(CMO) Chuyển đối cơ cấu cây trồng phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, mang lại hiệu quả kinh tế luôn được nông dân quan tâm thực hiện. Tại những vùng đất phèn trũng, cây lúa không mang lại kinh tế cao, nông dân bắt đầu chuyển hướng trồng cây ăn trái để tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Chỉ tay về hướng các mương bắt đầu cạn đáy, phèn đỏ ngầu mặt nước, ông Nguyễn Long Phau, Phó trưởng Ấp 5, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, ngao ngán: "Nước phèn đặc sệt vậy thì làm sao cây lúa sống nổi. Đất phèn tận 3 lớp nên cây lúa đâu bén rễ được, cứ trồng đến lúc trổ bông là mất trắng. Khúc này nhiều hộ dân đã chuyển diện tích trồng lúa sang trồng cây ăn trái từ hơn 3 năm trước. Nếu không chuyển đổi sao người dân bám đất nổi”.
Có gan làm giàu
Đang bận chăm sóc mấy gốc quýt ngoài vườn, nghe có khách ghé, ông Ba Lành (Hà Văn Lành, 64 tuổi, ở ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi) chạy vô nhà tiếp chuyện. Khi nhắc đến câu chuyện vì sao bỏ cây lúa sang trồng tràm và lập vườn cây ăn trái, ông Ba Lành kể lại: “Được cấp 5 ha đất, vợ chồng tôi về canh tác lúa năm 1989. Sau đó, chắc độ 2 năm, Nhà nước quy hoạch trồng tràm và trồng lúa. Tràm còn đỡ chớ lúa thì nhà tôi thua rồi, năm nào cũng lỗ. Mấy cô nghĩ coi, mình trồng cây lúa định bụng lấy ngắn nuôi dài, ai dè năm nào cũng thất, gia đình tôi mấy năm đó khổ lắm”.
Mỗi năm ông Ba Lành đều chăm chút cho cây lúa, học hỏi khắp nơi kỹ thuật, cách trồng lúa mà chẳng hiểu sao “đất lành mà chim chẳng đậu”. Thế là sau nhiều năm dài tìm hiểu, ông mới biết được khí hậu ngày càng khắc nghiệt nên vùng đất ông canh tác đã phèn nay còn phèn nặng hơn. Vậy là ông Ba Lành tìm cách khác.
“Tôi suy nghĩ đất mình rộng, sao phải để cả nhà đói được. Vậy là tôi thấy lúa không thích hợp đất phèn nên mạnh dạn tìm cây khác thay vô. Sau đó tôi quyết định trồng thử cây quýt, ban đầu chỉ dám trồng vài chục gốc, thấy hiệu quả nên tôi thuê người cuốc đất, kê liếp trồng luôn cho tới giờ. Nhờ liều mới có ăn”, ông Ba Lành tâm sự.
Người nhà quê nên có gì trong nhà là mang ra đãi khách cái nấy. Thế là khách được thưởng thức quýt. Những trái quýt mọng nước căng tròn, ngọt dịu đủ chứng minh điều ông Ba Lành nói.
Đầu ra của mít Thái ổn định nên anh Phếch an tâm về quyết định của mình. |
Cầm trên tay mấy trái quýt, ông Ba Lành nói với giọng đầy tự hào: “Tôi mới trồng hơn 3 năm thôi, năm vừa rồi là lứa đầu tiên tôi thu hoạch. Trồng 2 ngàn gốc quýt, tôi thu gần 10 tấn, giá 20 ngàn đồng/kg, tính sơ sơ cũng được trên 200 triệu đồng còn gì. Lúc trồng lúa có mơ gia đình tôi cũng không nghĩ là mình có số tiền lớn vậy. Chi phí đầu tư vô vườn cây ăn trái còn cao nên năm nay chỉ trang trải ít đỉnh, chớ mấy năm sau tôi ráng làm để cất lại căn nhà tươm tất hơn”.
Trên diện tích 5 ha, ông Ba Lành dành 2 ha trồng tràm, số còn lại trồng quýt, cam, dừa… Nhìn màu xanh bạt ngàn của những cây ăn trái, đủ thấy đó là sự nỗ lực, quyết tâm của ông và cả gia đình. Mạnh dạn đôi lúc mạo hiểm nhưng có thể thấy hướng đi của gia đình ông Ba Lành là phù hợp.
Định hướng bền vững cho đất phèn
Câu chuyện chuyển đổi mô hình sản xuất tuy không lạ nhưng luôn có nhiều điều mới mẻ. Bởi, chính người trong cuộc luôn biết làm mới những điều được xem là định hướng thích hợp. Hơn ai hết những người nông dân hiểu mảnh đất của mình cần thay đổi thế nào.
Nhà ở Ấp 10B, xã Trần Hợi, nhưng anh Hồ Văn Phếch lại quyết định sang thêm mảnh đất tại Ấp 5, xã Trần Hợi để tiếp tục tăng gia sản xuất. Ban đầu trên 3 ha tại Ấp 5, người chủ trước trồng lúa kém hiệu quả nên sang nhượng lại cho anh. Vậy mà anh đánh liều mua, dù trong lòng cũng thấp thỏm, lo lắng, bởi anh Phếch nghĩ "liều mới có ăn".
Anh Phếch bày tỏ: “Thấy người ta bán đất bỏ xứ đi mình cũng lo. Sợ mua rồi không biết trồng gì vì cây lúa chịu chết ở vùng này rồi. 3 năm trước, tôi tìm hiểu thấy ngoài cây tràm chịu được phèn, một số cây trồng khác cũng chịu được, trong đó có cây mít. Thế là tôi cuốc hết 3 ha để trồng 2 ngàn gốc mít thái, 500 gốc mãng cầu gai. Tôi đã thu hoạch được 1 đợt, hiệu quả khả quan gấp nhiều lần so với trồng lúa”.
Nhìn những đường mương được đào để liếp trồng mít cao ráo, chống phèn mới thấy rõ vì sao người chủ trước bỏ xứ khi trồng lúa. Phèn đặc sệt, màu nước đỏ ngầu như vậy cá không sống nổi thì làm sao đến lượt cây lúa. Theo anh Phếch, một số hộ nằm trong vùng phèn trũng nặng vậy thôi chứ nhiều chỗ phèn ít hơn người dân vẫn trồng được lúa.
Năm đầu tiên phải dưỡng nên mỗi cây anh Phếch chỉ để 1 trái thôi mà đợt vừa rồi thu về trên 20 triệu đồng, bán với giá 15 ngàn đồng/kg. Từ một nông dân trồng lúa, trồng rẫy, nay anh Phếch có thêm kinh nghiệm trồng cây ăn trái.
Anh Phếch tâm sự: “Trồng mít cũng không mấy vất vả. Lâu lâu phải cắt cỏ, tỉa nhánh, bắt sâu, bao trái là được. Một trái mít đủ lứa nặng từ 8-12 kg, tính sơ thôi mỗi trái cũng bỏ túi hơn 100 ngàn đồng. Nông dân quanh năm lam lũ chỉ mong hướng đi nào thích hợp cho đất đai để tăng thu nhập, dù vậy chúng tôi phải tự mình uyển chuyển tìm hướng sản xuất bền vững”.
“Người nông dân giờ năng động lắm, thấy đất đai khó canh tác là bắt đầu chuyển hướng khác liền. Có đất rộng dễ gì họ bị chịu trói. Những vùng đất kém hiệu quả đối với cây lúa thì nay bắt đầu thay màu xanh mới. Cây ăn trái tuy là mô hình khá mới nhưng đã đem lại hiệu quả kinh tế khả quan cho người nông dân. Nhiều hộ vui mừng vì cây ăn trái bén rễ và cho năng suất, lợi nhuận cao hơn lúa”, ông Nguyễn Long Phau phân tích./.
Phó chủ tịch UBND xã Trần Hợi Trần Vững thông tin: "Tổng diện tích đất nông nghiệp tại xã là 3.741 ha. Theo khảo sát của các chuyên gia về nông nghiệp mà xã đã tham khảo, ở vùng này có một số nơi phèn nặng lắm, khó có thể trồng lúa. Điển hình một số tuyến thuộc Ấp 5, ấp Vồ Dơi. Vấn đề này xã đã xin ý kiến từ cấp huyện để có biện pháp tháo gỡ, giúp người dân an tâm sản xuất. Trong đó, quy hoạch ưu tiên những vùng phèn nặng canh tác kém hiệu quả mới được trồng cây ăn trái để tăng thu nhập. Qua nhiều năm thực hiện, chúng tôi thấy những vùng đất đó dần chuyển biến tích cực thay vì cứ bám cây lúa". |
Hằng My