(CMO) Năm 2021, tỉnh Cà Mau dự kiến khai thác 4.199 ha rừng trồng, bao gồm cả rừng đước, rừng tràm và cây keo lai, với sản lượng ước khoảng 359.000 m3. Tuy nhiên, đến hết quý 3, toàn tỉnh chỉ mới thực hiện được 1.871 ha, sản lượng khoảng 169.000 m3, đạt khoảng 40% so với cùng kỳ năm 2020.
15 năm và tiếp tục chờ…
Nhận khoán đất rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Tam Giang, xã Tam Giang Ðông, huyện Năm Căn, ông Lý Văn Duyên, kênh Rạch Già, ấp Bỏ Hủ vừa nuôi tôm, cua, cá và chăm sóc cây đước. Khi cây đước đủ 15 năm tuổi sẽ tiến hành khai thác và ông sẽ được chia tỷ lệ 30/70 với Ban Quản lý rừng phòng hộ Tam Giang. Tuy nhiên, khi đợt dịch Covid-19 thứ tư bùng phát, thương lái ngoài tỉnh không đến thu mua nên ông Duyên vẫn phải tiếp tục chờ đợi.
Người dân ấp Kênh Ba, xã Tam Giang Ðông, huyện Năm Căn khai thác gỗ đước. |
Ông Duyên chia sẻ, theo kế hoạch, diện tích khai thác rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Tam Giang trong năm 2021 trên 120 ha, năng suất bình quân từ 100-150 m3. 5 tháng đầu năm, đơn vị thu mua đã tiến hành khai thác được 14 ha, nhưng giá sụt giảm khoảng 40%.
Ông Nguyễn Quốc Em, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Tam Giang, thông tin, gỗ đước tại đơn vị được xuất bán nhiều tại tỉnh Hậu Giang. Tuy nhiên, do dịch bệnh, đơn vị trúng thầu không tiến hành khai thác được, thêm giá giảm mạnh nên đơn vị đã ngừng khai thác.
“Ðơn vị có khoảng 100 hộ dân đang sống trên lâm phần, trong đó khoảng 20 hộ có rừng sản xuất với diện tích khá lớn. Việc tạm dừng khai thác gỗ đước trong thời gian giãn cách khiến nhiều hộ dân gặp khó khăn. Ðơn vị đã kiến nghị về Sở NN&PTNT, UBND tỉnh thúc đẩy để đầu ra của cây đước ổn định, tăng thu nhập cho người dân”, ông Nguyễn Quốc Em cho biết.
Ðứt gãy chuỗi liên kết
Cây đước bấp bênh đầu ra, giá cả vì dịch Covid-19, thì cây tràm, cây keo lai cũng không khá hơn. Theo ghi nhận, hiện nay Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ quản lý khoảng 24.100 ha, theo phương án quản lý rừng bền vững, hàng năm công ty đưa vào kế hoạch khai thác khoảng 3.000 ha. Trên 900 hộ dân có rừng được đưa vào kế hoạch khai thác. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, các nhà máy chế biến gỗ, các công trình xây dựng tạm dừng hoạt động nên giá tràm bình quân giảm khoảng 40%, giá keo lai giảm từ 15-20%, sản lượng tiêu thụ các loại lâm nghiệp vùng nước ngọt giảm khoảng 40% so với kế hoạch sản xuất cả năm.
Với ông Lê Trường Sơn và hàng chục hộ kinh doanh dọc tuyến lộ xe Cà Mau - U Minh (Ấp 9, xã Nguyễn Phích) hơn chục năm làm nghề kinh doanh cây tràm, chưa có năm nào chịu nhiều ảnh hưởng như năm nay. Từ tháng 9 là thời điểm cây cừ tràm được xuất đi nhiều nơi trong và ngoài tỉnh nhằm cung ứng cho các công trình xây dựng. Tuy nhiên, dịch bệnh ập đến, bãi cây tràm của ông Sơn đã chịu nắng mưa và sụt giá nhưng vẫn chưa có đầu ra.
“Mỗi năm, bãi cừ tràm của gia đình tôi sẽ thu mua trên 30 ha, thế nhưng từ đầu năm đến nay chỉ mới đốn hơn 3 ha. Cái khổ của doanh nghiệp kéo theo cái khổ của nông dân là cây không thể khai thác hoặc khai thác nhưng giá thấp”, ông Sơn chia sẻ.
Các hộ kinh doanh cây tràm dọc tuyến lộ xe Cà Mau - U Minh (Ấp 9, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh) thu mua nguyên liệu. |
Ông Nguyễn Phương Nam, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ, cho biết: "Công ty chỉ đạo cho các liên tiểu khu gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ khó khăn với bà con, đồng thời vận động bà con tiếp tục thực hiện việc quản lý bảo vệ rừng cũng như tổ chức trồng rừng trên diện tích đất trống. Hiện nay, công ty cũng đã chuẩn bị hồ sơ và liên hệ với các nhà thầu, khi việc lưu thông thuận lợi sẽ tiến hành tổ chức khai thác lại và tiêu thụ lâm sản. Song song đó, vận động người dân chuẩn bị mặt bằng, khi có cây giống sẽ tiến hành trồng mới, trồng rừng sau khai thác đạt kết quả tốt nhất".
Ông Trần Văn Thức, Phó giám đốc Sở NN&PTNT, chỉ đạo các đơn vị quản lý rừng, các chủ rừng không nên khai thác vội khi giá cả cây lâm sản đang xuống thấp. Công việc cần làm hiện nay là tiếp tục chăm sóc để tăng năng suất cây trồng và chờ giá cả hợp lý để xuất bán. Ðồng thời cải tạo mặt bằng để tiếp tục trồng rừng mới, đảm bảo đúng kế hoạch đã đề ra.
Hiện nay các đơn vị quản lý rừng, các chủ rừng tập trung triển khai thực hiện công tác trồng rừng theo kế hoạch. Trong đó, trồng rừng sau khai thác 1.554 ha, đạt 39,7% kế hoạch (chỉ tiêu 3.913 ha); trồng rừng mới 50,8 ha, đạt 16,9% (chỉ tiêu 300 ha). Tổng thu nhập nguồn lâm sản, lâm sản ngoài gỗ từ các mô hình sản xuất nông - lâm kết hợp đạt hơn 950 tỷ đồng (trong đó lâm sản đạt hơn 167 tỷ đồng). |
Phương Lài - Hoàng Vũ