(CMO) Không giống như những ngôi trường khang trang khác ở thành thị, ngôi trường của thầy trò vùng ven biển ngày nay vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Hành trình chinh phục con chữ nơi đây là sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của học trò nghèo dưới sự dìu dắt của những người lái đò thầm lặng.
Mái nhà tri thức của học sinh vùng sâu
Những bộ quần áo chẳng còn mới, nhiều chiếc áo màu trắng đã sẫm màu vì thời gian. Rồi bài tập thể dục giữa giờ trong khoảng sân nhỏ lại làm bừng lên khí thế và tinh thần học tập ở ngôi trường nằm trong vùng nông thôn hẻo lánh.
Trường Tiểu học Lê Văn Tám thuộc xã Khánh Hội, huyện U Minh là ngôi trường còn nhiều khó khăn nhất của xã. Trường hiện có 14 lớp học. Năm học 2018-2019 trường đã xoá 1 điểm lẻ, 2 điểm lẻ còn lại nằm cách điểm chính từ 5-10 cây số. Mặc dù nhiều năm qua lộ đã được đầu từ xây dựng nhưng điều kiện đến trường của học sinh vẫn còn cách trở. Điểm xa nhất phải đi một đoạn bằng xe, rồi lại vượt thêm một đoạn bằng xuồng máy mới đến nơi.
Không cổng, không rào, giờ ra chơi không sân hè rộng, cũng không nhiều hàng quán với những đồ ăn vặt thường thấy, khuôn viên nhà trường là một khoảng sân nhỏ được tráng bê tông. Mùa nước về, khoảng sân nhỏ là nơi vui chơi duy nhất của học sinh bị ngập là câu chuyện chẳng còn xa lạ.
Ngày đến trường của nhiều học sinh nơi đây bắt đầu khá sớm. Em nào nhà cách trường 4, 5 cây số mà đi học bằng đò thì 5 giờ đã rục rịch chuẩn bị cặp sách. Có em xa hơn thì 4 giờ đã đạp xe đi. Học sinh lớp 3-5 mỗi tuần có 2 ngày phải học 2 buổi. Để tiết kiệm tiền đò, đỡ mệt mỏi, các em chọn ở lại trường. Có em được cha mẹ nấu cơm mang theo để tiết kiệm chi phí.
Cô giáo Đỗ Hải Yến luôn trách nhiệm và hết mình vì học sinh. |
Khi hỏi về những em học sinh nghèo vượt khó của trường, Hiệu trưởng Tô Minh Phương bộc bạch: “Trường chỉ có 375 học sinh nhưng hiện có tới 88 em thuộc diện hộ nghèo, hơn 100 em phải đến trường bằng đò. Điều kiện của trường còn thiếu thốn, nhà trường luôn tranh thủ các nguồn hỗ trợ để tạo điều kiện cho các em được đi học”.
Cái thiếu thốn, khó khăn của nhà trường ảnh hưởng đến chất lượng dạy học là lẽ đương nhiên. Thế nhưng, điều đáng khích lệ là sự nỗ lực cùng nhau vượt khó của thầy và trò nơi đây và hàng năm trường đều có học sinh giỏi vòng huyện.
Ông Phương tâm tình: “Hiện nay các phòng chức năng đều thiếu, nhiều phòng phải dồn lại một phòng làm việc chung để tận dụng phòng học cho học sinh. Có lớp đông học sinh, bàn học được xếp gần sát phía bục giảng của thầy cô. Mong sao ngôi trường sớm được đầu tư xây dựng để các em có điều kiện học tập tốt hơn”.
Giữ mãi ngọn lửa nghề
Giữa bộn bề thiếu thốn, giờ lên lớp cũng vất vả gấp nhiều lần so với bình thường. Vậy mà những thầy cô giáo đã gắn bó hàng chục năm ở nơi đây. Với họ, việc lên lớp truyền đạt kiến thức cho học sinh không đơn giản là trách nhiệm, mà đó là tình yêu thương.
Cô Lê Thị Thanh Hoa là một trong những giáo viên có thời gian công tác lâu nhất ở Trường Tiểu học Lê Văn Tám. Từ những ngày trường còn khó khăn nhất cho đến hôm nay, cô Hoa đã góp một phân công sức không hề nhỏ. Cô Hoa hiện dạy tại điểm chính. Dẫn chúng tôi ghé thăm từng lớp học, cô vui mừng vì học trò của mình dù khó khăn, thiếu thốn vẫn cố gắng đến trường đều đặn, chăm chú với những bài giảng của thầy cô.
Thêm một sự động viên cho cô giáo và học trò nơi đây chính là sự quan tâm của cộng đồng, xã hội. Cô Hoa phấn khởi: “Từ trước giờ học sinh ở đây làm gì có nơi vui chơi, các em chỉ quẩn quanh sân trường. Vừa qua, Câu lạc bộ Nụ Cười Hồng xuống tận trường để làm cho các em khu vui chơi này. Thầy cô giáo chúng tôi rất vui mừng vì được sự hỗ trợ của mọi người. Đây là động lực để chúng tôi có thêm niềm tin gắn bó với những nơi còn nhiều khó khăn”.
Rời điểm chính với hình ảnh thiếu thốn bộn bề, chúng tôi ghé thăm điểm lẻ của Trường Tiểu học Lê Văn Tám. Cũng còn khó khăn về cơ sở vật chất nhưng năm nay đã có lộ nên việc đến trường của thầy trò bớt vất vả. Đón chúng tôi là cô Đỗ Hải Yến, cô giáo đặc biệt vì mấy năm qua cô nhận nuôi 2 học sinh nghèo bỏ học. Mỗi ngày đến trường, cô Yến chở thêm một học sinh không có xe đi học.
Để đảm bảo thời gian công tác tại trường, hiện cô Yến phải xin vào ở nhà công vụ. Trách nhiệm, lòng yêu nghề chính là sức mạnh giúp cô Yến kiên trì với bao thế hệ học sinh. Cô Yến cho hay: “Đây là năm đầu tiên lộ xe nối đến trường. Những năm trước đây chưa có lộ, phải đi một đoạn xuồng máy mới vô đến trường, vất vả vô cùng”.
Thấy học sinh nghèo quá, học giỏi mà không có điều kiện đi học cô không chịu được. Có một tình thương thôi thúc cô làm điều gì đó cho học trò, vậy là cô Yến nhận đỡ đầu, lo việc ăn học cho các em. Cô Yến bộc bạch: “Trong điều kiện cho phép, mình có bao nhiêu thì giúp bấy nhiêu. Miễn sao các em có thêm điều kiện đến trường, học tập tốt, có thêm một hy vọng tươi sáng ở tương lai".
Những cống hiến hết mình, những việc làm ý nghĩa, tốt đẹp, nghị lực vươn lên của thầy và trò nơi đây đã chiến thắng nhiều thử thách. Giờ đây, việc vượt hơn 70 cây số đi về hay ở lại nhà công vụ với họ có lẽ chẳng còn quan trọng nữa.
Viên phấn trắng vẫn lăn đều trên bảng, giọng giảng bài thánh thót của cô giáo cứ vang xa ngoài cửa lớp. Bên chiếc bàn đã cũ, những đứa trẻ chẳng có quần áo đẹp chăm chú nắn nót từng con chữ…./.
Kim Chi