Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển của trẻ. Khi trẻ bị bệnh tay - chân - miệng (TCM), cần tuân thủ các nguyên tắc về ăn uống, ngủ, nghỉ, vệ sinh cá nhân cho trẻ, tránh tình trạng bệnh chuyển biến nặng, tăng cường sức đề kháng, giúp trẻ mau phục hồi và tăng hiệu quả điều trị bệnh.
Thạc sĩ Ninh Thị Ly, Phòng Khám dinh dưỡng, Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau, cho biết, chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc dự phòng và hỗ trợ giúp trẻ mau phục hồi sức khoẻ khi mắc bệnh TCM, giảm nguy cơ các biến chứng do bệnh. Lúc này, phụ huynh cần lựa chọn thực phẩm hợp lý, cũng như chế biến thức ăn phù hợp với thể trạng và sức khoẻ của trẻ, ưu tiên những món trẻ thích để đảm bảo đủ năng lượng khẩu phần ăn.
Ngoài theo dõi diễn biến sức khoẻ khi trẻ bị TCM, cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, bổ sung đầy đủ các nhóm chất giúp bệnh nhi mau phục hồi sức khoẻ.
Theo đó, ba mẹ nên chọn những thức ăn mềm, loãng và nguội như cháo, bún, phở, bột, khoai tây nghiền, giúp bệnh nhi dễ nuốt vì lúc này tuỳ tình trạng mà miệng của trẻ có thể bị đau rát do các nốt ban. Cần chia nhỏ bữa ăn từ 3-5 bữa trong ngày, sau khi ăn cháo, bột nên bổ sung nhiều trái cây sạch, giàu vitamin C để tăng cường vitamin và yếu tố vi lượng. Riêng với trẻ trong giai đoạn bú mẹ, cần tăng cường số lần, thời gian bú. Khi trẻ từ chối không ăn không nên ép, thay vào đó cho trẻ uống sữa, ăn bánh flan, sữa chua hoặc uống nước trái cây lạnh, đồng thời bổ sung vitamin, khoáng chất và kẽm theo chỉ định của bác sĩ, cho trẻ súc miệng sau khi dùng bữa. Ðặc biệt, với những trẻ khi bệnh xuất hiện dấu hiệu mụn nước vỡ, cần bổ sung thêm nhiều vitamin A để chống bội nhiễm.
Khi trẻ có dấu hiệu bất thường, cần đưa đi thăm khám nhanh nhất có thể vì TCM tiến triển rất nhanh.
Con nhập viện điều trị bệnh TCM đã 6 ngày, bên cạnh theo dõi diễn biến sức khoẻ, chị Trần Kim Chi (ngụ xã Tạ An Khương, huyện Ðầm Dơi) còn quan tâm đến chế độ ăn uống cho con. Chị chia sẻ: “Ở nhà bé rất dễ, nhưng 6 ngày vào viện, 4 ngày đầu bé quấy khóc về đêm, chỉ 2 ngày nay là chịu ngủ. Thường tôi cho bé ăn cơm nhưng giờ cho ăn cháo dinh dưỡng kết hợp ăn yến. Ngoài ra, bác sĩ cũng hướng dẫn thời gian này hạn chế cho con ăn đồ chua, đồng thời tránh chọn những loại muỗng có cạnh sắc sẽ gây tổn thương phần miệng có vết loét ở đầu lưỡi hoặc môi; chú trọng thực phẩm đủ 8 nhóm dinh dưỡng trong khẩu phần ăn, ăn đa dạng để bé không thiếu chất; trong những ngày bé bị sốt nên bổ sung nước. Các kiến thức này tôi đều ghi lại để chăm con được tốt hơn”.
Chăm sóc con bị TCM, chị Phạm Thị Chắc, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, cho biết: “Ban đầu bé có tình trạng nóng sốt và đau miệng, tôi kiểm tra thì thấy loét bên trong miệng, nhưng tay, chân vẫn chưa xuất hiện mụn nước. Thế nhưng, tôi vẫn chủ động cho con nhập viện để theo dõi vì trước đó tại lớp con học cũng có vài ca bệnh TCM. Ngày thường bé vốn ăn rất ít, nay bệnh lại càng biếng ăn; cũng nhờ bác sĩ tư vấn dinh dưỡng, giúp con ăn ngon miệng, mau hồi phục để xuất viện”.
TCM là bệnh phổ biến, xuất hiện ở trẻ nhỏ, dễ lây lan, do đó, khi trẻ có triệu chứng bất thường như sốt kéo dài, quấy khóc nhiều, nôn ói, hay giật mình, khó thở, đau vùng miệng, phụ huynh nên đưa đi thăm khám trong thời gian sớm nhất, nhằm xác định đúng bệnh, mức độ để bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, giảm nguy cơ biến chứng nguy hiểm. Khuyến cáo các bậc phụ huynh không nên tự ý mua thuốc về điều trị tại nhà vì có thể khiến bệnh tình của trẻ nặng thêm, khó điều trị về sau./.
Ngô Nhi