Xu thế chung hiện nay của nhiều trường là đào tạo gắn với doanh nghiệp (DN). Trường Ðại học Bình Dương - Phân hiệu tại Cà Mau cũng không ngoại lệ. Vì lẽ đó, thời gian qua, Phân hiệu tăng cường hoạt động tiếp cận DN, với mong muốn mở rộng cơ hội tìm kiếm việc làm cho sinh viên (SV).
- Đổi mới dạy và học, gắn chất lượng với thương hiệu BDU
- Phân hiệu Trường Đại học Bình Dương tại Cà Mau trao bằng tốt nghiệp
Thạc sĩ Lưu Ðức Thượng, Tổ phó tổ Chuyên môn, cho biết: “Ðể SV có thêm động lực, hun đúc lửa nghề, nhà trường đã tạo điều kiện để các em tập sự, tham quan, thực tập nghề ngay từ sớm, đẩy mạnh các hoạt động này khi các em bước vào năm cuối. Tham gia tập sự, thực tập tại DN không chỉ là cơ hội để SV hiểu nghề mà còn là dịp để học tập, trau dồi vốn sống và trưởng thành từ chính môi trường thực tế”.
Việc đẩy mạnh các hoạt động trên còn là cơ hội để nhà trường kiểm tra kiến thức SV, qua đó điều chỉnh nội dung giảng dạy phù hợp với thực tế hiện nay.
Bạn Trương Tấn Phú, SV ngành Quản trị kinh doanh, cho biết: “Tuy mới học năm nhất nhưng em đã được nhà trường tổ chức cho tham quan, tìm hiểu về quy trình làm việc tại DN bên ngoài, thông qua hoạt động Mobiouting tại Mobifone Cà Mau. Tại đây, ngoài những khái quát về chuyên môn, em còn được kết nối, làm quen với các anh chị phụ trách, em nghĩ điều này hỗ trợ mình rất nhiều trong quá trình học tập”.
Tham gia thực tập tại Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh, bạn Trương Tú Trâm, SV năm cuối ngành Luật Kinh tế, hào hứng bộc bạch: “Bước vào năm ba, em đã được trường đưa đi thực tập ở nhiều nơi và đến năm cuối, hoạt động này càng được tăng cường. Qua hơn 1 tháng thực tập tại Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh, em thấy bản thân yêu nghề hơn. Tại đây, em được các cô chú, anh chị hướng dẫn và hỗ trợ rất nhiều về nghiên cứu hồ sơ, quy trình xử lý án, lưu trữ hồ sơ theo số bút lục, tham gia trực tiếp các buổi thực nghiệm điều tra... Ðây cũng là động lực để em cố gắng, sớm hoàn thành việc học và bắt đầu hành trình mới”.
Bạn Trương Tú Trâm, SV năm cuối ngành Luật Kinh tế, nghiên cứu hồ sơ tại buổi thực tập ở Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh.
Bạn La Phạm Vũ Hão, SV năm cuối ngành Tài chính ngân hàng, tâm sự: “Nếu như các năm trước em được tham quan, tìm hiểu khái quát thì bước vào giai đoạn nước rút, em được nhà trường tổ chức cho thực tập tại ngân hàng để hiểu chi tiết. Thời gian tiếp cận bên ngoài đã cho em thêm kiến thức, kinh nghiệm để giúp em tự tin hơn khi tham gia ứng tuyển và công tác sau này”.
Xác định vai trò cầu nối giữa SV với DN là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác giáo dục, Trường Ðại học Bình Dương nói chung và Phân hiệu tại Cà Mau nói riêng đã chủ động kết nối, duy trì và phát triển mối quan hệ này suốt thời gian qua, nhằm giúp SV có cơ hội tiếp cận các nhà tuyển dụng để tích luỹ kinh nghiệm, phát triển kỹ năng nghề và nâng cao cơ hội xin việc sau tốt nghiệp.
Song song với việc tạo cơ hội thực tế, thực tập nghề cho SV, những năm gần đây, Phân hiệu đã ký kết hợp tác (MOU) cùng nhiều DN, công ty như: Ðại Việt Works, iPEC Cà Mau, Công ty Cổ phần MISA... hay gần đây nhất là Ngân hàng TMCP Phương Ðông Cà Mau (OCB). Ðây được xem là động thái quan trọng, thúc đẩy việc học tập nghiên cứu, khởi nghiệp... của SV trong bối cảnh kinh tế tỉnh đang rất cần những người trẻ đa năng. Kết nối chặt chẽ cùng DN sẽ ngày càng phát huy hơn nữa các thế mạnh cho các em, để nâng cao tỷ lệ có việc làm ổn định, phù hợp với năng lực và sở trường của SV.
Anh Châu Long, Kiểm sát viên của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh, chia sẻ: “Trực tiếp làm việc với SV trong đợt thực tập nghề, tôi đánh giá cao tinh thần làm việc và thái độ cầu tiến của các em. Tin rằng, những kiến thức thực tế từ thời gian các em thực tập sẽ là nền tảng để các em tự tin khi ra trường và tìm kiếm công việc phù hợp với bản thân”./.
Minh Sang - Tú Trâm