(CMO) Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), kết quả đánh giá Chỉ số thành phần Đào tạo lao động năm 2022 của tỉnh Cà Mau được xếp hạng rất thấp, ở thứ hạng 60/63 tỉnh, thành cả nước, giảm 17 bậc so với năm 2021; trong đó có đến 8/11 chỉ tiêu chuyển biến tiêu cực, với điểm số thấp hơn điểm trung vị cả nước.
Chiều 29/6, Sở LĐ-TB&XH tổ chức buổi gặp gỡ đối thoại với lãnh đạo các doanh nghiệp, các sở, ban, ngành, các địa phương trong tỉnh về đào tạo lao động và hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động.
Năm 2022, mặc dù kết quả đào tạo hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch, với tỷ lệ tổ chức đào tạo, bồi dưỡng và dạy nghề đạt 122%, tăng 116% so với cùng kỳ, tuy nhiên cơ cấu ngành nghề vẫn chưa phù hợp với định hướng nhu cầu nguồn nhân lực của tỉnh, nhất là trong các lĩnh vực công nghiệp, chế biến, dịch vụ thương mại và du lịch.
Trong đó, số học sinh tốt nghiệp Trung học phổ thông tham gia học nghề tại các cơ sở đào tạo thấp từ 10-12%, cũng đã ảnh hưởng đến Chỉ số Đào tạo lao động của tỉnh.
Bên cạnh đó, các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp. Công tác đào tạo nghề gắn với việc làm tại doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn.
Từ tình hình này, nhằm đánh giá thực trạng, đồng thời tìm ra giải pháp cải thiện, nâng cao Chỉ số Đào tạo lao động, góp phần nâng cao Chỉ số năng lực cạnh trang cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Cà Mau năm 2023 và những năm tiếp theo, chiều 29/6, Sở LĐ-TB&XH tổ chức buổi gặp gỡ đối thoại với lãnh đạo các doanh nghiệp, các sở, ban, ngành, các địa phương trong tỉnh về đào tạo lao động và hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động.
Đại diện lãnh đạo Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đóng góp ý kiến.
Tại buổi đối thoại, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng việc nâng cao tay nghề cũng như đào tạo người lao động, nhất là trong ngành chế biến thủy sản (CBTS) tại Cà Mau có chứng nhận, chứng chỉ là hết sức khó khăn, do nhu cầu sử dụng lao động tại các nhà máy CBTS chủ yếu là lao động phổ thông. Việc đào tạo tay nghề lao động cũng do các nhà máy tự đào tạo.
Do đó, Nhà nước cần có định hướng đào tạo người lao động ngành gì, nghề gì phù hợp với nhu cầu lao động của các doanh nghiệp. Từ đó, các công ty CBTS sẽ ký cam kết tiếp nhận và sử dụng lao động đã qua đào tạo này làm việc tại công ty đúng theo nhu cầu.
Công nhân lao động trong nhà máy chế biến thủy sản.
Đại biểu cũng đề xuất Sở LĐ-TB&XH cần tổ chức thường xuyên hơn hội nghị, hội thảo chuyên sâu về lao động để tạo cơ hội cho các trường cao đẳng, đại học và doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi, giao lưu với nhau nhiều hơn. Qua đó, hai bên sẽ nắm bắt được nhu cầu sử dụng lao động và khả năng đào tạo, cung cấp lao động cho nhau, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương và nâng cao Chỉ số Đào tạo lao động trong các năm tiếp theo.
Cần tiếp tục nâng cao chất lượng nội dung hoạt động của các sàn giao dịch việc làm, xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng phiên giao dịch, cung cấp kịp thời và đầy đủ thông tin tuyển dụng cho người lao động. Thường xuyên tổ chức các sàn giao dịch việc làm trực tuyến.
Quy trình tham gia phiên giao dịch việc làm, nhất là theo hình thức trực tuyến phải tạo thuận lợi tối đa cho người lao động và người sử dụng lao động tham gia.
Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng các trang thông tin. Cụ thể, các trang thông tin cần được thiết kế hợp lý, các trường thông tin phải được sắp xếp khoa học. Thông tin đăng tải phải đảm bảo tính chính xác, kịp thời. Cải thiện ứng dụng Chatbot ngắn gọn và dễ hiểu hơn nữa, tạo thuận lợi cho người truy cập.
Ông Nguyễn Quốc Thanh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, ghi nhận những ý kiến đầy tâm huyết của các đại biểu.
Ghi nhận những ý kiến đầy tâm huyết của các đại biểu, ông Nguyễn Quốc Thanh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, mong muốn các đại biểu sẽ có nhiều ý kiến đóng góp hơn nữa sau buổi gặp gỡ lần này. Các ý kiến đóng góp sẽ được Sở tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh để tìm giải pháp cải thiện, nâng cao Chỉ số Đào tạo lao động của tỉnh năm 2023 và những năm tiếp theo./.
Lê Chí