(CMO) Ứng dụng công nghệ số, xây dựng kênh phân phối mới cho các doanh nghiệp, chủ thể; phát huy thế mạnh của sàn giao dịch thương mại điện tử là một trong những giải pháp, cũng là yếu tố quan trọng nhằm phát triển sản phẩm nông nghiệp nói chung, sản phẩm OCOP nói riêng, trong giai đoạn hiện nay.
Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 101 sản phẩm được công nhận đạt sản phẩm OCOP, của 52 chủ thể. Dự kiến trong những tháng đầu năm 2023, UBND tỉnh - Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh sẽ đánh giá thêm 33 sản phẩm/15 chủ thể, trong đó có 3 sản phẩm/chủ thể nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao.
Thời gian qua, các cấp, các ngành, đơn vị chức năng có nhiều hoạt động hỗ trợ các chủ thể thiết kế mẫu mã, bao bì, xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, truy xuất nguồn gốc, xây dựng Website và đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại… Theo đó, nhiều sản phẩm OCOP đã được trưng bày tại các điểm bán hàng gắn với các khu du lịch trên địa bàn tỉnh, một số sản phẩm được đưa vào các hệ thống phân phối trong và ngoài tỉnh để giới thiệu, quảng bá sản phẩm.
Ngoài ra, các sản phẩm đã được kết nối trên sàn giao dịch thương mại điện tử, như madeincamau.com, Viettel (voso.vn), (Posmart) và các kênh khác Lazada mall, Amazon, Alibaba; Zalo, Facebook, online… Từ đó, giá trị sản phẩm và doanh thu tăng cao hơn, có trên 30% sản phẩm doanh thu tăng từ 5-8%, hầu hết giá bán sản phẩm tăng từ 5-10%, cá biệt có một số sản phẩm giá bán tăng 15-20%, tạo tâm lý phấn khởi cho các chủ thể tham gia.
Có thể thấy trong những năm qua, khi bước vào sân chơi OCOP, nông sản địa phương đã có những vị thế nhất định trên thị trường. Thế nhưng, việc phát triển sản phẩm này cũng có nhiều hạn chế nhất định, ảnh hưởng không nhỏ đến tính cạnh tranh và sự phát triển bền vững trong thời gian tới. Trong đó, một vấn đề quan trọng là việc quảng bá và giao dịch trên nền tảng điện tử. Ðây là một trong những bước đi quan trọng, không những mang tính đòn bẩy, mà còn quyết định sự sống còn của các sản phẩm OCOP hiện nay. Bởi thực tế chỉ ra rằng, chuyển đổi số và thương mại điện tử là những nền tảng chiếm vị thế quan trọng trong giai đoạn này, giai đoạn mà ở đó cuộc cách mạng 4.0 có những bước tiến mới, chi phối lớn đến sống, sinh hoạt cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của cá nhân, tổ chức, vùng, miền và đất nước.
Tồn tại hiện nay của các sản phẩm OCOP chính là ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế, chủ yếu là các sản phẩm sơ chế hoặc chế biến đơn giản. |
Ông Dương Vũ Nam, Phó giám đốc Sở Công thương, cho biết, đã qua ngành công thương đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại theo nhiều hình thức, cả về truyền thống lẫn thương mại điện tử. Bên cạnh đó, ngành đã tập trung đào tạo nâng cao năng lực cho các chủ thể OCOP có sản phẩm giao dịch trên sàn thương mại điện tử để hoạt động có hiệu quả hơn. Hiện các sản phẩm OCOP của địa phương không chỉ có mặt trên Sàn thương mại điện tử của tỉnh với tên miền là madeincamau.com mà đã có mặt trên các sàn thương mại điện tử lớn, như Tiki, Lazada, Shopee, Amazon, Alibaba... Thế nhưng, với nỗ lực của ngành chức năng địa phương thì chưa đủ. Ðã qua, đối với việc quan tâm quảng bá cũng như áp dụng chuyển đổi số trong quảng bá, nâng cao thương hiệu, một vài chủ thể OCOP vẫn còn xem nhẹ.
Với góc nhìn tổng thể, phần lớn về ứng dụng công nghệ thông tin của một số chủ thể OCOP thiếu đội ngũ nhân viên có trình độ kinh doanh và tin học cần thiết; sản phẩm hàng hoá chưa đa dạng, mẫu mã bao bì chưa bắt mắt khách hàng; khối lượng giao dịch thấp, chưa đáp ứng nhu cầu thị trường; chất lượng sản phẩm hàng hoá chưa đồng đều khi tham gia thị trường. Hiện, tham gia Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh chủ yếu là các doanh nghiệp có quy mô, còn các cơ sở vừa và nhỏ lẻ chưa mạnh dạn tham gia giao dịch trên sàn.
Bên cạnh đó, các đơn vị được hỗ trợ website chưa dành nhiều thời gian để vận hành, khai thác website; thông tin, hình ảnh sản phẩm chậm cập nhật… dẫn đến hiệu quả chưa cao; việc tham gia các sàn thương mại điện tử lớn trong và ngoài nước của các đơn vị còn hạn chế.
Anh Khưu Văn Chương, 42 tuổi, xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời, người khởi nghiệp thành công và đã tạo nên thương hiệu riêng cho mình với sản phẩm nước cốt nhàu nguyên chất SK, chia sẻ: “Tạo được thương hiệu là việc bản thân rất mừng, song để giữ vững thương hiệu, đưa thương hiệu đến với người tiêu dùng lại là vấn đề quan trọng không kém”.
Anh Chương nhìn nhận, việc áp dụng chuyển đổi số, đưa sản phẩm nông nghiệp lên các sàn thương mại điện tử là xu hướng chung của hội nhập. Thực tế đã chứng minh, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vừa qua ảnh hưởng nghiêm trọng tới hầu hết các lĩnh vực, phát triển thương mại điện tử là một hướng đi đúng đắn, an toàn để duy trì các hoạt động kinh tế hiện nay. Trong phát triển sản phẩm OCOP cũng không nằm ngoài sự phát triển ấy, ứng dụng công nghệ thông tin đã không còn xa lạ đối với nhiều người tiêu dùng. Chính vì thế, biết cách sử dụng có hiệu quả công nghệ trong đưa thương hiệu mang tên OCOP đến gần người tiêu dùng là điều cần được đặc biệt quan tâm.
Theo ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, để tháo gỡ những khó khăn của việc phát triển sản phẩm OCOP tại địa phương, đưa sản phẩm OCOP tiếp cận thị trường trong nước và hướng tới thị trường nước ngoài, ngành nông nghiệp đã có nhiều đề xuất. Trong đó, Chính phủ cần ban hành cơ chế, chính sách cho Chương trình OCOP để hỗ trợ, tạo động lực thúc đẩy phát triển sâu rộng và đồng bộ; đặc biệt chú trọng các cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến bao bì, nhãn mác, thực hiện việc truy xuất nguồn gốc, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ… UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn tăng cường tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại, giới thiệu các sản phẩm OCOP tiêu biểu đến thị trường trong và ngoài nước; hướng tới tìm kiếm thị trường tiềm năng thông qua các hoạt động, như tổ chức, tham gia các sự kiện Festival, lễ hội, hội chợ, chợ phiên… Bên cạnh đó, tỉnh cần xây dựng cổng thông tin truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm, hàng hoá tỉnh, hình thành cơ sở dữ liệu hệ thống phân phối trên các sàn thương mại điện tử uy tín để các nhà sản xuất, đối tác kết nối, đặt hàng, giúp cho việc quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc theo chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hoá trên địa bàn tỉnh được thuận tiện hơn. Ðẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, xây dựng kênh phân phối mới cho các doanh nghiệp, chủ thể; phát huy thế mạnh của sàn giao dịch thương mại điện tử.
Như đánh giá của UBND tỉnh, tồn tại hiện nay của các sản phẩm OCOP chính là ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế, chủ yếu là các sản phẩm sơ chế hoặc chế biến đơn giản, giá trị gia tăng thấp. Bên cạnh đó, vấn đề về sở hữu trí tuệ vẫn chưa được các chủ thể quan tâm đúng mức… nên khả năng tiếp cận, cạnh tranh trên thị trường còn thấp. Việc tận dụng lợi thế của công nghệ thông tin trong tuyên truyền, quảng bá sản phẩm còn nhiều hạn chế. Những rào cản này nếu không được nhìn nhận đúng bản chất, cũng như không kịp thời tháo gỡ sẽ là rào cản lớn trong phát triển sản phẩm OCOP tại địa phương, không thể hoàn thành những mục tiêu lớn lao mà sản phẩm OCOP đem lại, trong đó có việc nâng tầm giá trị nông sản./.
Văn Ðum