Cà Mau là tỉnh đang trong quá trình xây dựng và phát triển, nhất là về công nghiệp, nên hệ luỵ khó có thể tránh khỏi chính là nguồn tài nguyên bị xâm hại và môi trường ô nhiễm. Để kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững, công tác quản lý tốt nguồn tài nguyên nước, khoáng sản…, bảo vệ môi trường khỏi ô nhiễm là công việc cấp thiết.
Cà Mau là tỉnh đang trong quá trình xây dựng và phát triển, nhất là về công nghiệp, nên hệ luỵ khó có thể tránh khỏi chính là nguồn tài nguyên bị xâm hại và môi trường ô nhiễm. Để kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững, công tác quản lý tốt nguồn tài nguyên nước, khoáng sản…, bảo vệ môi trường khỏi ô nhiễm là công việc cấp thiết.
Ông Nguyễn Văn Ba, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết, những năm gần đây, công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường bước đầu đã đạt được kết quả nhất định. Quản lý, sử dụng đất đai ngày càng chuyển biến tích cực và hiệu quả, có 94% diện tích đất đủ điều kiện được cấp cho tổ chức, hộ gia đình và cá nhân. Quy hoạch sử dụng đất được lập, điều chỉnh kịp thời cũng như phân bổ hợp lý quỹ đất cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó, hệ thống cơ chế chính sách về quản lý tài nguyên và môi trường từng bước được bổ sung, cập nhật, tạo điều kiện thuận lợi hơn để triển khai thực hiện,…
Ra quân thu gom rác thải là một hình thức tuyên truyền người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. (Trong ảnh: Thu gom rác thải ở khóm 3, thị trấn Sông Đốc). |
- Những kết quả cụ thể nào thể hiện sự chuyển biến tích cực trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường thời gian qua như ông đã đánh giá ở trên, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Ba: Một trong những chuyển biến tích cực nhất chính là nhiều doanh nghiệp đã đầu tư đổi mới công nghệ, xây dựng hệ thống xử lý chất thải; công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt được thực hiện tốt, đầu tư lò đốt chất thải y tế. Hiện có 52/56 cơ sở sản xuất lập báo cáo đánh giá tác động môi trường đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chiếm trên 92%, trong đó tập trung ở các cơ sở chế biến thuỷ sản xuất khẩu; 12/14 bệnh viện đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải y tế, 14/14 bệnh viện có lò đốt chất thải y tế nguy hại. Ngoài ra, 8/9 huyện, thành phố đã vận chuyển rác thải sinh hoạt về nhà máy xử lý rác thải tập trung tại TP Cà Mau. Cùng với đó, có trên 5.580 cơ sở ký cam kết bảo vệ môi trường. Từ đó, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường từ các bãi rác sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.
Môi trường nông thôn cũng có nhiều chuyển biến tích cực hơn. Tiêu biểu như đến cuối tháng 9/2015 có 14 xã đạt yêu cầu về cung cấp nước sạch, xử lý rác thải, thoát nước và xử lý nước thải ở các cơ sở sản xuất nông thôn.
Ðối với khu vực đô thị, hoạt động bảo vệ môi trường có chuyển biến tốt hơn nhờ vào các dự án cấp thoát nước cho dân cư đô thị, dự án hợp phần cho dân cư nghèo, dự án cải tạo xây dựng kè ven sông, đặc biệt là dự án nâng cấp đô thị TP Cà Mau. Ðó là những kết quả cho thấy công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đã đạt được những kết quả bước đầu.
- Nhiều ý kiến cho rằng, chất lượng môi trường đang tiếp tục xấu đi và gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ và đời sống của người dân, ông nghĩ thế nào về ý kiến này?
Ông Nguyễn Văn Ba: Ðúng là môi trường vẫn đang ngày một xấu đi và ngày một tác động rõ hơn đến sức khoẻ và đời sống của Nhân dân. Ô nhiễm môi trường nước, không khí đang lan rộng, có nơi trầm trọng, không chỉ ở các khu công nghiệp, khu dân cư đông đúc mà cả ở những vùng nông thôn. Hiện tại tỉnh chưa có khu công nghiệp nào được đầu tư hạ tầng bảo vệ môi trường; các khu công nghiệp và cơ sở công nghiệp còn đan xen trong khu dân cư hay quá gần dân cư. Môi trường trên các tuyến sông khu vực đô thị, khu công nghiệp chưa được kiểm soát tốt, chất thải sinh hoạt của người dân nông thôn tại một số nơi chưa được thu gom xử lý đúng quy định. Tài nguyên thiên nhiên bị khai thác quá mức, thiếu sự kiểm soát. Nguồn nước mặt, nước ngầm nhiều nơi bị suy thoái, cạn kiệt, đa dạng sinh học tiếp tục bị suy giảm… Ngoài ra, nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất còn sử dụng công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Gia tăng dân số, đô thị hoá nhanh đang gây áp lực lớn lên môi trường. Ðó là những tồn tại trong công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường thời gian qua đã khiến môi trường ngày một suy thoái.
- Ở góc độ đơn vị quản lý chuyên ngành, theo ông, thời gian tới cần có những giải pháp gì để công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường ngày một tốt hơn?
Ông Nguyễn Văn Ba cho rằng, môi trường có xu hướng xấu đi nguồn tài nguyên thiên nhiên quản lý chưa tốt, cùng với tác động của biến đổi khí hậu đã gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản của người dân trên địa bàn. Vào mùa mưa thường xuyên xảy ra bão, ngập úng, xói lở với cường độ ngày một tăng. Còn mùa khô thì xảy ra tình trạng hạn hán, xâm mặn tại các vùng đất thấp ven biển, nhiễm mặn nguồn nước, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân. Chỉ tính trong 5 năm trở lại đây (2010-2014) các loại thiên tai như: nước biển dâng, bão, lốc xoáy, sạt lở đất đã để lại thiệt hại nghiêm trọng. Trong đó, có 20 người thiệt mạng, 9 người mất tích, 141 tàu bị chìm. Ngoài ra, có đến 764 căn nhà bị sập, 1.454 căn tốc mái; sạt lở đất ven sông, ven biển với chiều dài trên 15,3 km và có trên 29.584 ha đất sản xuất của người dân bị thiệt hại do nước biển dâng. Ước tính thiệt hại do thiên tai gây ra trong 5 năm gần đây lên trên 75 tỷ đồng. |
Ông Nguyễn Văn Ba: Trước tiên phải nhất quán từ chủ trương đến chính sách của Ðảng về bảo vệ môi trường trong toàn hệ thống chính trị để tiếp tục chỉ đạo điều hành công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Cần tập trung nguồn lực để đầu tư các công trình hạ tầng về bảo vệ môi trường ở khu, cụm công nghiệp cũng như công trình xử lý nước thải, rác thải sinh hoạt. Ưu tiên hỗ trợ phát triển hoàn thiện hệ thống thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh. Tạo môi trường pháp lý và điều kiện thuận lợi để toàn xã hội cùng tham gia với Nhà nước phát triển các dịch vụ môi trường. Gắn bảo vệ môi trường với hoạt động quy hoạch kinh tế - xã hội, quy hoạch khu, cụm công nghiệp và chỉnh trang đô thị.
Bên cạnh đó, cần tăng cường nhân lực, nguồn lực giám sát, phát hiện vi phạm về môi trường, nhất là từ chính quyền cấp cơ sở. Ðồng thời, cần đẩy mạnh xử lý vi phạm theo thẩm quyền, tạo sự nghiêm minh của pháp luật để tăng tính răn đe trong lĩnh vực môi trường. Ngoài ra, cần đầu tư trang thiết bị công nghệ, nhất là trang thiết bị quan trắc tự động về môi trường nước, không khí,… để có những giải pháp hợp lý và kịp thời nhất trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường.
- Xin cảm ơn ông!./.
Bài và ảnh: Phú Nguyễn