cuối vụ nếu gieo sạ muộn.
Bà con nông dân thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ các trà lúa hè thu đã xuống giống.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp với các đơn vị chuyên môn hướng dẫn các địa phương điều chỉnh khung lịch thời vụ xuống giống. Trung tâm Khuyến nông phân công nhân viên trực tiếp xuống địa bàn ấp, khóm kiểm tra, hướng dẫn bà con nông dân tổ chức sản xuất. Trung tâm Giống nông nghiệp phối hợp với các đơn vị kinh doanh các mặt hàng vật tư nông nghiệp trong và ngoài tỉnh tiếp tục nhập, cung ứng lúa giống và các mặt hàng vật tư nông nghiệp cho người dân.
Chi cục Thuỷ lợi, Trung tâm Quản lý khai thác các công trình thuỷ lợi thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết, khí tượng thuỷ văn, cung cấp thông tin dự báo, cảnh báo và xây dựng kế hoạch ứng phó, khắc phục với những bất lợi của thời tiết. Phối hợp với các địa phương kiểm tra hệ thống thuỷ lợi, đẩy nhanh tiến độ nạo vét các tuyến kênh thuỷ lợi trọng yếu.
Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi, cho biết: “Thời gian qua, đối với vùng ngọt (Trần Văn Thời và U Minh), công tác theo dõi, quan trắc độ mặn vẫn được duy trì nhằm đảm bảo phục vụ tốt cho sản xuất; kiểm tra, rà soát độ kín nước các cửa cống, khắc phục triệt để sự cố, không để rò rỉ. Ðồng thời, cung cấp thông tin theo dõi tình hình thuỷ văn để thông báo rộng rãi diễn biến, xu thế xâm nhập mặn”.
Theo Ông Hoai, công tác quản lý vận hành, khai thác, duy tu sửa chữa hệ thống công trình thuỷ lợi đang được ngành đặc biệt quan tâm. Ðơn vị thực hiện nhiệm vụ quản lý, khai thác sử dụng 214 cống và 7 trạm bơm. Hiện các cống vùng ngọt thuộc huyện Trần Văn Thời và huyện U Minh đã đóng cống ngăn mặn triệt để, bảo vệ sản xuất. Các cống vùng mặn trên địa bàn huyện Ðầm Dơi, Phú Tân vận hành đóng cống một chiều khi triều cường và đóng theo yêu cầu của địa phương; huyện Cái Nước, Thới Bình và TP Cà Mau không vận hành./.
Trung Ðỉnh