ĐT: 0939.923988
Thứ hai, 25-11-24 17:25:30
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Chơi vơi nơi đầu sóng - Bài 2: Quyết dời dân đến nơi an toàn

Báo Cà Mau (CMO) Liên tiếp những quyết định ban bố tình huống khẩn cấp đê biển, tình huống khẩn cấp sạt lở… được Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau ký ban hành trong thời gian qua. Đó không chỉ là một trong những động thái quyết liệt vì đảm bảo sự an toàn cho cuộc sống, sản xuất người dân, mà còn cho thấy mức độ tàn phá của biến đổi khí hậu lên vùng đất này ngày càng nghiêm trọng.

Mới đây, trong quyết định ban bố tình huống khẩn cấp đê biển Tây, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương khảo sát, lựa chọn giải pháp và lập thủ tục đầu tư các dự án chống sạt lở nêu trên theo tình huống khẩn cấp, trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.

Đồng thời, yêu cầu các địa phương có trách nhiệm vận động, sơ tán người và di dời tài sản ra khỏi khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm, khu vực có nguy cơ sạt lở nguy hiểm (phía ngoài đê); nghiêm cấm mọi tác động vào rừng và đất rừng khu vực này.

Đời sống mới ở tái định cư

Kè chắn sóng đang là giải pháp hữu hiệu để giữ cửa biển Gành Hào, xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi.

Trở lại khu tái định cư (TĐC) Gò Công, ấp Gò Công, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân. Đây là khu TĐC hình thành cách nay 17 năm với tổng kinh phí trên 7 tỷ đồng. Khu này được xây dựng hoàn chỉnh với hệ thống cấp nước, điện, lộ bê-tông, trường mẫu giáo…, khu có 62 hộ dân từng sinh sống ven bìa rừng, ven biển được bố trí an cư.

Nhìn vào căn nhà mới sửa chữa lại sau khi căn nhà xây dựng cách nay 17 năm đã xuống cấp, ông Mai Minh Sáng, ấp Gò Công, phấn khởi: “Tôi mới sửa lại căn nhà hơn 200 triệu đồng khi căn nhà cũ đã xuống cấp. Nếu so sánh cuộc sống ở khu vực TĐC này với hồi mấy mươi năm trước ở bìa rừng, mép biển là hai cuộc sống trái ngược nhau. Giờ không còn sợ ngập mỗi khi triều cường, không còn thấp thỏm lo mưa bão mỗi khi nghe thông tin thời tiết như hồi còn nhà tạm ở bìa rừng. Các con tôi nhận thức nỗi khó khăn này, nên hầu hết đều chí thú và chuyển đổi phương kế làm ăn. Nay đứa nào cũng ổn định, có cuộc sống khấm khá hơn”.

Giống như ông Sáng, ông Ong Ngũ Kía không nén được xúc động: “Nhà hoàn cảnh khó khăn, đông con. Hồi chưa về sống ở khu TĐC rất vất vả mỗi khi mưa lớn, dông bão. Hơn 17 năm qua về khu TĐC Gò Công, cuộc sống tuy còn bấp bênh nhưng đã an toàn hơn trước rất nhiều. Nhất là được sử dụng và thụ hưởng các công trình điện, nước và đường giao thông…”.

Trưởng ấp Gò Công Lý Minh Trí cho biết, được bố trí khu TĐC đến nay hầu hết đời sống bà con đều thay đổi ở mức cao hơn. Đến nay, sau hơn 17 năm sinh sống đã có nhiều ngôi nhà được sửa chữa, trị giá hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, mới đây xã Nguyễn Việt Khái đầu tư nâng cấp, mở rộng hoàn thiện con đường ở khu TĐC từ 1,5 m lên 3 m và cao hơn nền đường cũ trên 50 cm.

Phía bên kia Gò Công, như một trục đối xứng là khu TĐC Cái Cám, xã Tân Hải. Đây cũng là một trong những khu TĐC quy mô và sầm uất ở Phú Tân hiện nay. Từ khi được đầu tư hạ tầng giao thông, điện và nước sạch, đời sống phần lớn người dân đã thay đổi, kéo theo đó là thay đổi tư duy sinh kế.

Ông Nguyễn Việt Lào, ấp Cái Cám, xã Tân Hải, chia sẻ: “Bà con ở khu TĐC Cái Cám giờ hầu như có cuộc sống đảm bảo với nghề biển. Nhưng không phải nghề te, cào ven bờ bị nghiêm cấm mà là nghề chuyển đổi theo quy hoạch của ngành thuỷ sản: ốc mực, câu kiều. Ở khu TĐC còn có nhiều hộ dân tham gia sản xuất, kinh doanh và làm sản phẩm cho HTX câu kiều với thu nhập ổn định”.

Từ Cái Cám ngược lên Lưu Hoa Thanh, xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi, không khí xây dựng nhà mới ở khu TĐC Tân Thuận cũng đang diễn ra sôi nổi. Trưởng ấp Lưu Hoa Thanh Lê Văn Quốc cho hay: “102 hộ trong dự án di dời làm tuyến kè Tân Thuận đã được bố trí về khu TĐC. Có 92 hộ bốc thăm nhận nền, trong số đó có 50% tiến hành xây dựng nhà mới”.

Bà Phạm Thị Phượng vừa hoàn thiện căn nhà mới ở khu TĐC Tân Thuận, trần tình: "Hơn 2 tháng nay về ở khu TĐC đã vơi bớt nỗi ám ảnh của triều cường ngập nhà và nỗi lo sạt lở bất ngờ. Ngoài được nhận nền nhà, mỗi hộ dân còn được hỗ trợ chi phí di dời và hỗ trợ vốn ban đầu nhằm ổn định đời sống".

Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đầm Dơi Trần Văn Tỉa cho biết, huyện hiện có 3 khu TĐC ven biển, gồm khu TĐC Tân Thuận, khu TĐC Mai Hoa và khu xen ghép xã Nguyễn Huân. Đồng thời, theo nhu cầu thực tế, huyện dự kiến trình tỉnh xem xét mở thêm khu TĐC Tân Tiến để di dời các hộ dân ở cửa Giá Cao, Giá Lồng Đèn, với quy mô khoảng 2 ha.

Riêng khu TĐC Tân Thuận với quy mô 3,8 ha, đảm bảo hơn 160 hộ về tái định cư. Đó là người dân sống ven tuyến chịu ảnh hưởng sạt lở cửa biển Gành Hào, cư dân sống ven biển, rừng phòng hộ. Đồng thời, để đảm bảo an cư cho người dân, huyện Đầm Dơi đã đề xuất UBND tỉnh mở rộng thêm 1,8 ha để đảm bảo di dời thêm các hộ ở cửa Giá Cao, Ấp Hạp…

Đồng thời, địa phương đang khẩn trương liên kết với nhiều công ty, xí nghiệp để tạo việc làm, sinh kế cho người dân, đảm bảo vừa an cư, vừa có việc làm và dần chuyển đổi ngành nghề phù hợp. “Tuy đời sống người dân còn khó khăn, thu nhập bình quân đầu người thấp (34 triệu đồng), nhưng với những giải pháp an cư và kết nối các công trình trọng điểm, trong tương lai không xa, vùng ven biển Tân Thuận hứa hẹn bứt phá”, Chủ tịch UBND xã Tân Thuận Trần Việt Triều tin tưởng.

Cần thêm khu an cư cho dân

Thông tin từ UBND huyện Phú Tân, hiện trên địa bàn huyện có 3 dự án TĐC theo các chương trình. Trong đó, thực hiện Quyết định số 333/QĐ-UBND ngày 28/5/2007 của UBND tỉnh Cà Mau về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch bố trí dân cư tỉnh Cà Mau giai đoạn 2006-2015, huyện có dự án TĐC dân cư tự do rừng phòng hộ biển Tây, với diện tích 42 ha, dân cư quy hoạch 650 hộ; dự án TĐC dân cư sạt lở thị trấn Cái Đôi Vàm có diện tích 13 ha, dân cư quy hoạch 250 hộ và dự án sắp xếp dân cư Tiểu khu 087 Ban Quản lý rừng phòng hộ Sào Lưới, với diện tích 10 ha, dân cư quy hoạch 102 hộ.

Và các khu, dự án TĐC khác như khu TĐC xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân, diện tích 11,42 ha, bố trí tái định cư cho 226 hộ; điểm định canh định cư xen ghép, thị trấn Cái Đôi Vàm với diện tích 1,7 ha, bố trí định canh định cư xen ghép cho 34 hộ.

Đến nay đã triển khai và đưa vào sử dụng các dự án TĐC dân cư tự do rừng phòng hộ biển Tây. Đó là khu TĐC vàm kênh Mỹ Bình, xã Phú Tân, tổng số có 113 nền, tính đến thời điểm hiện nay đã cấp được 93 nền, còn lại 20 nền chưa bố trí. Dự kiến trong quý IV năm nay sẽ bố trí 20 nền cho hộ dân; khu TĐC Cái Cám (phía bờ Nam), ấp Cái Cám, xã Tân Hải có tổng số 143 nền đã xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng, đã bố trí được 130 nền, còn lại 13 nền chưa bố trí và khu TĐC Cái Cám (phía bờ Bắc), ấp Cái Cám, xã Tân Hải khoảng 91 nền đang trong giai đoạn xây dựng chưa hoàn thành nên chưa thể bố trí dân cư. Còn lại dự án định canh định cư xen ghép, thị trấn Cái Đôi Vàm đang triển khai san lấp mặt bằng, diện tích 1,7 ha, 34 hộ, tổng mức đầu tư 1 tỷ 394 triệu đồng.

Song, huyện vẫn còn dự án TĐC chưa triển khai như dự án TĐC nông thôn vàm kênh Công Nghiệp, thuộc thị trấn Cái Đôi Vàm, do chưa được bố trí nguồn vốn; dự án TĐC dân cư sạt lở thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện đã xin chủ trương chuyển thành khu tiểu thủ công nghiệp; dự án đầu tư xây dựng khu TĐC xã Nguyễn Việt Khái (gồm 2 khu), với diện tích 11,42 ha, bố trí tái định cư cho 169 hộ và dự án sắp xếp dân cư Tiểu khu 087, Ban Quản lý rừng phòng hộ Sào Lưới, diện tích 10 ha, đến nay vẫn chưa được bố trí nguồn vốn. Trong khi đây là các dự án rất bức xúc, cần sớm được triển khai.

Chủ tịch UBND xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân Lê Văn Bắc  chia sẻ, xã có bờ biển dài 17 km, có 2 cửa sông thông ra biển là Gò Công và Sào Lưới. Hiện cư dân sinh sống ngoài các cửa này khoảng 169 hộ, do biến đổi khí hậu nên đời sống người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hiện xã Nguyễn Việt Khái đã có 1 khu TĐC Gò Công người dân đã có cuộc sống ổn định. Do vậy, từ những ưu điểm và hiệu quả của việc bố trí TĐC, xã tiếp tục kiến nghị thêm khu TĐC tại ấp Gò Công Đông để sớm di chuyển các hộ dân còn lại vào sinh sống ổn định.

Để ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, năm 2019, UBND tỉnh Cà Mau đã có kế hoạch di dời, bố trí lại dân cư ven sông, kênh, rạch giai đoạn 2019-2020 và định hướng đến năm 2025. Theo kế hoạch, tỉnh sẽ ưu tiên di dời hơn 1.000 hộ dân đến nơi ở mới an toàn, đó là những người đã bị mất nhà cửa, hiện nay đang ở nhờ hoặc ở nhà tạm. Tỉnh cũng đang rà soát nhằm bố trí lại nơi ở cho hơn 3.000 hộ dân trú ở khu vực bờ sông có mức độ sạt lở nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm, khu đô thị, khu vực dân cư tập trung đang bị đe doạ trực tiếp bởi tình trạng sạt lở, sụp lún đất ven sông.

Song song đó, Cà Mau đề xuất Trung ương ưu tiên bố trí nguồn vốn cho địa phương chủ động triển khai các chương trình, dự án đầu tư xây dựng khu TĐC để sớm ổn định cuộc sống./.

Phong Phú

Mua gậy OMIN giá tốtXem XSMB 90 ngày

"Bám trụ" với nghề hầm than

Hợp tác xã Chế biến than 2/9 tại ấp Nhà Hội, xã Tam Giang, huyện Năm Căn hoạt động đã trên 20 năm. Ða phần không đất canh tác, nhiều người bôn ba từ xứ khác về đây lập nghiệp. Tuy vất vả nhưng vì mưu sinh, những người lao động nơi đây vẫn bám trụ, hiện có 19 hộ duy trì làm nghề, mỗi hộ có từ 2-3 lò. Có 2 hộ bị ảnh hưởng sạt lở nên không còn đất cất nhà để tiếp tục theo nghề...

Phụ nữ đồng hành phát triển kinh tế tập thể

Thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới”, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập, phát triển, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Ngọc Chánh, huyện Ðầm Dơi đã đồng hành cùng hội viên phụ nữ cơ sở, khẳng định vai trò, vị thế của mình trong cuộc sống. Trong đó, mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ làm chủ đã hình thành và không ngừng mở rộng, phát triển thời gian qua, góp phần khơi dậy tiềm năng, tạo cơ hội để chị em mở rộng quy mô, nâng cao năng suất, tăng thu nhập cho gia đình.

Thúc đẩy phát triển kinh tế biển

Huyện U Minh có bờ biển dài 31 km, đi qua địa bàn xã Khánh Hội và Khánh Tiến, với ngư trường rộng lớn trên 20.000 km2, có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển. Từ những lợi thế đó, thời gian qua, huyện tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách của Ðảng và Nhà nước đối với ngành nghề khai thác, đánh bắt thuỷ hải sản, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế biển bền vững.

Chậm cổ phần hoá các công ty lâm nghiệp

Kết quả theo dõi diễn biến rừng năm 2023, diện tích rừng hiện có 92.760 ha (trong đó, rừng đặc dụng 18.711 ha, rừng phòng hộ 20.582 ha, rừng sản xuất 53.467 ha), với độ che phủ rừng đạt 17,59%. Riêng tại 2 công ty lâm nghiệp (U Minh Hạ và Ngọc Hiển), tổng diện tích quản lý trên 44.269 ha, với diện tích có rừng trên 27.314 ha (chiếm 61,7%), diện tích đất chưa có rừng hơn 16.164 ha.

Khoa học - công nghệ nền tảng cho sản xuất và đời sống

Khoa học và công nghệ (KH&CN) được xác định là nhân tố quan trọng trong sản xuất, chế biến và cả tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, KH&CN không chỉ góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm mà còn là nền tảng để tiến tới nền kinh tế tuần hoàn và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Sản phẩm nông, thuỷ sản Cà Mau được nhiều đối tác lớn quan tâm

Ngày 18/11, bà Trương Hà Phương Anh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh (iPEC), cho biết, trong khuôn khổ Hội nghị kết nối xúc tiến thương mại sản phẩm nông, thuỷ sản tỉnh Cà Mau năm 2024 (tổ chức vào ngày 15/11 vừa qua), có 209 lượt giao thương trực tiếp giữa 42 doanh nghiệp (DN) chế biến xuất khẩu thuỷ sản, chủ thể OCOP trong tỉnh với 5 DN bán lẻ hàng đầu trong nước là Central Retail, Sài Gòn Coop, Kingfood Mart, Bách Hoá Xanh và Siêu thị Satra.

Phương kế giảm nghèo bền vững

Thời gian qua, các ngành, các địa phương trên địa bàn huyện Năm Căn có nhiều cách làm hay, sáng tạo, đặc biệt là thực hiện nhiều mô hình sinh kế phù hợp để phát triển kinh tế bền vững, từ đó góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo ở địa phương.

Thiết lập mạng lưới chuyển đổi xanh

Diễn đàn khởi nghiệp ĐBSCL lần thứ II năm nay vừa được tổ chức tại tỉnh Đồng Tháp với chủ đề: “Kinh tế xanh - Động lực mới cho sự phát triển”. Mục tiêu của diễn đàn hướng tới thiết lập mạng lưới chuyển đổi xanh cho vùng ĐBSCL trong tương lai.

Tìm giải pháp thúc đẩy hoạt động kinh doanh

Phát biểu khai mạc Hội nghị kết nối xúc tiến thương mại sản phẩm nông, thuỷ sản và các sản phẩm OCOP tỉnh Cà Mau năm 2024, tổ chức ngày 15/11, bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, khẳng định: Hội nghị là cơ hội để các doanh nghiệp kinh doanh nông, thuỷ sản xuất khẩu tỉnh Cà Mau khám phá tiềm năng và dư địa của các nước trong khu vực và trên thế giới, là dịp để các doanh nghiệp, nắm bắt thông tin về các tiêu chuẩn, quy định thị trường nhập khẩu, từ đó tìm ra giải pháp cụ thể để thúc đẩy hoạt động kinh doanh. Đồng thời, doanh nghiệp nước ngoài cũng sẽ được tiếp cận, đánh giá năng lực sản xuất và cung ứng của các doanh nghiệp tỉnh Cà Mau cũng như tiềm năng và lợi thế của tỉnh”.

Phụ nữ Khánh Hải giảm nghèo

Tại xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, các phong trào thi đua được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã triển khai sâu rộng đến từng chi, tổ hội và từng đối tượng phụ nữ với nhiều nội dung, hoạt động ý nghĩa, thiết thực, mang lại hiệu quả cao, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia.