ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 20-9-24 17:42:28
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Cơi trầu của má

Báo Cà Mau (CMO) Ngày ấy, một trận sốt rét rất nặng đã đưa tôi về gặp má.

Trong cơn mê sảng sau trận sốt rét, tôi được một tấm khăn ướt lật qua lật lại trên trán.

Khoảng quá nửa đêm, tôi mở mắt ngơ ngác nhìn xung quanh. Một bà má ngồi lặng im như một pho tượng ngay bên cạnh tôi.

- Tỉnh rồi, Sáu Hoa ơi! Má gọi tên một cô y tá của bệnh viện.

Tôi chào má bằng ánh mắt, biểu lộ lòng biết ơn và tin cậy.

Cơn sốt của tôi tạm lui. Tôi hỏi Sáu Hoa, cô cho biết đó là má Tư, thường gọi má Tư Ốm vì má rất gầy, chân tay khẳng khiu.

Bệnh viện của Quân khu nằm ngay trên đất vườn của má, trên bờ kênh thuộc vùng U Minh Hạ. Từ đó má gắn bó với bệnh viện, với thương binh, với bệnh binh như một nhân viên chính thức vì má luôn có mặt trong rất nhiều lần chăm sóc người bệnh.

Minh hoạ:  Minh Tấn

Tôi đã gặp rất nhiều thương binh, bệnh binh từ đây về các đơn vị, gặp nhau ai cũng nhắc lại những kỷ niệm về má Tư. Mỗi chúng tôi tự thấy trách nhiệm của mình sao cho xứng đáng với sự hy sinh và tấm lòng của má.

Cuộc chiến đấu ngày ấy trải qua những thăng trầm thật bất ngờ. Sau cuộc Tổng tấn công Mậu Thân 1968 vài ba năm, vùng giải phóng của ta ở miền Tây Nam Bộ có thời kỳ bị địch lấn chiếm và thu hẹp. Đồn bót giặc đóng dày đặc trên các kênh rạch. Không xã nào còn giữ được vùng giải phóng nguyên vẹn. Khu giải phóng chỉ còn ấp liên ấp.

Đơn vị tôi về đóng tại vườn của má để bám trụ vừa công tác vừa đánh giặc. Thế là như một sự tình cờ, tôi lại được gặp má Tư. Thời kỳ ấy không khí cực kỳ căng thẳng vì giặc có thể đánh biệt kích vào khu vực của ta bất cứ lúc nào.

Chúng đóng quân chỉ cách chúng tôi vài cây số đường chim bay.

Dân ấp chỉ còn thanh niên ở lại bám theo đơn vị chúng tôi. Phụ nữ, trẻ em đều tản ra chợ hết, lâu lâu cô bác mới trở về bẻ thêm quày dừa, buồng chuối đem ra chợ.

Duy chỉ có một phụ nữ ở lại cùng chúng tôi bám trụ là má Tư Ốm. Má chẳng giúp gì chúng tôi trong trận chống càn, có khi còn làm chúng tôi vất vả thêm mỗi khi giặc đi càn quét vào khu vực của ta. Mỗi lần như thế, chúng tôi phải thay nhau cõng má từ liếp vườn này qua liếp vườn khác trong tầm đạn nhọn của giặc.

Khi đặt má ngồi trên một bờ đìa giữa rừng tràm, trong tay má chỉ có một cơi trầu bằng đồng to bằng bát ăn cơm loại lớn. Má ra hiệu cho chúng tôi mở giúp má cơi trầu. Má lấy một miếng nhai bỏm bẻm. Lúc ấy, ở bên má sao chúng tôi thấy yên ổn lạ thường. Tôi bỗng thấy không một sức mạnh nào có thể lay chuyển được lòng má và chắc chắn chúng tôi cũng không bao giờ bị đánh quỵ, không bao giờ nao lòng trước thế giặc.

Bao năm nay, chúng tôi được học tập về tình đoàn kết quân dân. Thực ra tôi mới nhìn thấy sự giúp đỡ về vật chất. Những lúc như thế này bên má Tư, tôi lại thấy thêm nguồn sức mạnh của ý chí. Một người già cả như má còn coi thường bom đạn, khát khao về một khoảng trời một cuộc đời tự do. Má tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi.

Sau khi giặc thu quân, chúng tôi lại đưa má về.

Một hôm tôi nhìn thấy má kho mấy con cá sặt trên một mảnh chảo vỡ, tôi quay mặt đi suýt bật khóc vì thương má.

Những ngày êm trời, má bỏ cơi trầu xuống xuồng rồi bơi ra ngoài vàm xin tôm, cá đem về cho chúng tôi. Dành dụm được đồng nào má lại mua trà, thuốc rê đãi chúng tôi mỗi khi chúng tôi quây quần bên căn hầm của má.

Một hôm má nói đùa: Mỹ - Thiệu nó phát loa doạ sẽ làm cỏ U Minh thì má con mình cấy lúa luôn, càng đỡ mất công làm cỏ.

Nói vậy nhưng lòng má quặn thắt. Hàng dừa của má hàng trăm cây bị thuốc độc rũ ngọn rồi chết. Rừng tràm phía sau nhà bạt ngàn một màu xanh, sau khi bị trực thăng Mỹ phun thuốc độc đã biến thành một bãi chà khổng lồ, nhìn ngút tầm mắt như một đống củi khô, ngổn ngang, bừa bộn.

Tôi nhớ một hôm má thủ thỉ với tôi: Quày chuối xiêm bị chất độc sinh trái dị dạng, to bằng cái bi chuối, trái mọc ngược, trái mọc xuôi. Má lo người nào uống phải nước có chất độc đó coi chừng sinh con ra thành quái thai. Con cái mà dị hợm thì tội lắm.

Đến bây giờ mỗi khi thấy trên màn ảnh vô tuyến truyền hình hay trên mặt báo có ảnh chụp các cháu nhỏ bị di chứng các chất độc hoá học của Mỹ, tôi lại liên tưởng đến lời tiên tri của má trên một dòng kênh nhỏ giữa rừng tràm U Minh ngày ấy.

Trong tất cả kỷ niệm về má, tôi nhớ rất rõ trận càn đó...

Chúng tôi đưa má vào sâu trong rừng. Đang ở trong rừng, nhìn về phía sau, thấy khói bốc lên ở khắp nơi. Bỗng má nói:
- Kiếm cho má chiếc xuồng. Má phải quay về có vài việc.

Chúng tôi can thế nào cũng không được, đành để má một mình móc chiếc xuồng be tám bơi về phía tiếng súng nổ và lửa cháy.

Khi giặc rút. Việc đầu tiên là chúng tôi đi tìm má. Tôi thấy má ngồi trên cây dừa đổ bên cạnh túp lều cháy nham nhở.
Nhìn thấy chúng tôi, má ngoắc lại nói:
- May quá, má về kịp. Tụi bây có biết má về làm gì không?

Chúng tôi lặng thinh.

Má chỉ về phía cây tràm, ở đó có một tấm hình Bác Hồ má treo trên một cành cây. Má nói:
- Lúc thấy khói bốc lên, má chợt nhớ trong nhà có tấm hình Cụ Hồ. Má giấu bọn bây chuyện đó.

Vừa về đến nhà, má thấy một tên lính quơ nắm lá dừa đang châm lửa căn chòi, má nói:
- Nhà của tôi sao các cậu đốt, lấy gì tôi ở?
- Bà già tiếp tế cho Việt cộng.
- Trời đất. Tôi già cả, lo cho mình không xong lấy gì tiếp tế cho mấy ổng.
- Lệnh của đại uý phải đốt hết, không cho Việt cộng có nơi chui rúc.
- Tuỳ các cậu, nhưng trong chòi có tấm hình Cụ Hồ. Các cậu mà đốt hình Cụ Hồ có khác nào thiêu cháy Cụ. Cụ Hồ là ân nhân của dân tộc, ai mà động chạm đến Cụ, trời phật không tha.

Má kể thêm, nghe má nói thế, bọn lính tỏ vẻ lo sợ.

Nhưng nghe tiếng quát, một thằng lính vào trong chòi gỡ ảnh Bác Hồ ra đưa cho má rồi mới đốt chòi.

Bọn lính vội đi như chạy trốn, má kịp té nước dập đám cháy nên căn chòi nhem nhuốc chỗ cháy chỗ không.

Đêm ấy, má Tư cùng chúng tôi ngồi tâm sự dưới tấm nilon đến tận khuya, lúc trăng hạ tuần mỏng như một múi bưởi mờ ảo phía bờ biển. Sương đêm rơi lộp bộp trên tấm nilon, đêm về khuya trời se lạnh.

Thật lạ lùng, đêm ấy cả vùng U Minh không có tiếng súng nổ, chỉ thỉnh thoảng một trái pháo sáng vút lên rồi lả tả tắt ngấm giữa bầu trời.

Bên chúng tôi, má Tư nói đến ước mơ lớn nhất của má sau ngày thống nhất được ra Hà Nội, được nhìn tận mắt nơi Bác Hồ yên nghỉ. Được thế, má nói có chết cũng hả lòng hả dạ.

Trận càn ấy là trận càn cuối cùng giặc đánh vào vùng giải phóng của ta ở U Minh. Sau đó thế và lực của ta trở nên mạnh mẽ. Phong trào ấp giải phóng ấp, xã giải phóng xã, rồi huyện giải phóng huyện như những cơn lốc lớn cuốn phăng bao đồn bốt giặc.

Chúng tôi tạm biệt má hành quân về phía Cần Thơ, thành luỹ cuối cùng của Mỹ - Ngụy ở miền Tây Nam Bộ.

Mùa hè năm 1975, ngày 30/4, cả miền Nam hoàn toàn giải phóng. Từ rừng U Minh, má đã đón tàu ra Cần Thơ với chúng tôi.

Việc đầu tiên ở Cần Thơ, má vào thăm bệnh viện Quân khu, trước đây đặt trên đất nhà má. Cũng tại đây, lần đầu tiên chúng tôi được chăm sóc má. Nhưng tại đây má lúc nào cũng có mặt với các thương binh.

Trong chiến tranh, cứ tưởng sau ngày toàn thắng chúng tôi sẽ rảnh rang đi thăm lại những người đã cưu mang mình và đền đáp công ơn nuôi dưỡng, đùm bọc của cô bác. Nhưng công việc cứ bề bộn và cuộc sống cũng vô cùng khó khăn, tôi vẫn chưa thu xếp được một lần về thăm những người như má Tư.

Đáp lại tấm lòng của đồng bào miền Nam với Bác Hồ, nhiều địa phương đã tổ chức các đoàn ra viếng Bác và thăm Hà Nội. Lòng mong ước của má Tư bao năm nay như có dịp được thực hiện. Tôi tưởng tượng, chắc má Tư mừng lắm khi được báo tin má được chọn trong danh sách các bà má tiêu biểu trong kháng chiến ra viếng Bác Hồ.

Nhưng đến thành phố thì má bị đau, phải nằm điều trị tại bệnh viện. Vả lại năm đó má yếu nhiều, sức khoẻ giảm sút, không ai dám để má đi xa.
Tôi cũng không đưa được mẹ tôi ngoài Bắc vào thăm má.

Mấy năm sau ngày giải phóng, các anh ở Quân khu 9 ra gặp tôi ở Hà Nội, báo tin má Tư đã mất.

Các anh kể lại rằng khi má đau, nằm trên giường bệnh, má nói người nhà gom hết thư và ảnh của bộ đội gửi má, dồn vào chiếc cơi trầu của má. Má dặn khi má mất, gửi hết các thứ đó đi cùng má. Tôi nghẹn ngào trước tấm lòng của má và nhớ lại như in trước mắt mình, chiếc cơi trầu bằng đồng đã ngả màu mà má vẫn mang theo trong tầm đạn giặc và bình thản ăn trầu trong tiếng gầm rú của máy bay và tiếng nổ rung chuyển của bom đạn. Ước gì tôi biết được trong cơi trầu của má Tư có vài lá thư của tôi để tôi được gần má ở nơi xa. Bằng trí tưởng tượng của mình, tôi hình dung cơi trầu của má Tư ngày đó như chiếc hầm kiên cố để chúng tôi dựa vào đó mà vượt qua mọi ác liệt và gian khổ của một thời chiến tranh.

Bất giác, tôi lại nhớ đến nỗi lo toan của má trước những trái chuối dị dạng do chất độc hoá học của Mỹ. Ngày đó má đã lo cho ai đó nhiễm chất độc sẽ sinh ra những đứa con dị dạng thì má đau lòng lắm. Khi biết nỗi lo báo trước của má đã xuất hiện ở rất nhiều nơi, bao đứa trẻ mang di chứng chất độc hoá học đã ra đời, chắc lòng má không yên trước lúc ra đi.

Xin cô bác thắp giùm nén nhang trên mộ má và nói giùm, những đứa con năm xưa được má nuôi dưỡng chăm sóc và rèn luyện đều trưởng thành và luôn nhớ ơn má, mong được gọi: “Má ơi!”, như gọi chính người mẹ đã sinh thành ra mình./.

Truyện ngắn của Lê Thế Thành

"Lửa thử vàng" - Câu chuyện truyền nhân gia tộc cải lương

Cải lương đi qua thời hoàng kim, nhưng truyền nhân các gia tộc cải lương chưa bao giờ tắt ngọn lửa đam mê và niềm khao khát viết tiếp chặng đường nghệ thuật của cha ông đã gầy dựng.

Cảm xúc dẫn lối

Từ nhỏ, Nguyễn Hoàng Giang đã yêu thích nghệ thuật. Cơ duyên đưa anh đến với nhiếp ảnh bắt đầu từ tình yêu dành cho cái đẹp và nghệ thuật. Thế nên, tuy từng có 20 năm gắn bó với Hà Nội, nhưng mảnh đất Hội An đậm chất nghệ thuật lại chính là động cơ thôi thúc, khiến anh quyết định chuyển vào nơi này định cư. Ðến nay, khi đã là chủ một công ty du lịch và sở hữu chuỗi khách sạn, nhà hàng, dù bận rộn, anh vẫn dành thời gian cho nhiếp ảnh.

Dâng hương Tổ nghiệp Sân khấu

Suốt 13 năm qua, Ngày Sân khấu Việt Nam cũng là ngày hướng về Tổ nghiệp của những người hoạt động lĩnh vực sân khấu. Ngày Giỗ Tổ là dịp để những người hoạt động trong lĩnh vực sân khấu cùng nhau nhắc nhớ về thế hệ tiền nhân đã có công sáng lập, gìn giữ loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc. Đồng thời cũng là cuộc họp mặt hâm nóng tình nghệ sĩ, tạo sự gắn kết, cùng động viên nhau phấn đấu để mang những cái hay, cái đẹp phục vụ công chúng.

Còn đó những cánh chim không mỏi

Nghe tôi có ý định tìm một địa điểm lý tưởng để khám phá, thưởng thức các loại hình nghệ thuật truyền thống tại mảnh đất được mệnh danh là “thành phố đáng sống”, một người anh đồng nghiệp đang công tác tại Ðài Phát thanh - Truyền hình Ðà Nẵng giới thiệu ngay Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Vậy rồi, qua vài lời kết nối nhiệt tình, NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát, liền đích thân mời đoàn văn nghệ sĩ Cà Mau đến xem một suất diễn trong ngày gần nhất.

Nối dài tình yêu nước bằng nghệ thuật

Nghệ thuật kết nối quá khứ và hiện tại, là phương tiện giúp gìn giữ, lưu truyền và phát huy văn hoá dân tộc. Với ý nghĩa ấy, các bạn trẻ tại Cà Mau, bằng hoạt động nghệ thuật, đã góp phần lan toả, nhân lên tình yêu quê hương, đất nước trong những người trẻ và cộng đồng.

Ấm áp chương trình nghệ thuật “Tình ca Đất Mũi”

Nhằm tôn vinh Âm nhạc Việt Nam nói chung, Âm nhạc Cà Mau nói riêng, thể hiện sự tri ân đối với các tác giả có nhiều cống hiến cho sự nghiệp âm nhạc tỉnh nhà. Tối 3/9, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh đã diễn ra Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm lần thứ 15 Ngày Âm nhạc Việt Nam với chủ đề :“Tình ca Đất Mũi”. Chương trình do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phối hợp tổ chức.

Sắc màu miền Tây đến với Huế

Những năm qua, mỹ thuật đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) có bước phát triển mạnh, tạo được tiếng vang trong khu vực, các vùng miền trong và cả ngoài nước. Câu lạc bộ (CLB) "Sắc màu miền Tây ART" đã có 4 cuộc triển lãm tại Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh và Hà Nội từ năm 2019-2023.

Khám phá cùng nhiếp ảnh

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Lê Minh Vũ (Quyên Vũ) sinh năm 1974, tại tỉnh Tiền Giang, hiện sinh hoạt tại Hội NSNA Việt Nam, Chi hội Tiền Giang.

Sắc màu văn hoá địa phương hoà quyện trong từng bài ca, điệu múa

Đạo diễn Nguyễn Tiến Dương, Trưởng Ban giám khảo Hội diễn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Cà Mau lần thứ IX - 2024, đánh giá, một trong những điểm nổi bật của hội diễn là những sắc màu văn hoá của địa phương hoà quyện trong các bài hát, điệu múa, càng làm tăng thêm sự hấp dẫn. So với những hội diễn trước, các đội đã có nhiều sự tiến bộ về ca, múa, âm nhạc và trang phục.

Cho chữ mùa Vu lan

Tôi gặp thầy đang cho chữ tại một góc nhỏ trong khuôn viên chùa Thiền Lâm, phường Tân Thành, TP Cà Mau, vào ngày chùa tổ chức lễ Vu lan. Mặc dù bút trên tay đang nắn nót, mắt chăm chú vào con chữ, nhưng được vài nét, khi ngẩng lên chấm mực là thầy nhanh miệng mời gọi mọi người đang đứng túm tụm gần đó: “Viết mấy câu tặng cha mẹ đi chị (cô, chú, anh, em...) ơi!”; “Lại chú cho chữ cầu sức khoẻ, học giỏi nè các con!”; “Cầu tài lộc, sức khoẻ, vạn sự như ý nè anh chị em, cô bác ơi!”... Và bao giờ sau những câu mời gọi, thầy cũng nhấn mạnh “tặng chữ hoàn toàn miễn phí” để khách khỏi đắn đo.