ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 2-5-25 10:32:44
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Dấu chân người lính

Báo Cà Mau Ở tuổi 86, trải qua chiến trường 3 nước Ðông Dương, cựu chiến binh Nguyễn Tường Nuôi còn giữ được quyển sổ tay ghi chép những chặng đường, những cảm xúc của đời người, đời lính suốt cuộc trường chinh đánh giặc ngoại xâm, giành độc lập, thống nhất đất nước.

Ở tuổi 86, trải qua chiến trường 3 nước Ðông Dương, cựu chiến binh Nguyễn Tường Nuôi còn giữ được quyển sổ tay ghi chép những chặng đường, những cảm xúc của đời người, đời lính suốt cuộc trường chinh đánh giặc ngoại xâm, giành độc lập, thống nhất đất nước. Trân trọng với những trang nhật ký, như là một kỷ vật chiến tranh, tôi cố sắp xếp lại theo dòng chảy của lịch sử qua các sự kiện tiêu biểu mà cuộc đời ông đã đi qua, qua đó giúp cho thế hệ trẻ hiểu thêm ý chí và sức mạnh của cha anh mình trong những năm tháng hào hùng. Xin giới thiệu cùng quý độc giả!

12 giờ ngày 5/1/1955

Tàu Angen của Liên Xô nhổ neo rời Sông Ðốc, đây là chuyến thứ 29 chở bộ đội, cán bộ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc. Tôi đứng trên boong tàu nhìn vô bờ chào tạm biệt lần cuối, hẹn 2 năm trở về.

Trong cảnh kẻ ở người đi lưu luyến, tôi không khỏi mủi lòng bởi ai ai cũng có người thân đưa tiễn, còn tôi thì trơ trọi chỉ mỗi một mình. Tôi không khóc, mà sao nước mắt trào ra. Tám năm trong quân ngũ, từ liên lạc Liên chi đội 18 đến liên lạc Trung đoàn 123, 125, đến trinh sát Tiểu đoàn 307, ý thức chính trị của tôi đã trưởng thành nhiều. Là con thứ 5 trong gia đình cố nông ở Voi Vàm - Lợi An, lớn chút đi chăn trâu thuê, 15 tuổi đã theo làm liên lạc Liên chi đội 18. Chính ngay cái họ Nguyễn của tôi cũng là một nỗi đau. Cha tôi họ Trần, nhưng vì nghèo quá, nuôi không nổi con mình, đành phải cho người bà con họ Nguyễn, vậy là cái họ Nguyễn gắn với tên Tường Nuôi bắt đầu từ đó. Mấy năm ở Tiểu đoàn 307, tôi mới nhận ra cha mẹ ruột của mình. Cho nên, giờ phút chia tay này, tôi không có ai đưa tiễn cũng là điều dễ hiểu.

Ông Nguyễn Tường Nuôi (bìa trái) cùng tác giả bên quyển sổ tay ghi chép những cảm xúc trong suốt cuộc trường chinh đánh giặc.           Ảnh: HOÀNG VŨ

Nhìn hàng trăm cánh tay với hai ngón đưa lên ra dấu 2 năm sẽ trở về trong tiếng cười, tiếng khóc, tôi lại cứng lòng, cất lên bài hát quen thuộc “Chúng ta sẽ tạm rời xa miền Nam quý mến, dẹp tình riêng, dẹp đời tư, vì lợi ích chung Tổ quốc…”.

Tàu bắt đầu quay mũi ra biển mênh mông sóng, mênh mông nước; lá cờ đỏ búa liềm phất phới tung bay. Cảm ơn Cách mạng Tháng Mười Nga, cảm ơn Hồng Quân Liên Xô.

Ngày 20/7/1956

6 tháng chỉnh huấn, rèn luyện ở Ninh Bình, đơn vị hành quân về Hà Ðông, thấp thoáng câu thơ “vải tơ Nam Ðịnh, lụa Hà Ðông”.

Theo Hiệp định Geneva, ngày này hai miền tổ chức Tổng tuyển cử thống nhất đất nước, nhưng quan thầy Mỹ và tay sai Ngô Ðình Diệm đã phản bội, nên lời hứa bằng hai ngón tay của chúng tôi không thực hiện được. Cuộc tổng tuyển cử thống nhất nước nhà đã đi qua, âm mưu phá hoại Hiệp định Geneva, chia cắt lâu dài đất nước ta, biến miền Nam thành tiền đồn chống Cộng ở Ðông Nam Á của Mỹ nguỵ đã rõ. Chúng tôi ngồi quanh bình trà, nhắc về quê hương, về gia đình mà lòng quặn đau, ai nấy cũng nghĩ tìm cách quay về miền Nam, mặc dù các cuộc chỉnh huấn, học tập chính trị đã giải quyết tư tưởng rất nhiều.

Ngày 19/10/1958

Các chiến sĩ miền Nam vinh dự được Bác đến thăm. Nói sao cho hết niềm vui được gặp và nghe Bác nói chuyện: “Bộ đội Nam Bộ đánh giặc giỏi, công tác hăng, sản xuất cừ, huấn luyện tốt nhưng có nhược điểm là mất đoàn kết…”. Những lời huấn thị của Bác đã thấm sâu trong chúng tôi, ai nấy đều cố gắng phấn đấu, sửa chữa những sai sót của bản thân để trở thành người cán bộ tốt, phục vụ Nhân dân. Ðây là lần thứ hai tôi gặp Bác.

Cuối tháng 10/1958

Cả đơn vị đi lao động ở công trình thuỷ nông Bắc Hưng Hải nằm cạnh làng gốm Bát Tràng, ven sông Hồng. Ðơn vị đi lao động kỳ này lấy tên là Ðoàn Cửu Long, phần lớn là cán bộ chiến sĩ các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Long Châu Hà, Cà Mau. Suốt một tháng, Ðoàn Cửu Long lao động rất cừ, với khẩu hiệu: "Vì miền Nam ruột thịt, vì miền Bắc xã hội chủ nghĩa, vì thống nhất Tổ quốc".

Ðầu tháng 12/1958

Toàn Sư đoàn làm lễ truy điệu hàng trăm tù chính trị bị thảm sát ở Nhà tù Phú Lợi, có Ðại tướng Võ Nguyên Giáp dự. Lần nữa, các cán bộ, chiến sĩ miền Nam sục sôi căm thù, đòi trở về miền Nam chiến đấu. Sáu lần 20/7 trôi qua, đất nước vẫn bị chia cắt. Luật phát xít 10/59 đặt Cộng sản ra ngoài vòng pháp luật của Mỹ Diệm đã biến miền Nam thành nhà tù; đồng bào vô tội, cán bộ kháng chiến cũ bị bắt bớ, đánh đập, giam cầm, giết hại. Máu của đồng bào, đồng chí miền Nam đã đổ, những người ruột thịt chúng tôi đã đổ. Thật là "ngày Bắc đêm Nam".

Mùa xuân 1961

Trời se lạnh, các cán bộ, chiến sĩ miền Nam thường nhìn về hướng Nam, những dãy núi nhấp nhô xanh rờn, những đùn mây xa thẳm, những con hoạ mi cổ trắng bay cao, từng tốp chim câu điểm trên nền trời, “chim ơi chim, chim nhắn giúp dùm ta đôi câu rằng, ta luôn nhớ miền Nam, không bao giờ phai, này chim ơi, chim…”. Ðó là câu hát, cũng là nỗi lòng của chúng tôi.

Chủ nhật, ngày 5/7/1961

Ðang cùng bạn bè đi dạo phố, bỗng có người tìm. Có lệnh mời đồng chí về gấp. Về đến đơn vị, đồng chí phụ trách giục: ăn cơm đi, ăn xong đã… Cơm nước xong, đồng chí phụ trách cho biết, tôi có lệnh đi công tác “đặc biệt”. Ðúng 11 giờ ngày… có mặt ở điểm O thì rõ. Ðúng giờ quy định, tôi và các đồng chí có tên đến điểm O để nhận nhiệm vụ.

- Ðồng chí được quyết định nhận nhiệm vụ mới rất nặng nề, nhưng rất vẻ vang, ra nước ngoài.

Người thay mặt Bộ Tư lệnh Sư đoàn nói vừa dứt lời thì nước mắt tôi trào ra, bất giác tôi thấy mình được Ðảng, quân đội tin tưởng. Tối lại không sao ngủ được, mừng nhiều, nhưng lo cũng không ít. Ngày mai sẽ ra sao?

10 giờ, ngày 8/1/1961

Chúng tôi đến Sân bay Gia Lâm, trời lất phất mưa phùn và rét đậm. Chiếc 379514 vận tải quân sự của Liên Xô bắt đầu cất cánh. Vậy là, khi tôi đi tập kết thì tàu hải quân Liên Xô đưa đi, nay ra nước ngoài các đồng chí không quân Liên Xô lại gánh vác. Thật là chí tình, chí nghĩa.

Hơn 1 giờ sau, máy bay hạ cánh xuống cánh đồng Chum Thượng Lào, nơi mà bộ đội nước bạn mới giải phóng 7 ngày.

Kể từ đây, tôi có dịp hành quân khắp nẻo ở Thượng Lào, thích nghi với khí hậu, bởi độ cao của Lào thường 1.000 m so với mặt biển.

Dưới sự chỉ huy của đồng chí Chu Huy Mân, lúc này được gọi là Thao - Chanh, trong đội hình Ðoàn 959, tôi nhanh chóng thích nghi với kẻ thù mới, trong tôi có ý nghĩ, quân nguỵ của Lào cũng như quân nguỵ ở miền Nam, diệt nguỵ Lào cũng như diệt nguỵ Sài Gòn. Ðầu tiên là đánh Pa Ðông, tháng 4 đánh Bản Ban, tháng 8 đánh Mường Khưng, Song Hắc, tháng 9 đánh Mường Suổi… Nếu như trước đó chúng tôi có ngày Bắc đêm Nam, thì 2 lần 20/7/1961-20/7/1962 khi sát cánh cùng bộ đội Pa Thét Lào đã được thay ngày Lào đêm Hà Nội. Cái mốc 20/7 mỗi năm đến với chiến sĩ cán bộ miền Nam sâu lắm, cứ lấy đó mà nhớ quê hương, mà học tập và chiến đấu.

Trong một trận đánh tôi bị thương nằm ở quân y dã chiến, các y, bác sĩ chăm sóc rất chu đáo, trong đó có Bác sĩ Cúc Thanh, người ở Gia Ðịnh, người con gái có nước da ngăm mịn, có giọng nói dịu dàng, gương mặt phúc hậu. Chẳng bao lâu, tôi và Cúc Thanh có cái gì đó mên mến nhau. Ngày ra trạm quân y về đơn vị, Cúc Thanh tiễn đưa tôi một đoạn đường khá xa. Tôi và Cúc Thanh cùng lững thững nhịp bước trên con đường men theo bìa rừng của đất nước Lào.

Là con trai đã hơn 30 tuổi, dạn dày trận mạc, nhưng trước Cúc Thanh, tôi cảm thấy mình như đứa trẻ, bối rối không chọn được lời nào để bắt chuyện. Bỗng Cúc Thanh lên tiếng: "Ba má anh còn không? Anh có tất cả mấy anh em, có vợ chồng hết chưa? Còn anh thì…". Cúc Thanh dừng lại, tôi chạm vào đôi mắt tròn của Cúc Thanh, có một âm thanh ngọt ngào từ hai trái tim.

Về nước, tôi gặp Cúc Thanh ở câu lạc bộ thống nhất, mừng quá, cùng dạo mát bên bờ Hồ Tây. Cúc Thanh mặc quân phục hàm thiếu uý quân y chững chạc. Tôi và Cúc Thanh ngồi bên bờ hồ trò chuyện đến khuya với mấy gói lạc rang. Tôi và Cúc Thanh hẹn khi nước nhà thống nhất sẽ đưa nhau về thăm hai gia đình. Có lẽ đó cũng là lời hẹn ước.

Một ngày cuối thu năm 1964, tôi ra Hà Nội từ giã Cúc Thanh để trở về Nam. Bịn rịn, lưu luyến, tôi đánh bạo hôn lên má Cúc Thanh, cái hôn vội vàng mà nồng cháy, một cảm giác lâng lâng, một tình yêu rực dậy. Và rồi, tôi đã vượt Trường Sơn về Nam.

Ngày 25/11/1964

Hơn mươi ngày rèn luyện thể lực, chuẩn bị lương thực, thay đổi trang phục, chúng tôi rời Thọ Xuân - Thanh Hoá bắt đầu chuyến vượt Trường Sơn.

Có lẽ Thọ Xuân - Thanh Hoá, làng Ho - Quảng Bình, lịch sử đã giao cho nó làm nhiệm vụ đầu cầu cho những đoàn quân vào Nam đánh giặc.

Không có khó khăn nào cản nổi bước chân người lính được trở về miền Nam ruột thịt. Vượt qua bao suối, bao khe, bao đỉnh núi chon von làm nên cổng trời, những cánh rừng già nguyên sinh, những đêm mưa rừng rả rích, những cơn sốt rét rừng tai hại, đoàn cán bộ quân báo của Bộ Tổng Tham mưu với 100 con người, còn gọi là Ðoàn 95, do anh Tư Tây làm trưởng đoàn cũng đã đến chiến khu Dương Minh Châu sau 75 ngày đêm.

Rừng miền Ðông dù rất xa lạ với sông nước miền Tây Nam Bộ, nhưng sao tôi vẫn thấy gần gũi với mảnh đất Cà Mau cuối cùng của mình. Mỗi khu rừng đều có những thứ trái, lá rất đặc trưng, nào lá béc, lá giang, lá kéc, lá bứa; trái thì có trái gùi, trái dâu; rau củ thì có tàu bay, nấm, măng le, củ chụp; thịt rừng có cò ngãn, cheo, gà rừng, nai, mễnh… Dưới sông, suối có cá, lươn… Nói rừng thiêng nước độc cũng đúng, bù lại rừng đã cung cấp thức ăn, nước uống cho chúng tôi như cái vựa hậu cần tại chỗ.

Tôi được biên chế trong cơ quan quân báo của Bộ Tư lệnh miền Nam, sau đó xuống Sư đoàn 5. Ngày 20/2/1966, đánh tiêu hao nặng Tiểu đoàn Mỹ ở Bà Rịa - Tầm Vó. Ngày 27/2/1965, đánh Võ Su diệt Tiểu đoàn của Sư 10 nguỵ. Ngày 28/2 đánh Võ Su lần 2. Tháng 6 đánh tiêu diệt một tiểu đoàn Úc ở Núi Ðất. Tháng 11/1965, đánh Bình Sơn.

Tháng 4/1967 đi Tây Bắc. Ngày 5/8/1967 nhận nhiệm vụ trinh sát Núi Dinh. Tháng 9 hành quân đến vùng biên giới Campuchia. Tết Mậu Thân, bộ phận trinh sát đánh chiếm Sân bay Biên Hoà. Tháng 4/1968 đi phục vụ ở Biên Hoà và Trảng Bom; về Tây Ninh đánh Ðường 22, 26, Chà Là, Bến Củi; đi phục vụ đánh núi Bà, diệt Lữ đoàn 1 của Sư đoàn 25 bộ binh Mỹ, còn có biệt danh là tia chớp nhiệt đới.

Ngày 3/9/1969

Trong tôi không có lời lẽ nào khác hơn mấy mươi triệu đồng bào mình khi khóc Bác. Là một gia đình cố nông, tham cách mạng ngày 2/2/1946, trải qua 23 năm được Ðảng, Bác Hồ dẫn đường chỉ lối, được 2 lần gặp Bác, cuộc chiến đấu đang hồi quyết liệt, cam go, cài băng tang trên ngực, chúng con quyết thực hiện lời hịch của Bác: "Ðánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào. Tiến lên! Chiến sĩ đồng bào! Bắc, Nam sum họp xuân nào vui hơn".

“… Tôi sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng, thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta…”. Lời di chúc của Bác để lại cho toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân sao mà thương mà buồn không rứt ra được.

Tháng 9/1969

Trên chiến trường Phước Long, Bình Long, tôi nhận được bức thư từ Hà Nội gởi vào. Bìa thư đề: "Võ Nguyên, hòm thư… Thân gởi Nguyễn Tường Nuôi, hòm thư 8000 yk". Trong thư ghi: "…Tao báo cho mầy rõ, người hứa hôn với mầy từ ngày mầy về trong đó, cô ấy rất tích cực công tác, đi bổ túc thêm 1 lớp bác sĩ chuyên khoa, về công tác ở Bệnh viện 108 - bệnh viện lớn của quân đội. Mùa hè 1968, trong 1 trận bom B52 ở Khu 4, Cúc Thanh đã hy sinh tại một bệnh viện dã chiến trong khi mổ cho thương binh…”.

Cuối thư ghi "Hà Nội, ngày 20/3/1968. Võ Nguyên, người bạn thân của mầy".

Ðọc xong thư, tôi cố giữ bình tĩnh, nhưng sao lòng tràn ngập nỗi buồn, hút liên tục 4 điếu thuốc, tôi chỉ còn biết thầm thì: "Cúc Thanh ơi, Cúc Thanh, nào ngờ chiếc hôn đầu của anh lại là chiếc hôn cuối... Chiến tranh, ôi bao đau thương...".

Campuchia tháng 4/1970

Về phụ trách trinh sát ở Trung đoàn 201 làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia. Trong đời, tôi không nghĩ mình phải trải qua nhiều cực khổ, giáp mặt với nhiều hiểm nguy như thế. Hai năm ở chiến trường Lào, ba năm ở miền Ðông, nay lại sang Campuchia. Nhưng đó cũng là một niềm hạnh phúc của đời lính.

Ngày 5/4/1971, đánh Rây Quy. Ngày 26/5/1971, đánh Chùa Mới phía Bắc Kompon Thom. Ngày 2/9/1971, nắm tổ trinh sát phục vụ C2, E201, đánh Ngã Tư Chợ Cháy, mở đầu cho chiến dịch Chen La 2. Ngày 4/9/1971, đánh Sà Ðâu. Ngày 5/9/1971, phục kích đánh Mà Niêu. Ngày 7/9/1971, đánh Nha Chi, Bộ - Kha. Ngày 2/10/1971, đánh phục kích ở Fum Ô-ta-ki. Ngày 4/10/1971, đánh ở chùa Chó Ðá dọc lộ 6.

Ngày 10/7/1972

Về làm trợ lý nghiên cứu địch tình khu vực hoạt động của Ban 2. Tháng 8/1972 đi công tác vùng Siêu Rệp, Angko chuẩn bị mở chiến dịch An-ko-chay 3. Giữa tháng 9/1972, về Kompon Chàm. Tháng 2/1973, đánh Phum Rột. Ði qua Rầm Lơn, Ba Rài, Cha Chà gặp mùa thốt nốt, uống mấy ngụm, cơ thể tươi tỉnh ra. Tháng 6/1973 về Ða-Tưng…

 ***

Tôi cố gắng sắp xếp lại từng trang vở đã rời ra, giấy ố vàng. Thật ra, có đoạn tôi cũng không biết ông viết cho ai. Ðôi chỗ, cần hỏi thêm, tôi phóng xe đến nhà ông ở số 5, ấp Bà Ðiều, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau. Trong căn nhà cấp 4, một chiếc giường nhỏ được đặt trong căn phòng nhỏ, bên giường bệnh, ông chậm rãi cung cấp cho tôi thêm đôi chỗ.

Có một điều, trong quyển nhật ký này ông có viết: «Ai là người được xem quyển nhật ký của tôi, đứa em gái út là Kim Hoa, kế đó là ai? Tôi còn đắn đo cho xem hay không cho xem… ». Thành ra, tôi là người may mắn được ông tin dùng, cho đọc những dòng chữ, cũng là đọc nội tâm của ông trong những sự kiện liên quan. Nhiều trang nhật ký rất «đỏ» của ông viết về Ðảng, Bác Hồ. Có chỗ, tôi tiếc ông không ghi được nhiều chi tiết. Ðành vậy, đời lính còn lưu giữ được số trang nhật ký ấy quả là khó tìm.

Hoàn thành nhiệm vụ 2 năm ở chiến trường Campuchia ở địa bàn Kompon Chàm, trong đội hình Trung đoàn 201, ngày 23/12/1973, ông Nguyễn Tường Nuôi về nước và được phân công về quê nhà với vai Phó Ban Quân báo Tỉnh đội Cà Mau, bước chân ông đã khép kín vòng tròn 3 nước Ðông Dương.

Hơn 40 năm trong quân ngũ, sở trường của ông là thông tin, trinh sát, quân báo, có nhiều vụ triển khai các mệnh lệnh của Bộ Tổng Tham mưu, Quân uỷ miền Nam, phục vụ các sư đoàn, trung đoàn chiến đấu. Bản thân ông đã phục vụ và trực tiếp đánh 35 trận cấp đại đội trở lên với 5 loại kẻ thù: thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, chư hầu Úc, nguỵ Sài Gòn, nguỵ Lào và nguỵ Campuchia. Ông được tặng thưởng 10 huân chương các loại. Một đời lính đi khắp năm sông bảy núi, 44 tuổi cưới chị Nguyễn Thị Nhàn ở xã Phú Hưng, huyện Cái Nước làm vợ.

Trực tính, quyết đoán, ông là mẫu người để đánh giặc./.

Nguyễn Thái Thuận ghi

Liên kết hữu ích

Món quà ký ức

Trong căn nhà đơn sơ trên đường Lý Văn Lâm (Phường 1, TP Cà Mau), cựu chiến binh (CCB) Lâm Anh Lữ cầm trên tay cuốn “Kỷ yếu Ban Liên lạc Thị đội Cà Mau và Huyện đội Châu Thành” vừa in xong, mắt ánh lên niềm vui và xúc động: “Cuối cùng thì cũng hoàn thành. Mừng lắm!”. Gương mặt rạng ngời, tay ông run run lật từng trang sách còn thơm nồng mùi giấy mới...

Nhớ ngày tiếp quản Cà Mau

Ngày 30/4, ngày lịch sử trọng đại của dân tộc, ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam khỏi ách thống trị của bọn xâm lược và bè lũ tay sai, ngày mà triệu triệu người Việt Nam vỡ oà hạnh phúc.

50 năm - Bản hùng ca bất diệt

“Đại thắng mùa xuân năm 1975 là bản anh hùng ca bất diệt, là chiến công vĩ đại nhất trong lịch sử hào hùng dựng nước và giữ nước của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Chiến thắng đó đã chấm dứt hơn 100 năm đô hộ, xâm lược của chủ nghĩa thực dân, đế quốc”, đồng chí Nguyễn Hồ Hải - Bí thư Tỉnh Uỷ nêu tại buổi Họp mặt Kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 26/4.

Học sinh miền Nam đặc biệt

Trong ký ức của các thế hệ học sinh miền Nam (HSMN) tập kết ra Bắc, luôn có hình ảnh hai gương mặt rất đặc biệt, đó là hai chị em người da đen Irene và Monique. Trong suốt những năm tháng học tập, bạn bè chỉ biết họ được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nuôi dưỡng, còn gốc gác cụ thể thì ít người rõ.

Tự hào lịch sử, khơi mở tương lai

Cách đây 50 năm, dưới sự lãnh đạo của Ðảng ta, cả dân tộc đã làm nên Ðại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ðây là mốc son chói lọi của cách mạng Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, như Văn kiện Ðại hội lần thứ IV của Ðảng (1977) tổng kết: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của Nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người và đi sâu vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”.

Ngày 30/4/1975 Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng

Thực hiện mệnh lệnh của bộ tư lệnh chiến dịch, đêm 29, rạng sáng 30/4/1975, các binh đoàn chủ lực trên từng hướng đồng loạt tiến công vào nội đô, đánh chiếm các mục tiêu then chốt của chiến dịch.

Nhớ ngày lịch sử vẻ vang

Năm mươi năm được sống trong độc lập tự do, hưởng hạnh phúc cùng toàn dân tộc, tôi luôn biết ơn và trân trọng những gì mà người chiến sĩ cách mạng trên mọi mặt trận đã cống hiến, hy sinh để giành lại hoà bình, ấm no hôm nay.

"Báu vật" của gia đình

Gần 30 năm qua, kể từ khi người cha thân yêu qua đời, ông Nguyễn Thanh Phong (Ba Phong), sinh năm 1951, ngụ Khóm 2, thị trấn Thới Bình, huyện Thới Bình, vẫn cất giữ cẩn thận những "báu vật" của gia đình. Ðó là những tấm huân chương quý giá do Ðảng, Nhà nước tặng thưởng cha ông - cụ Nguyễn Văn Lỳ, ghi nhận thành tích đóng góp trong sự nghiệp cách mạng, bảo vệ Tổ quốc.

Nơi nhắc nhớ, tri ân những anh hùng

Ðối với người dân ở thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển cũng như người dân Cà Mau, Di tích Bến Vàm Lũng là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống, cũng là nơi thể hiện lòng tri ân những người anh hùng hiên ngang mở đường, góp sức làm nên những chiến công hiển hách. Ðể ngày nay, trước thời khắc đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt Ðường Hồ Chí Minh trên biển, người dân Cà Mau hướng về đây với cảm xúc tự hào và lòng biết ơn sâu sắc.

Về nơi con tàu đầu tiên cập bến

Những ngày tháng Tư lịch sử này, giữa niềm vui chung hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, lòng người dân Rạch Gốc - Tân Ân lại rộn ràng hơn, bởi cái tin bến Vàm Lũng chuẩn bị đón nhận bằng Di tích Quốc gia đặc biệt. Với họ, những con người của vùng đất đã góp phần cùng Phan Ngọc Hiển làm nên Khởi nghĩa Hòn Khoai lịch sử năm 1940 này, ký ức một thời từng gắn bó ruột rà, máu thịt với Ðoàn 962 như sống dậy, đằm thắm yêu thương, chen lẫn tự hào.