Theo dự báo, từ nay đến tháng 11, trên biển Ðông có khả năng xuất hiện từ 5-7 cơn bão, áp thấp nhiệt đới (ATNÐ), trong đó có khoảng 3-4 cơn đổ bộ vào đất liền và tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và các tỉnh phía Nam. Cùng với đó, dự báo đỉnh triều ở mức cao hơn nhiều so với trung bình nhiều năm. Sự kết hợp của 2 hiện tượng thời tiết này sẽ tạo ra nguy cơ gây ngập úng, sạt lở, ảnh hưởng đến sản xuất, tài sản của người dân và Nhà nước, nhất là ở các vùng trũng.
- Ðiện an toàn trong mùa mưa bão
- Ðề phòng thiên tai mùa mưa bão
- Chủ động trước mùa mưa bão
- An cư trước mùa mưa bão
Không chỉ vậy, theo dự báo, từ tháng 12/2024-2/2025 vẫn còn khả năng xuất hiện từ 1-2 cơn bão, ATNÐ trên biển Ðông có thể ảnh hưởng đến đất liền. Mùa mưa bão năm nay hoạt động mạnh và kéo dài về cuối năm. Vì thế, việc chủ động phòng ngừa, ứng phó với các diễn biến bất thường của bão, mưa lớn, lốc xoáy, sạt lở, ngập úng và triều cường từ nay đến cuối năm 2024 là giải pháp vô cùng quan trọng để giảm thiệt hại.
Với đặc điểm địa hình thấp, bằng phẳng, cùng với hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, trong khi hạ tầng thuỷ lợi chưa được đầu tư hoàn chỉnh, nên Cà Mau là địa bàn thường xuyên bị ngập úng cục bộ khi xảy ra mưa lớn, kết hợp với triều cường.
Hiện nay, nhiều ô thuỷ lợi chưa được khép kín, do đó, người dân cần gia cố bờ bao để chủ động hơn trong sản xuất. (Ảnh minh hoạ)
Huyện Ðầm Dơi là một trong những địa phương thời gian qua bị ảnh hưởng nhiều mỗi khi triều cường dâng cao, nhất là tình trạng sạt lở và tràn bờ bao cục bộ. Hiện nay, hai bên của 271 tuyến kênh, mương trên địa bàn huyện đều có bờ bao tạm thời ngăn triều cường để phục vụ nuôi thuỷ sản.
Tiểu vùng 17 với hơn 24.000 ha gồm các xã: Tạ An Khương, Tạ An Khương Nam, Tạ An Khương Ðông, Tân Thuận, Tân Ðức được xem là nơi được đầu tư xây dựng khá hoàn thiện, với hệ thống 12 cống và đê bao kéo dài từ vàm Mương Ðiều đến vàm Mương Chung Kết, dài hơn 17 km. Hệ thống cống và đê bao này đã phát huy hiệu quả trong ngăn triều cường, điều tiết nước phục vụ sản xuất khu vực trong đê, hạn chế nước triều đi sâu vào nội đồng, làm ảnh hưởng đến sản xuất cũng như đi lại của người dân.
Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn huyện còn nhiều tiểu vùng chưa được đầu tư hay đầu tư chưa hoàn chỉnh. Hằng năm, khi vào mùa triều cường dâng cao (tháng 10, 11), một số đoạn bị tràn cục bộ, nhất là các xã ở Tiểu vùng 15, 16 và một số xã phía biển Ðông: Tân Thuận, Tân Tiến và Nguyễn Huân.
Khu vực xã Tân Tiến, một trong những địa phương còn diễn ra tình trạng tràn bờ bao cục bộ khi triều cường dâng cao, do đó, người dân cần chủ động gia cố bờ bao để bảo vệ sản xuất.
Tiểu vùng 15 gồm các xã: Tân Duyệt, Trần Phán, Tân Trung và một phần của huyện Cái Nước, được đầu tư xây dựng 9 cống để ngăn triều cường. Ðồng thời, trong tiểu vùng này hiện nay đang được đầu tư ô nuôi thuỷ sản xã Tân Duyệt với 4 ô nhỏ. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay cũng chỉ mới khép kín được 2 ô nhỏ.
Riêng đối với Tiểu vùng 16, gồm các xã: Thanh Tùng, Ngọc Chánh, Quách Phẩm và Quách Phẩm Bắc, gần như chưa được đầu tư xây dựng. Hay Tiểu vùng 18 gồm các xã: Tân Dân, Tân Tiến và Nguyễn Huân, chỉ mới được đầu tư xây dựng 7 cống trên địa bàn xã Tân Dân.
Tại vùng ngọt hoá huyện Trần Văn Thời cũng tương tự, dù đã được đầu tư 94 cống và 16 trạm bơm phục vụ tiêu nước chống úng, kiểm soát mặn, tuy nhiên vẫn chưa thể đáp ứng đủ năng lực khi mưa lớn kết hợp với triều cường, khiến sản xuất của người dân không ít lần bị thiệt hại do ngập úng.
Cống và trạm bơm Ông Bích Lớn, xã Khánh Bình Đông, là 1 trong 94 cống và 16 trạm bơm được đầu tư phục vụ tiêu nước chống úng, kiểm soát mặn cho vùng ngọt Trần Văn Thời.
Là vùng ngọt nên sản xuất của người dân trên địa bàn huyện chủ yếu theo mô hình chuyên lúa, lúa - cá đồng, lúa - 1 vụ màu... Mô hình 2 vụ lúa - 1 vụ màu, những năm qua đã mang về cho người dân ấp Minh Hà A, xã Khánh Bình Ðông và Ấp 4, 5, xã Trần Hợi thu nhập cao, vươn lên khá giàu. Ðể có được kết quả ấy, bên cạnh những nỗ lực, sự cần cù của bà con nơi đây thì sự đóng góp của hệ thống thuỷ lợi là không nhỏ. Khu vực đã được đầu tư khoanh ô thuỷ lợi, có trạm bơm nên giúp người dân chủ động trong sản xuất.
Theo ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: "Kể từ khi được khép kín ô thuỷ lợi, khu vực ấp Minh Hà A sản xuất rất hiệu quả. Tuy nhiên, hiện nay dù đã có kế hoạch đầu tư khép kín thêm các ô thuỷ lợi nhưng đang gặp khó khăn về kinh phí. Do đó, trước thực tế nhiều khu vực sản xuất còn chưa được khép kín, bà con nên chủ động gia cố bờ bao khuôn hộ để bảo vệ sản xuất, giảm thiệt hại khi có mưa lớn và triều cường. Sở sẽ tiếp tục có những hướng dẫn, khuyến cáo giải pháp theo diễn biến của tình hình thời tiết ở từng thời điểm, tại từng khu vực cụ thể, để giảm thấp nhất thiệt hại".
Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, ATNÐ hiện nay có khả năng mạnh lên thành bão khi vào biển Ðông. Theo đó, từ nay đến ngày 20/9, trên biển Ðông có gió mạnh, sức gió mạnh nhất có thể lên cấp 8, giật cấp 10 và gây ra mưa lớn trên diện rộng.
Ðể chủ động ứng phó, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh đã có công văn đề nghị các đơn vị, địa phương có liên quan theo dõi sát diễn biến của ATNÐ, thông tin kịp thời cho người dân, đặc biệt là các chủ tàu, thuyền trưởng, người canh giữ đáy hàng khơi biết để chủ động ứng phó, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện, duy trì thông tin liên lạc để kịp thời xử lý các tình huống có thể xảy ra.
Theo dự báo, từ nay đến cuối năm có khoảng 3-4 cơn bão đổ bộ vào đất liền và tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và các tỉnh phía Nam, do đó, bà con làm nghề khai thác biển cần đặc biệt chú ý theo dõi dự báo thời tiết. (Trong ảnh: Cửa biển Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời).
Cũng theo dự báo, từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục có những diễn biến bất thường, nhất là tình trạng mưa bão kết hợp với triều cường dâng cao. Trong khi đó, hiện nay toàn tỉnh có khoảng 82.500 người (trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật và người nghèo) thuộc nhóm đối tượng dễ bị tổn thương khi xảy ra thiên tai.
Theo đó, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh đã có nhiều văn bản đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố theo dõi, cập nhật chặt chẽ diễn biến thời tiết, khí tượng thuỷ văn, bản tin cảnh báo diễn biến triều cường của các cơ quan chuyên ngành, để kịp thời thông báo, cảnh báo cho người dân biết và hướng dẫn biện pháp phòng tránh, hạn chế thiệt hại. Ðồng thời, chủ động rà soát, bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó, cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra, nhất là ở khu vực trũng thấp, vị trí xung yếu về sạt lở...
Nguyễn Phú