Về pháp luật, lòng lề đường, vỉa hè được sử dụng cho mục đích giao thông, không một cá nhân, tổ chức nào được tự ý lấn chiếm để sử dụng cho mục đích cá nhân. Thế nhưng trên thực tế, tình trạng này khá phổ biến, không những gây mất vẻ mỹ quan, ảnh hưởng việc đi lại của người dân, mà còn tiềm ẩn rủi ro an toàn giao thông.
- Không để bất cứ ai xâm phạm hành lang đường bộ
- Cần xử lý dứt điểm chợ tự phát
- Lập lại trật tự đô thị - Không để tái chiếm
Mới đây, phóng viên Báo Cà Mau tiếp nhận phản ánh của bạn đọc về tình trạng lấn chiếm lòng đường để dựng rạp xảy ra thường xuyên tại Khóm 1, thị trấn Thới Bình, huyện Thới Bình. Ðáng nói, không chỉ lấn chiếm vỉa hè hay một phần lòng đường, mà là lấn chiếm hết toàn bộ phần lòng đường; phía trước rạp chỉ bố trí dòng chữ “Xin đường” để hợp thức hoá hành vi.
Người dân phải di chuyển ngược chiều, do lòng đường bị lấn chiếm để dựng rạp tại Khóm 1, thị trấn Thới Bình.
Ðây là đường hai chiều, vì một làn đường bị chiếm dụng, nên người điều khiển phương tiện chỉ còn cách di chuyển sang làn ngược chiều, chính vì thế mà nơi đây đã từng xảy ra các vụ va chạm giao thông. Hành vi vi phạm này xuất hiện nhiều trước đây và đã có trình báo chính quyền sở tại, song vẫn không được xử lý dứt điểm.
Thực tế, không chỉ đám cưới, đáng tang mà cả liên hoan, sinh nhật, tất niên... người dân cũng vô tư sử dụng lòng đường như địa điểm riêng của gia đình. Có trường hợp ngang nhiên chiếm luôn lối đi chung tại các khu dân cư, hẻm nhỏ để dựng rạp, bất chấp sự bất tiện lưu thông. Ðối với hành vi này, chính quyền sở tại chưa thực sự mạnh tay trong xử lý, người dân địa phương chưa thẳng thắn phản ánh, vì “tình làng nghĩa xóm”.
Một rạp đám chiếm dụng lòng đường tại Khóm 1, thị trấn Thới Bình.
Ông Nguyễn Thanh Bằng, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh, nêu dẫn chứng vụ việc xảy ra vào cuối năm 2022, xe container húc bay rạp đám cưới dựng giữa đường ở Hải Dương, do camera an ninh ghi lại. May mắn vụ tai nạn diễn ra ban đêm, khi không có người trong rạp. Trước đó, ở Ninh Bình, hình ảnh từ camera an ninh ghi lại cho thấy, vào thời điểm xảy ra tai nạn, nhiều người đang ngồi uống nước trong rạp đám tang, bất ngờ ô tô lao tới, đâm qua rạp, khiến 3 người bị thương...
Ông Nguyễn Thanh Bằng thông tin, địa phương đã ban hành quy định cho phép sử dụng tạm thời một phần hè phố, lòng đường ngoài mục đích giao thông. Ðến nay, quy định này vẫn còn giá trị. Theo đó, các hoạt động được phép sử dụng tạm gồm: sử dụng tạm thời một phần hè phố để tuyên truyền chủ trương, chính sách của Ðảng và pháp luật của Nhà nước; phục vụ đám tang, điểm trông giữ xe cho đám tang; đám tiệc, điểm trông giữ xe cho đám tiệc; điểm trông giữ xe phục vụ hoạt động văn hoá, thể thao, diễu hành, lễ hội... Việc sử dụng tạm thời của cá nhân và tổ chức được thực hiện theo đúng trình tự thủ tục và thời gian theo quy định.
“Pháp lý, chế tài đã có, chúng ta phải thượng tôn pháp luật. Vào cuộc xử lý phải quyết liệt hơn, giải pháp phù hợp hơn, hơn hết là trong xử lý phải thực sự có sự răn đe. Bên cạnh đó, thường xuyên thông tin, tuyên truyền quy định có liên quan, cho người dân ký cam kết không vi phạm. Khuyến khích người dân thực hành lối sống văn minh, lịch sự trong việc hiếu hỉ; tổ chức thực hiện vừa đảm bảo an toàn, phòng tránh rủi ro có thể phát sinh từ việc tự ý dựng rạp dưới lòng đường”, ông Bằng cho biết.
Ông Nguyễn Thanh Bằng cho biết: "Theo quy định hiện hành, việc dựng rạp đám cưới trên lòng đường là một trong những hành vi bị cấm. Mặc dù chỉ sử dụng trong thời gian tổ chức đám cưới, nhưng việc làm này gây ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại và nguy hiểm cho tính mạng, sức khoẻ của người dân. Nếu vi phạm, gia đình tổ chức đám cưới có thể sẽ bị phạt hành chính theo điểm a khoản 5 Ðiều 12 Nghị định 100/2019/NÐ-CP. Theo đó, với hành vi trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ thì mức phạt do dựng rạp, lều quán, cổng ra vào, tường rào các loại từ 2-3 triệu đồng với cá nhân và từ 4-6 triệu đồng với tổ chức...".
Văn Ðum