Tết này, nhiều gia đình ở U Minh không sính rượu Tây, rượu chợ mà thay vào đó rượu trái giác - loại thức uống vừa được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Cà Mau năm 2014 và là sản phẩm mới trên địa bàn tỉnh, được sản xuất tại huyện U Minh. Chủ nhân của những chai “vang rừng” này là ông Trần Trung Quốc, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ du lịch sinh thái Huỳnh Quốc Sơn.
Tết này, nhiều gia đình ở U Minh không sính rượu Tây, rượu chợ mà thay vào đó rượu trái giác - loại thức uống vừa được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Cà Mau năm 2014 và là sản phẩm mới trên địa bàn tỉnh, được sản xuất tại huyện U Minh. Chủ nhân của những chai “vang rừng” này là ông Trần Trung Quốc, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ du lịch sinh thái Huỳnh Quốc Sơn.
Giác là loại dây leo mọc hoang dại rất nhiều trên đất Cà Mau, nhiều nhất phải kể đến rừng U Minh Hạ. Trái giác có hình nút áo, hơi dẹt, to khoảng đầu ngón tay, mọc thành từng chùm. Khi còn non, trái giác có màu xanh phấn, lúc già chuyển màu vàng trong và khi chín có màu tím sậm. Từ lâu, trái giác là món ăn quen thuộc của người dân quê. Trái giác thường dùng nấu canh chua, kho cá. Có người thích nấu trái còn xanh, người lại thích lựa trái chín để nồi canh, nồi kho có màu tim tím trông đẹp mắt. Giờ đây, trái giác đã trở thành nguyên liệu chính để sản xuất rượu - loại “vang rừng” độc đáo ở U Minh.
Công đoạn ngâm ủ lên men rượu trái giác. |
Có dịp đến tham quan tại Khu Du lịch sinh thái của ông Trần Trung Quốc, ở xã Khánh Thuận, huyện U Minh, du khách sẽ được chủ nhân mời thưởng thức vài ly rượu trái giác, loại “vang rừng” được lên men tự nhiên theo cách truyền thống. Rượu trái giác có màu nâu sậm, được đóng chai và có nhãn hiệu hẳn hoi. Hương rượu thơm, vị chua, ngọt, cay nhẹ, rất dễ uống. Chủ nhân của loại rượu này cho biết, cách sản xuất rượu hoàn toàn thủ công. Do được sản xuất bằng công nghệ lên men tự nhiên, vì thế rượu này sẽ lưu giữ những gì tinh tuý nhất của trái giác rừng.
Với lượng tiêu thụ 3-4 tấn trái giác chín mỗi năm, cơ sở chế biến rượu trái giác của ông Quốc đã tạo việc làm cho hàng chục lao động ở địa phương chuyên đi thu hái trái giác. Từ khi có người thu mua trái giác với số lượng lớn, cư dân trên khu vực lâm phần rừng tràm có thêm nguồn thu nhập khá cao. Vào cao điểm mùa trái giác chín, trung bình mỗi lao động kiếm được vài chục ký/ngày, thu nhập từ 150.000-200.000 đồng. Ngoài cung cấp trái giác chín cho cơ sở của ông Quốc, người dân ở xã Khánh Thuận còn có đầu ra với số lượng lớn từ Công ty Cổ phần Sim Phát ở huyện đảo Phú Quốc (cũng để sản xuất rượu).
Hiện nay, rượu trái giác của ông Quốc rất được ưa chuộng do dễ uống và khi say không bị nhức đầu. Có người nói, rượu này còn chữa được một số chứng bệnh đau nhức và bồi bổ cơ thể. Không biết tác dụng chữa bệnh của rượu trái giác như thế nào, nhưng khi thưởng thức nó với các món ngon đồng quê như: lẩu chua lươn, cá lóc nướng trui, cá rô kho tộ, mắm đồng… thì thật hấp dẫn./.
Bài và ảnh: Khánh Vy