ĐT: 0939.923988
Thứ hai, 25-11-24 17:18:31
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Chơi vơi nơi đầu sóng - Bài 1: Nỗi sợ mang tên bão

Báo Cà Mau (CMO) Theo cảnh báo của Chương trình Quản lý tổng hợp vùng ven biển (ICMP) của Tổ chức GIZ, từ năm 2005 trở lại đây, biến đổi khí hậu khiến mực nước biển dâng ngày càng cao. Hiện hơn 50% đường bờ biển dài 720 km của khu vực ĐBSCL đang bị xói mòn, trong đó hơn 10% đang diễn ra với tốc độ nhanh hơn, từ 20-50 m sâu vào rừng mỗi năm. Riêng Cà Mau, từ năm 2007 đến nay đã mất gần 9.000 ha rừng ven biển, tốc độ xói lở rừng diễn tiến nhanh, có nhiều đoạn rừng ven biển bị xói sâu từ 80-100 m mỗi năm. Tình hình này đã và đang đe doạ, ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của hàng trăm ngàn hộ dân.

Năm 2019, sau tác hại của nước biển dâng bất thường và sóng biển gây xói lở bờ biển nghiêm trọng, một phần dãy nhà của người dân ở cửa biển Vàm Xoáy, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển tan hoang. Nhiều năm qua, phần bà con vì không chịu được cảnh liên tục bị đe doạ bởi thiên tai đã rời đi, phần vì mưu sinh nên bám trụ lại. Cứ thế, sự xáo trộn cuộc sống cư dân ven biển luôn diễn ra.

Mùa mưa bão năm nay, gần 30 căn nhà chơi vơi ngoài bìa rừng ở Sào Lưới, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân, người dân trải qua mấy phen “hú vía” khi liên tục hơn 45 ngày phía biển luôn tiềm ẩn nguy cơ từ bão và các vùng áp thấp nhiệt đới.

Ám ảnh sự tàn phá

Nhiều vuông tôm do bị ảnh hưởng sóng biển nên bỏ hoang phế.

Các huyện U Minh, Trần Văn Thời, Đầm Dơi, Phú Tân, Năm Căn, Ngọc Hiển là những địa phương có đông hộ dân cư cư trú ven biển, cư trú ở những vùng nguy hiểm có nguy cơ sạt lở cao thuộc diện phải di dời vào khu vực an toàn nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản. Song, vì tỉnh đang gặp khó về nguồn vốn, thiếu quỹ đất công nên ảnh hưởng không nhỏ đến thực hiện bố trí tái định cư theo quy hoạch. Thực trạng sau thời gian ngắn tái định cư, các hộ dân vẫn quay trở lại nơi trú ngụ ở vùng ven biển, ven đê, ven rừng phòng hộ để tìm kế sinh nhai đang diễn ra.

Chủ tịch UBND xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi Trần Việt Triều cho biết: “Ở Tân Thuận, vấn đề di cư tự do và người dân mưu sinh ở bìa rừng nhiều năm qua đang có chiều hướng lắng xuống. Nguyên nhân vì sinh kế ven bờ không còn hiệu quả như trước và phần lớn người dân đã ý thức được tác hại của thiên tai nên đồng thuận di dời về các khu tái định cư, khu xen ghép an cư. Song, để giải quyết vấn đề mưu sinh ven bờ và xâm hại rừng ven biển, xã cần thêm khoảng 2 ha, mở rộng tái định cư Tân Thuận để đảm bảo bố trí đủ cho người dân”.

Nhìn về phía biển, nơi hiện hữu tuyến kè khuất bên rặng rừng phòng hộ hướng ra khu điện gió, với nét mặt buồn rười rượi, ông Lê An Quốc, ấp Lưu Hoa Thanh, xã Tân Thuận, kể: "Hơn 20 năm trước, lần đầu về đất này lập nghiệp, tôi không thể tưởng tượng cảnh liên tiếp hứng chịu thiên tai mỗi mùa gió, mùa mưa bão. Cũng mấy lần định bỏ đi nhưng ở lâu tích thêm kinh nghiệm ứng phó".

Những đứa trẻ ở khu dân cư Sào Lưới.

Và rồi sau bão số 5 năm 1997, cửa Gành Hào trở nên hoang tàn, chính những người dân này lại lập nghiệp rồi hình thành nhiều tuyến dân cư ven biển mới. Song, nhiều năm qua, thiên tai lại tiếp diễn, năm nào cũng chịu nước dâng, nhà sập do bão, đất nuôi thuỷ sản bị cuốn phăng ra biển. Khi địa phương triển khai dự án kè cấp bách Tân Thuận, đa phần chính họ lại tiên phong trở về định cư ở khu tái định cư vì không muốn cảnh truyền đời chịu khó trước thiên tai.

Cùng nỗi ám ảnh do sóng biển, gió bão tàn phá nhà cửa, ông Triệu Văn Thế, ấp Sào Lưới, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân, nói trong nỗi sợ: “Mới trận triều cường đầu tháng 10 rồi, cả xóm dân cư ở đây thất thần vì chỉ mấy lượn sóng luồn qua bờ kè đã hất văng hàng chục tấm đal lót đường. Rồi nước lên cao, cả xóm này nhà ai cũng ngập”.

Phía đoạn đê Tiểu Dừa, xã Khánh Tiến, huyện U Minh, giáp ranh với tỉnh Kiên Giang, ông Lê Văn Liễu, 51 tuổi, có nhà ở phía bên trong thân đê biển Tây cũng bàng hoàng khi mới cơn bão số 2 năm 2020 mà nước biển đã tràn qua mặt đê và tràn vào nhà ông. “Chỉ hơn 30 phút, cả khu vực phía nhà tôi ngập hơn 3 tấc nước. Phía ao cá, vuông tôm thì bờ bao đã mấp mé nước. May mà vừa lên cao chừng ấy thuỷ triều rút đi nên ít bị ảnh hưởng. Rồi liên tiếp trong cuối tháng 9 và tháng 10, mấy cơn bão chồng chất kéo về vùng biển, dù chịu ảnh hưởng ít nhưng nhìn con đê đang ngày đêm chịu tác động của sóng biển mà lòng cảm thấy bất an”, ông Liễu kể.

Thực tế đã và đang diễn ra, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt. Nhà ở khu vực ven biển cứ có triều cường là ngập. Còn cuộc sống của những hộ dân bám ngoài bìa rừng, ngoài khu vực đê càng khó khăn hơn. Ông Mai Minh Sáng năm nay đã 82 tuổi, bằng kinh nghiệm cả cuộc đời gắn bó ở ven biển, ông nhớ lại: “Mấy mươi năm cuộc sống nghèo khó, vật vã ngoài mép biển, giờ nghĩ lại mà không thể tưởng tượng được. Ngày ngày chỉ bắt ốc, mò cua, bắt ba khía. Mưa bão thì vào rừng trốn chịu, nhà sập thì lên rừng đốn cây rồi cặm lại. Cứ thế trải hơn nửa cuộc đời, giờ tôi dạy sắp nhỏ, dù hoàn cảnh nào cũng sinh kế và về những nơi quy hoạch an toàn để sống”.

Trên đường đưa chúng tôi xuyên qua tuyến kênh phòng hộ từ Gò Công về Sào Lưới, anh Sểnh, làm việc ở xã Nguyễn Việt Khái, liên tiếp chỉ tay về phía bìa rừng: "Đó, đoạn dân cư đã bị xoá sổ mấy năm trước khi chưa có kè; còn đây, những khoảnh vuông tôm của người dân đã phải bỏ đi vì sóng biển cứ hất văng cống xổ, phá toang bờ vuông…, và kia là hàng chục căn nhà ven tuyến kênh phòng hộ họ bám lại để mưu sinh và đương nhiên hạ tầng giao thông, điện, nước không thể có".

Cuộc sống mong manh trước biển

Đầu tuyến kênh Sào Lưới thông ra biển, nằm vắt vẻo ngoài bìa rừng có xóm dân cư với gần 30 hộ dân sinh sống. Ở đó đang quy tụ nhiều nỗi vất vả, khổ cực của đời ngư dân bám biển khi không nơi ở ổn định. Tìm hiểu thông tin về cư dân xóm này được biết, những cư dân di cư từ Sóc Trăng về đây bám biển hồi hơn 20 năm trước.

Cụm nhà gần 30 hộ gia đình mà chúng tôi vừa đặt chân tới nằm chơi vơi ngoài cửa sông Sào Lưới hướng ra rừng phòng hộ. Đó có lẽ là xóm dân cư nhỏ nhất hiện nay với quy mô, diện tích và cả kết cấu hạ tầng. Con đường độc đạo của cả xóm chiều dài chưa đầy 50 m, rộng 1 m là công trình kiên cố nhất và duy nhất phát huy hiệu quả, được UBND xã Nguyễn Việt Khái đầu tư còn tác dụng.

Trước đó, để giải quyết cuộc sống, chính quyền đã đầu tư 1 giếng nước khoan bơm tay, nhưng sau nhiều năm sử dụng đã hư và hiện bỏ hoang phế. Bà Lê Hồng Lĩnh, hộ dân duy nhất ở xóm dân cư ven cửa Sào Lưới không hành nghề biển, bà về khu vực này sinh sống bằng nghề mua bán và trong ánh mắt của bao hộ dân xung quanh, nhà bà là khấm khá nhất. Bà Lĩnh nói như than: “Bữa trước, nhờ nhà tôi bỏ ra hơn 15 triệu đồng để nâng cả sàn nhà thêm mấy gang tay nên đợt triều cường rồi không bị ngập. Mấy anh thấy đó, điện thì kéo dây chia hơi, nước thì khoan giếng và bơm đổi cho bà con sử dụng. Tụi nhỏ sống vậy chứ cực khổ lắm”.

Ông Nguyễn Văn Lanh, năm nay đã 70 tuổi, căn nhà ông là căn đầu tiên nhìn vào từ phía biển nên hầu như hứng chịu hết những cơn gió, lượn sóng thốc vào xóm dân cư này. Chỉ tay phía nhà đối diện trống huơ, ông Lanh nói: “Hôm trước mấy lượn sóng làm chao đảo cả xóm, căn nhà đối diện tôi giờ trống hoang, không ai dám ở”. Quay vào căn nhà của mình, ông Lanh nói như giải thích: “Sợ ngập nên tôi bỏ luôn nền cũ, mua ván kê lên nền cao hơn 8 tấc. Vậy mà chưa thấy an toàn”.

Gần 11 giờ trưa, nhóm trẻ 6, 7 đứa bắt đầu trở về nhà ở xóm dân cư ven biển Sào Lưới trên chiếc vỏ composite được cha mẹ đưa vào bên trong đi học từ sáng. Chị Quang Ngọc Phường có 2 con nhỏ đang tuổi học tiểu học và mẫu giáo, chia sẻ: “Cha tụi nó đi làm thuê, tôi ở nhà coi sóc chuyện học hành, ăn uống. Nhưng đường đi học rất vất vả, phải đưa con một quãng sông để vào trong xóm. Ở đó có đường đi, gia đình nào có tiền thì mua xe đạp, hoặc cho tụi nhỏ đi đò, còn không thì đi bộ. Nếu đưa, rước bằng vỏ máy thì đi và về cũng hơn lít xăng, trong khi công việc đi làm của cả nhà rất bấp bênh. Nhất là thời gian này, mưa bão liên tục nên không có việc gì làm”.

Bí thư chi bộ ấp Sào Lưới Nguyễn Minh Trí cho biết, ở Sào Lưới còn hơn 35 hộ dân sống ven biển, ven rừng không an toàn, hành nghề đánh bắt hải sản ven bờ và làm thuê. Cuộc sống chỉ lây lất qua ngày, nhà cửa thì tạm bợ. Họ rất mong có được nơi an cư để đảm bảo cuộc sống. Hầu như những cơn bão, trận nước lên thì Sào Lưới đều bị ảnh hưởng. Cả ấp có hơn 4.000 m dọc theo biển, rừng bị xoáy sâu vào 50, 60 m, mất khả năng chống sóng biển”./.

Cà Mau có 3 mặt giáp biển, trải dài từ Đông sang Tây, tổng chiều dài bờ biển hơn 254 km. Vài năm gần đây tình trạng xói lở, sạt lở lại diễn ra ở cả biển Đông và biển Tây với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Vấn đề này cần sớm được đầu tư để ngăn chặn sạt lở, bảo vệ tài sản, sản xuất của người dân cũng như các công trình hạ tầng, các khu cơ quan hành chính, công trình giáo dục, y tế, dân cư.

Bài 2: QUYẾT DỜI DÂN ĐẾN NƠI AN TOÀN

Phong Phú

Bàn bida Trực tiếp xsmb hôm nay

"Bám trụ" với nghề hầm than

Hợp tác xã Chế biến than 2/9 tại ấp Nhà Hội, xã Tam Giang, huyện Năm Căn hoạt động đã trên 20 năm. Ða phần không đất canh tác, nhiều người bôn ba từ xứ khác về đây lập nghiệp. Tuy vất vả nhưng vì mưu sinh, những người lao động nơi đây vẫn bám trụ, hiện có 19 hộ duy trì làm nghề, mỗi hộ có từ 2-3 lò. Có 2 hộ bị ảnh hưởng sạt lở nên không còn đất cất nhà để tiếp tục theo nghề...

Phụ nữ đồng hành phát triển kinh tế tập thể

Thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới”, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập, phát triển, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Ngọc Chánh, huyện Ðầm Dơi đã đồng hành cùng hội viên phụ nữ cơ sở, khẳng định vai trò, vị thế của mình trong cuộc sống. Trong đó, mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ làm chủ đã hình thành và không ngừng mở rộng, phát triển thời gian qua, góp phần khơi dậy tiềm năng, tạo cơ hội để chị em mở rộng quy mô, nâng cao năng suất, tăng thu nhập cho gia đình.

Thúc đẩy phát triển kinh tế biển

Huyện U Minh có bờ biển dài 31 km, đi qua địa bàn xã Khánh Hội và Khánh Tiến, với ngư trường rộng lớn trên 20.000 km2, có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển. Từ những lợi thế đó, thời gian qua, huyện tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách của Ðảng và Nhà nước đối với ngành nghề khai thác, đánh bắt thuỷ hải sản, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế biển bền vững.

Chậm cổ phần hoá các công ty lâm nghiệp

Kết quả theo dõi diễn biến rừng năm 2023, diện tích rừng hiện có 92.760 ha (trong đó, rừng đặc dụng 18.711 ha, rừng phòng hộ 20.582 ha, rừng sản xuất 53.467 ha), với độ che phủ rừng đạt 17,59%. Riêng tại 2 công ty lâm nghiệp (U Minh Hạ và Ngọc Hiển), tổng diện tích quản lý trên 44.269 ha, với diện tích có rừng trên 27.314 ha (chiếm 61,7%), diện tích đất chưa có rừng hơn 16.164 ha.

Khoa học - công nghệ nền tảng cho sản xuất và đời sống

Khoa học và công nghệ (KH&CN) được xác định là nhân tố quan trọng trong sản xuất, chế biến và cả tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, KH&CN không chỉ góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm mà còn là nền tảng để tiến tới nền kinh tế tuần hoàn và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Sản phẩm nông, thuỷ sản Cà Mau được nhiều đối tác lớn quan tâm

Ngày 18/11, bà Trương Hà Phương Anh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh (iPEC), cho biết, trong khuôn khổ Hội nghị kết nối xúc tiến thương mại sản phẩm nông, thuỷ sản tỉnh Cà Mau năm 2024 (tổ chức vào ngày 15/11 vừa qua), có 209 lượt giao thương trực tiếp giữa 42 doanh nghiệp (DN) chế biến xuất khẩu thuỷ sản, chủ thể OCOP trong tỉnh với 5 DN bán lẻ hàng đầu trong nước là Central Retail, Sài Gòn Coop, Kingfood Mart, Bách Hoá Xanh và Siêu thị Satra.

Phương kế giảm nghèo bền vững

Thời gian qua, các ngành, các địa phương trên địa bàn huyện Năm Căn có nhiều cách làm hay, sáng tạo, đặc biệt là thực hiện nhiều mô hình sinh kế phù hợp để phát triển kinh tế bền vững, từ đó góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo ở địa phương.

Thiết lập mạng lưới chuyển đổi xanh

Diễn đàn khởi nghiệp ĐBSCL lần thứ II năm nay vừa được tổ chức tại tỉnh Đồng Tháp với chủ đề: “Kinh tế xanh - Động lực mới cho sự phát triển”. Mục tiêu của diễn đàn hướng tới thiết lập mạng lưới chuyển đổi xanh cho vùng ĐBSCL trong tương lai.

Tìm giải pháp thúc đẩy hoạt động kinh doanh

Phát biểu khai mạc Hội nghị kết nối xúc tiến thương mại sản phẩm nông, thuỷ sản và các sản phẩm OCOP tỉnh Cà Mau năm 2024, tổ chức ngày 15/11, bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, khẳng định: Hội nghị là cơ hội để các doanh nghiệp kinh doanh nông, thuỷ sản xuất khẩu tỉnh Cà Mau khám phá tiềm năng và dư địa của các nước trong khu vực và trên thế giới, là dịp để các doanh nghiệp, nắm bắt thông tin về các tiêu chuẩn, quy định thị trường nhập khẩu, từ đó tìm ra giải pháp cụ thể để thúc đẩy hoạt động kinh doanh. Đồng thời, doanh nghiệp nước ngoài cũng sẽ được tiếp cận, đánh giá năng lực sản xuất và cung ứng của các doanh nghiệp tỉnh Cà Mau cũng như tiềm năng và lợi thế của tỉnh”.

Phụ nữ Khánh Hải giảm nghèo

Tại xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, các phong trào thi đua được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã triển khai sâu rộng đến từng chi, tổ hội và từng đối tượng phụ nữ với nhiều nội dung, hoạt động ý nghĩa, thiết thực, mang lại hiệu quả cao, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia.