(CMO) Những năm qua, nhiều chương trình, chính sách đối với đồng bào dân tộc được các cấp, các ngành và các địa phương quyết liệt thực hiện. Trong đó, việc triển khai chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất ở, đất sản xuất đã được các địa phương triển khai khá hiệu quả.
Ông Triệu Quang Lợi, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cà Mau, cho biết, từ các chương trình, chính sách hỗ trợ như: hỗ trợ về nhà ở, nước sinh hoạt, đất ở, đất sản xuất, hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi ngành nghề và giải quyết việc làm, hỗ trợ cho vay vốn với lãi suất ưu đãi… góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh mỗi năm gần 2%. Đến nay, hầu hết các hộ đồng bào dân tộc đều có phương tiện nghe nhìn, tỷ lệ hộ có điện sử dụng đạt trên 90% và tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh khoảng 80%.
Chuyển biến tích cực
Kết quả hỗ trợ đất ở, đất sản xuất trên địa bàn tỉnh theo Quyết định 74/2008/QĐ-TTg về đất ở, các địa phương đã thực hiện hỗ trợ 1.345 hộ, với diện tích 206.045 m2. Riêng về đất sản xuất, các địa phương đã thực hiện hỗ trợ 463 hộ. Nhà ở hiện tại của các hộ được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cơ bản ổn định, đảm bảo đời sống sinh hoạt của gia đình; không có tình trạng nhà ở hư dột, tạm bợ. Qua thống kê, toàn tỉnh hiện còn 5.087 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn đang có nhu cầu hỗ trợ đất ở, đất sản xuất.
Ban Dân tộc HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện Quyết định 74 và Quyết định 29 tại xã Ngọc Chánh, huyện Đầm Dơi. |
Từ sự hỗ trợ này, nhiều hộ đồng bào dân tộc chí thú làm ăn để nâng cao chất lượng cuộc sống. Bà Sơn Thị Sỏi, ấp Hiệp Hoà Tây, xã Ngọc Chánh, huyện Đầm Dơi, phấn khởi: “Được Nhà nước cho đất ở và đất sản xuất trong khu đất tập trung của xã, tôi rất phấn khởi. Trước đây chỉ biết làm mướn kiếm sống, giờ có gần 5 công đất tôi nuôi tôm, cua và làm thêm, thu nhập mỗi tháng cũng gần 2 triệu đồng”.
Thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở, đất sản xuất và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn vùng ĐBSCL giai đoạn 2008-2010; giai đoạn 2013-2015, UBND các huyện đã chỉ đạo xây dựng và phê duyệt phương án triển khai mua đất tập trung; kết quả đã mua được 47 khu đất tập trung với tổng diện tích 880.008 m2, số tiền giải ngân 31.278,014 triệu đồng. Việc quy hoạch các hộ dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn vào các khu đất tập trung bước đầu phát huy hiệu quả tích cực.
Tuy nhiên, một bộ phận khá lớn đồng bào dân tộc Khmer hiện nay ở các xã vùng sâu, vùng xa vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức; điều kiện sống mặc dù đã được cải thiện, nhưng vẫn còn thấp hơn nhiều so với các khu vực khác của địa phương; tỷ lệ hộ nghèo và tỷ lệ hộ tái nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer hằng năm còn ở mức cao.
Nhiều khó khăn cần tháo gỡ
Thực tế, trong tổng số 1.345 hộ được hỗ trợ đất ở có 75 hộ không sử dụng và nhiều hộ bán lại, cầm cố, cho thuê. Ngoài ra, khi được hỗ trợ đất sản xuất thì nhiều hộ cũng bán, cầm cố, cho thuê lại.
Tuy nhiên, cái khó lớn nhất là việc chọn mua các khu đất tập trung để cấp cho các hộ đồng bào dân tộc vào ở và sản xuất ở một vài địa phương vẫn còn bất cập. Nhiều khu đất được mua ở vị trí không thuận lợi cho bà con sản xuất, thiếu điện, nước sinh hoạt… Điển hình như khu đất tập trung của xã Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi, từ khi mua đến nay vẫn chưa bố trí được dân bởi đây là khu đất trũng, sâu, chi phí san lấp mặt bằng rất lớn. Nhiều nơi mặc dù đã bố trí được dân vào ở nhưng điều kiện hạ tầng kém, đất sản xuất không hiệu quả.
Chị Trần Thị Diễm, được ở trong khu đất tập trung của xã Khánh Tiến, nói: “Được vào đây hơn 2 năm nhưng đất sản xuất làm vuông không hiệu quả, nhiều người đi Bình Dương làm thuê. Nước sinh hoạt không có, gia đình phải vay tiền để khoan cây nước sinh hoạt, mặc dù nước lên phèn nhiều nhưng cũng phải uống”.
Được biết, khu đất tập trung của xã Khánh Tiến có 12 hộ nhưng hiện chỉ có 8 hộ ở. Ông Lý Văn Giàu, xã Khánh Tiến, huyện U Minh, nói: “Được miếng đất làm ăn, gia đình tôi mừng lắm, mặc dù sản xuất khó khăn gia đình cũng quyết tâm bám trụ. Khu này gần như tách biệt với bên ngoài, điện phải chia hơi, không có lộ, nước phải hứng nước mưa hoặc đi nơi khác chở về để uống”.
Thực tế hiện nay nhiều khu đất đã được mua nhưng chưa thể giao cho dân. Huyện Đầm Dơi đã mua 153.024,3 m2 nhưng chỉ mới giao được 111.190 m2. Chỉ riêng xã Nguyễn Huân đã mua 20.553,7 m2 đất nhưng chỉ giao được 8.400 m2.
Cái khó tiếp theo là vốn để thực hiện đầu tư san lấp mặt bằng cho các khu đất tập trung. Ông Triệu Quang Lợi cho biết, tỉnh chỉ mới hỗ trợ 285 triệu đồng để đầu tư san lấp mặt bằng cho 2 khu đất tại Khóm 3, thị trấn U Minh, huyện U Minh và tại ấp Sào Lưới B, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời (đầu tư thí điểm). Các hạng mục hạ tầng kỹ thuật còn lại giao UBND 2 huyện tự cân đối và bố trí lồng ghép các nguồn vốn khác để thực hiện. Tuy nhiên, đến nay tại 2 khu này chỉ mới thực hiện được hạng mục san lấp mặt bằng, chưa có vốn để đầu tư các hạng mục thiết yếu khác.
Ngoài ra, khu đất tập trung tại thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân đã triển khai hỗ trợ 34 hộ; nhưng khó khăn về vốn để đầu tư các hạng mục thiết yếu như: điện, đường, nước sinh hoạt... Đặc biệt, 2 khu đất tập trung đã mua tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời có tổng diện tích 6 ha, hiện vẫn chưa triển khai cấp cho đối tượng thụ hưởng do không có vốn để san lấp mặt bằng.
Ông Trần Chánh Quang, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh, nhận xét, có nhiều bất cập cần giải quyết như vấn đề bố trí dân cư; điều kiện hạ tầng của các khu đất tập trung nhiều nơi yếu kém. Thời gian tới, đề nghị UBND các huyện tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách này, đồng thời phối hợp với các ngành chức năng lồng ghép hiệu quả các chương trình, dự án về đào tạo nghề, giải quyết việc làm; tập huấn kỹ thuật sản xuất; tạo điều kiện về nguồn vốn để các hộ sau khi nhận đất có điều kiện sản xuất, phát huy hiệu quả chính sách.
Đặng Duẩn