(CMO) Vậy là xã thứ 5 trong 8 xã của huyện Phú Tân đã về đích nông thôn mới (NTM). Lần này, cái tên được vinh danh rất xứng đáng, rất tự hào, xã cửa ngõ Phú Thuận. Hồi tháng 7 vừa rồi, có chuyến ghé thăm Phú Thuận, chúng tôi dự cảm chắc chắn với Chủ tịch UBND xã Phú Thuận Hồ Hỡi rằng: “Mục tiêu về đích NTM đến cuối năm là dư sức”. Khi đó, ông Hồ Hỡi cũng tràn đầy nhiệt huyết: “Phải dồn sức, nỗ lực để thực hiện lời hứa với bà con, để Phú Thuận thật sự là xã NTM, đẹp giàu, đáng sống”. Chặng đường xây dựng NTM của Phú Thuận phải nói là nhọc nhằn, nhưng những bài học kinh nghiệm của nơi đây thực sự quý báu, thiết thực với bất cứ địa phương nào đang ấp ủ khát vọng xây dựng NTM.
Lấy dân làm gốc
Phú Thuận được chia tách từ Phú Mỹ vào cuối năm 2004, ngay sau thời điểm huyện Phú Tân thành lập. Xuất phát điểm thấp, địa bàn chia cắt, kết cấu hạ tầng gần như không có gì, đời sống Nhân dân còn khó khăn. Phó bí thư Đảng uỷ xã Phú Thuận Lê Văn Đen cho biết: “Phú Thuận gần như bắt đầu mọi thứ khi xây dựng NTM. Phải nói rằng, nhìn đâu cũng thấy thách thức, trở ngại. Nhưng có một chân lý mà chúng tôi ngày càng thấm thía, phải lấy dân làm gốc. Làm sao để dân tin, dân ủng hộ, dân cùng chung sức thì khó mấy cũng thành”. Và điều đó trở thành nguồn gốc của mọi thành tựu, thắng lợi của địa phương này trong chặng đường phát triển.
Tự hào quê hương Phú Thuận - nơi thành lập Mặt trận Dân tộc giải phòng tỉnh Cà Mau. |
“Dễ trăm lần, không dân cũng chịu/Khó vạn lần, dân liệu cũng xong”. Đó là sự nối dài của tư tưởng lấy dân làm gốc của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Ông Hồ Hỡi từng chia sẻ vui rằng: “Dân làm gốc thì đúng rồi, nhưng với dân thì cái gì quan trọng nhất?”. Thế là ông Hồ Hỡi giải thích: “Dân dĩ thực vi thiên”. Nghĩa là với người dân, cái ăn, hay nói rộng ra là cuộc sống, mức sống mới là cốt lõi. Không cách nào khác, phải giúp dân giảm nghèo, thoát nghèo bền vững, có cuộc sống sung túc, đủ đầy cả về vật chất và tinh thần. Dân có giàu, nước mới mạnh. Trong phạm vi một xã, dân có khá giàu thì mới mong mục tiêu xây dựng NTM sớm hoàn thành.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Phú Thuận là một trong những địa phương tiên phong trong việc xây dựng phương châm xây dựng NTM trên địa bàn, đó là đạt được "4 chữ đồng": đồng lòng, đồng thuận, đồng hành và đồng tiến; trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện xây dựng NTM phải xác định và thể hiện "4 rõ", đó là: rõ về trách nhiệm của từng tổ chức; rõ về nội dung, nhiệm vụ phải thực hiện của từng tổ chức; rõ về phương thức, biện pháp, cách thức tổ chức thực hiện của tổ chức mình; rõ về kết quả đạt được do tổ chức mình tạo ra.
Lão nông Dương Thành Nhỏ, ấp Đất Sét với mô hình rẫy màu, nuôi gà công nghệ cao, từ lâu đã trở thành ngọn cờ tiên phong trong mô hình kinh tế hộ ở Phú Thuận. |
Đối với cán bộ, đảng viên, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo phải thực hiện nghiêm, đầy đủ "4 phải", đó là: phải ưu tiên tập trung dành thời gian, công sức, trí tuệ để lãnh đạo, chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra việc tổ chức thực hiện; phải gần gũi, tôn trọng, thấu hiểu, đối thoại, giải thích, giải đáp, giải quyết kịp thời, có kết quả những vấn đề mà thực tiễn đang đặt ra đối với nông dân trong quá trình sản xuất và đời sống; bản thân và gia đình phải gương mẫu thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ nơi cư trú; phải thống nhất giữa lời nói và việc làm để làm gương tốt, tạo sự lan toả nhằm phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động trong quá trình thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ.
Theo ông Đen, "Dân vận khéo" trong xây dựng NTM là chìa khoá mở ra mọi khúc mắc, trở ngại. NTM không phải là cái gì chung chung, cao siêu, trừu tượng mà thiết thực, cụ thể. Làm sao để "dân biết, dân bàn, dân quyết định, dân làm, dân giám sát, dân thụ hưởng". Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, việc phát huy trí tuệ và sức mạnh của Nhân dân, huy động hợp lý các nguồn lực trong dân để xây dựng NTM là cực kỳ quan trọng. Lưu ý, mọi huy động đóng góp của dân phải được bàn bạc, công khai, dân chủ, đồng thuận cao trong cộng đồng dân cư để Nhân dân hiến kế, đề xuất cách thức thực hiện, khi Nhân dân thấy được kết quả, lợi ích thiết thực, từ đó tăng thêm lòng tin, đồng lòng, đồng thuận của Nhân dân trong quá trình thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng NTM.
Phú Thuận khởi sắc
Trong chặng đường hơn 10 năm xây dựng NTM, trong đó có 5 năm quyết liệt hoàn thiện các tiêu chí, Phú Thuận đã tạo ra sự thay đổi thần kỳ trên mảnh đất anh hùng. Chủ tịch cựu chiến binh xã Phú Thuận Bùi Trung Lập dẫn chúng tôi dạo một vòng trên quê hương, lòng đầy tự hào: “Hồi trước đi xuống các ấp chỉ lội sình, đi xuồng, bây giờ xe chạy bon bon thấu đến tận những nhánh xa nhất. Đời sống người dân không ngừng phát triển, còn rất ít hộ nghèo”. Theo số liệu mới nhất, Phú Thuận chỉ còn 1,5% hộ nghèo trong tổng số gần 2.600 hộ của toàn xã.
Đời sống Nhân dân được nâng lên toàn diện, sức dân được bồi đắp và đáng trân quý thay, nguồn lực đóng góp của Nhân dân đã trở thành chất xúc tác tuyệt vời của Phú Thuận trong chặng đích tăng tốc xây dựng NTM. Trong tổng kinh phí xây dựng NTM hơn 41 tỷ đồng của Phú Thuận, thì đóng góp của người dân ở mức hơn 9 tỷ đồng. Phú Thuận khoác lên mình chiếc áo mới đẹp tươi, trù phú. Nói như ông Hồ Hỡi: “NTM ở Phú Thuận là để người dân sống vui, sống khoẻ, sống đủ đầy cả vật chất và tinh thần. NTM là giàu, là đẹp, là người dân tự hào về nơi mình sống và muốn gắn bó, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình”.
Lão thành cách mạng Cao Hữu Thạo, ấp Giáp Nước, bộc bạch: “Thời kháng chiến, cán bộ, bộ đội đâu tiếc gì sống chết, để mong sao đất nước hoà bình, độc lập. Nhiệm vụ của cán bộ thời bình bây giờ là giữ cho được thành quả cách mạng, làm cho dân giàu, nước mạnh. Cán bộ phải gần dân, đi cơ sở nhiều để biết dân nghĩ gì, nói gì, làm gì”. Theo đó, ông Thạo đánh giá cao năng lực, đạo đức của cán bộ Phú Thuận hiện nay. Ông Thạo nói về sự đổi thay của quê hương Phú Thuận mà lòng rưng rưng: “Lớp người cỡ tuổi chú đã đi gần hết rồi. Chú may mắn vì còn sống để thấy Phú Thuận mình giàu đẹp lên. Sống như vầy là quá sướng rồi”.
Hầu như về Phú Thuận lần nào, chúng tôi cũng ghé thăm lão nông Dương Thành Nhỏ, ấp Đất Sét. Bởi ông Nhỏ được bà con tặng cho biệt danh rất ngộ: “Nông dân giỏi nhất xã”. Từ nghề rẫy, nghề chăn nuôi, ông Nhỏ đã trở thành phú nông trên vùng đất mặn. Thu nhập bình quân từ nghề rẫy và chăn nuôi của ông xấp xỉ 20 triệu đồng/tháng. Hiện giờ, gia đình ông Nhỏ tập trung vào đàn gà công nghệ cao, giá cả và đầu ra ổn định. Đối với ông, đất đai bỏ hoang tạp là thấy trong người bứt rứt. Ông Nhỏ trồng rẫy… để giải trí, bởi ông nói rằng: “Tôi không lao động là muốn bệnh liền”.
Lần giở lịch sử, Phú Thuận vào tháng 11/1960 là nơi thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh Cà Mau. Cũng từ đây, phong trào cách mạng Cà Mau chuyển sang giai đoạn mới, dùng bạo lực cách mạng để chiến thắng bạo lực phản cách mạng. Phú Thuận trở thành căn cứ địa anh hùng, Nhân dân nơi đây trọn lòng sắt son với Đảng, với Bác Hồ. Mảnh đất ấy xứng đáng lắm, tự hào lắm với mốc son về đích NTM. Không khí rộn ràng, phấn chấn, náo nức lòng người đang thấm sâu, lan toả trên khắp quê hương./.
Phạm Hải Nguyên