Thời điểm chuyển mùa, nhiều khả năng xảy ra các hiện tượng thời tiết bất thường như: mưa dông kèm gió giật mạnh, lốc xoáy, sét, mưa lớn cục bộ, mưa đá, sóng to và gió mạnh trên biển… Những hiện tượng thời tiết này thường xảy ra rất nhanh, trong thời gian ngắn, khó có thể dự báo xa, nên vô cùng nguy hiểm.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia, từ nay đến tháng 10/2025, trên phạm vi cả nước sẽ xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm đáng lưu ý như: dông, lốc, sét, mưa đá, mưa lớn, gió giật mạnh.
Lốc xoáy, sét thường xảy ra bất thường, diễn biến khó lường và mức độ ảnh hưởng rất lớn, đe doạ tính mạng, tài sản người dân. Thực tế thời gian qua trên địa bàn tỉnh ghi nhận các trường hợp sét đánh thường chỉ ở phạm vi hẹp, dưới 1/2 số huyện, xã và sét thường xuất hiện cùng mưa dông, lốc. Hằng năm, tỉnh đều xây dựng phương án ứng phó với loại hình thiên tai như mưa lớn, lốc xoáy, sét, ngập lụt, nước dâng...
Xác định các loại hình thiên tai trên luôn có diễn biến bất thường nên các lực lượng tại chỗ được xem là nòng cốt trong công tác ứng cứu, hỗ trợ người dân.
Ðến nay, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh đã cắm hơn 1.030 biển cảnh báo sạt lở tại hơn 681 điểm sạt lở nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi, nhận định, các lực lượng tại chỗ gồm: dân quân, dân phòng, Ðoàn thanh niên, các đội xung kích, lực lượng vũ trang... sẽ ứng cứu, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng thiên tai một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất cả trước, trong và sau thiên tai xảy ra.
“Triển khai các hoạt động tập huấn, truyền thông phòng, chống thiên tai (PCTT), cảnh báo sớm thiên tai... với hình thức đa dạng và phong phú. Trong đó, trọng tâm là công tác huấn luyện, thực hành theo phương án PCTT được duyệt, hằng năm được tổ chức luân phiên tại 2 đơn vị cấp huyện. Với sự tham gia đông đảo các ngành, các cấp và người dân, qua thực hành đã phát huy hiệu quả cao nhất trong công tác PCTT và tìm kiếm cứu nạn theo phương châm 4 tại chỗ”, ông Tùng cho biết thêm.
U Minh được xác định là huyện trọng điểm về ngập úng, hạn hán, thiếu nước, đê điều. Theo ông Huỳnh Minh Nguyên, Chủ tịch UBND huyện: “Trên địa bàn huyện không xảy ra bão lũ lớn, tuy nhiên, tình trạng dông lốc đã khiến nhiều nhà dân tại các xã Khánh Tiến, Khánh Hội và Nguyễn Phích bị sập. Theo đó, các lực lượng tại chỗ, nhất là dân quân tự vệ, công an, bộ đội biên phòng hỗ trợ bà con rất kịp thời. Huyện cũng đã xây dựng kế hoạch cụ thể, sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị theo phương châm “4 tại chỗ””.
Sẵn sàng để xử lý, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống thiên tai, là một trong những quan điểm chỉ đạo của tỉnh trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, để giảm thấp nhất thiệt hại do thiên tai, song song với sự sẵn sàng của chính quyền các cấp thì người dân cũng phải chủ động, nhất là trước mùa mưa đang sắp đến. Thường xuyên theo dõi thông tin dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai để kịp thời, chủ động phòng tránh. Ðồng thời, thực hiện các biện pháp nhằm bảo vệ cây trồng, vật nuôi, các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Mưa kèm theo gió mạnh, dông, lốc xoáy... sẽ tác động trực tiếp đến các pa nô, áp phích, biển quảng cáo, bảng hiệu và cả giàn giáo, cần cẩu tại các công trình đang thi công, nhất là đối với các công trình cao tầng... do đó, cần kiểm tra, gia cố, đảm bảo an toàn.
Bước vào mùa mưa cũng là thời điểm ngư dân phải đối diện với hiểm nguy từ sự bất thường của thời tiết trên biển. Ðể giảm thiệt hại, bà con cần chủ động theo dõi thông tin, diễn biến thời tiết, gió mạnh trên biển... để nhanh chóng vào nơi tránh trú an toàn.
Theo ông Tùng, để tăng tính chủ động, ứng phó kịp thời trong tình huống thiên tai, thời gian qua, tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong PCTT. Tiêu biểu như đã nghiên cứu thiết lập ứng dụng PCTT tỉnh Cà Mau trên thiết bị thông minh (điện thoại thông minh và máy tính bảng), người dân dễ dàng truy cập và có thể tiếp cận thông tin về phòng, chống thiên tai mọi lúc, mọi nơi. Không chỉ vậy, ứng dụng này cũng mở ra sự tương tác lớn trong việc ứng phó, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai nhanh chóng, kịp thời hơn.
Ngoài ra, Website Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh tiếp tục được duy trì hoạt động, đây là kênh thông tin hữu ích giúp cộng đồng dân cư chủ động trong phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, giúp các cấp, các ngành sát sao hơn trong thực hiện nhiệm vụ PCTT và tìm kiếm cứu nạn. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục duy trì, nâng cấp về chất lượng, công nghệ, mở rộng về phạm vi sử dụng, ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác PCTT, như mạng xã hội Zalo, Facebook, mạng nội bộ IO, SMS, Website thời tiết... đảm bảo thông tin liên quan đến thời tiết, thiên tai, biện pháp phòng tránh... lan toả rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh.
Thời điểm chuyển mùa như hiện nay, các cơ quan chuyên môn khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp gia cố, chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cây cao để đảm bảo an toàn khi xảy ra mưa kèm dông lốc; không trú mưa dưới các gốc cây, gò cao và tránh xa các vật dụng bằng kim loại, trạm biến áp, cột, đường dây điện; không sử dụng điện thoại, ti vi, máy tính và các thiết bị điện tử khác; không đứng thành nhóm người gần nhau, nhằm hạn chế nguy cơ bị sét đánh, cây ngã. Chủ động kiểm tra hệ thống đê bao, bờ bao, cống... để chủ động gia cố những nơi có nguy cơ xảy ra sạt lở, tràn, để bảo vệ sản xuất và tài sản gia đình.
Nguyễn Phú