(CMO) Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM là chủ trương lớn, có bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc. Một khi đã đạt chuẩn, các địa phương phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở và giữ vững các tiêu chí đã đạt. Do tâm lý chủ quan, thoả mãn sau khi đã đạt chuẩn mà hiện tại không ít xã rớt chuẩn so với thời điểm được công nhận.
Qua rà soát, đánh giá từ Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Cà Mau, đến cuối năm 2021, 27/46 xã có số tiêu chí đạt thấp hơn so với thời điểm được công nhận xã NTM.
Nhiều lý do rớt chuẩn
Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quân, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, cho rằng: “Do không có chế tài sau khi đã công nhận đạt chuẩn (ví dụ như sau 5 năm kiểm tra công nhận lại, hoặc rút lại bằng công nhận nếu để xảy ra tình trạng rớt chuẩn…) nên một số địa phương lơ là, thiếu đôn đốc, nhắc nhở để duy trì các tiêu chí đã đạt. Vấn đề này sẽ sớm khắc phục trong lộ trình tiếp theo”.
Chuẩn bị rớt phần lớn thuộc nhóm tiêu chí giao thông, thu nhập, tổ chức sản xuất, y tế, thông tin truyền thông và môi trường.
Ông Nguyễn Văn Đen, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT), cho biết: “Hiện toàn tỉnh có khoảng 30 xã chưa đạt tiêu chí số 8 (thông tin và truyền thông), trong đó có 11 xã đã đạt chuẩn NTM. Nguyên nhân là chưa bố trí được điểm giao dịch đáp ứng đủ điều kiện cho bưu điện hoạt động; đài truyền thanh và cụm loa một số nơi hư hỏng do thời gian đầu tư đã lâu”.
Một số cụm loa trên địa bàn xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân mới vừa thí nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin-viễn thông
Theo ông Nguyễn Văn Đen, ngành đã nhận thấy và đang kiến nghị giải pháp chấn chỉnh. Về đài truyền thanh và cụm loa, Sở TT&TT đang triển khai Dự án đầu tư xây dựng đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông giai đoạn 2022-2023 sẽ hoàn thành. Khi đó, đài nào hư sẽ được thay mới chứ không sửa chữa. Còn điểm phục vụ bưu điện thì ngành đã có kiến nghị UBND tỉnh xem xét, giải quyết thông qua việc xây dựng phương án giao đất để xây dựng các điểm bưu chính nhằm phục vụ nhiệm vụ được tốt hơn.
Đối với các tiêu chí còn lại, ngoài nhóm tiêu chí cần vốn như giao thông, đa phần thuộc về trách nhiệm của địa phương. Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, khẳng định: “Tiêu chí thu nhập có vai trò là trụ đỡ, là xương sống trong xây dựng NTM. Khi nông dân có thu nhập cao, cuộc sống ổn định, họ sẽ ủng hộ chính quyền trong xây dựng NTM, thậm chí họ có thể tự đầu tư giao thông nông thôn mà không cần sự hỗ trợ nhiều từ Nhà nước”.
Ông Hùng phân tích thêm, hầu hết nông dân đều có tinh thần vượt khó trong sản xuất và nhạy bén trong thị trường. Thực tế đã qua cho thấy, những nông dân nào nhạy bén, chuyển biến được tư duy thì làm giàu nhanh, thu nhập tăng. Vấn đề của nông dân bây giờ không phải là không tiếp cận được với khoa học - kỹ thuật, với những mô hình sản xuất tiên tiến, mà là họ chưa chuyển được từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, nghĩa là sản xuất phải đáp ứng nhu cầu thị trường.
Các HTX tại xã Tân Dân, huyện Đầm Dơi áp dụng kỹ thuật hiện đại trong sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Nông dân xã NTM Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời thu hoạch lúa bằng cơ giới.
Để làm được điều đó, vai trò của cấp uỷ, chính quyền địa phương rất quan trọng (đặc biệt trong khâu tổ chức sản xuất), thay vì cầm tay chỉ việc cho người dân sản xuất thì nên liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm nông dân làm ra. Một khi chuỗi liên kết không đứt đoạn ở khâu tiêu thụ thì nông dân sẽ làm giàu được trên chính mảnh đất của mình. Nhiều địa phương còn lơ là, buông lỏng và có cảm giác thoả mãn khi đã được công nhận đạt chuẩn NTM. Việc thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở có vai trò rất quan trọng trong nâng cao chất lượng xây dựng NTM.
Không có điểm kết thúc
Với mục tiêu đem lại lợi ích thiết thực cho người dân nông thôn, do vậy, ngay sau khi hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, để tiếp tục chương trình xây dựng NTM theo hướng bền vững, hướng tới những mục tiêu cao hơn như xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu ở các cấp thì việc giữ vững, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được là một trong những mục tiêu quan trọng trong giai đoạn hiện nay.
Bà Nguyễn Thu Tư, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh, cho rằng, cốt lõi trong xây dựng NTM vẫn là làm sao thu nhập người dân được nâng lên. Tuy nhiên, làm sao để thu nhập nâng lên là câu chuyện cần phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, địa phương thời gian tới.
Sử dụng thiết bị sấy tôm khô bằng năng lượng mặt trời giúp nông dân xã Tân Dân, huyện Đầm Dơi nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm
Ông Trần Minh Nguyên, Bí thư Đảng uỷ xã Tân Hải, huyện Phú Tân bộc bạch: “Có người cho rằng, tiêu chí thu nhập có thể sắp xếp được, do lấy mẫu ngẫu nhiên nên nếu cần thiết sẽ chọn mẫu điều tra ở những hộ có điều kiện thì kết quả bình quân sẽ khá hơn. Tuy nhiên, theo tôi nghĩ, xây dựng NTM chất lượng cuộc sống người dân rất quan trọng. Dân là người thụ hưởng, vì thế, không cần phải chạy theo thành tích thu nhập cao về số liệu mà đời sống người dân nơi đó chưa thật sự thay đổi”.
Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Quang Hùng, cho rằng: “Mỗi năm bình xét hộ nghèo thật ra còn trông chờ vào tâm lý của chính quyền địa phương nơi đó. Đó là lý do vì sao nhìn mặt bằng chung người dân huyện Đầm Dơi lại nhiều hộ nghèo hơn dân khu vực vùng ngọt Thới Bình, U Minh. Cốt lõi vấn đề vẫn là cán bộ địa phương làm trụ cột trong vận động người dân xây dựng NTM. Nếu cán bộ không thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở, đầu tư nâng cấp các tiêu chí thì làm sao đời sống người dân được nâng lên?”.
NTM là chương trình dài hơi, có bắt đầu nhưng không có kết thúc. Tuy nhiên, hàng năm hoặc 5 năm nên có kiểm tra, phúc tra thẩm định và đánh giá lại từng tiêu chí để từng bước có giải pháp chấn chỉnh, nâng cao. Thậm chí nếu cần, có thể đưa nhiệm vụ xây dựng NTM vào nội dung đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, bình xét thi đua hàng năm của các địa phương, đơn vị để phong trào được duy trì bền vững.
Ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, nhận định, nhiều xã sau khi được công nhận đã có tiêu chí rớt chuẩn so với quy định. Có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do tâm lý thoả mãn vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi; lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền, cán bộ phụ trách chương trình có biểu hiện ngừng nghỉ sau khi phấn đấu đạt chuẩn NTM; không kịp thời xây dựng kế hoạch, xác định mục tiêu, nhiệm vụ, biện pháp cụ thể tiếp theo; thiếu quan tâm chỉ đạo thường xuyên, liên tục đối với nhiệm vụ xây dựng NTM. Mặt khác, Ban chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện tập trung chỉ đạo, huy động nguồn nhân lực, vật lực cho các đơn vị có kế hoạch xây dựng đạt chuẩn trong năm, trong khi chưa có giải pháp đối với các xã đã đạt chuẩn nên tình trạng rớt chuẩn xảy ra ngày càng nhiều hơn.
Ngọc Huệ - Đặng Duẩn
BÀI CUỐI: ĐỂ NÔNG THÔN CÀ MAU BỪNG SÁNG