ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 21-9-24 10:00:29
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

"Chợ lương" chừng nào thôi chạy?

Báo Cà Mau (CMO) Đó là chợ cóc, chợ tạm ven đường, gần các công ty chế biến thuỷ sản. Sở dĩ gọi là “chợ lương” vì chợ chỉ nhộn nhịp, tấp nập mua bán trong thời gian công nhân lãnh lương, khoảng 2 tuần, sau đó thì lại vắng. Chợ tiềm tàng nhiều mối nguy nhưng lại là nơi mưu sinh của những người có thu nhập thấp và không biết bao giờ được sắp xếp quy củ.

"Chợ lương" trước cổng Công ty TNHH Kinh doanh, chế biến và XNK thuỷ sản Quốc Việt.

Chợ thường họp ngày 2 buổi sáng và chiều, gần với thời gian công nhân tan ca. Gọi là chợ nhưng thực ra, chợ gần cổng Công ty TNHH Kinh doanh Chế biến và XNK Thuỷ sản Quốc Việt, đường Lý Thường kiệt, Phường 6, TP. Cà Mau chỉ bày hàng hóa ven đường để bán. Vài cái thau đựng cá, vài cái rổ đựng rau củ; thịt heo bày trên miếng ván được kê trên thùng xốp. Nhiều “thế hệ” cứ nối tiếp nhau buôn bán nên bây giờ, “chợ lương” này có hơn 50 “tiểu thương” buôn bán.

Tiểu thương bất đắc dĩ

Từng làm công nhân cho Công ty TNHH Kinh doanh Chế biến và XNK Thuỷ sản Quốc Việt từ những ngày đầu thành lập, bà Võ Xuân Mai (Khóm 9, Phường 6, TP. Cà Mau) hiểu được cuộc sống chật vật của công nhân khi phải xoay sở mọi thứ trong gia đình bằng đồng lương ít ỏi. Năm 49 tuổi, bà phải “nghỉ hưu non” vì không còn đáp ứng được công việc.

Vợ chồng bà Võ Xuân Mai mong ước có được nơi bá buôn ổn định, không phải "chạy" nữa.

Nhận thấy tiền nghỉ hưu sẽ không đủ để con theo đuổi 4 năm đại học, bà cùng chồng sắm một chiếc xe đẩy để bán trái cây trước cổng công ty Quốc Việt. Chỉ là vài thứ trái cây đơn giản như xoài, ổi, cóc, cam, quýt, dưa hấu... nhưng cũng đủ để bà trang trải cuộc sống gia đình.

Tranh thủ sắp xếp lại trái cây để bán, bà chia sẻ: “Gần tới giờ công nhân tan ca thì ông chồng phụ tui đẩy xe ra đây bán. Ngồi bán hai buổi mỗi ngày như vậy cũng kiếm được vài ba trăm ngàn. Nhất là những ngày công nhân mới lãnh lương là họ mua nhiều, vì trái cây vườn, giá rẻ”.

Chị Trương Thị Nhung (Ấp 5, xã Tân Thành, TP. Cà Mau) cũng trong cảnh tương tự. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, mọi chi phí sinh hoạt đều trông chờ vào đồng lương công nhân của chị nên làm được hơn 5 năm thì chị xin nghỉ để ở nhà chăm sóc chồng bị bệnh. Để xoay sở trong nhà, chị tập tành buôn bán để kiếm tiền từ mớ cá phi, mớ tép.

Mỗi ngày, phải chạy chiếc xe máy cà tàng lỉnh khỉnh thau, rổ, thùng cá đến bãi đất ven lộ gần cổng công ty để bán, chị Nhung tâm sự: “Làm công nhân thì phải theo giờ giấc, còn bán cá thì chừng 2 tiếng là hết rồi. Cá giăng lưới ở nhà nên bán rẻ, có 15.000 đồng/kg nên công nhân dễ mua. Gần tới ngày công nhân lãnh lương thì tui đi mua thêm tép, cá biển rồi bán lại để kiếm thêm thu nhập”.

15 giờ 30 giờ, bà Chung Thị Quyên (Ấp 3, xã Tân Thành, TP. Cà Mau) khệ nệ chạy xe đạp ra địa điểm cũ, trải miếng cao su rồi bày mấy bó rau cải, mấy nải chuối ngồi bán: “Buổi sáng thì tui bán trong chợ Tân Thành, còn buổi chiều tranh thủ đem hàng ra đây bán cho công nhân kiếm thêm chút đỉnh. Ngày nào đồ nhiều, không bị đuổi thì bán cũng được 60.000 – 80.000 đồng. Buổi chiều trong chợ Tân Thành ít người mua, buôn bán ế ẩm lắm”.

16 giờ, công nhân bắt đầu tan ca. Chỉ với 20.000 đồng là có thể mua được vài con cá, mớ rau nấu bữa cơm chiều. Chị Nguyễn Thị Bích, công nhân Công ty Quốc Việt, bộc bạch: “Khi nào lãnh lương, tôi mới mua nhiều đồ. Những ngày còn lại thì xài tiết kiệm mới đủ chi phí sinh hoạt. Biết là chất lượng không bằng những chợ lớn hay siêu thị, nhưng trên đường về thì ghé vào mua ở đây tiện hơn, giá lại rẻ, nên tiết kiệm được một khoản tiền để cho con đi học”.

“Mua đồ ở đây riết quen, có khi mua bó rau 10.000 đồng thì mấy cô bán bớt cho mình 1.000–2.000 đồng. Nhiều khi đang buôn bán mà bị ngành chức năng dọn dẹp, tịch thu đồ, thấy tội lắm. Nếu có chỗ nào cho họ buôn bán gần công ty để công nhân tiện mua, mà người bán cũng không vi phạm thì đỡ quá”, chị Nguyễn Ngọc Mai, công nhân công ty Quốc Việt ước ao.

“Chợ lương” khi nào hết chạy?

Anh Trương Minh Tân, đậu xe bán quần áo gần cổng Công ty Quốc Việt, trần tình: “Biết bán ở đây là sai, là lấn chiếm lề đường, nhưng nghèo nên dân mới ra đây bán, chứ có tiền thì vô chợ thuê mặt bằng bán thì khoẻ rồi. Tôi bán một bộ đồ lời có năm, mười ngàn đồng; còn mấy cô bán rau, bán cá cả ngày lời có mấy chục mà mỗi lần bị bắt, đóng tiền phạt xong là coi như lỗ vốn”.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chợ tự phát vẫn chưa được giải quyết triệt để. Thứ nhất là do chưa có quỹ đất để quy hoạch xây dựng một điểm chợ gần công ty cho người dân buôn bán. Thứ hai là đa số những người đến đây buôn bán tự phát từ các xã, phường lân cận, gây khó khăn trong việc tuyên truyền, nhắc nhở và xử lý vi phạm. Ngoài ra, thói quen, ý thức của công nhân muốn tiện nên chỉ ghé mua đồ ở ven đường và chưa có sự phối hợp từ phía tổ chức công đoàn của doanh nghiệp để tuyên truyền, nhắc nhở công nhân nâng cao ý thức.

Ông Lê Đình Chương, Phó chủ tịch UBND Phường 6, TP. Cà Mau, cho biết: “Hiện chúng tôi đã đặt 4 camera quan sát khu vực chợ tự phát trước cổng Công ty Quốc Việt để lực lượng chức năng ra quân nhắc nhở và dọn dẹp những người dân buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường. Tuy nhiên, việc xử lý cũng gặp nhiều khó khăn. Nhất là khi họ đa số là người nghèo, nên chủ yếu là tịch thu dụng cụ, hàng hóa kết hợp với tuyên truyền, nhắc nhở. Và vấn đề trước mắt là cần tìm ra quỹ đất xây dựng một điểm chợ để người dân yên tâm tập trung vào buôn bán”.

Những “tiểu thương” dọn dẹp trở về nhà sau một buổi chợ.

Bà Chung Thị Quyên ngậm ngùi: “Có ai muốn bán ở lề đường như vầy đâu. Không có chỗ nên chúng tôi mới bán lề đường. Ngoài này xe cộ, nhất là xe tải, xe khách chạy nguy hiểm, thêm mưa gió, bụi bặm nữa. Nếu chính quyền quy hoạch một điểm chợ gần công ty cho chúng tôi thuận tiện buôn bán cho công nhân thì sẵn sàng vào”.

Có lẽ chợ ở đây vốn đã quen với việc chạy. Họ chạy ra đây bán để mưu sinh, và họ chạy trốn lực lượng chức năng cũng chỉ để bảo vệ “nồi cơm” của mình.

Bất chợt mưa ào tới, công nhân thì chạy ngược vào cổng hoặc quán cà phê gần đó để trú mưa. Còn anh Tân và những “tiểu thương” khác thì vội vã kéo tấm cao su trùm lên đồ hàng. Từ bên lộ nhìn sang, chỉ thấy những bó rau xanh mờ nhạt sau làn mưa trắng xoá, chỉ biết tự hỏi khi nào “chợ lương” mới hết chạy?

Mơ Thảo

Giải quyết nhanh thủ tục cho người dân

Nỗ lực cải cách hành chính (CCHC), hướng đến sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, chính quyền xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời tạo được niềm tin trong Nhân dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước.

Rạch Gốc quyết tâm xây dựng nền hành chính văn minh

Thực hiện công tác cải cách hành chính (CCHC) gắn với chuyển đổi số, thị trấn Rạch Gốc đang dồn lực, quyết tâm cao để xây dựng nền hành chính “văn minh”, “hiện đại”, phục vụ tốt nhất cho người dân.

Hoà Mỹ - Hướng dẫn nhiệt tình, giải quyết nhanh gọn

Thời gian qua, UBND xã Hoà Mỹ, huyện Cái Nước nỗ lực thực hiện cải cách hành chính (CCHC), tạo chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.

Giải quyết toàn trình khi đăng ký, cấp biển số xe lần đầu

Thời gian qua, ngành thuế tích cực đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho người nộp thuế (NNT). Trong đó, giải quyết thủ tục khai, nộp lệ phí trước bạ đối với ô tô, xe máy đem lại hiệu ứng tích cực.

“Thị sát” bộ phận một cửa

Ðóng vai một người dân đến thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) tại bộ phận một cửa ở một số xã trên địa bàn tỉnh, thành viên Ðoàn Kiểm tra cải cách hành chính (CCHC) tỉnh đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực trong thái độ tiếp công dân của công chức. Cũng từ những chuyến “thị sát” thực tế này đã ghi nhận nhiều hạn chế nhất định.

Cải cách mạnh mẽ nền hành chính ở cơ sở

Là nơi trực tiếp làm việc với công dân, chính quyền cơ sở (xã, phường, thị trấn) trên địa bàn tỉnh không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động. Việc xây dựng chính quyền gần dân, vì dân được thể hiện rõ nét trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC), xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực, trình độ, gần dân và sát dân.

Ðem lợi ích đến người dân

Thời gian qua, để nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, huyện Ðầm Dơi không chỉ rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) mà còn triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hoá phương thức chỉ đạo, điều hành và tiếp nhận, giải quyết TTHC, tăng tỷ lệ hồ sơ trực tuyến.

Nỗ lực dỡ rào cản “Chi phí không chính thức”

Ðược đánh giá là chỉ số nhạy cảm nhất trong 10 chỉ số thành phần cấu thành Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số “Chi phí không chính thức” của tỉnh Cà Mau trong năm qua mặc dù ghi nhận có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng vấn đề cải thiện đối với chỉ số này vẫn còn chậm so với mục tiêu đề ra.

Rõ người, rõ việc, rõ thời gian

“Việc cải cách hành chính (CCHC) cần rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm... để dễ kiểm tra, dễ đánh giá, dễ thúc đẩy, khơi thông nguồn lực đất nước”, đây là yêu cầu được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhắc lại nhiều lần trong các cuộc họp liên quan đến công tác CCHC với các địa phương.

Gỡ “điểm nghẽn” trong đào tạo lao động

Ðứng vị trí 52/63 tỉnh, thành cả nước, Chỉ số thành phần Ðào tạo lao động trong Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Cà Mau được đánh giá còn nhiều hạn chế, tiêu cực. Trong đó, nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ về công tác đào tạo lao động, tuyển dụng lao động, chất lượng lao động qua đào tạo, hướng đến cải thiện môi trường kinh doanh, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp (DN).