(CMO) Chợ Bắc Hà được xếp bảng ngôi thứ trong cộng đồng ASEAN. Khách du lịch đến Bắc Hà (tỉnh Lào Cai) hầu như đều tham quan chợ, được tận hưởng cái dân dã vẫn còn đọng lại ở đây.
Lợn cắp nách vẫn eng éc. Khu dãy gần bờ hồ là nơi dành riêng cho các chú “khuyển”. Lại thêm khu ẩm thực mới dọc về phía trung tâm văn hoá. Chạy dọc trên con đường nhỏ là chợ chim. Nào hoạ mi, khướu, sơn ca, yểng… tất tần tật hội tụ về đây. Lồng nhỏ, lồng to, cái cao, cái thấp, cái được chuốt nhẵn, cái thô ráp cùng được treo trên cành cây, trên chiếc dây vắt ngang. Các chú chim thử tài cất giọng cao thấp, trầm bổng du dương trong nắng. Chợ vẫn giữ được phong vị dân dã ít chợ vùng cao nào có được.
Một điểm nhấn tôi muốn nói đến là chảo thắng cố Bắc Hà. Chảo nằm trong một gian nhà ngay phía trái chợ. Đây là chảo thắng cố lớn nhất Việt Nam, đã được công nhận kỷ lục Guiness năm 2008. Chảo được đúc bằng gang và các phụ liệu khác theo đúng hình thức truyền thống của người Mông Bắc Hà, nặng tới 1,5 tấn, đường kính 3 m, lòng sâu 1 m, đủ nấu 500 kg thức ăn phục vụ hàng ngàn thực khách một lúc.
Cứ mỗi lần chảo thắng cố nổi lửa là Bắc Hà lại chứng kiến một niềm vui. Người vùng cao bảo nhau, ngày mai mình phải qua chợ để mua lưỡi cày, cái cuốc và trên hết là phải đến thăm chảo thắng cố to nhất Việt Nam. Có người bảo: "Ôi dào, chảo thì ở nhà cũng có, và có đến mấy cái, việc gì phải đến ngó xem cái chảo này!".
Anh bạn tôi quay sang giải thích: "Ông ơi, vẫn biết chảo nào chẳng giống chảo nào, vẫn làm bằng gang, vẫn dùng nấu rượu, xào thức ăn. Nhưng ở đây là khác, khác lắm. Tôi hỏi ông, có cái chảo nào nấu thắng cố được hẳn mấy con ngựa như cái chảo này không? Có cái chảo nào đun nóng mà mất đứt thời gian từ sáng đến chiều, chưa nói đến củi nó "xơi" dễ đến hai phần ba xe công nông mỗi đợt?".
Tôi hiểu về cái hoành tráng, đồ sộ của chảo. Tâm phục khẩu phục về độ “xơi” của nó. Được uống rượu ở chợ, được ăn tô thắng cố tại cái chảo này, bằng ấy cái niềm vui dồn lại còn gì sung sướng bằng.
Mỗi lần chảo nổi lửa là Bắc Hà lại có lễ hội. Thông thường các năm, cứ đến tháng Sáu cả Bắc Hà chào đón lễ hội đua ngựa. Hay quảng cáo thương mại du lịch. Lại nổi lửa chảo thắng cố.
Thắng cố thì mỗi nơi, mỗi địa phương đều có thể làm. Cũng xào, cũng nấu, cũng gia giảm muối ớt, gừng, hạt tiêu, cũng bếp núc xì xụp... nhưng ăn thắng cố ở Bắc Hà nó khác lắm. Tôi hiểu về độ khác ở đây là thực phẩm an toàn, chẳng cần bàn cũng hiểu là vậy. Lời chào cũng khác. Lời chào ở đây mộc mạc lắm. Buổi sáng, một nhóm hai, ba người; Lúc 9 giờ lại 6 người; Gần 12 giờ 11 người…
Chảo thắng cố Bắc Hà. Ảnh: Báo Lào Cai |
Gặp bạn đi chợ, mời bạn chung vui, mà phải uống rượu ở ngay chợ Bắc Hà, phải ăn thắng cố ở cái chảo kỷ lục này. Không gian ở đây nó hay lắm, nên thơ lắm, làm ngây ngất lòng người.
Tôi vinh dự được chứng kiến cảnh đốt lò ngày khai trương mở hội văn hoá du lịch Bắc Hà, đó là một buổi sáng tháng 6/2000. Trước cửa lò của chảo thắng cố kỷ lục, hai dãy các cô gái Noọng Thao quần đen, áo đen, thắt nơ hồng xếp hàng đón chào nghi lễ. Củi đã xếp sẵn, dầu đã được tẩm bằng dẻ, Phó chủ tịch huyện khấn vái và châm lửa. Giữa tiếng hoan hô nồng nhiệt của khán giả vây quanh, người châm lửa giơ cao tay vỗ đáp từ. Buổi chiều quan khách giao lưu ẩm thực tại chợ. Thắng cố múc ra nghi ngút khói. Những rau thơm, mùi tàu, lá nhội, rau rừng la liệt bày trên chiếc bàn mộc. Tiếng chào mời sôi nổi. Tối đến, sau lời khai mạc đêm xoè thứ bảy, tại khoảng sân phía đầu chợ, ngọn lửa bập bùng bừng cháy. Câu hát giã từ bè bạn lại cất lên: "Múa lên cho cây ngô thêm tốt. Không múa cây lúa không trổ bông…". Cứ thế, trăng lên cao, điệu xoè mở ra theo chiều sâu của đêm, cho tình duyên nảy nở...
Ngọn lửa vùng cao. Ngọn lửa bùng lên tại chảo thắng cố, ngọn lửa bùng lên tại đêm hội. Ngọn lửa đã làm đẹp không gian trên cao nguyên Bắc Hà. Tất cả muốn níu kéo du khách ở lại. Ngọn lửa ấy, chúng ta thường thấy trong mỗi căn hộ gia đình, nó còn xuất hiện ngay trong cả lều nương. Tất cả, đã hứa hẹn giữ gìn niềm tin yêu vào cuộc sống, như giữ gìn bản sắc văn hoá vốn có của đồng bào dân tộc vùng cao.
Hình ảnh chiếc chảo thắng cố đạt kỷ lục Guiness đã trở thành chỉ dẫn địa lý. Rằng, đến Bắc Hà là đến với món thắng cố mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc. Và tất nhiên, xung quanh thắng cố còn có xôi bảy màu, phở gạo đỏ, mèn mén, muối ớt trộn với cà chua... tất tần tật làm nên hương vị Bắc Hà, nồng nàn khó quên.
Chiếc chảo thắng cố tại chợ Bắc Hà như muốn lưu giữ một hình ảnh đẹp của bản làng vùng cao. Bản làng vùng cao với cổng trời hút gió, với hòn đá thề, với ruộng bậc thang và chảo to, chảo nhỏ chảo lớn, chảo bé trong nhà, trong bếp.
Bếp lò, bếp củi của đồng bào vùng cao vẫn tồn tại và muôn đời vẫn thế. Lò nấu hình khối lập phương một cửa, một lỗ thông hơi. Lò được đắp bằng đất. Người dân chọn đất nhuyễn, ít pha tạp rưới nước mà nhào. Đất càng nhuyễn, bàn tay người thợ vồ đập chắc nịch, lỗ thoát khí vừa tầm mang đến thành công bếp chảo. Chảo lớn, chảo nhỏ tương xứng với lò cao, lò bé. Tối đến, lò nào cũng rực lửa. Chảo lớn bung ngô, nấu rượu hay nấu cám, chảo nhỏ đồ mèn mén hay xào rau...
Tuổi của bếp bằng tuổi căn nhà. Căn nhà trình tường mái dốc trên hè là chiếc cối đá xay. Bề dày của tường, ô cửa sổ hình vuông, xà gian chính giữa có treo vuông vải đỏ. Bàn thờ viền dán lông gà xung quanh, giấy vàng, giấy bạc cùng dán đối xứng nhau làm nên văn hoá vùng cao, bản sắc vùng cao.
Trở lại với phiên chợ Bắc Hà, tôi lại đến chảo thắng cố đạt kỷ lục Guiness. Tôi tự hỏi, không biết có bao nhiêu bức hình lưu giữ lại hình ảnh nhóm lửa nấu thắng cố tại cái chảo lớn này? Không biết có bao nhiêu khách đã đến ăn thắng cố tại đây? Và bao nhiêu cặp đôi nảy nở tình duyên tại phiên chợ Bắc Hà./.
Đỗ Văn Dinh