(CMO) Sau 10 năm xây dựng NTM, nông thôn Cà Mau đã có bước chuyển mình rõ rệt. Phong trào thi đua Cà Mau chung sức xây dựng NTM đã thu hút sự quan tâm, động viên, cổ vũ của toàn xã hội đối với nông dân, nông thôn.
Để nông thôn Cà Mau bừng sáng hơn trong thời gian tới, Cà Mau cần phải đồng lòng, chung sức hơn nữa. Trong đó, vai trò chủ thể của người nông dân, đối tượng thụ hưởng phải đặt lên hàng đầu.
Lộ giao thông ở xã Hoà Thành, TP Cà Mau được đầu tư khang trang, giúp nông thôn Cà Mau ngày thêm bừng sáng.
Phải mạnh dạn thay đổi
Năm 2022 là năm thứ 2 tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVI và Kế hoạch 5 năm về phát triển kinh tế - xã hội (giai đoạn 2021-2025). Do đó, đây là năm có ý nghĩa rất quan trọng, làm tiền đề để thúc đẩy việc thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch đã đề ra. Theo đó, Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn (2022-2025) cũng mới vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chuẩn mới được nâng lên tầm cao mới.
Ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, nhận định: “Bộ tiêu chí xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 có nhiều chuẩn, quy định mới cao hơn so với quy định cũ trước đây, nhất là tiêu chí về giao thông, thu nhập, lao động có việc làm, tỷ lệ người dân tham gia BHYT... Tỉnh cũng nhận thấy được những khó khăn trong thực hiện các yêu cầu của bộ tiêu chí mới, từ cuối năm 2021 Ban Chỉ đạo đã chủ động xây dựng kế hoạch xây dựng NTM năm 2022 theo chuẩn của bộ tiêu chí mới”.
Nhờ chủ động rà soát trước mà ngay từ đầu năm nay, ngành NN&PTNT đã bắt tay ngay vào đôn đốc, nhắc nhở các địa phương khẩn trương hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM. Đặc biệt đề ra giải pháp để nâng chất các xã có nguy cơ rớt chuẩn.
Ông Lê văn Sử nhấn mạnh: “Ngoài các biện pháp chỉ đạo, đôn đốc, nhắc nhở, chấn chỉnh đối với cấp uỷ, người đứng đầu các địa phương để xảy ra tình trạng rớt chuẩn thì cần biện pháp mạnh hơn nữa. Cần có cơ chế kiểm soát danh hiệu NTM một cách thường xuyên, liên tục; hàng năm có xem xét quyết định công nhận xã đạt chuẩn, cũng phải có xem xét thu hồi quyết định đạt chuẩn đối với xã rớt chuẩn”.
Giải thích cho vấn đề này, ông Sử cho rằng, trước đây Trung ương quy định 5 năm kiểm tra, công nhận lại đối với xã đã đạt chuẩn; hiện nay đã bỏ quy định này, không phải công nhận lại đối với xã đã đạt chuẩn. Ban Chỉ đạo tỉnh đã chủ động nghiên cứu, xây dựng dự thảo quy trình về thời gian kiểm tra, đánh giá, thu hồi bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM, xã đạt chuẩn NTM nâng cao, xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Trong đó, có quy định cụ thể về thời gian, điều kiện để xem xét, kiểm tra, thẩm định lại đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM nhằm có biện pháp chấn chỉnh, xử lý, thậm chí thu hồi quyết định công nhận đạt chuẩn đối với các xã có tâm lý thoả mãn, để nhiều tiêu chí bị rớt chuẩn.
“Chúng tôi tin tưởng đây sẽ là biện pháp mạnh mẽ, khắc phục có hiệu quả tình trạng rớt chuẩn trong thời gian qua. Dự kiến quy định này sẽ được trình cấp thẩm quyền ban hành thực hiện ngay sau khi các bộ, ngành Trung ương và tỉnh ban hành quy định cụ thể triển khai thực hiện bộ tiêu chí mới.
Mô hình trồng dưa lưới của ông Trần Văn Thiệu, Khóm 4, phường Tân Thành, TP Cà Mau cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Sẽ có những kỳ tích mới
Trong chuyến thăm và làm việc với tỉnh Cà Mau đầu năm nay, Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ đã chỉ đạo xây dựng huyện Ngọc Hiển phấn đấu đạt chuẩn NTM đến năm 2025. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức mới cho Cà Mau, bởi xuất phát điểm của Ngọc Hiển rất thấp. Tuy nhiên, nếu được đầu tư đúng mức thì việc bật dậy của huyện Ngọc Hiển như điểm sáng nổi bật nhất của chương trình trong giai đoạn 2022-2025.
Ông Lê Văn Sử cho rằng, không riêng huyện Ngọc Hiển, xuất phát điểm khi tham gia xây dựng NTM của cả tỉnh đã thấp (bình quân chỉ đạt 3,52 tiêu chí/xã, có nhiều xã trắng tiêu chí); hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn còn rất yếu kém, nhiều vùng nông thôn chưa được đầu tư hạ tầng; trong khi suất đầu tư hạ tầng vùng này lại rất cao, cần nhiều nguồn lực đầu tư mới thực hiện được.
“Bên cạnh đó, tỉnh Cà Mau là tỉnh chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, làm cho kết cấu hạ tầng đã được đầu tư nhanh xuống cấp; yêu cầu đầu tư mới phải thích ứng với biến đổi khí hậu, với suất đầu tư càng cao hơn; mặt khác biến đổi khí hậu làm ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, thu nhập của người dân, ảnh hưởng đến khả năng huy động nguồn lực của Nhân dân trong xây dựng NTM”, ông Sử chia sẻ.
Chính vì vậy, khi Ngọc Hiển được đưa vào danh sách đạt chuẩn huyện NTM năm 2025 sẽ là một thách thức. Đồng thời cũng mở ra cơ hội đầu tư mới để Cà Mau phát triển. “Việc củng cố, nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần của người dân là nhiệm vụ xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta; dù có hay không có chương trình NTM, có hay không có tác động của thiên tai, dịch bệnh… nhiệm vụ này vẫn phải thực hiện. Vì vậy, theo tôi, việc thực hiện nhiệm vụ nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân trong khuôn khổ, theo các tiêu chí, chuẩn mực của chương trình NTM sẽ được thực hiện một cách quyết liệt hơn, đồng bộ hơn trong thời gian tới”, ông Sử khẳng định.
Ngọc Hiển phấn đấu xây dựng huyện đạt chuẩn NTM vào năm 2025 Ảnh: Lê Tuấn
Tuy tỉnh Cà Mau đang đối diện với nhiều khó khăn, thử thách trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM gắn với thích ứng biến đổi khí hậu trong thời gian tới, song, với những kết quả đạt được, những kinh nghiệm, bài học đã được rút ra, những khó khăn, tồn tại, hạn chế đã được nhìn thấy; tin rằng sau khi tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 04 về xây dựng NTM của Tỉnh uỷ, Cà Mau sẽ có quyết tâm chính trị cao hơn, đề ra được mục tiêu, biện pháp chỉ đạo xây dựng NTM sát hợp, hiệu quả hơn.
Cùng với sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương; sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân tỉnh nhà, nhất định tỉnh Cà Mau sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Chương trìnhMục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, bắt kịp tốc độ, lộ trình so với các địa phương trong khu vực và cả nước./.
Ngọc Huệ - Đặng Duẩn