Bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh hiện đang có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường khi số ca mắc liên tục tăng trong thời gian gần đây, tập trung ở một số địa phương như huyện Trần Văn Thời (208 ca), TP Cà Mau (106 ca), huyện Đầm Dơi 62 ca… Từ đầu năm đến nay toàn tỉnh ghi nhận gần 600 trường hợp mắc SXH. Tuy so với cùng kỳ năm 2022 số người mắc giảm hơn 38,4% nhưng nhiều trường hợp chuyển sang độ nặng nhanh hơn.
Phun thuốc diệt muỗi tại các nơi có ổ dịch sốt xuất huyết ở thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời.
Trước tình hình đó, Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo ngành y tế các địa phương tích cực đẩy mạnh công tác truyền thông sâu rộng trong cộng đồng về phòng, chống căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này.
Trong đó, chú trọng phát động nhân dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh bằng các biện pháp dân gian như: Phát quang bụi rậm, vệ sinh sạch sẽ nơi ở, thường xuyên cọ rửa các dụng cụ chứa nước mưa, nuôi cá 7 màu trong vật dụng chứa nước sinh hoạt hằng ngày, mặc quần áo dài tay cho trẻ nhỏ, nên cho trẻ ngủ mùng kể cả ban ngày…
Đặc biệt, cần kịp thời phát hiện, khoanh vùng và phun hóa chất diệt muỗi những khu vực có ổ dịch, tuyệt đối không để xảy ra ổ dịch lớn và lan rộng trong cộng đồng. Kịp thời xử trí các trường hợp nghi ngờ hoặc đã mắc bệnh SXH.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi-rút Dengue gây ra, có thể gây thành dịch. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh khi đã bị nhiễm vi-rút, sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt.
Các triệu chứng giai đoạn tiền phát của căn bệnh SXH thường dễ nhận biết qua các biểu hiện như: Trẻ sẽ bỏ ăn, bỏ bú; lừ đừ mệt mỏi, bứt rứt, bồn chồn; ói ra máu; đi vệ sinh phân có màu đen…
Chị Huỳnh Hà My (Khóm 2, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời) có con nhỏ 10 tháng tuổi bị bệnh SXH. Trước đó, nhờ hiểu biết thông qua nắm bắt thông tin được tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên hệ thống loa truyền thanh địa phương nên khi thấy bé có các biểu hiện như: Sốt cao, khó thở, khóc nhiều, không bú được…, chị đã chủ động đưa bé đi thăm khám tại Phòng khám Đa khoa khu vực Sông Đốc. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán bé bị mắc bệnh SXH độ 1.
Chị My chia sẻ: “Gia đình tôi vẫn luôn tích cực vệ sinh phòng bệnh, đốt nhang xua muỗi… nhưng bé vẫn bị mắc SXH. Ở đây có rất nhiều ổ dịch cũ từ nhiều năm qua, nhà lại có trẻ nhỏ nên gia đình rất lo. Do vậy, khi thấy bé có những biểu hiện bất thường là tôi đưa bé đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời. Nhờ đó mà hiện nay sức khỏe của bé đã ổn”.
Hiện nay vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh SXH, giải pháp phòng ngừa tốt nhất vẫn là diệt lăng quăng, diệt muỗi, không cho muỗi đốt. Trong đó, diệt lăng quăng là điều quan trọng nhất.
Muỗi vằn thường đẻ trứng ở những nơi nước sạch, nước tĩnh. Bất cứ nơi nào đọng nước trong một thời gian dài đều là nơi để muỗi sinh sản. Những vật đọng nước này có thể ở ngay trong ngôi nhà chúng ta đang ở mà chúng ta không để ý, như chậu nước để quên trên sân thượng, máng xối đọng nước, ly nước cúng, lọ cắm hoa… hoặc ở những nơi đất trống xung quanh nhà, nơi có nhiều rác thải là những chai, ly nước, bịch nilon, vỏ xe…
Bác sĩ Nguyễn Quang Phú, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: “Bộ Y tế nhận định nguy cơ SXH vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, nguy cơ lây lan trong cộng đồng và gây bệnh là rất lớn. Do vậy, đề nghị các cơ sở y tế huyện, thành phố trong tỉnh cần tích cực đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động truyền thông về phòng, chống dịch bệnh SXH phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương để người dân hiểu, không chủ quan, không hoang mang, lơ là mất cảnh giác và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả ngay từ đầu”.
Để phòng, chống dịch bệnh SXH sốt xuất huyết hiệu quả, đòi hỏi người dân cần tích cực cùng với các ngành chức năng chủ động thực hiện thật tốt các biện pháp phòng bệnh mà ngành y tế đã khuyến cáo./.
Phương Vũ