Nhiều trường học đã thay đổi cách dạy, cách tiếp cận học sinh, tạo môi trường giáo dục thân thiện, mở ra không gian học tập hạnh phúc để tạo sự thoải mái, vui vẻ cho học sinh.
- Bạo lực học đường và các giải pháp phòng, tránh
- Nói không với bạo lực học đường
- Ngăn chặn bạo lực học đường bằng nhiều cách làm hay
Ngày nay, giáo viên không chỉ là người thầy, người cô, mà họ còn là người bạn sẵn sàng cùng học, cùng chơi, cùng san sẻ tâm tư với học sinh. Thầy cô linh hoạt giữa phương pháp dạy truyền thống và hiện đại, có thêm những buổi phụ đạo tại trường, biết cách dẫn dắt hấp dẫn để học sinh tiếp thu bài giảng tốt.
Ðây là cơ hội để thầy trò cùng có không gian trao đổi những điều đang diễn ra trong môi trường học tập lẫn môi trường sống. Nhờ đó, giáo viên không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn tư vấn tâm lý, tháo gỡ khúc mắc cho học sinh.
Thầy Lương Hồng Vinh, Tổ phó Tổ Toán - Lý - Tin, Trường THCS Tân Thành (TP Cà Mau), cho biết: “Thay vì tạo áp lực, thầy cô giáo cùng học với các em. Chỗ nào các em không hiểu thì phụ đạo thêm. Với các em có nền tảng học tốt, cần khuyến khích sự sáng tạo trong cách học, cách giải bài tập. Ðôi khi thầy cũng phải học ở trò về góc nhìn, cách tư duy hiện đại. Tôi thích được trao đổi với các em để tìm ra hướng tiếp cận bài học hay bài giải một cách tốt nhất; không nhất thiết phải gò bó các em theo cách giảng, cách làm của mình, vì các em có tư duy riêng. Song song đó, tôi cũng tìm hiểu thêm phần nào tính cách của mỗi em để dần góp ý, điều chỉnh cái chưa tốt, chưa phù hợp. Học sinh có tự ái, tự trọng, phải uyển chuyển, lúc nào cần cứng rắn và lúc nào cần nhẹ nhàng, để các em không bị tổn thương, không cảm thấy bị bỏ rơi là điều hết sức tế nhị, cần cân nhắc”.
Bên cạnh thay đổi tư duy tiếp cận học sinh, các trường còn thành lập Ban Tư vấn học đường, để hỗ trợ các em mọi lúc, mọi nơi, qua nhiều kênh thông tin lẫn mạng xã hội để các em không thấy mình “lạc lõng” khi phải đối mặt vấn đề vượt quá sức mình. Ðoàn, Ðội tại môi trường học đường phải là trung tâm để tập hợp, thu hút học sinh thông qua các hoạt động, đặc biệt chú trọng nhu cầu, thị hiếu, phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh.
Một buổi sinh hoạt của câu lạc bộ Ngôn ngữ Khmer tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Cà Mau cũng kết nối các em học sinh lại gần nhau hơn và giải toả áp lực học tập mệt mỏi.
Cô Danh Thị Chi, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh, cho biết: “Tại trường học nên có nhiều câu lạc bộ (CLB), hội nhóm như: CLB sách, CLB thiện nguyện... để các em sinh hoạt theo sở thích và gắn kết hơn. Ở trường hiện tại có CLB Ngôn ngữ Khmer, là sân chơi quen thuộc. Các em không chỉ được thực hành ngôn ngữ dân tộc thường xuyên hơn mà còn được tìm hiểu thêm về văn hoá Khmer và các điệu múa đậm chất dân tộc Khmer. Những nội dung sinh hoạt của CLB sẽ kết hợp việc học, giải trí và rèn luyện thêm kỹ năng cần thiết cho các em. Ðồng thời, các em cũng gắn kết tình cảm, có cơ hội trò chuyện, tìm hiểu nhau trong môi trường lành mạnh, văn minh”.
Theo thầy Ninh Ngọc Vinh, Phó hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (TP Cà Mau): “Việc đối thoại dân chủ giữa lãnh đạo nhà trường, thầy cô và học sinh là một trong những giải pháp hiệu quả để xây dựng môi trường học đường thân thiện. Từ những buổi nói chuyện thẳng thắn, các em được quyền và được khuyến khích bày tỏ chính kiến, trình bày các vấn đề của bản thân, của bạn bè, của chính trường học... Thầy cô cũng có cơ hội thấu hiểu và đồng cảm, tìm cách điều chỉnh phương pháp dạy, phương pháp tiếp cận với các em hơn. Riêng nhà trường sẽ nghiêm túc tiếp thu và có giải pháp hoàn thiện môi trường học đường, giúp thầy lẫn trò đều giảm bớt áp lực trong dạy và học”.
Một số nhà trường còn nâng cao tính dân chủ trong học đường, để học sinh được giãi bày suy nghĩ và những vướng mắc trong cuộc sống. (Ảnh chụp tại Trường THCS Nguyễn Du).
Xây dựng môi trường học đường thân thiện, như ngôi nhà thứ 2 của học sinh là điều ngành giáo dục trong nước lẫn quốc tế hướng đến. Mỗi ngày các em đến trường là một ngày vui, giải toả được gánh nặng học tập. Cùng với đó, môi trường này cũng giảm thiểu và đẩy lùi được những vấn đề tiêu cực như: bạo lực học đường, các tệ nạn xã hội len lỏi trong trường học... Theo tâm lý chung của học sinh, càng áp lực thì càng muốn tìm cách trút xả. Nếu không có cách văn minh và hợp lý, các em sẽ tự hành động theo cách tiêu cực. Hành động thiếu kiểm soát do bất lực trong việc tìm hướng giải quyết xử lý “gánh nặng” dẫn đến hậu quả khôn lường.
Em Trần Cát Tường, học sinh Lớp 8E, Trường THCS Nguyễn Du, chia sẻ: “Trường em có CLB Mỹ thuật và phòng âm nhạc rất đẹp. Vào giờ chơi hay sau kỳ thi mệt mỏi, chúng em có thể sinh hoạt cùng nhau và sáng tạo ra nhiều món đồ đẹp để tham gia các cuộc thi về mỹ thuật, công nghệ... Còn phòng âm nhạc được đầu tư các loại nhạc cụ để những bạn có năng khiếu có thể luyện nhạc, giao lưu. Mỗi buổi như vậy, chúng em hiểu nhau hơn và truyền năng lượng tích cực, động viên nhau học tập, hơn là gây hấn, xích mích, dẫn đến những hành động nông nỗi, gây ảnh hưởng đến bản thân và gia đình”.
Em Quách Trọng Kiện, Lớp 8A, Trường THCS Tân Thành, nhận định: “Học sinh tìm được phương pháp học tập hiệu quả, được thầy cô chia sẻ, đồng cảm trong mọi vấn đề và có cơ hội kết nối với bạn bè thì vấn đề bạo lực học đường sẽ khó xảy ra. Em nghĩ, khi bản thân suy nghĩ tích cực và tâm trạng vui vẻ trong môi trường thân thiện thì không thể nghĩ tới những hành động xấu được”.
Các buổi sinh hoạt đầu tuần, cuối tuần hay chuyên đề là cơ hội để học sinh bày tỏ cảm xúc và kết nối yêu thương. (Ảnh chụp tại Trường THCS Nguyễn Du).
Môi trường giáo dục thân thiện là nơi người học được tôn trọng, đối xử công bằng, bình đẳng và nhân ái; được phát huy dân chủ, tạo điều kiện để phát triển phẩm chất và năng lực. Giáo dục con người không chỉ là giáo dục tri thức mà còn giáo dục nhân cách, bằng những cách văn minh, hiệu quả, khi giúp các em tự sản sinh năng lượng vui vẻ, lăng kính tích cực khi nhìn và giải quyết mọi vấn đề. Ðây cũng là điều mà nhà trường lẫn phụ huynh phải cùng nhau xây dựng từ những điều nhỏ nhất./.
Hồng Thắm