Chiều 3/1/2024, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ, giải pháp năm 2024.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản.
Song song đó, xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng từng loại nông sản, gắn với phát triển hạ tầng logistics nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo chuỗi cung ứng thị trường trong nước. Tập trung chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp xanh, triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu về ngành nông nghiệp, thị trường carbon...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 gắn với phát triển kinh tế nông thôn, làm cho người nông dân ngày càng thêm giàu có.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, giảm khai thác biển, tăng nuôi trồng, giải quyết dứt điểm nạn khai thác thuỷ sản bất hợp pháp. Thực hiện Đề án trồng 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh, bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững ngành lúa gạo, nâng cao thu nhập và đời sống của người trồng lúa.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, năm 2023, ngành nông nghiệp chuyển đổi mạnh từ tư duy sản xuất, sang tư duy kinh tế nông nghiệp; từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, đa ngành; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản; chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi ngành hàng theo chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Cà Mau.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, tồn tại cần tập trung khắc phục trong thời gian tới. Đó là, 3 quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (về lâm nghiệp, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão) chưa được ban hành đúng kế hoạch. Tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản mới chỉ gần đạt chỉ tiêu Chính phủ giao. Các hình thức tổ chức và liên kết sản xuất hiệu quả chưa thật sự ổn định. Chưa phổ biến các liên kết theo chuỗi giá trị để thúc đẩy cơ giới hoá, ứng dụng công nghệ cao, giảm chi phí trung gian, nâng cao giá trị gia tăng.
Về phía tỉnh Cà Mau, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử kiến nghị, Bộ NN&PTNT sớm đề xuất Chính phủ triển khai giai đoạn 2 Dự án đầu tư xây dựng công trình hệ thống thuỷ lợi Cái Lớn - Cái Bé để Cà Mau phát triển mạnh hơn nữa diện tích sản xuất lúa tôm. Bộ NN&PTNT ưu tiên hơn nữa nguồn lực cho chuyển đổi nghề từ các nghề khai thác xâm hại đến nguồn lợi và hệ sinh thái sang nghề khai thác vùng khơi với các phương án cụ thể, khả thi. Xây dựng cơ sở pháp lý hướng dẫn thành lập, tổ chưc quản lý các khu bảo tồn biển, đặc biệt là các rạn san hô nhân tạo.
Tại điểm cần Cà Mau, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử kiến nghị, các cơ quan chuyên môn của Bộ NN&PTNT sớm xây dựng hoàn thiện khung kiểm điểm tín chỉ carbon rừng.
Năm 2023, tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp đạt 3,83%, cao nhất trong nhiều năm gần đây, đóng góp lớn vào mức tăng trưởng 5,05% của nền kinh tế. Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng và là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Sản lượng lúa đạt 43,5 triệu tấn, tăng 1,9%; sản lượng thịt hơi các loại 7,79 triệu tấn, tăng 6,38%; sản lượng thuỷ sản 9,32 triệu tấn, tăng 2,3%; sản lượng gỗ khai thác 20,84 triệu m3, tăng 2,8%. Lần đầu tiên Việt Nam bán được 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng, thu về 1.200 tỷ đồng. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản duy trì mức cao, trên 53 tỷ USD.
Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước đạt 4,78 tỷ USD, tăng 38,4% so cùng kỳ năm 2022.
Trong công tác xây dựng nông thôn mới, tính đến hết năm 2023, cả nước có 6.370/8.167 xã đạt chuẩn NTM, trong đó 1.612 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 256 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Có 270 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ đạt chuẩn NTM. Đến nay, cả nước có 11.056 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên; có gần 20.500 HTX nông nghiệp và 19.660 trang trại.
Năm 2024, ngành nông nghiệp phấn đấu: tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,0-3,5%, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản 54-55 tỷ USD; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 80%; có 290 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn 58%; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42,02%...
Trung Đỉnh