ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 20-7-25 02:48:47
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Ðể tái nghèo không còn là nỗi lo

Báo Cà Mau Giảm nghèo bền vững là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ đặc biệt quan trọng mà tỉnh quan tâm hàng đầu và chỉ đạo sát sao trong những năm qua. Bằng những quyết sách thiết thực, sự huy động sức mạnh tổng hợp từ Mặt trận, đoàn thể, các cấp, các ngành, địa phương; bằng những giải pháp sinh kế hỗ trợ đúng, trúng, kịp thời, đã cơ bản giải được bài toán thoát nghèo và câu chuyện tái nghèo.

Bài 1: Thoát "vòng luẩn quẩn"

Trước đây, mỗi năm, đi cùng với kết quả giảm nghèo là con số tái nghèo không hề nhỏ. Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB&XH) tỉnh, thời điểm những giai đoạn trước, số hộ tái nghèo của Cà Mau khá cao. Tính riêng giai đoạn gần đây, từ năm 2016-2020, số tái nghèo của Cà Mau có khoảng 230 hộ. Ðó cũng là trăn trở của chính quyền địa phương và các ngành, các cấp.

Tuy nhiên, câu chuyện đau đầu đó nay không còn nữa, bởi những quyết sách hỗ trợ kịp thời, sự chung tay của cả cộng đồng với những giải pháp sát thực tế, đã đem đến cho tỉnh kết quả khả quan.

Bà Nguyễn Thu Tư, Phó giám đốc Sở LÐ-TB&XH, phấn khởi: “Nhìn lại cả giai đoạn từ năm 2021 đến nay, kết quả giảm nghèo của tỉnh rất đáng phấn khởi, tỷ lệ giảm nghèo bình quân trên địa bàn tỉnh đạt, vượt chỉ tiêu. Ðáng phấn khởi hơn hết là số hộ tái nghèo rất ít, bình quân mỗi năm chỉ còn khoảng 10 hộ tái nghèo. Ðây là thành công rất lớn của tỉnh, thành công trong tổ chức triển khai thực hiện chính sách, thành công trong việc hỗ trợ hộ nghèo thoát nghèo bền vững”.

Giảm sâu tỷ lệ tái nghèo

Ghi nhận số liệu rà soát thống kê mới nhất của Sở LÐ-TB&XH, trong năm 2024, toàn tỉnh giảm 2.010 hộ nghèo (tương đương 0,66%) và giảm 923 hộ cận nghèo (tương đương 0,3%), vượt 0,26% kế hoạch. Và với kết quả này, tỉnh đã đạt mục tiêu giảm nghèo của cả giai đoạn 2021-2025. Ðiều đáng quan tâm nhất chính là số hộ tái nghèo của tỉnh trong cả giai đoạn hiện tại rất thấp, chỉ 42 hộ.

Là hộ nghèo của xã 12 năm, gia đình ông Lâm Văn Hận, ấp Chống Mỹ, xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời, mừng rỡ khi được thoát nghèo gần 1 năm qua. Trong căn nhà kiên cố, khang trang, ông Hận mừng vui kể: “Cuộc sống gia đình giờ tạm ổn, năm rồi Nhà nước cho nhà, năm nay chính quyền quan tâm, hỗ trợ thêm 100 con vịt để chăn nuôi. Vợ chồng còn đi làm thêm theo mùa vụ, như cắt lúa, đào đất, làm hồ, mùa nào việc đó, mình chịu khó làm ăn thì cuộc sống mới ổn định được”.

Ðược biết, trước đây gia đình ông Hận nghèo nhất địa phương, phải nuôi 4 đứa con ăn học, đất chỉ 3 công, mùa vụ thất bát, rồi thiên tai làm sập nhà. Chính quyền địa phương đã hỗ trợ 50 triệu đồng cho gia đình xây nhà, rồi từ tiền làm lụng, tích góp, bà con hỗ trợ thêm, gia đình cất được căn nhà trị giá hơn 100 triệu đồng. Nhờ chịu khó làm ăn, các con lớn lên đỡ đần thêm nên gia đình làm đơn tự nguyện xin thoát nghèo.

Gia đình ông Lâm Văn Hận được UBND xã tặng giấy khen tự nguyện xin thoát nghèo.

Gia đình ông Lâm Văn Hận được UBND xã tặng giấy khen tự nguyện xin thoát nghèo.

Năm 2024, huyện Trần Văn Thời chỉ còn 342 hộ nghèo, chiếm 0,72% (giảm 0,60%, tương đương giảm 281 hộ) và có 451 hộ cận nghèo, chiếm 0,95% (giảm 0,26%, tương đương giảm 122 hộ). Với nhiều giải pháp, quyết tâm chăm lo đời sống hộ nghèo còn khó khăn trên địa bàn, năm qua, huyện Trần Văn Thời là 1 trong 6 địa phương của tỉnh không có hộ tái nghèo.

Khi áp dụng theo chuẩn nghèo đa chiều, ngành LÐ-TB&XH tỉnh đã rà soát, thống kê chi tiết từng chiều thiếu hụt của mỗi hộ nghèo. Theo đó, xây dựng kế hoạch cụ thể để hỗ trợ phù hợp cho từng đối tượng. Nhờ vậy, từng bước giải quyết được bài toán giảm nghèo và không để tái nghèo.

Trợ lực đúng nghĩa

Giai đoạn 2021-2025, tổng nguồn vốn phân bổ thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững của tỉnh gần 333 tỷ đồng. Trong đó, đối với dự án đa dạng hoá sinh kế, tổng nguồn vốn năm 2022-2024 hơn 62 tỷ đồng hỗ trợ, phát triển sản xuất cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo trong vòng 36 tháng tại các huyện, TP Cà Mau. Ðến nay, đã triển khai gần 200 mô hình sinh kế, chủ yếu tập trung vào các mô hình chăn nuôi, trồng trọt phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương như: nuôi bò, rắn, gà, cá chình, cá bống tượng, trồng rau màu, nuôi heo, vịt, lươn... Có khoảng 2.000 hộ thụ hưởng, bao gồm hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, góp phần vươn lên thoát nghèo bền vững.

Ông Phạm Văn Ðành, ấp Rẫy Mới, xã Phong Ðiền, huyện Trần Văn Thời, năm nay sắp bước qua tuổi 70 nhưng hằng ngày, cứ 4 giờ sáng là ông lên huyện lấy hột vịt về bán. Quê tỉnh Tiền Giang, về đây sinh sống đã mấy chục năm, điều kiện kinh tế khó khăn, ông sống trong căn nhà ọp ẹp, với 1 công đất ruộng làm kế sinh nhai. Gia đình từng là hộ nghèo 4 năm của xã.

Ông Ðành tâm tình: “Trước đây nhà cửa lụp xụp, được Nhà nước hỗ trợ xây nhà, gia đình tôi mừng lắm, mang ơn lắm. Tôi có nhà dưỡng già rồi”.

Ông Phạm Văn Ðành được hỗ trợ nhà ở, mô hình sinh kế. Hiện ông Ðành mở thêm nghề mua bán hột vịt, thu nhập gia đình thêm ổn định.

Ông Phạm Văn Ðành được hỗ trợ nhà ở, mô hình sinh kế. Hiện ông Ðành mở thêm nghề mua bán hột vịt, thu nhập gia đình thêm ổn định.

Tháng 3 vừa qua, ông Ðành còn được chính quyền địa phương hỗ trợ mô hình sinh kế nuôi lươn không bùn, với chi phí 30 triệu đồng. Trong đó, 3,8 triệu đồng xây hồ; còn lại mua con giống, thức ăn... Dù được hỗ trợ nhiều từ Nhà nước, chính quyền địa phương để thoát nghèo vào giữa năm 2024, nhưng với sự cần cù, chịu khó, ông Ðành vẫn quyết tâm đi làm, kiếm thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.

"Ranh giới giữa nghèo và tái nghèo rất mong manh, bởi phần đông dân số tỉnh có đến khoảng 70% tham gia sản xuất nông nghiệp, kinh tế nuôi thuỷ sản gặp nhiều khó khăn. Những hộ có đất, thu nhập cũng thiếu bền vững, việc làm không liên tục, ảnh hưởng đến nguồn thu gia đình. Do vậy, việc tạo thêm điều kiện hỗ trợ về chính sách, mô hình, điều kiện, trong 3 năm sau khi thoát nghèo là vô cùng quan trọng. Ðây là chìa khoá giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững và không lo sợ tái nghèo", bà Nguyễn Thu Tư chia sẻ./.

 

Hồng Nhung

Bài cuối: Tăng cường phối hợp, ngăn chặn tái nghèo

 

Nửa thế kỷ chuyện “trồng người” ở Cà Mau - Bài cuối: Ðất lành - Trăm năm tươi tốt

Sau 50 năm thống nhất đất nước, hệ thống trường học trên địa tỉnh Cà Mau được quy hoạch, đầu tư kiên cố, khang trang (trường xanh, sạch, đẹp) theo Ðề án kiên cố hoá trường lớp, trang thiết bị được đầu tư hiện đại, phục vụ tốt Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, đáp ứng tốt nhu cầu dạy và học. Các trường được đầu tư theo hướng tiến tới đủ điều kiện công nhận trường đạt chuẩn quốc gia, hiện nay ngành giáo dục đang tiếp tục triển khai thực hiện sắp xếp mạng lưới trường lớp theo Ðề án “Sắp xếp, phát triển mạng lưới trường học trên địa bàn tỉnh Cà Mau giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”.

Nửa thế kỷ chuyện “trồng người” ở Cà Mau - Bài 2: Nhà giáo hai quê

Trong những năm tháng sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đội ngũ giáo viên vừa thiếu về số lượng, vừa hạn chế về chuyên môn. Tuy vậy, với tinh thần “tất cả vì sự nghiệp trồng người”, nhiều giáo viên tình nguyện từ miền Bắc vào Nam theo tiếng gọi “Nam tiến”, đã không ngại gian khổ bám trụ để dạy học giữa rừng đước, rừng tràm, bưng biền, để tạo nên lớp thế hệ tương lai cho quê hương.

Nửa thế kỷ chuyện “trồng người” ở Cà Mau

Từ "vùng trũng” giáo dục khi giải phóng (30/4/1975), sau nửa thế kỷ, Cà Mau - vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc đã có thể tự tin, tự hào để nói về một vùng đất hiếu học, vùng đất học. Một nhà giáo về hưu, được tăng cường từ miền Bắc vào để giảng dạy những năm đầu sau giải phóng, đã nói đại ý về giáo dục Cà Mau: "Bác Hồ dạy “mười năm trồng cây, trăm năm trồng người”. Cà Mau là đất lành, thế nên rừng ở Cà Mau mênh mông đước tràm, chim kéo về làm tổ. Con người Cà Mau thì có bản sắc, cá tính riêng, chúng tôi, những người làm nghề giáo chỉ có mặt và góp thêm những điều mình có, nhỏ bé thôi, để khơi mở nội lực lớn lao của tài nguyên con người nơi đây”.

Báo chí đồng hành, đưa tín dụng chính sách đến dân - Bài cuối: Đồng hành trong chuyển đổi số

Chuyển đổi số trong hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đang ngày càng đi vào chiều sâu, từ khâu quản lý đến phục vụ người dân. Trong hành trình đó, báo chí đã và đang đóng vai trò không thể thay thế, không chỉ là “kênh truyền dẫn” thông tin, mà còn là người bạn đồng hành tin cậy, giúp đưa tín dụng chính sách đến với người dân một cách hiệu quả, nhất là trong bối cảnh số hóa đang chuyển mình mạnh mẽ.

Báo chí đồng hành, đưa tín dụng chính sách đến dân

Giữa dòng chảy không ngừng của chính sách, báo chí như ống kính soi chiếu hiệu quả từ thực tiễn, là kênh chuyển tải tâm tư, nguyện vọng và nhu cầu chính đáng của người dân, đặc biệt là nhóm người yếu thế, từ đó góp phần xây dựng chính sách hoàn thiện, hiệu quả, thực sự đi vào đời sống Nhân dân. Ðiều này đặc biệt thấy rõ ở vai trò của báo chí đối với công tác truyền thông tín dụng chính sách thời gian qua.

Kỷ niệm với Trường Trung học Tiền Phong

Nhớ giữa năm 1953 đầu năm 1954, tôi đang học Trường Trung học Tiền Phong do Xứ đoàn Thanh niên cứu quốc Nam Bộ tổ chức thì có quyết định rút tôi về cơ quan Xứ đoàn để bảo vệ Ban Biên tập Báo Nhân Dân miền Nam, do anh Kỉnh (Nguyễn Phượng Vũ) và anh Hưởng Triều (Trần Bạch Ðằng) phụ trách.

Công tác cán bộ: Ai chọn, chọn ai? - Bài cuối: Thành bại tại… cán bộ

Tổng Bí thư Tô Lâm, người đứng đầu Đảng ta khẳng định: “Công tác cán bộ là mấu chốt quyết định sự thành bại của chính quyền địa phương 2 cấp”. Gắn với cuộc cách mạng về bộ máy tổ chức là cuộc cách mạng về công tác cán bộ. Năng lực thực tiễn, đạo đức công vụ, uy tín Nhân dân là những tiêu chí cao nhất cho việc lựa chọn cán bộ. Đây cũng là những vấn đề mà tỉnh Cà Mau đặc biệt lưu tâm trong việc “chọn người” xứng tầm, đảm đương được yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh mới.

Công tác cán bộ: Ai chọn, chọn ai?

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi công tác cán bộ là vấn đề hết sức hệ trọng đối với sự nghiệp cách mạng: “Cán bộ là cái gốc của mọi việc, muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Công tác cán bộ là công việc khó, nhiều biến số, do đó cần có quy trình, cơ chế, tiêu chí lựa chọn chặt chẽ, thận trọng nhưng đồng thời cũng phải có sự mạnh dạn, đột phá. Việc “chọn người” cần phải làm rõ những vấn đề mấu chốt nhất, đó là “ai chọn?”, “chọn ai?” và chọn như thế nào? Gắn với cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức, thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp hiện nay, công tác cán bộ là vấn đề hết sức thời sự, quyết định đến hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy mới.

"Lá chắn thép" nơi cực Nam Tổ quốc - Bài cuối: Dệt nghĩa tình nơi vùng biên

Thắt chặt tình quân - dân, Bộ đội Biên phòng (BÐBP) Cà Mau tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở các địa bàn biên giới biển, đảo, thường xuyên thực hiện các hoạt động nghĩa tình, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho bà con. Ðiều này góp phần củng cố sức mạnh đại đoàn kết, tạo nên thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, phát huy sức mạnh tổng hợp để bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

"Lá chắn thép" nơi cực Nam Tổ quốc - Bài 2: Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng

Là lực lượng chủ công trên mặt trận phòng chống các loại tội phạm trên biển, Bộ đội Biên phòng (BÐBP) Cà Mau ngày đêm tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi xâm phạm chủ quyền, vi phạm pháp luật. Những chiến công liên tiếp trong việc triệt phá các chuyên án, bắt giữ tội phạm đã góp phần giữ vững an ninh trật tự, tạo môi trường ổn định cho sự phát triển kinh tế biển.