(CMO) Thới Bình thôn, cái tên in đậm trong lòng du khách bởi sự hữu tình, thơ mộng. Khách đến Thới Bình thôn để được hoà mình vào thiên nhiên, vào cuộc sống ở một miền quê Nam Bộ dân dã, mộc mạc, nghĩa tình.
Đến đây, du khách được thưởng thức những món đặc sản đồng quê và được nghe kể những câu chuyện lịch sử gắn liền với kênh xáng Chắc Băng hay chuyện má Sảnh gửi tặng Bác Hồ cây vú sữa miền Nam và dòng sông Trẹm hiền hoà nước đỏ được gợi nhớ trong tiểu thuyết của Dương Hà.
Thế nhưng, theo lời bộc bạch của Trưởng phòng Văn hoá - Thông tin huyện Thới Bình Nguyễn Nhật Bằng, hiện nay du lịch Thới Bình đang thiếu cơ chế, chính sách để phát triển theo hướng bền vững.
Anh Trương Minh Thắng mong muốn có được cơ chế, chính sách hỗ trợ để bảo tồn và phát huy giá trị của vườn cò. |
“Dự kiến đến năm 2020, huyện sẽ có đề án phát triển du lịch cho địa phương, đây là tín hiệu vui, song không vội, chúng tôi phải thực sự xây dựng được sản phẩm du lịch đặc trưng, không trùng lặp, có như thế mới níu chân được du khách và thu hút khách ngày thêm đông”, ông Nguyễn Nhật Bằng nhấn mạnh.
Theo ông Bằng, du lịch Thới Bình thôn có rất nhiều điểm đến, cụ thể như: Phát huy tốt giá trị các địa chỉ đỏ (Phủ thờ Bác ở xã Trí Lực, Đền thờ Vua Hùng ở xã Tân Phú); Duy trì và phát triển 106 câu lạc bộ đờn ca tài tử (toả khắp 11 xã, thị trấn); Có làng nghề truyền thống đan đát, đan lục bình (ở xã Tân Bằng và Biển Bạch); Có vườn chim hơn 100 ngàn con được bảo tồn và phát triển tự nhiên (xã Biển Bạch Đông); Có hệ thống du lịch tâm linh thu hút du khách đến hành hương, chiêm bái, lễ hội (Chùa Cao Dân, Toà thánh Ngọc Sắc, Đình thần Thới Bình, Đình thần Tân Lộc, Đình thần Tân Bằng...); Có cả đặc sản thương hiệu là mắm lóc Thới Bình, cùng rất nhiều món ngon đồng quê nức tiếng. Và đặc biệt là hiện nay Thới Bình đang nỗ lực về đích huyện nông thôn mới, trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh. Đây là bệ phóng cho du lịch địa phương sáng - xanh - sạch - đẹp trong lòng du khách.
“Trước đây, Huyện uỷ Thới Bình có kế hoạch phát triển du lịch, nhưng chưa cụ thể và đánh giá đúng tiềm năng. Do đó, huyện đang xây dựng đề án phát triển du lịch bền vững để đánh giá đúng thực trạng, tiềm năng và phải tân thời. Du lịch Thới Bình thôn cần có cơ chế và chính sách hỗ trợ, nhất là đối với những điểm du lịch sinh thái cộng đồng, các làng nghề truyền thống và những địa phương đang được giao quản lý, tiếp quản các điểm du lịch địa chỉ đỏ.
Trở lại thăm vườn cò Tư Sự ở ấp Quyền Thiện, xã Biển Bạch Đông, nơi được đánh giá là có tiềm năng lớn để phát triển loại hình du lịch sinh thái cộng đồng của huyện, và như lời ông Nguyễn Nhật Bằng, trong đề án phát triển du lịch của huyện, điểm nhấn du lịch sẽ là sự kết nối các điểm Phủ thờ Bác Hồ - Vườn cò Tư Sự - Đình thần Tân Bằng và làng nghề truyền thống đan đát, đan lục bình. Tại các điểm này đều có các CLB đờn ca tài tử phát triển mạnh, hiệu quả.
Anh Trương Minh Thắng, chủ vườn cò, cho biết, từ 3 ha (vườn cò, hình thành từ năm 2004) đến nay gia đình anh đã mở rộng diện tích gần 10 ha để bảo tồn và phát triển vườn cò. Điều anh cần nhất hiện nay chính là được hướng dẫn, có chính sách hỗ trợ và cần được vay vốn ưu đãi để bảo tồn vườn cò theo hướng bền vững, gần gũi thiên nhiên và bảo vệ môi trường.
“Có ý tưởng làm du lịch, nhưng tôi chỉ dừng lại là mở quán cà phê, phục vụ ăn uống nhỏ và cho khách tham quan, đi dạo quanh vườn cò, còn khai thác nhiều hơn nữa thì tôi chưa dám, và cũng chưa từng nghĩ đến việc sẽ khai thác lợi ích từ chim cò, hay có ý định phá vỡ tổ ấm của chúng. Tôi còn ít kinh nghiệm, nên thực sự cần hỗ trợ từ các cấp, các ngành để vườn cò thực sự là điểm đến du lịch lý tưởng trong lòng mỗi du khách ghé thăm”, anh Trương Minh Thắng tâm tình./.
Băng Thanh