ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 4-2-25 05:06:25
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Chiếc xuồng trong thơ Cà Mau

Báo Cà Mau (CMO) Trong kháng chiến và sau ngày giải phóng, phong trào sáng tác thơ ở Cà Mau phát triển mạnh mẽ. Nói theo lời Nhà thơ - Đại tá Khưu Ngọc Bảy, thời điểm đó, người ta sáng tác thơ không phải để trở thành nhà thơ, để in tập thơ, để nổi tiếng… mà mọi người làm thơ để ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ kính yêu, làm thơ để nói thay cảm xúc của mình về tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu đôi lứa…

Đọc lại những bài thơ sáng tác về đất và người Cà Mau của nhiều tác giả, hình ảnh chiếc xuồng là nguồn cảm hứng bất tận, thân thương.

Xuồng phổ biến ở Cà Mau trong thời kháng chiến là chiếc xuồng ba lá. Gọi xuồng ba lá là do cấu tạo của xuồng được ghép bởi 3 tấm ván, đó là 2 tấm ván be 2 bên và 1 tấm ván đáy. Để thân xuồng cứng chắc, chống đỡ sức ép của nước, người ta dùng những chiếc cong xuồng chia khoảng cách phù hợp để tạo thành bộ khung, ví như bộ xương cá. Dưới các thanh cong xuồng, người thợ sáng tạo và khéo léo khoét lõm theo hình bán nguyệt để nước giữa các khoang thông với nhau, tiện cho việc tát nước dễ dàng.

Minh hoạ: MT

Chiếc xuồng ba lá, cây dầm, mái chèo… từng một thời gắn bó với bao lớp cán bộ, chiến sĩ, người dân Cà Mau từ trong mưa bom, bão đạn đến lúc hoà bình, kiến thiết quê hương.

Nhà thơ Nguyễn Bá viết trong bài thơ “Qua đầm” (đầm Thị Tường) kèm theo lời tựa: tặng Hải Tùng (Nguyễn Hải Tùng) đã hồi nhớ: Xuồng ai đậu bến Khâu Bè/Xuồng đi Giáp Nước hay về Tham Trơi?/Xuồng ra tiền tuyến người ơi!/Đêm nay nhắm hướng chân trời. Chèo đi…

Bài thơ “Đám cưới trên cửa biển” của tác giả Trinh Đường sáng tác vào ngày 22/12/1975 là câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa khi đất nước hát vang bài ca thống nhất. Hình ảnh chiếc xuồng như tô điểm thêm bức tranh hạnh phúc: Anh ở Gò Công, em ở mũi Ông Trang/Cùng thành hôn trong ngày đầu giải phóng/Một cửa biển, một ngọn triều khơi lộng/Một mũi đất Cà Mau, một vịnh Thái Lan…/…Chúng mình sinh trên cửa biển đau thương/Đến làn sóng cũng trăm năm nô lệ…/…Biển Đông đau mây kéo biển Tây buồn/Chuồng cọp Côn Lôn, nhà lao Phú Quốc…/Dự lễ hôm nay có cả biển trời/Cô dâu mới má hồng như trái chín/Xuồng nổ máy đón dâu qua cửa biển/Cả xóm chài ra cửa vẫy chào đưa.

Sau ngày giải phóng, niềm vui “Bắc - Nam sum họp một nhà” là cảm xúc của nhiều sáng tác về Cà Mau, chiếc xuồng một lần nữa xuất hiện như nhân chứng lịch sử. Sáng tác tại Đất Mũi năm 1975, tác giả Dương Trọng Dật đã viết trong bài “Khúc hát về một vùng đất”: …Sắt son núi Thuý, Hòn Khoai/Thương đau một trái tim hồng thuỷ chung/Quân thù nay đã sạch không/Của ta đây, cả núi sông, biển trời/Xuồng ai đi lộng đi khơi/Gian lao kết một nụ cười hôm nay/Mênh mông đước dựng rừng dầy/Hát đi em, hát cho say lòng người.

Niềm vui những ngày đầu kiến thiết quê hương Cà Mau thật rộn ràng được tác giả Nguyễn Đức Mậu “kể” trong bài thơ “Đi trong rừng U Minh” sáng tác năm 1976. Và chiếc xuồng tiếp tục đồng hành: …Đi trong rừng đang mùa đốn cây/Tiếng rìu, tiếng cưa, nhặt khoan, hăm hở/Rừng nói, rừng cười, lao xao, tở mở/Xuồng đậu, xuồng đi, xuồng đến, nhịp nhàng.

Xuồng trong thơ viết về Cà Mau chở nhiều niềm vui và cả những nỗi buồn. Đó là lịch sử cách mạng, là sự hy sinh anh dũng của bao lớp người cho mũi đất này mãi xanh tươi. Bài thơ “Nghĩa trang trong rừng đước” được tác giả Nguyễn Duy sáng tác tại Viên An vào ngày 13/2/1977. Từng câu thơ là nỗi dằn vặt, đau thương, cứa vào nỗi đau mất mát, chia ly. Chiếc xuồng như người đồng chí, đồng đội cùng ra chiến trường và đưa các anh về lòng đất mẹ: Đắp cho anh nắm đất mặn nơi này/Nơi anh ngã muối ngấm vào vết đạn/Xót thịt, xót xương, xót người nằm xuống/Thuỷ triều lên nấm mộ cũng ngập chìm…; …Người còn sống đi đón người đã khuất/Xuồng ghe đưa các anh về nghĩa trang/Từ hoang vắng mọi ngả rừng, gốc rạch/Các anh về đây thành xóm, thành làng.

Bài thơ “Khúc hoài niệm” (trích Trường ca Bến cảng giữa rừng, tác phẩm đoạt giải C cuộc thi sáng tác về đề tài cách mạng và kháng chiến do Uỷ ban Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam tổ chức và giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Phan Ngọc Hiển tỉnh Cà Mau), Đại tá Khưu Ngọc Bảy cảm xúc: …Xuồng ai vừa mới chèo qua/Xuồng về Chợ Thủ hay là Tam Giang/Cho người quen được quá giang/Chẳng lẽ xuồng chở nắng vàng về không?

Là người từng có nhiều kỷ niệm trong kháng chiến tại Cà Mau, vào tháng 7/1971, tác giả Minh Viễn đã sáng tác bài thơ “Xuồng ai?” với 12 lần nhắc đến chiếc xuồng ba lá: Xuồng ai rẽ nước trong đêm/Người về sông Đốc, người lên Ba Đình…/… Xuồng ai đã bấy nhiêu đêm/Đôi tay không mỏi cởi trên sóng gầm/Xuồng ai đã bấy nhiêu năm/Ngược xuôi tấp nập giữa tầm đạn bay/Xuồng ai đi giữa đêm nay/Phải chăng xuồng của người trai Quảng Bình?/Của xứ Nghệ, của U Minh?/Xuồng anh, xuồng chị, xuồng tình Bắc Nam/Xuồng đi náo nức trường giang/Chở lời Di chúc chói chang khắp miền/Xuồng đi diệt ác, phá kềm/Xuồng ra mặt trận đêm đêm tưng bừng/Đúng rồi! Xuồng Giải phóng quân./.

Đỗ Phúc Danh

Khai mạc Hội thi lân - sư - rồng và biểu diễn võ thuật mừng xuân Ất Tỵ

Sáng 26/1, tại sân quần vợt Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh, Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch khai mạc Hội thi lân - sư - rồng và biểu diễn võ thuật mừng xuân Ất Tỵ năm 2025. Đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, các huyện, TP Cà Mau, các doanh nghiệp, các đội lân sư rồng, các câu lạc bộ võ thuật trong tỉnh và hơn 800 người dân đến xem và cổ vũ.

Bé vui Tết xưa

Những ngày giáp tết Nguyên đán, tại các trường mầm non, không gian ngập tràn sắc xuân với hình ảnh đặc trưng của phiên chợ quê như: thúng, nia, bánh chưng, bánh tét, dưa hấu, cành mai, cành đào, câu đối đỏ...

Xuân Quê hương 2025-Gắn kết kiều bào với nhân dân trong nước

Tối 19/1, Chương trình giao lưu nghệ thuật đặc biệt Xuân Quê hương 2025 với chủ đề “Việt Nam - Vươn lên trong kỷ nguyên mới" - chương trình thường niên thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, trên toàn thế giới đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội.

Danh hài Hồng Tơ - Nhớ thời hoàng kim tấu hài Tết

Danh hài Hồng Tơ không giấu sự tiếc nuối khi thời hoàng kim của tấu hài qua đi, khiến cái Tết cũng đôi phần vơi bớt không khí rộn ràng.

KHI THÁNG CHẠP VỀ

Ai thả chút nắng mềm lên tháng Chạp Mà ngày như chìm giữa khoảng trời đông Sương sớm vẫn ngủ vùi trong ngọn bấc Cho người còn khoe áo lạnh cuối năm

Giao thoa tín ngưỡng dân gian

Văn hoá dân gian, trong đó có tín ngưỡng dân gian từ bao đời nay như những mạch nguồn dồi dào trong dòng chảy không ngừng của văn hoá. Nó có sức sống và đầy hấp dẫn. Do tồn tại trong những điều kiện lịch sử cụ thể, từng thời điểm, từng địa phương cũng có những khác biệt khó lẫn lộn, cũng như từ sự phong phú đó đã dựng nên những màu sắc đặc thù gắn liền với vùng đất được khai phá và xây dựng.

Năm con rắn nhắc chuyện nuôi.. trăn

Cà Mau từng có thời “nhà nhà nuôi trăn, người người nuôi trăn”, con trăn đem lại chén cơm manh áo cho nhiều gia đình. Nhưng rồi đầu ra không ổn định, nghề nuôi trăn đi vào bế tắc. Khơi lại chuyện con trăn để tiếc nhớ một thời và cũng hy vọng nghề này có điều kiện khôi phục.

Hoạt động văn hoá, nghệ thuật gặt hái nhiều thành công

Năm 2024, Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh Cà Mau đã ghi nhận nhiều thành công trong việc phát triển các hoạt động sáng tác và thúc đẩy phong trào văn hoá, nghệ thuật. Hội đã tổ chức các trại sáng tác cho văn nghệ sĩ, hỗ trợ các chuyến đi thực tế sáng tác, đồng thời tổ chức và tham gia các triển lãm, liên hoan, cuộc thi nghệ thuật ở các lĩnh vực.

Tự hào Thành phố Hồ Chí Minh

Trước thềm năm mới 2025, các tay máy nữ thuộc Chi hội Nhiếp ảnh Hải Âu TP Hồ Chí Minh kết thúc năm 2024 thật trọn vẹn bằng niềm vui lớn của cả tập thể, với thành tích đáng tự hào.

Cội nguồn xứ “Khánh” xưa...

Tìm hiểu về điều thú vị này, tôi gặp ông Ðỗ Văn Nghiệp (Sáu Sơn) - người đã dành hơn 20 năm qua để viết sách về lịch sử các vùng đất trên địa bàn tỉnh, hiện ông là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kể chuyện lịch sử thuộc Bảo tàng tỉnh, cũng như đang tham gia biên soạn Lịch sử Ðảng bộ huyện U Minh. Tôi được ông cung cấp nhiều tư liệu, thông tin vô cùng quý giá về vùng đất U Minh, Trần Văn Thời xưa.