Xác định chuyển đổi số là giải pháp đột phá, nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, tổ chức, doanh nghiệp và người dân, thời gian qua, huyện Ngọc Hiển tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và ban hành nhiều kế hoạch, giải pháp phù hợp trong xây dựng chính quyền điện tử và đạt kết quả tích cực, tạo chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của người dân, doanh nghiệp.
- Thanh toán “chớp nhoáng” bằng thiết bị đeo tay
- Người dân nông thôn thích ứng với thanh toán số
- Tiếp tục chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt
- Mua bán tài khoản thanh toán: Thủ đoạn mới nhắm vào sinh viên
Từ đầu năm đến nay, công tác cải cách hành chính của huyện Ngọc Hiển đạt nhiều kết quả đáng phấn khởi. Ðối với việc thực hiện thủ tục hành chính trên Dịch vụ công quốc gia, bộ phận một cửa cấp huyện và các xã, thị trấn đã giải quyết hồ sơ trực tuyến đạt trên 99%. Riêng lĩnh vực chính quyền điện tử, chính quyền số có 100% các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, UBND xã, thị trấn sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành iOffice trong công việc; 100% cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện và UBND xã, thị trấn đã được cấp chữ ký số chuyên dùng phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành. Ðối với xã hội số, các tổ công nghệ số cộng đồng đã trực tiếp đến từng hộ hướng dẫn cài đặt, sử dụng các ứng dụng và lắp đặt mã QR cho tổ chức, cá nhân..., giúp người dân tiếp cận với nền tảng số, mang lại nhiều tiện ích thiết thực trong đời sống.
Nổi bật trong công tác chuyển đổi số là lĩnh vực kinh tế số, đã làm thay đổi nhận thức của các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn huyện, nhất là hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ được lắp đặt mã QR thanh toán không dùng tiền mặt đạt 99,75%; tỷ lệ sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trong thực hiện thủ tục hành chính đạt 100% đối với các thủ tục yêu cầu phí, lệ phí; tỷ lệ người lao động trong độ tuổi được hướng dẫn cài đặt ứng dụng (app) thanh toán không dùng tiền mặt đạt 63,83%.
Các tiểu thương đã quen thuộc với mô hình chợ 4.0. (Trong ảnh: Nhân viên quản lý chợ tuyên truyền cho tiểu thương cài đặt và sử dụng mã QR).
Ðể lĩnh vực kinh tế số đi sâu vào đời sống người dân, huyện Ngọc Hiển đã triển khai mô hình chợ 4.0, từng bước phát huy hiệu quả tích cực, giúp người dân được trải nghiệm và tiếp cận với các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Mô hình chợ 4.0 trên địa bàn huyện Ngọc Hiển được thí điểm năm 2022 tại chợ Rạch Gốc, được tiểu thương và người dân trên địa bàn hưởng ứng. Qua đó, thay đổi thói quen của người dân trong các hoạt động mua sắm hằng ngày. Không chỉ người mua mà người bán cũng được trải nghiệm những tiện ích và khá thú vị ở chợ 4.0. Chỉ cần một vài thao tác trên điện thoại thông minh được kết nối mạng Internet, cài đặt các chương trình chuyển khoản trực tiếp hay quét mã QR, tất cả tiểu thương và người dân có thể thanh toán một cách nhanh chóng.
Anh Lê Văn Tiến, Khóm 1, thị trấn Rạch Gốc, phấn khởi: “Gia đình tôi bán rau củ quả trong chợ. Trước đây bà con đến chợ mua đồ đều trả tiền mặt, từ khi thực hiện chợ 4.0, mỗi người mua ít hay nhiều đều chuyển khoản hoặc quét mã QR để thanh toán. Tôi thấy rất tiện lợi cho người mua lẫn người bán, tránh sai sót trong thanh toán tiền”.
Ðến nay, thị trấn Rạch Gốc đã cài đặt mã QR cho 290 cơ sở kinh doanh trên địa bàn, đạt 100%. UBND thị trấn Rạch Gốc phối hợp với các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, ngân hàng cung cấp nền tảng thanh toán số trên địa bàn đã tích cực cung cấp các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt; đồng thời đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong việc thanh toán không dùng tiền mặt, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, đảm bảo chính xác, an toàn trong thanh toán.
Với khách hàng mua đồ tại chợ sẽ được thanh toán chuyển khoản qua tài khoản Ngân hàng, (tại chợ có cài đặt mạng Wifi miễn phí cho người đi chợ để tiện thanh toán).
Chị Huỳnh Ngọc Quỳnh, Khóm 1, thị trấn Rạch Gốc, chia sẻ: “Bây giờ hầu như mọi người đều thanh toán qua các ứng dụng ngân hàng số. Thường tâm lý mọi người ngại mang theo nhiều tiền mặt. Chỉ cần chiếc điện thoại, có tài khoản ngân hàng, quét mã là có thể thanh toán nhanh chóng, tiện lợi”.
Bà Tiết Mỹ Khanh, Phó chủ tịch UBND thị trấn Rạch Gốc, nhìn nhận: “Việc thanh toán trực tuyến sẽ giúp mọi người thay đổi nhận thức từ trả tiền mặt sang sử dụng điện thoại để thanh toán thông qua quét mã QR hay chuyển khoản ngân hàng. Qua đó giúp các tiểu thương và khách hàng tiếp cận nhiều hơn về công nghệ số”./.
Hồng My - Chí Hiểu