(CMO) Thời tiết năm 2020 được dự báo là khá khắc nghiệt, vì thế, bà con nuôi thuỷ sản cần phải chủ động trước các giải pháp để ứng phó, cứu hộ tôm nuôi nhằm đảm bảo cho mùa vụ thành công.
Trữ nước vào ao lắng
Mỗi tháng vùng bán đảo Cà Mau có 2 đợt nước rong vào ngày rằm và 30 (theo âm lịch), mỗi đợt nước rong kéo dài vài ngày. Bà con nên tranh thủ lợi thế này trữ nước vào khu lắng và xử lý để châm bù cho ao, ruộng nuôi tôm. Cách làm này giúp khắc phục phần nào chuyện thiếu nước do ruộng bị nắng nóng làm sắc cạn khiến nhiệt độ nước tăng cao, dễ phát sinh nhiều dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khoẻ tôm nuôi.
Nông dân xã Phú Thuận, huyện Phú Tân chăm sóc tôm công nghiệp. Ảnh: PBT |
Để làm được điều này, nông dân phải tranh thủ các đợt nước kém sên vét sâu kênh mương, làm cống bọng thật an toàn và gia cố, tôn cao bờ bao khuôn hộ; Đồng thời, chuẩn bị sẵn máy bơm đợi con nước rong đến là bơm vào ao lắng.
Nhà nước cần đầu tư kinh phí để ngành chức năng nạo vét hệ thống kênh rạch, lấy đất tôn cao các tuyến đê bao xung yếu. Bên cạnh đó, giải toả những cống đập không phù hợp để dòng nước lưu chảy thông thoáng cung cấp cho nuôi trồng thuỷ sản.
Hạ thấp đáy ao, ruộng nuôi
Đối với những vùng, những hộ khó chủ động về nước, tuỳ theo điều kiện, bà con có thể thực hiện giải pháp hạ thấp mặt đáy ruộng, ao nuôi hay tạo hầm trú nóng cho tôm.
Có thể hạ thấp đáy ruộng, ao nuôi theo kiểu mương có vách bậc thang thông nhau, cắt ngang - dọc mặt ruộng, ao; Hay tạo thành những hố rộng nằm rải rác, có mương rãnh thông nhau và thông ra mương chính, tuỳ theo điều kiện, hình dạng thửa đất.
Đối với ao đầm đã thả tôm, tôm đang lớn thì vấn đề hạ thấp mặt đáy sẽ khó khăn, nhưng không phải không làm được. Điều quan trọng là thực hiện bằng thủ công hay cơ giới gì cũng phải thật khéo léo, năng động, có giới hạn an toàn và có thể luân phiên nay góc này, tuần sau làm góc khác. Và cũng không cần hạ thấp hết toàn bộ mặt đáy ao, ruộng, chỉ cần có đủ chỗ sâu cho tôm trốn nóng an toàn là được. Cần tiến hành sao cho đảm bảo chất lượng nước không bị xáo trộn lớn gây bất lợi cho tôm (bị đục do bùn hay gây nên xì phèn, thay đổi độ kiềm, độ pH…).
Cũng có thể thiết kế tạo thêm nơi trú nóng cho tôm rải rác trong ao, ruộng hoặc theo từng vạt, từng góc đất bằng mái lều rơm sậy…
Đối với ao, ruộng cải tạo xong chuẩn bị thả tôm giống, nên chậm lại vài ngày, chọn vùng góc đất thuận lợi (khoảng 1-2 phần diện tích ao chung) ngăn lại bằng bờ “cơm nếp”. Một phần cứ thả tôm giống theo kế hoạch đã định, phần còn lại sẽ tiến hành hạ thấp đáy ao, ruộng và cải tạo nước. Sau hơn tháng nuôi, khi tôm lớn hơn, sẽ phá bờ cơm nếp này cho tôm từ từ tự chuyển sang sống luôn trên phần đất đã hạ đáy ao, ruộng (coi như nuôi tôm 2 giai đoạn). Như thế, khi gặp kỳ nắng nóng gay gắt tôm sẽ có chỗ trốn nóng, ít ảnh hưởng sức khoẻ.
Còn những ao, ruộng đang cải tạo thì nên tiến hành luôn việc hạ thấp mặt đáy theo bậc thang hay tạo thành những hố trú nóng tập trung theo vạt đất hoặc rải rác như đã nêu trên, sau đó phơi đáy, bón vôi… cải tạo chu đáo rồi hãy thả giống.
Riêng các vùng nuôi tôm công nghiệp thâm canh và siêu thâm canh, cần chuẩn bị đủ nguồn nước, xử lý sinh hoá nghiêm chỉnh. Và quan trọng hơn là, các hộ tự giác quản lý tốt nguồn chất thải, nước thải, phải xử lý đạt chuẩn theo quy định để không ảnh hưởng môi trường nuôi chung, cũng như việc lấy nước sau này của từng hộ./.
Mục Đồng