Phát huy kết quả đạt được đã qua trong công tác CCHC, bước sang năm 2025, Cà Mau tiếp tục đẩy mạnh đổi mới thể chế, sắp xếp bộ máy tinh gọn gắn với xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số, hướng đến kiến tạo một nền hành chính hiện đại, thân thiện và tận tâm phục vụ Nhân dân.
- Ðổi mới nội dung, nâng cao hiệu quả kiểm tra
- Hỗ trợ đăng ký thành lập, hoạt động doanh nghiệp
- Nhiệm vụ mới của ngành công an dần đi vào nền nếp
Sau sắp xếp, Sở Dân tộc và Tôn giáo Cà Mau đảm bảo hoạt động ổn định, hiệu quả.
Quyết liệt thực hiện 44 nhiệm vụ
Theo Kế hoạch CCHC năm 2025, Cà Mau thực hiện 44 nhiệm vụ (đã thực hiện 12 nhiệm vụ); đồng thời Trung ương giao 9 nhiệm vụ (đã thực hiện 2 nhiệm vụ).
Với tinh thần quyết liệt, chỉ trong quý I năm 2025, số lượng các văn bản quy phạm pháp luật được UBND tỉnh ban hành khá ấn tượng, với 15/37 quyết định, tỷ lệ 40,54%, cho thấy quyết tâm gỡ bỏ những “rào cản” thể chế; đồng thời ban hành 29 quyết định công bố 270 thủ tục hành chính (TTHC), tất cả TTHC được công khai trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia theo quy định. Ðến nay, số TTHC đang thực hiện tại các cấp là 2.156 thủ tục (cấp tỉnh 1.571 thủ tục, cấp huyện 398 thủ tục và cấp xã 187 thủ tục).
Ðể tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh quyết định cắt giảm thời gian giải quyết đối với 5 TTHC, từ 20% trở lên khi công bố TTHC. Tính đến nay, toàn tỉnh có 1.380 TTHC được cắt giảm thời gian giải quyết so với quy định.
Trong quý I, Ðoàn kiểm tra CCHC tỉnh đã tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên hồ sơ TTHC lĩnh vực đất đai (bao gồm trích lục và trích đo địa chính) tại Chi nhánh Văn phòng Ðăng ký đất đai các huyện: Ðầm Dơi, Trần Văn Thời và Ngọc Hiển. Ðồng thời, đoàn đã liên hệ trực tiếp với tất cả người dân có tên trong các hồ sơ này để khảo sát mức độ hài lòng về quá trình giải quyết thủ tục. Mục đích của hoạt động này là đánh giá kết quả giải quyết TTHC và mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với lĩnh vực đất đai.
Qua kiểm tra cho thấy, tất cả hồ sơ đều có giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả; hầu hết hồ sơ TTHC lĩnh vực đất đai và hồ sơ trích đo địa chính thửa đất được giải quyết trước hạn, đúng hạn; đa số người dân hài lòng đối với sự phục vụ của đơn vị được kiểm tra. Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp người dân không hài lòng đối với sự phục vụ của đơn vị được kiểm tra; người dân phải đi lại nhiều lần để thực hiện hồ sơ trích đo địa chính thửa đất.
Bên cạnh đó, Tổ Kiểm tra công vụ tỉnh đã tiến hành kiểm tra Trung tâm Giải quyết TTHC tỉnh; một số phòng chuyên môn UBND TP Cà Mau và xã Tắc Vân. Qua công tác kiểm tra cho thấy, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động chấp hành khá tốt quy định về thời gian làm việc... Bên cạnh những kết quả đạt được, một số ít trường hợp cán bộ, công chức, viên chức không mang thẻ; bàn làm việc chưa có bảng tên, hồ sơ sắp xếp chưa ngăn nắp gọn gàng, việc niêm yết công khai nội quy cơ quan của xã Tắc Vân chưa đảm bảo.
Trong quý I, cấp tỉnh có 4 hồ sơ trễ hạn, cấp huyện có 17 hồ sơ trễ hạn, cấp xã có 79 hồ sơ trễ hạn; tất cả các hồ sơ trễ hạn đều có văn bản xin lỗi theo quy định. Với kết quả giải quyết TTHC trên, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt 97%. Các địa phương, đơn vị tiến hành rà soát kỹ lưỡng quy trình giải quyết TTHC ở cả 3 cấp, xác định các khâu dễ xảy ra tắc nghẽn, chậm trễ, đồng thời lắng nghe ý kiến phản hồi từ người dân và doanh nghiệp về những bất cập trong quá trình thực hiện TTHC.
Bảo đảm công tác văn thư, lưu trữ được thông suốt, liên tục
Một trong những nhiệm vụ cấp bách hiện nay đối với các cơ quan, đơn vị là bảo đảm công tác văn thư, lưu trữ được thông suốt, liên tục, quản lý an toàn tài liệu trước, trong và sau khi hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành chỉ thị chỉ đạo cụ thể: “Toàn bộ tài liệu lưu trữ hình thành trong quá trình hoạt động của UBND các huyện, TP Cà Mau phải được quản lý bảo đảm theo nguyên tắc không phân tán phông lưu trữ; được sắp xếp khoa học, bảo vệ, bảo quản, giữ gìn an toàn, phát huy giá trị tài liệu lưu trữ. Nghiêm cấm việc chiếm giữ, chuyển giao, huỷ trái phép tài liệu và cơ sở dữ liệu tài liệu; không được làm hỏng, thất lạc tài liệu và cơ sở dữ liệu tài liệu trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy”.
Một trong những nhiệm vụ cấp bách hiện nay đối với các cơ quan, đơn vị là bảo đảm công tác văn thư, lưu trữ được thông suốt, liên tục trong suốt quá trình sắp xếp đơn vị hành chính. (Trong ảnh: Bộ phận Một cửa thị trấn Sông Ðốc).
Theo ông Trần Bửu Nhân, Phó giám đốc Sở Nội vụ, trên cơ sở chỉ đạo, Sở Nội vụ đã thành lập các tổ để khẩn trương hướng dẫn UBND các huyện, TP Cà Mau về cách thống kê tài liệu lưu trữ, cách bảo quản tài liệu lưu trữ; đánh giá thực trạng tài liệu giấy và kho lưu trữ tài liệu giấy; tài liệu số và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ... nhằm hỗ trợ nghiệp vụ, xây dựng phương án quản lý cho UBND các huyện, TP Cà Mau thực hiện các nhiệm vụ quản lý công tác văn thư, lưu trữ trong suốt quá trình sắp xếp đơn vị hành chính. Từ đó, UBND các huyện, TP Cà Mau làm đầu mối hướng dẫn các xã, phường, thị trấn thuộc phạm vi quản lý. Thông qua đó cũng nhằm nắm bắt những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị đề xuất của các cơ quan, đơn vị về quản lý tài liệu lưu trữ trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính.
Xác định tầm quan trọng đặc biệt của việc số hoá tài liệu trong quản lý và bảo quản an toàn hồ sơ theo quy định pháp luật, Phó bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Nguyễn Ðức Hiển nhấn mạnh, các địa phương cần ưu tiên nguồn lực để khẩn trương số hoá tài liệu lưu trữ cấp huyện (trước khi kết thúc hoạt động) và cấp xã (trước khi tổ chức lại), đảm bảo tiến độ theo chỉ đạo của Trung ương. Trong quá trình giao nhận tài liệu, các cơ quan, tổ chức phải thực hiện nghiêm việc kiểm tra, đối chiếu, lập biên bản, bảo quản an toàn, bảo mật và tránh làm xáo trộn tài liệu. Ðồng thời, các địa phương, đơn vị cần chủ động đề xuất thiết bị scan phù hợp, lưu ý chọn lọc dữ liệu cần số hoá để tránh lãng phí nguồn lực./.
Mộng Thường